‘Ẩn số’ doanh nghiệp 1 tuần tuổi dự chi 5.400 tỷ đồng mua Vinaconex

Nhàđầutư
Thoái vốn nhà nước tại Vinaconex tiếp tục xuất hiện những diễn biến khó lường.
XUÂN TIÊN
16, Tháng 11, 2018 | 07:29

Nhàđầutư
Thoái vốn nhà nước tại Vinaconex tiếp tục xuất hiện những diễn biến khó lường.

vinaconex-vcg-nhadautu.vn

Với giá khởi điểm trọn lô cổ phần VCG của Viettel và SCIC lên tới hơn 7.400 tỷ đồng, sẽ là "logic" hơn nếu tư duy rằng đứng sau thương vụ Vinaconex là một tập đoàn tư nhân lớn

Thông tin từ Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết bốn nhà đầu tư vừa đăng ký mua cổ phần khối lượng lớn của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG) do SCIC sở hữu.

Theo đó, một nhà đầu tư cá nhân và ba doanh nghiệp gồm ông Nguyễn Văn Đông, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, CTCP Đầu tư Hạ tầng Thăng Long TJC và Công ty TNHH An Quý Hưng.

Với việc đều đăng ký mua trọn lô 254,9 triệu cổ phần, tương đương 57,71% vốn Vinaconex cùng mức giá khởi điểm 21.300 đồng/ CP, mỗi một trong số bốn nhà đầu tư dự chi ít nhất hơn 5.400 tỷ đồng trong cuộc đấu giá diễn ra vào ngày 22/11 tới.

Dù vậy, cách phiên đấu giá vỏn vẹn 5 ngày, không có quá nhiều dữ liệu về các nhà đầu tư "nghìn tỷ" này. 

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, nhà đầu tư cá nhân Nguyễn Văn Đông sinh năm 1980 tại TP. Huế, hiện sở hữu Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Đông Nguyên - một doanh nghiệp có vốn điều lệ 500 triệu đồng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, đóng trụ sở tại huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế.

Công ty TNHH Đầu tư Star Invest mới được thành lập ngày 9/11 vừa qua, tức là cách đây chừng một tuần. Doanh nghiệp đóng trụ sở tại 41A Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, cam kết sẽ huy động các nguồn vốn hợp pháp và thanh toán tiền đấu giá đúng thời hạn quy định. Công ty 1 tuần tuổi cũng khẳng định sẽ nâng cao năng lực tài chính, quản trị, cải thiện hoạt động kinh doanh và sức cạnh tranh của Vinaconex nếu trúng đấu giá. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Star Invest là ông Đặng Thế Anh Đức, thường trú ở một chung cư tại phường Vinh Tân, TP. Vinh, Nghệ An.

Trong khi đó, hai cái tên còn lại là các doanh nghiệp ít nhiều có tiếng tăm.

Về phần mình, CTCP Đầu tư Hạ tầng Thăng Long TJC được thành lập năm 2008, đóng trụ sở tại 57 Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội). Doanh nghiệp này không mấy nổi bật cho tới hai năm trở lại, khi liên tiếp gây chú ý với đề xuất xây Trung tâm thương mại và bãi đỗ xe có diện tích 13.000 m2 ở Sân bay Nội Bài năm 2016, rồi liên danh với CTCP Đầu tư Khai thác nhà ga Quốc tế Đà Nẵng xin xây mới nhà ga hành khách T4 có tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng ở Sân bay Tân Sơn Nhất.

Về mối liên hệ giữa TJC và Vinaconex, hai pháp nhân này đang cùng tham gia vào dự án Ka Long Riverside City có quy mô 48ha tại TP. Móng Cái, Quảng Ninh. TJC là đơn vị phát triển, còn Vinaconex là nhà thầu chính. Ngoài ra, liên danh TJC, Vinaconex và CTCP Nước sạch Hà Nam cũng đang đề xuất dự án Nhà máy nước Hoà Liên 1.200 tỷ đồng theo hình thức BOT tại Đà Nẵng.

Với các chỉ tiêu tài chính, vốn điều lệ của TJC hiện là 250 tỷ đồng, gồm các cổ đông Nguyễn Duy Dũng (45%), Trần Đức Thọ (45%) và Nguyễn Việt Hưng (10%). Tới cuối năm 2017, tổng tài sản của TJC là 257 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 237 tỷ đồng, thấp hơn 13 tỷ đồng so với vốn điều lệ, có nghĩa TJC đang ở trong tình trạng thua lỗ "ăn mòn" vốn. Năm 2017, doanh nghiệp này đạt doanh thu 1,8 tỷ đồng, lỗ sau thuế 2,8 tỷ đồng.

Đối với nhà đầu tư cuối cùng trong danh sách, Công ty TNHH An Quý Hưng được thành lập từ năm 2001, đóng "đại bản doanh" tại xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Khởi đầu từ một doanh nghiệp chuyên xây dựng nhà xưởng công nghiệp ở khu vực miền Bắc, An Quý Hưng tới nay đã mở rộng sang nhiều ngành nghề như khai thác khu công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh môi giới bất động sản. Vốn điều lệ của An Quý Hưng hiện là 360 tỷ đồng, thuộc 100% sở hữu của ông Nguyễn Xuân Đông (70%) và bà Đỗ Thị Thanh (30%). Tới cuối năm 2017, tổng tài sản đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, doanh thu thuần trong năm 956 tỷ đồng, lãi sau thuế 62,4 tỷ đồng.

Ngoài các lĩnh vực nêu trên, An Quý Hưng còn có mảng "tay trái" là đầu tư tài chính. Doanh nghiệp của nhà ông Nguyễn Xuân Đông từng nắm tới gần 1/3 vốn CTCP Vimeco - công ty con của Vinaconex, trước khi thoái lui vào cuối năm 2016. An Quý Hưng cũng từng "chi bạo", chào mua 43,29% cổ phần CTCP Tạp phẩm và Bảo hộ lao động - chủ đầu tư hai dự án 11 Cát Linh và 30 Đoàn Thị Điểm (Đống Đa, Hà Nội), đăng ký mua trọn lô 68,3% cổ phần CTCP Ô tô Hà Tây (năm 2015) hay 65,06% cổ phần Công ty Lâm đặc sản XK Quảng Nam (năm 2017).

Với "bức tranh" vừa được phác hoạ, không dễ để bốn nhà đầu tư trên thu xếp được hàng nghìn tỷ đồng mua cổ phần Vinaconex. Sẽ là "logic" hơn nếu tư duy rằng phía sau họ là một tập đoàn tư nhân lớn. Như Nhadautu.vn đã đề cập, một trong hai nhà đầu tư tham gia đấu giá lô 21,28% cổ phần Vinaconex thuộc sở hữu của Viettel (cùng ngày 22/11) là Công ty TNHH BĐS Cường Vũ - pháp nhân có nhiều liên hệ tới một tập đoàn lớn hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, hàng không.

Trong bối cảnh như vậy, với tính linh hoạt, kín đáo, doanh nghiệp 1 tuần tuổi Đầu tư Star Invest nhiều khả năng mới là "ẩn số" đáng chú ý nhất trong cuộc đấu giá sắp tới. 

Dĩ nhiên, đó chỉ là một giả thiết, kết quả hai cuộc đấu giá diễn ra song song vào thứ Năm tuần sau sẽ làm rõ hơn "chân dung" chủ sở hữu tương lai của Vinaconex.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24550.00 24560.00 24880.00
EUR 26323.00 26429.00 27594.00
GBP 30788.00 30974.00 31925.00
HKD 3099.00 3111.00 3212.00
CHF 27288.00 27398.00 28260.00
JPY 161.63 162.28 169.90
AUD 15895.00 15959.00 16446.00
SGD 18115.00 18188.00 18730.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17917.00 17989.00 18522.00
NZD   14768.00 15259.00
KRW   17.70 19.32
DKK   3538.00 3670.00
SEK   2323.00 2415.00
NOK   2274.00 2365.00
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ