Ai bảo vệ quyền tài sản của doanh nhân?

Khi quyền tài sản không được bảo vệ; tài sản, tiền của làm ra dễ bị xâm hại, bị chiếm đoạt thì không ai nỗ lực làm giàu nữa.
LS.NGÔ NGỌC TRAI
13, Tháng 05, 2019 | 09:53

Khi quyền tài sản không được bảo vệ; tài sản, tiền của làm ra dễ bị xâm hại, bị chiếm đoạt thì không ai nỗ lực làm giàu nữa.

LTS:Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.

Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi. 

Lâu nay Chính phủ rất quan tâm đưa ra nhiều chính sánh, giải pháp để cải cách môi trường kinh doanh, song cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa phát triển lớn mạnh được như mong muốn. Có nhiều nguyên nhân khiến cộng đồng doanh nghiệp nói riêng vẫn còn bị kìm hãm, khó phát triển “bứt phá” được, trong đó không thể không nói đến nguyên nhân cơ bản: yếu kém của nền tư pháp. 

Khi doanh nghiệp được bảo vệ một cách chắc chắn về tài sản sẽ có thêm động lực gia tăng lượng của cải, làm giàu cho mình, cho xã hội. Ngược lại, một khi quyền tài sản không được bảo vệ; tài sản, tiền của làm ra dễ bị xâm hại, bị chiếm đoạt thì không ai nỗ lực làm giàu nữa. 

Hiện nay, doanh nghiệp đang làm ăn, kinh doanh trong môi trường đất nước hòa bình, không có giặc giã, chiến tranh, và trong môi trường kinh doanh có một khung khổ luật pháp tương đối hoàn thiện với các quy tắc pháp luật dân sự bảo hộ quyền sở hữu. 

Vấn đề là hệ thống các quy định pháp luật đó, mặc dù rất quan trọng trong việc bảo vệ tài sản cho doanh nghiệp, nhưng lại gần như “vô hình” trong con mắt của không ít doanh nhân. Các doanh nhân ít quan tâm về hệ thống các quy định pháp luật đó, giống như người ta chả mấy khi quan tâm đến ô xy khi hít thở hàng ngày để sống. 

Chỉ khi có sự cố xảy ra, tài sản của doanh nghiệp bị xâm hại do những vi phạm hợp đồng của những bạn hàng, đối tác kinh doanh thì họ mới phát sinh nhu cầu về một thể chế tư pháp có hiệu lực, có năng lực, công bằng và nhanh chóng để bảo vệ tài sản cho họ. 

ai-bao-ve-quyen-tai-san-cua-doanh-nhan

Một nền tư pháp hiệu lực, hiệu quả sẽ giúp tạo lập môi trường pháp lý thân thiện, thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động một cách công bằng, bình đẳng, vững chắc. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nền tư pháp có vai trò phân xử, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Đây là thiết chế bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của một doanh nghiệp mà họ tìm tới khi bị xâm hại về tài sản. 

Chỉ khi “sự cố” xảy ra, doanh nghiệp mới thấm thía liệu tài sản của mình có được đảm bảo hay không, quyền sở hữu có được bảo hộ hay không. Đây mới chính là thước đo chuẩn xác nhất về hiệu lực bảo vệ sở hữu quyền tài sản chứ không phải là số lượng đông đảo các quy định pháp luật dân sự về tài sản và sở hữu. 

Tôi muốn đặt ra câu hỏi: lâu nay nền tư pháp có đảm đương được vai trò bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp? Cộng đồng doanh nghiệp có tín nhiệm vào nền tư pháp? 

Xử lên, xử xuống 

Xin lấy một ví dụ: Năm 2011 một doanh nghiệp sản xuất thiết bị ngành điện có nhà máy ở Vĩnh Phúc ký kết hợp đồng trị giá hơn 10 tỷ đồng cung ứng vật tư cho một nhà thầu thi công một dự án di dời đường điện cao thế tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi đã giao hàng và lắp đặt thiết bị nghiệm thu, hệ thống đi vào vận hành ổn định thì nhà thầu không chịu trả tiền cho bên cung ứng hàng. 

Sau một thời gian tranh cãi kéo dài, doanh nghiệp cung ứng, nhà thầu thi công và chủ đầu tư kiện nhau ra tòa năm 2015. Nhưng cho đến nay là năm 2019, tòa án vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử; quyền lợi của doanh nghiệp cung ứng vẫn không được đảm bảo, tiền hàng gần chục tỷ đồng chưa thu hồi lại được. 

Đây chỉ là một trong hàng nghìn, hàng vạn vụ kiện về tài sản xảy ra mỗi năm mà sự yếu kém của nền tư pháp khiến cho một khối lượng rất lớn tài sản bị kìm giữ trong vòng tranh chấp, chậm được phân định rõ ràng về chủ quyền sở hữu, chậm được đưa vào lưu thông để tạo ra hiệu quả kinh tế. 

“Vấn đề” của nền tư pháp còn ở chỗ, do nhiều yếu tố tiêu cực, chạy chọt, tham nhũng khiến cho nhiều phán quyết không đảm bảo lẽ công bằng, quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp không được bảo đảm, khiến cho nhiều vụ kiện kéo dài. Do đó, nhiều  đương sự có chứng cứ chính đáng trong tay không thể theo đuổi khiếu kiện kéo dài nên họ rất thiệt thòi. 

Nhiều vụ kiện bị “xử lên, xử xuống”, “hủy đi, hủy lại”, bào mòn tinh thần, gây tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của chủ doanh nghiệp, làm hư hỏng môi trường nghiêm chính của nền hành chính tư pháp công vụ. Ở nghĩa đó, nền tư pháp thay vì là giải pháp tháo gỡ các tranh chấp, triệt tiêu các xung đột, thì lại tạo ra thêm những xung đột trong đời sống xã hội, làm mất niềm tin vào công lý. 

Tỉ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện có xu hướng giảm theo thời gian, cụ thể năm 2013 tỉ lệ này là 60% thì năm 2017 giảm còn 30%, theo khảo sát của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam năm 2018 nhằm tìm giải pháp cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp ở nước ta.

Kết quả khảo sát cho biết tình trạng nhũng nhiễu, chạy án là nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngại khởi kiện. Những doanh nghiệp đã từng tiếp xúc với tòa án có cái nhìn tiêu cực hơn, hệ thống tư pháp không hiệu quả khiến doanh nghiệp có xu hướng không sử dụng, mà thay bằng các biện pháp khác như trọng tài thương mại, xã hội đen… 

Thực thi hợp đồng ở Việt Nam, dù đã có cải thiện, vẫn không được được đánh giá cao trong các bảng xếp hạng của World Bank, hay theo đánh giá của chính Bộ Tư pháp. 

Cần làm gì? 

Ở các nước phát triển, doanh nghiệp có thể nhanh chóng khởi kiện để đòi một khoản nợ, và tòa án sau, khi xét xử, sẽ kê biên phát mại tài sản để trả cho bên đòi; còn ở Việt Nam, như trên tôi đã đã chỉ ra, đây là điều khó khăn. 

Mặt khác, ở các nước, nếu doanh nghiệp nợ mà không chịu trả nợ thì họ sẽ chịu rủi ro rất lớn là bị tòa án tuyên bố phá sản theo yêu cầu của bên chủ nợ. Còn ở Việt Nam lâu nay, thủ tục phá sản do tòa án tiến hành với những yếu kém và nhiêu khê, khiến cho số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục phá sản đếm trên đầu ngón tay. Vì thế rất nhiều doanh nghiệp nợ tiền mà vẫn thách thức không trả mà chẳng hề lo sợ trước viễn cảnh bị tuyên bố phá sản. 

Tựu chung, cộng đồng doanh nghiệp đang phải chịu đựng một nền tư pháp kém tính năng hiệu quả. Điều này khiến cho các doanh nghiệp sẽ phải dành một khoản tài chính lớn để dự phòng rủi ro, làm hạn chế cơ hội mở rộng giao thương đầu tư, kinh doanh, làm cho nền kinh tế không phát triển được như tiềm năng. Ở góc độ như vậy, nền tư pháp sẽ kìm hãm, cản trở phát triển nền kinh tế. 

Thực trạng này không khó để chỉ ra, nhưng ngành tư pháp dường như không ý thức được vấn đề nội tại của chính mình, nhiều cán bộ tư pháp vẫn đang làm việc theo một cung cách thông thường như cũ. Chỉ có các doanh nghiệp khi dính đến kiện cáo, tranh chấp mới thấm thía được vấn đề. 

Lâu nay cũng có nhiều ý kiến thúc đẩy cải cách tư pháp nhưng lại không nhận được sự quan tâm thích đáng ở các cấp cao. Rốt cục là vẫn thiếu đi những động lực thúc đẩy cho cải cách nền tư pháp. 

Ngày nay, đứng trước những mong mỏi khát vọng của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, muốn chăm lo thúc đẩy cho phát triển nền kinh tế, đã đến lúc cần thẳng thắn xem xét thấu đáo mối mối quan hệ nhân quả giữa nền tư pháp và nền kinh tế. 

Có lẽ, cần có những chính sách cải cách, sắp xếp lại nền tư pháp, sao cho nền tư pháp là nơi thực thi công lý cho các chủ doanh nghiệp bị xâm phạm về quyền tài sản; là nơi trừng trị những kẻ lừa đảo, cướp đoạt tài sản hợp pháp của người khác; là nơi doanh nghiệp gửi gắm niềm tin kinh doanh. 

Một nền tư pháp hiệu lực, hiệu quả sẽ giúp tạo lập môi trường pháp lý thân thiện, thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động một cách công bằng, bình đẳng, vững chắc. 

(Theo Vietnamnet)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24625.00 24945.00
EUR 26301.00 26407.00 27573.00
GBP 30639.00 30824.00 31774.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26849.00 26957.00 27794.00
JPY 159.52 160.16 167.58
AUD 15876.00 15940.00 16426
SGD 18054.00 18127.00 18664.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17893.00 17965.00 18495.00
NZD 0000000 14638.00 15128.00
KRW 0000000 17.58 19.18
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ