2.100 tỉ đồng cho 2,7 km đường: 2 năm chưa xong!

11 km khép kín đường Vành đai 2 tại TP HCM vẫn là bài toán nan giải, trong đó chỉ với đoạn 2,7 km đã mất 2 năm chưa xong!
GIA MINH
05, Tháng 06, 2019 | 12:20

11 km khép kín đường Vành đai 2 tại TP HCM vẫn là bài toán nan giải, trong đó chỉ với đoạn 2,7 km đã mất 2 năm chưa xong!

Tại buổi giám sát tiến độ thực hiện các dự án khép kín đường Vành đai 2 ngày 4-6, HĐND TP HCM đặt ra nhiều vấn đề nhằm đánh giá lại thực trạng và ghi nhận những khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Theo quy hoạch, đường Vành đai 2 tại TP HCM dài hơn 64 km và hiện còn khoảng 11 km chưa khép kín. Trong đó chia thành gồm 4 đoạn khác nhau nhưng hiện chỉ đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức), dài 2,75 km là đang thi công. Tuy nhiên, dù khởi công năm 2017 nhưng đến nay mới chỉ đạt khoảng 60% và đang bị hàng loạt vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và di dời hạ tầng kỹ thuật.

Theo Công ty CP Văn Phú Bắc Ái - nhà đầu tư dự án đoạn 2,75 km, hiện diện tích mặt bằng bàn giao cho dự án chỉ đạt 48,6%, trong khi nhiều khu vực mặt bằng đã bàn giao lại không liên thông. Vì vậy, tại một số vị trí, nhà đầu tư đang phải thực hiện trước các công việc như tháo dỡ hạ tầng trên đất, thực hiện trông coi..., còn những khu vực khác, mặt bằng có đến đâu, đơn vị thi công đến đó.

Ông Trần Đức Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Văn Phú Bắc Ái, cho biết so với hợp đồng ban đầu, hiện tổng mức đầu tư của dự án này đã giảm từ khoảng 2.700 tỉ đồng còn khoảng 2.100 tỉ đồng. Trong đó, chi phí cho GPMB vào khoảng 1.100 tỉ đồng, còn lại là thi công xây lắp. Với tiến độ hiện nay, nhà đầu tư cho biết đã giải ngân được khoảng 1.300 tỉ đồng và trường hợp đến hết năm 2019, nếu toàn bộ mặt bằng được bàn giao thì phải đến cuối năm 2020 mới có thể hoàn thành.

anh-1-1-1559637163484400632216

Tại dự án này, nhiều đoạn mặt bằng có đến đâu, đơn vị thi công đến đó

Mặt khác, phía nhà đầu tư cũng cho biết hiện nay, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cấp nước, cáp viễn thông..., chưa được phối hợp đồng bộ, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đồng thời, dự án này được đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) và theo hợp đồng đã ký kết, sau khi hoàn thành sẽ có 6 khu đất trả cho nhà đầu tư, tuy nhiên hiện TP HCM chưa xác định được những khu đất này.

Lo lắng việc bồi thường GPMB chậm làm kéo dài thời gian thực hiện dự án, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu quận Thủ Đức báo cáo rõ tình hình, đồng thời đề nghị nêu rõ trách nhiệm đầu mối trong việc giải quyết những vướng mắc liên quan đến việc di dời hạ tầng kỹ thuật của dự án.

Liên quan đến việc GPMB, ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức, cho biết địa phương hiện đang triển khai nhiều phương án, giải quyết các thủ tục và vận động người dân đẩy nhanh việc bàn giao mặt bằng, dự kiến hết năm 2019 sẽ hoàn thành.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Tám, đối với việc di dời hạ tầng kỹ thuật, các chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan lên phương án thực hiện. "Tuy nhiên, việc di dời hạ tầng như cấp nước, viễn thông..., không thể giải tỏa trắng mà phải tính toán, thực hiện đồng bộ để vừa song song giữa cung cấp dịch vụ cho người dân vừa tổ chức thi công" - ông Tám nói.

anh-2-15596371634881131764223

Đường Phạm Văn Đồng - một trong những tuyến thuộc đường Vành đai 2, sau khi đưa vào khai thác đã giảm tải rất lớn áp lực giao thông cho các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp..., cũng như tăng sự kết nối giữa nhiều khu vực

Ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho biết mục tiêu của dự án xây dựng đoạn đường trên nhằm kết nối các trục giao thông chính như đường Phạm Văn Đồng với Quốc lộ 1, từng bước khép kín đường vành đai 2 theo quy hoạch, và đồng thời cũng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay, ông Phước cho biết phía HĐND TP sẽ ghi nhận và làm việc với các đơn vị liên quan nhằm nhanh chóng tháo gỡ. Ngược lại, phía nhà đầu tư cũng phải tiếp tục phối với các cơ quan nhà nước thực hiện đúng hợp đồng, trên tinh thần mặt bằng có đến đâu thì làm tới đó.

"Riêng phía quận Thủ Đức cần tập trung các biện pháp để giải quyết khó khăn trong GPMB, có thể nghiên cứu lập một bộ phận thực hiện chuyên trách để tiếp dân, tuyên truyền và vân động bàn giao sớm" - ông Phước đề nghị.

Nan giải khép kín

Ngoài đoạn đường 2,7 km nêu trên, 3 đoạn còn lại để khép kín đường Vành đai 2 hiện đang kêu gọi đầu tư. Trong đó, gian nan nhất là đoạn từ ngã ba An Lập (quận Bình Tân) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Nhà Bè), chiều dài khoảng 5,3 km. Khu vực này được đánh giá có chi phí GPMB rất lớn nên khó thu hút nhà đầu tư tham gia. Đối với 2 đoạn còn lại, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu (quận 9) đến xa lộ Hà Nội, chiều dài khoảng 3,82 km và đoạn từ khu vực nút giao Bình Thái trên xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), chiều dài khoảng 2 km, đang được lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt phương án bồi thường, GPMB..., dự kiến thi công vào năm 2020. Với 2 đoạn này, Sở Giao thông Vận tải cho biết đề xuất dự án đã được UNBD TP phê duyệt vào cuối năm 2016. Doanh nghiệp được giao lập dự án đã hoàn thành hồ sơ thiết kế cơ sở và được Sở GTVT thẩm định.

(Theo Người lao động)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ