Xuất khẩu nông sản vẫn khởi sắc dù gặp nhiều khó khăn mùa dịch

Dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm sản của VN trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 24,2 tỉ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước.
TRẦN MẠNH - KHẮC TÂM
23, Tháng 07, 2021 | 14:58

Dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm sản của VN trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 24,2 tỉ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước.

xuatkhautom1-1read-only-16270054423941702650528

Sau khi thu hoạch xong vụ một, người nuôi tôm ở Sóc Trăng làm vệ sinh ao, chuẩn bị thả nuôi vụ hai - Ảnh: K.TÂM

Ngoài sự hồi phục của một số thị trường nhập khẩu lớn sau khi khống chế được dịch, kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản của VN đạt được mức tăng trưởng cao còn do nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu VN đã nỗ lực tìm hướng đi mới, tăng kết nối và tiếp tục qua kênh online để tìm được các bạn hàng mới, các nhà nhập khẩu tiềm năng...

Thủy sản bội thu từ xuất khẩu

Ông Võ Văn Phục, tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch VN (Vinacleanfood), cho biết sau khi Mỹ cho phép các nhà hàng mở cửa trở lại, nhiều người dân kéo đến nhà hàng thưởng thức các món ăn sau thời gian nấu ăn ở nhà. 

"Xuất khẩu của Vinacleanfood trong tháng 5 vừa qua đã tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự đoán từ nay đến cuối năm, xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục tăng và cả năm có thể tăng trưởng 15 - 20%" - ông Phục cho hay.

Theo ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta, do "cường quốc" nuôi tôm là Ấn Độ bị dịch bệnh COVID-19 hoành hành nên sản lượng cung ứng toàn cầu giảm đáng kể. Nhờ vậy, sức tiêu thụ tôm của VN có thuận lợi hơn. Hầu hết các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu tại ĐBSCL đều có tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2020. Trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều DN tại Sóc Trăng tăng trưởng gần 40%. Riêng Công ty Sao Ta đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 100 triệu USD, dự kiến đạt 200 triệu USD trong năm nay.

Ông Võ Văn Chiêu - giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng - cho biết nhờ kiểm soát dịch bệnh COVID-19 khá tốt, kết quả xuất khẩu thủy sản của Sóc Trăng 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục tăng, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động. 

"Sóc Trăng có 10 DN chế biến thủy sản xuất khẩu lớn, có khả năng chế biến sâu. Dù diễn biến dịch bệnh phức tạp, chi phí tăng, nhất là chi phí vận chuyển nhưng trong 6 tháng qua xuất khẩu thủy sản vẫn đạt 580 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ 2020. Nếu thuận lợi, khả năng xuất khẩu tôm của Sóc Trăng cuối năm sẽ chạm con số hơn 1 tỉ USD" - ông Chiêu dự báo.

Theo ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), sự hồi phục nhu cầu tại 2 thị trường lớn là Mỹ và EU cùng một số thị trường tiềm năng khác đã giúp cho xuất khẩu thủy sản VN đạt những kết quả ấn tượng. Trong tháng 6-2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản VN tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái với 865 triệu USD, nâng tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm lên hơn 4,1 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm 1,7 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ 2020. 

anh-phu-tr6-che-bien-ca-tra-jpg-1read-only-1627005621012528912909

Chế biến cá tra xuất khẩu tại ĐBSCL - Ảnh: CHÍ QUỐC

Linh động thích ứng với dịch bệnh

Do dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kế hoạch xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm cũng như hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng bị ảnh hưởng nặng, trong đó có nông sản. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu rau quả vẫn giữ được đà tăng trưởng khá. Trong tháng 6, ngành hàng rau quả VN xuất khẩu đạt trên 356 triệu USD, tăng 38% so với cùng thời điểm năm ngoái. Lũy kế 6 tháng tổng giá trị xuất khẩu rau quả đạt trên 2,063 tỉ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ 2020.

Ngoài sự phục hồi nhu cầu tại một số thị trường, một trong những yếu tố giúp hoạt động xuất khẩu nông lâm, thủy sản tăng trưởng ấn tượng là do nhiều DN đã tích cực thay đổi để thích nghi, chủ động tìm kiếm các thị trường mới. 

Ông Nguyễn Đình Tùng - tổng giám đốc Công ty Vina T&T - cho biết trong tháng 4 và tháng 5-2021, sau các buổi họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, tham tán thương mại VN ở châu Âu, DN này đã được kết nối với một chuỗi siêu thị lớn của Pháp đang kinh doanh ở nhiều nước châu Âu. Hệ thống này đã thống nhất nhập khẩu hàng hóa của VN ngay trong giai đoạn vẫn còn dịch bệnh.

"Chúng tôi đã gửi hàng mẫu đi châu Âu cho các đối tác và đang chuẩn bị cho đơn hàng mỗi tháng 200 tấn rau quả xuất sang Pháp" - ông Tùng nói. Đồng thời khẳng định rằng việc có thêm khách hàng của EU là một tín hiệu tích cực cho nông sản VN nói chung và trái cây nói riêng khi xuất khẩu sang Mỹ đang gặp khó, thậm chí không thể xuất khẩu được do vấn đề vận chuyển.

Ngoài vấn đề cước phí tăng cao, các hãng tàu cũng kéo dài thời gian vận chuyển khiến ngành trái cây không thể xuất khẩu được. Thời gian vận chuyển trái cây từ VN qua Mỹ bằng đường biển trước đây chỉ mất 20 ngày nhưng nay lên tới 40 ngày. Trong khi đó, đa số các loại trái cây tươi của VN có vòng đời bảo quản dưới 35 ngày nên không thể xuất khẩu bằng đường biển được, trừ một số loại nông sản đông lạnh như nhãn, dừa và sầu riêng. Những loại khác buộc phải đi bằng đường không với số lượng hạn chế và cước phí rất cao, lên đến 6 USD/kg.

Trong khi đó, theo ông Hồ Quốc Lực, do gần hai năm bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, thu nhập của người tiêu dùng tại nhiều nước bị sụt giảm, sức mua cũng bị ảnh hưởng. Do đó, giá nhiều mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu sẽ khó tăng cao. 

"Ngoài diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, do các hãng tàu làm giá nên chi phí container vẫn chưa hạ nhiệt, khiến các DN có hàng xuất khẩu lao đao" - ông Lực nói. 

(Theo Tuổi trẻ)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ