An Phát Holdings - tham vọng thống lĩnh ngành nhựa của lãnh đạo tập đoàn thưởng Tết nhân viên 45 ô tô

Nhàđầutư
Chỉ sau hơn 1 năm thành lập, pháp nhân non trẻ là An Phát Holdings - doanh nghiệp do nhóm lãnh đạo Nhựa An Phát (AAA) điều hành đã có mức tăng vốn thần tốc từ 15 tỷ đồng lên 1.367 tỷ đồng và trở thành cổ đông chi phối của AAA. An Phát Holdings còn góp mặt trong nhiều thương vụ đình đám.
ANH MAI
22, Tháng 02, 2019 | 11:41

Nhàđầutư
Chỉ sau hơn 1 năm thành lập, pháp nhân non trẻ là An Phát Holdings - doanh nghiệp do nhóm lãnh đạo Nhựa An Phát (AAA) điều hành đã có mức tăng vốn thần tốc từ 15 tỷ đồng lên 1.367 tỷ đồng và trở thành cổ đông chi phối của AAA. An Phát Holdings còn góp mặt trong nhiều thương vụ đình đám.

Tăng vốn thần tốc

Cuối năm 2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings thông báo mua 10 triệu cổ phiếu AAA của Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát (An Phát Plastic) -  doanh nghiệp chuyên sản xuất nhựa có nhà máy thuộc cụm công nghiệp An Đồng, Nam Sách, Hải Dương. Sau giao dịch, An Phát Holdings tăng số lượng cổ phần nắm giữ lên khoảng 75,3 triệu cổ phiếu, tương đương 43,99% vốn điều lệ của AAA và là cổ đông lớn nhất của AAA.

Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2018 của AAA đã nhất trí thông qua việc cho phép Công ty Cổ phần An Phát Holdings được nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.

An Phát Holdings được thành lập ngày 31/3/2017, là tổ chức có liên quan đến ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch HĐQT AAA, ông Nguyễn Lê Trung - Tổng Giám đốc AAA, ông Phạm Hoàng Việt và ông Đinh Xuân Cường – Thành viên HĐQT AAA. Trong một năm trở lại đây, An Phát Holdings liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu AAA.

An Phát Holdings hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn đầu tư. Ông Phạm Ánh Dương đang đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của công ty. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Đinh Xuân Cường.

Pham ANh DUong

Ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát và Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings.

Từ số vốn điều lệ ban đầu 15 tỷ đồng với các cổ đông sáng lập bao gồm Nguyễn Thị Phượng (26,7%), Phạm Hoàng Việt (43,3%), Nguyễn Thị Tiện (30%), ngày 21/6/2017, vốn điều lệ của công ty được nâng lên 550 tỷ đồng, trong đó cổ đông sáng lập Nguyễn Thị Phượng đã chuyển nhượng toàn bộ 26,7% cổ phần. Hai cổ đông còn lại giữ nguyên tỷ lệ sở hữu.

Tháng 8/2018, An Phát Holdings tăng vốn lên 1.100 tỷ đồng. Đến tháng 2/2018, công ty tiếp tục nâng vốn lên 1.241 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông xuất hiện một cổ đông nước ngoài là công ty chứng khoán KB Securities của Hàn Quốc - nắm giữ 11,37% vốn điều lệ.

Đến tháng 10/2018, hai cổ đông sáng lập là Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Thị Tiện giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn lần lượt 23,38% và 7,79%. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại An Phát Holdings chiếm 15,35%, vốn trong nước chiếm 84,65%.

Tại thời điểm tháng 1/2019, vốn điều lệ của An Phát Holdings ở mức 1.367 tỷ đồng, rượt đuổi gần sát con số 1.711 tỷ đồng vốn điều lệ của AAA.

Như vậy, chỉ sau hơn 1 năm thành lập, pháp nhân non trẻ là Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings - doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán - do nhóm lãnh đạo AAA điều hành đã có mức tăng vốn thần tốc từ 15 tỷ đồng lên 1.367 tỷ đồng và trở thành cổ đông chi phối của AAA.

Những thương vụ đình đám

Trong vòng hơn 1 năm kể từ khi thành lập, An Phát Holdings liên tục công bố những thương vụ M&A, hợp tác làm ăn lớn.

An Phát Holdings chính là cái tên thâu tóm 50% Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội (doanh nghiệp sản xuất linh kiện nhựa phụ tùng ô tô xe máy lâu đời và có tên tuổi với các khách hàng lâu năm như Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam, Panasonic...) từ tay Công ty TNHH MTV Cadivi Đồng Nai mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai. 

Sau khi thâu tóm Nhựa Hà Nội, An Phát Holdings tiếp tục bắt tay với nhà sản xuất ô tô VinFast - thành viên của Tập đoàn Vingroup để thành lập công ty sản xuất nhựa ô tô vốn 420 tỷ đồng.

Công ty TNHH Linh kiện Nhựa Ô tô VinFast – An Phát (VAPA) được thành ngày 28/11/2018, trụ sở chính tại Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast, Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, TP Hải Phòng. Nhiệm vụ chính của doanh nghiệp này là sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô và xe có động cơ khác.

Linh kiện Nhựa Ô tô VinFast – An Phát do Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast và Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings mỗi bên góp 50%.

AAA

Tổ hợp nhà máy của Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát tại Nam Sách – Hải Dương.

An Phát Holdings được nhắc đến là nhân tố chính giúp tái khởi động lại nhà máy nghìn tỷ đắp chiếu Xơ sợi Đình Vũ (PVTex) của Tập đoàn đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN).

Tháng 5/2018, Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) ký hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh với liên danh An Phát Holdings và các đối tác nước ngoài, vận hành thương mại phân xưởng sản xuất sợi Filament của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.

Tháng 7/2018, PVTex và Xơ sợi tổng hợp An Sơn - đơn vị được ủy quyền bởi An Phát Holdings ký kết "Hợp đồng gia công sợi DTY", bước khởi đầu cho hợp tác kinh doanh, vận hành toàn bộ Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.

PVN đã có thỏa thuận cho phép An Phát Holdings mua tối thiểu 35% sản lượng PP từ Lọc hóa dầu Bình Sơn trong thời hạn từ 5 – 10 năm.

an phat

Lễ ký kết hợp đồng hợp tác gia công sợi DTY của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. 

Ngoài Xơ sợi Đình Vũ, tháng 3/2018, Công ty Cổ phần Kỹ thuật cao An Phát - thành viên nhóm An Phát Holdings rót 756 tỷ đồng mua lại dự án 'chết lâm sàng'Khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark quy mô 46ha tại Hải Dương.

Chủ cũ của dự án nói trên là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark, doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) được cấp phép thực hiện dự án đầu tư vào năm 2006 với hứa hẹn đầu tư 500 triệu USD để biến Việt Hòa – Kenmark thành một khu công nghiệp quy mô lớn.

Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tới năm 2010, chủ đầu tư dự án bất ngờ bỏ về nước, dự án dừng triển khai và bị bỏ hoang.

Dự án này đã được Kenmark thế chấp vay vốn tại 3 ngân hàng thời điểm đó là BIDV, SHB và Habubank (hiện đã sáp nhập vào SHB), với tổng vay nợ 67,6 triệu USD.

Sau nhiều lần chủ đầu tư rao bán Việt Hòa - Kenmark không thành công, An Phát đã tham gia thương vụ này.

Đáng lưu ý, trong khi An Phát Holdings lớn nhanh như thổi và liên tục góp mặt trong các thương vụ đình đám trong vòng hơn 1 năm qua thì tình hình kinh doanh của AAA lại không mấy khả quan.

Năm 2018, AAA đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến là 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 330 tỷ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2018, công ty đã thu về xấp xỉ 7.000 tỷ đồng doanh thu, vượt 17% kế hoạch nhưng lợi nhuận sau thuế lại dự kiến chỉ đạt 200 tỷ đồng. So với năm 2017, mức lợi nhuận AAA thu về năm nay đã giảm gần 24%, và chỉ đạt hơn 60% so với kế hoạch cả năm.

Trong khi đó, nợ vay của AAA tăng mạnh từ 610 tỷ đồng năm 2015 lên đến 4.548 tỷ đồng tính đến cuối năm 2018, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 3.206 tỷ đồng.

Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn chi thưởng Tết Kỷ Hợi 2019 cho nhân viên lên tới 900 triệu đồng, cao nhất tỉnh Hải Dương. Cuối tháng 12/2018, AAA đã chỉ hơn 30 tỷ đồng để mua 45 xe ôtô và 20 xe máy điện cho các nhân viên có kết quả làm việc tốt trong năm vừa qua.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ