ANZ Việt Nam lãi sau thuế 193 tỷ đồng năm 2018

Nhàđầutư
Kết quả này giảm tới 82% so với năm 2017.
XUÂN TIÊN
02, Tháng 04, 2019 | 16:00

Nhàđầutư
Kết quả này giảm tới 82% so với năm 2017.

anz-viet-nam

 

Theo báo cáo tài chính kiểm toán vừa công bố, Ngân hàng TNHH MTV ANZ Việt Nam chỉ lãi sau thuế 193,3 tỷ đồng năm 2018, thấp hơn 82% so với mức 1.063,8 tỷ đồng năm 2017.

Tuy nhiên biên độ chênh lệch rất lớn này phần nhiều là do lợi nhuận của ANZ năm 2017 tăng mạnh nhờ bán mảng bán lẻ cho Shinhan Bank và thu về 825 tỷ đồng. Nếu loại trừ khoản này, chỉ tiêu lợi nhuận của ANZ chỉ suy giảm khoảng 20%.

Dù vậy, đây vẫn là mức giảm khá sâu, cho thấy ANZ đang gặp khó khăn ở thị trường Việt Nam.

Các mảng kinh doanh của ANZ đều đi xuống đáng kể, thu nhập lãi giảm 40% về còn 1.097 tỷ đồng, lãi từ hoạt động dịch vụ giảm tới 78%, còn 66 tỷ đồng. Các nghiệp vụ ngoại hối, chứng khoán đầu tư, chứng khoán kinh doanh cũng suy giảm.

Ở mặt tích cực, sau năm 2017 giảm mạnh, ANZ đã lấy lại đà tăng trưởng đối với tín dụng và huy động. Cụ thể, so với đầu năm 2018, tín dụng tới cuối kỳ tài chính tăng 11% lên 13.997 tỷ đồng, huy động tăng 27% lên 13.053 tỷ đồng.

Nhờ đó, tổng tài sản tới cuối năm 2018 là 30.992 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ đồng trong năm, vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 4.779 tỷ đồng. Các chỉ tiêu trên tương đương quy mô của một ngân hàng cỡ nhỏ trong nước.

ANZ có tiếng là một ngân hàng có hiệu quả hoạt động cao, sẵn sàng chi ra trung bình mỗi tháng tới 70 triệu đồng trả lương nhân viên. Năm 2017, công ty con của tập đoàn Úc đã quyết định bán lại mảng bán lẻ để tập trung đẩy mạnh dịch vụ khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính.

Tuy nhiên các mảng kinh doanh đồng loạt suy giảm cho thấy ban lãnh đạo ANZ Việt Nam lẫn tập đoàn mẹ vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng nước ngoài không ngừng gia tăng sự hiện diện ở Việt Nam. Bản thân khối ngân hàng trong nước cũng đang đẩy mạnh đánh chiếm thị trường trung gian thanh toán quốc tế ở thị trường 90 triệu dân.

Thực trạng kinh doanh khó khăn có thể liên quan tới biến động nhân sự cấp cao của ANZ. Tháng 3/2018, ông Dennis Hussey - người có 3 năm công tác tại ANZ Việt Nam từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc. Vị trí điều hành quan trọng nhất sau đó được chuyển "tạm" cho một nhân sự người Việt, trước khi được bà Jodi West - cựu Giám đốc khối Giao dịch Ngoại hối khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính tại Úc - đảm nhận vào giữa tháng 8 năm ngoái.

Trái ngược với tình cảnh tại ANZ, một nhà băng ngoại khác là HSBC Việt Nam vừa báo lãi kỷ lục 3.100 tỷ trong năm ngoái, tiếp tục thể hiện ưu thế vượt trội về vai trò trung gian thanh toán quốc tế của các doanh nghiệp, định chế tài chính nước ngoài ở Việt Nam.

Trường hợp thành công của HSBC phần nào phản ánh tiềm năng của thị trường Việt Nam đối với các nhà băng ngoại. Nhận thức được điều này, nhiều ngân hàng nước ngoài đang ra sức mở rộng thời gian qua.

Trung tuần tháng Ba, NHNN đã chấp thuận cho Bank of China (Hong Kong) chi nhánh TP.HCM tăng vốn từ 100 triệu USD lên 180 triệu USD, Industrial Bank of Korea chi nhánh Hà Nội tăng vốn từ 90 triệu USD lên 120 triệu USD và Siam Commercial Bank của Thái Lan.

Trong năm 2018, United Overseas Bank (UOB) của Singapore đã nâng cấp chi nhánh tại Việt Nam lên thành ngân hàng con và trở thành nhà băng 100% vốn nước ngoài thứ 9 tại Việt Nam, bên cạnh HSBC (HongKong), ANZ (Úc), Standard Chartered (Anh), Shinhan Bank (Hàn Quốc), Hong Leong Bank (Malaysia), CitiBank, CIMB (Malaysia), Public Bank Berhad (Malaysia).

Lượng chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng không ngừng gia tăng với sự góp mặt của nhiều gương mặt mới như Kookmin Bank chi nhánh Hà Nội với mức vốn được cấp là 35 triệu USD.

Các định chế tài chính nước ngoài cũng liên tục mở rộng vùng phủ sóng tại thị trường Việt Nam trong năm qua. Chẳng hạn, cuối năm 2018, UOB Việt Nam đã mở thêm chi nhánh tại Hà Nội. Public Bank Việt Nam cũng mở thêm 3 chi nhánh và 2 phòng giao dịch, nâng mạng lưới giao dịch của mình lên 18 chi nhánh, phòng giao dịch tại các tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam.

Hay như Woori Bank Việt Nam cũng mở thêm 5 chi nhánh và 1 PGD mới, chủ yếu tại các tỉnh có khu công nghiệp lớn như Thái Nguyên, Hà Nam, Bình Dương. Hiện ngân hàng 100% vốn nước ngoài có mạng lưới lớn nhất tại Việt Nam chính là Shinhan Bank. Với việc mở thêm 4 chi nhánh và PGD mới tại 2 thành phố lớn nhất nước trong năm qua, hiện tổng số điểm giao dịch của ngân hàng này trên toàn quốc là 30.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ