Bà Đặng Thị Hoàng Yến và những doanh nhân nổi tiếng bị miễn nhiệm đại biểu Quốc hội

Nhàđầutư
Bà Đặng Thị Hoàng Yến, ông Đinh La Thăng, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường ... từng là những doanh nhân thành đạt, trúng cử làm đại biểu Quốc hội và "phất lên như diều gặp gió", nhưng sau những thành công, là "cuộc đời đầy sóng gió".
HẢI ĐĂNG
14, Tháng 09, 2019 | 06:47

Nhàđầutư
Bà Đặng Thị Hoàng Yến, ông Đinh La Thăng, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường ... từng là những doanh nhân thành đạt, trúng cử làm đại biểu Quốc hội và "phất lên như diều gặp gió", nhưng sau những thành công, là "cuộc đời đầy sóng gió".

Bà Đặng Thị Hoàng Yến - Bà chủ của những dự án tỷ đô

Đặng Thị Hoàng Yến, sinh năm 1959, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, là người sáng lập Tập đoàn Tân Tạo (ITA) từ năm 1993. Bà Yến là một doanh nhân rất nổi tiếng, 3 năm liền thuộc top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán (2008-2010).

Bà Yến được Ủy ban MTTQ tỉnh Long An giới thiệu ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII năm 2011 nhưng tới 2012 bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội do không trung thực khi khai hồ sơ ứng cử.

Tháng 5/2012, bà Yến viết đơn xin từ nhiệm trước khi Quốc hội họp bàn xem xét bãi miễn tư cách Đại biểu Quốc hội. Trong đơn, bà cho hay đã "mệt mỏi" vì "chịu nhiều sức ép dư luận".

nhadautu--ba-dang-thi-hoang-yen-

Cựu  ĐBQH, doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến.

Dưới sự lãnh đạo của cựu đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến, nửa cuối thập niên 2000, Tập đoàn Tân Tạo liên tục giành được quyền phát triển một loạt các dự án có quy mô rất lớn. Đáng kể nhất là siêu dự án Nhiệt điện Kiên Lương - Cảng nước sâu Nam Du với tổng vốn đầu tư 6,7 tỷ USD, dự kiến khởi công vào cuối năm 2009 và đi vào hoạt động 4 năm sau đó.

Tân Tạo cũng không ngần ngại tham gia vào lĩnh vực bất động sản với dự án Khu thương mại - dịch vụ Vina Universal Paradise có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng nằm trên 60 ha địa bàn huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Trên website của Tập đoàn Tân Tạo còn giới thiệu một số dự án bất động sản đáng chú ý khác như Khu đô thị mới Xuân Mai với quy mô 9.600 ha đã được UBND tỉnh Hà Tây chấp thuận giao dự án quy hoạch từ năm 2008, dự án ITA Galeria Highrise có diện tích 14.000 m2 toạ lạc trên “đất vàng” đường Ðiện Biên Phủ, quận 1, TP.HCM. Ở Hà Nội, Tân Tạo có dự án cao ốc văn phòng ITA-Sky cao 45m trên phố cổ Triệu Việt Vương.

Tại ĐHĐCĐ năm 2019 diễn ra vào ngày 28/6 vừa qua của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP phát triển Đô thị Kinh Bắc tiếp tục đảm nhiệm vai trò chủ tọa. Đây là năm thứ 3, người em trai của bà Đặng Thị Hoàng Yến thay chị đảm trách vai trò quan trọng này và cũng là năm thứ 7 liên tiếp nữ Chủ tịch HĐQT không xuất hiện tại ĐHĐCĐ Tân Tạo.

Sự vắng mặt của của Chủ tịch HĐQT là một dấu hỏi lớn đối với cổ đông qua các năm và tại ĐHĐCĐ năm 2019, một số cổ đông đã bày tỏ việc không hài lòng trước sự vắng mặt của bà Yến trong nhiều năm liền.

Đến thời điểm hiện tại, HĐQT của Tân Tạo ngoài Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến còn có các thành viên là ông Nguyễn Thanh Phong, ông Trần Hoàng Ân và ông Hồ Huỳnh Hồ. Điều đáng chú ý là dù không chủ trì ĐHĐCĐ, song báo cáo quản trị thể hiện bà Yến vẫn tham dự đầy đủ các cuộc họp HĐQT và ký Nghị quyết HĐQT.

Cập nhật tới cuối tháng 6/2019, cổ đông lớn của Tân Tạo là CTCP Đại học Tân Tạo (7,42%), bà Đặng Thị Hoàng Yến ( 5,79%), ngoài ra ông Đặng Thành Tâm cũng nắm giữ 3,1% cổ phần tại công ty này.

Đình chỉ tư cách đại biểu Quốc hội của ông Đinh La Thăng

Ông Đinh La Thăng sinh năm 1960, quê tại Nam Định, là Ủy viên Trung ương Đảng khoá X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII; đại biểu Quốc hội khoá XI, XIII, XIV.

Ông được bầu vào Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII hồi tháng 1/2016. Đầu tháng 2/2016, ông được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy TP.HCM.

dinh la thang

Ông Đinh La Thăng.

Trước khi tham gia vào "chính trường", ông Thăng có 20 năm công tác tại Tổng công ty Sông Đà. Cụ thể, từ năm 1983-1988: Công tác tại Công ty Cung ứng vật tư thuộc Tổng công ty Xây dựng thuỷ điện Sông Đà, là Kế toán viên, Phó kế toán trưởng, Kế toán trưởng công ty, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên Công ty.

Từ năm 1989-1994, ông là Phó kế toán trưởng, Kế toán trưởng, Ủy viên Ban Thưởng vụ Đảng uỷ, Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tổng công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà, Ủy viên Trung ương Hội Kế toán Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Kế toán ngành Xây dựng.

Từ năm 1995 - tháng 3/2001: Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch công đoàn Tổng công ty Sông Đà; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Từ tháng 4/2001-10/2003: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Đà. Đại biểu Quốc hội Khoá XI, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Ủy viên Trung ương Hội Kế toán Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Kế toán ngành Xây dựng, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Xây dựng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam.

Từ tháng 11/2003-12/2005, ông giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa thiên - Huế; đại biểu Quốc hội Khoá XI, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Giai đoạn 2006-2011, ông Thăng làm Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch HĐQT PVN rồi Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV PVN.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội Khoá XIII. Tại kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa XIII, ông được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Giao thông vận tải.

Tháng 4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông vận tải. Trước đó vào tháng 2/2016: Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM. 

Hơn một năm trên cương vị Bí thư TP.HCM, ông Đinh La Thăng được biết đến với những phát ngôn mạnh mẽ và hành động quyết liệt, như lập đường dây nóng nghe bức xúc của người dân, doanh nghiệp; yêu cầu Công an TP.HCM mở chiến dịch trấn áp tội phạm; giải quyết tại chỗ những vấn đề nóng ở địa phương...

Ông cũng kêu gọi người dân "không chấp nhận thành phố tụt hậu như một định mệnh" mà phải giành lại ngôi vị "Hòn ngọc viễn Đông".

Ngày 7/5/2017, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng khi đó đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII, với tỷ lệ phiếu biểu quyết trên 90%.

Ngày 10/5/2017, ông Thăng được Bộ Chính trị phân công giữ chức Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Ngày 8/12/2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng ngày, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương) đối với ông Đinh La Thăng theo quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam cùng ngày của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Cũng trong ngày 8/12/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên bất thường, thông qua nghị quyết về việc tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng.

Tới 9/5/2018, tại Hội nghị Trung ương 7, Trung ương đã xem xét và quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.

Ông bị bắt vào ngày 8/12/2017 để điều tra về hành vi sai trái của mình đối với Tập đoàn Dầu khí, dẫn đến khoản lỗ 800 tỷ đồng (35,28 triệu USD) từ khoản đầu tư vào Oceanbank.

Bốn lần hầu tòa sau khi kháng cáo cả 2 bản án sơ thẩm, ông Đinh La Thăng không được giảm án. Nguyên Chủ tịch HĐQT PVN lĩnh 13 năm tù trong vụ án PVN góp vốn vào Oceanbank và nhận mức 18 năm trong vụ án còn lại.

Mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (Ethanol Phú Thọ), ngày 20/1, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục khởi tố bị can đối với ông Đinh La Thăng.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, cựu Chủ tịch PVN "ngã ngựa"

Ông Nguyễn Quốc Khánh sinh năm 1960, quê ở Hà Tĩnh, tốt nghiệp kỹ sư địa vật lý chuyên ngành thăm dò địa chất dầu khí tại Đại học Dầu khí Baku (Liên Xô cũ). 

bat-nguyen-quoc-khanh-1942

Ông Nguyễn Quốc Khánh cựu Chủ tịch PVN.

Ông Khánh đã có nhiều năm công tác tại PVN, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại tập đoàn này. Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Khánh từng giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty Chế biến và Kinh doanh sản phẩm dầu (PDC) trước khi đơn vị này hợp nhất với Petechim để thành lập Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) - một thành viên của PVN.

Tháng 7/2009, ông được bổ nhiệm làm 1 trong 7 Phó tổng giám đốc PVN và giữ chức vụ đó trong vòng hơn 3 năm trước khi trở thành Tổng giám đốc Tập đoàn vào tháng 11/2014.

Đến tháng 11/2014 ông Nguyễn Quốc Khánh được lên làm Tổng giám đốc PVN theo quyết định số 10599/QĐ-BCT của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng. Và từ ngày 20/7/2015, Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ về việc giao ông Nguyễn Quốc Khánh, Tổng giám đốc Tập đoàn kiêm thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch HĐTV PVN.

Ngày 12/01/2016, Thủ tướng đã ký quyết định số 89/QĐ-TTg bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Khánh, Tổng giám đốc PVN kiêm thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch HĐTV, giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV PVN.

Thời điểm đó, người tiền nhiệm của ông Khánh là ông Nguyễn Xuân Sơn bị thôi chức và bị bắt sau đó do liên quan tới những sai phạm tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).

Tuy nhiên, mới chỉ ngồi ghế Chủ tịch PVN được 1 năm, ngày 9/3/2017, Thủ tướng đã ký quyết định số 308/QĐ-TTg để ông Khánh thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV PVN đối với ông Nguyễn Quốc Khánh để về nhận nhiệm vụ tại Bộ Công Thương.

Vào tháng 4/2017, tại kỳ họp thứ 14 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra nhiều khuyết điểm của lãnh đạo PVN các thời kỳ, trong đó có ông Nguyễn Quốc Khánh.

Ngày 8/12/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Nguyễn Quốc Khánh. Ông Khánh bị khởi tối về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, là người đứng đầu PVN giai đoạn 2011-2015, ông Khánh phải chịu trách nhiệm trong việc tham mưu sai luật khi chỉ định gói thầu EPC Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông cũng bị liên đới trước những khuyết điểm, vi phạm trong quản lý tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án Nhiên liệu sinh học...

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - "Bà đỡ của các khu công nghiệp"

Bà Nguyệt Hường năm 1970 tại xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Bà là thạc sĩ Quản trị kinh doanh - Đại học IMPAC (Mỹ); cử nhân ngôn ngữ - Đại học Tổng hợp Lenin - Matxcova; cử nhân Anh văn - Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

Trước khi được biết đến với tư cách đại biểu Quốc hội liên tiếp các khóa XII, XIII, XIV bà đã nổi tiếng là một doanh nhân thành đạt.

nguyet-huong-1009

Cựu đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường giữ vai trò Chủ tịch Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của VID Group - một trong những doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp hàng đầu tại miền Bắc - kể từ năm 2006, khi tuổi đời chỉ mới 37.

Ngoài ra, bà Hường cũng được biết đến là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TNG Holdings, đơn vị được cho có cổ phần lớn tại CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ cổ phần bao nhiêu, mức độ chi phối đối với công ty này như thế nào đến nay vẫn là ẩn số chưa được công bố.

Năm 2016, tên tuổi của bà Hường cùng Tập đoàn VID Group gây chú ý với việc cùng đối tác Nga hợp tác xây dựng dự án tổ hợp bất động sản 6.500 tỷ đồng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Trong giới kinh doanh, bà Nguyệt Hường từng được ví von là "bà đỡ của các khu công nghiệp". Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường chính là Chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng Maritime Bank. Bà Hường cũng là vợ ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT MaritimeBank nhiệm kỳ I (2012-2016).

Trong lúc, tên tuổi, sự nghiệp kinh doanh, chính trị của bà Nguyệt Hường đang "hanh thông", thì ngày 15/7/2016, đại diện Tiểu ban Nhân sự và Giải quyết khiếu nại tố cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã làm việc với bà Nguyệt Hường. Trong quá trình làm việc, bà Hường đã thừa nhận mang quốc tịch Malta và có tài khoản nước ngoài, cổ phiếu quỹ Malta. 

Tại phiên họp chiều ngày 3/8/2016, HĐND TP. Hà Nội kỳ họp thứ 2, khóa XV đã thông qua Nghị quyết bãi miễn đại biểu HĐND TP. Hà Nội đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Lý do, việc có hai quốc tịch của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã vi phạm Hiến pháp, Luật Quốc tịch Việt Nam.

Bà Châu thị Chu Nga - Từ nữ đại gia bất động sản đến chốn lao tù

Châu Thị Thu Nga sinh năm 1965 tại Thừa Thiên - Huế, với trình độ chuyên môn là tiến sĩ quản trị Kinh doanh, bà Nga bước vào thương trường với nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, trong đó sản phẩm chính là cửa gỗ.

Nổi lên nhờ cơn sốt đất những năm 2006-2010, nữ "đại gia" Châu Thị Thu Nga đã gây dựng cho mình một sự nghiệp vững chắc với nhiều công ty lớn nhỏ. Nhưng rồi bỗng chốc tất cả tan thành mây khói khi bà chính thức bị bắt giam vào đầu năm 2015 với hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

cuu_dai_bieu_chau thi chu nga

Bà Châu Thị Thu Nga.

Cuối năm 2000, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) được thành lập với 3 xí nghiệp, cung cấp sản phẩm chính là gạch, ngói không nung.

Ở thời điểm đó, bà Nga được giới kinh doanh biết đến với tư cách là thầu phụ cung cấp vật liệu xây dựng cho các dự án và rồi tiến sang đầu tư, phát triển bất động sản. Những năm 2006-2010 sự nghiệp của bà phất lên như "diều gặp gió", lý do được cho là nhờ sốt giá đất đai.

Trong khoảng thời gian 2004-2011, bà Nga là đại biểu HĐND phường, sau đó bà tiếp tục tham gia đại biểu dân cử ở cấp quận. Từ 2011, bà trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Con đường chính trị của bà đã song hành với việc mở rộng của công ty.

Sau khi trúng cử ĐBQH, cái tên Châu Thị Thu Nga "nổi lên như cồn" khi người ta thấy bà tham gia vào hàng loạt các chức vị như Phó Trưởng ban điều hành Mạng các sàn giao dịch BĐS VN khu vực miền Bắc - Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng; Chủ tịch CLB Vườn ươm doanh nhân - Hội LHTN TP. Hà Nội; Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất; Ủy viên Ban Thường trực nhóm nữ ĐBQH Việt Nam…

Bà Châu Thị Thu Nga cũng là đại biểu HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016.

Ngay sau khi bà Nga trở thành đại biểu HĐND TP. Hà Nội, doanh nghiệp của bà liên tục công bố việc đầu tư vào hàng chục dự án tại Thủ đô, từ loại dành cho người có thu nhập trung bình đến cao cấp, văn phòng cho thuê, biệt thự nhà vườn, nhà liền kề,... như chung cư B5 - Cầu Diễn, Thượng Đình Plaza, Khu nhà ở kinh doanh Phú Thượng - Tây Hồ, khu nhà ở 25 Vũ Ngọc Phan, Trung tâm Dịch vụ hỗn hợp phường Phương Mai, Trung tâm thương mại vật liệu xây dựng Housing Group, Trung tâm chiếu phim và dịch vụ văn hóa thể thao (Quốc Oai),...

Ngoài Hà Nội, công ty của bà Nga còn đầu tư các dự án tại các tỉnh, thành như Trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng kết hợp nhà ở - Housing Garden (Đồng Văn, Hà Nam), Khách sạn Sing Hotel, Quất Lâm (Giao Thủy, Nam Định)...

Có lẽ bằng con đường thăng tiến, có được nhiều chức danh quan trọng, bà Châu Thị Thu Nga đã tạo được lòng tin vững chắc từ phía người dân - lòng tin đó thể hiện ở chỗ người dân rót rất nhiều  tiền vào các phi vụ làm ăn của người phụ nữ một thời "hô mưa gọi gió".

Tuy nhiên, sự nghiệp lại bỗng chốc tan thành mây khói khi bà chính thức bị bắt giam vào đầu năm 2015 với hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Cùng khoảng thời gian trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội của bà Châu Thị Thu Nga.

Một trong những dự án dẫn đến việc bà Châu Thị Thu Nga bị bắt là chung cư B5 Cầu Diễn. Trên thực tế, dự án B5 Cầu Diễn là dự án không thuộc diện kinh doanh nhà ở thương mại. Dự án này có tên chính thức là dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội (CT5) được sử dụng vào quỹ nhà ở tái định cư của thành phố. Dự án được Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội phê duyệt với 4 tòa nhà có số tầng từ 11-21 tầng.

Ngày 2/10/2017, TAND TP. Hà Nội đưa vụ án cựu đại biểu Châu Thị Thu Nga ra xét xử theo trình tự sơ thẩm. Trong bản cáo trạng dài 27 trang, đáng chú ý có một số thông tin liên quan đến việc bà Nga đã chi hết 348 tỷ đồng chiếm đoạt của khách hàng.

Ngoài các cựu đại biểu Quốc hội trên, ông Võ Kim Cự cũng từng là doanh nhân bị miễn nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội, ông Trinh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT PVC không được công nhận đại biểu Quốc hội...

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ