Xuất hiện áp lực tỷ giá tăng

Sau nửa đầu năm ổn định và góp phần giúp cơ quan quản lý “tự tin” nới lỏng chính sách tiền tệ, tỷ giá đô la Mỹ với đồng Việt Nam đã có tín hiệu mới khi nhích tăng nhẹ kể từ đầu tháng 6 đến nay.
DŨNG NGUYỄN
08, Tháng 07, 2023 | 09:48

Sau nửa đầu năm ổn định và góp phần giúp cơ quan quản lý “tự tin” nới lỏng chính sách tiền tệ, tỷ giá đô la Mỹ với đồng Việt Nam đã có tín hiệu mới khi nhích tăng nhẹ kể từ đầu tháng 6 đến nay.

dola

Tỷ giá thường chịu áp lực tăng vào quí 3. Ảnh: L.V/The Saigon Times.

Trong hai tuần gần đây, tỷ giá bắt đầu tăng nhẹ trên thị trường. Tính đến ngày 7/7, tỷ giá chào bán tại Vietcombank ở mức 23.840 đồng/đô la Mỹ, giảm nhẹ so với ngày hôm qua (khoảng 60 đồng), nhưng vẫn tăng khá mạnh so với mức 23.750 đồng vào cuối tuần trước, và mức 23.650 đồng/đô la vào đầu tháng 6.

Đáng chú ý là khoảng cách giữa thị trường ngân hàng và thị trường phi chính thức cũng dần thu hẹp lại. Hiện tỷ giá trên thị trường phi chính thức là 23.737 đồng/đô la, vẫn còn thấp hơn đáng kể so với giá bán đô la ở nhà băng.

Trái ngược với việc các thành viên tham gia thị trường điều chỉnh giảm giá bán đô la, ngày hôm nay Ngân hàng Nhà nước lại tăng nhẹ tỷ giá trung tâm thêm 5 đồng, lên mức 23.833 đồng/đô la. Tỷ giá dùng để tham chiếu này tăng khoảng 33 đồng so với cuối tuần trước và tăng khoảng 104 đồng so với đầu tháng 6.

Như vậy tỷ giá đang nhích tăng dần kể từ đầu tháng 6, đặc biệt tốc độ tăng thấy rõ hơn trong hai tuần gần đây. Tính chung với cả tháng 6, giá bán đô la tăng tương ứng khoảng 0,8%, đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 10-2022, theo đánh giá trong báo cáo của Công ty chứng khoán Maybank IB (MSVN).

Lý giải cho việc tỷ giá tăng trong thời gian gần đây, đại diện MSVN cho rằng nhu cầu đô la tăng đột xuất vì EVN thanh toán cho nhập khẩu điện. Bên cạnh đó, mức chênh lệch lãi suất giữa đô la Mỹ và tiền đồng ở mức cao khiến dòng tiền thực chảy vào Việt Nam chưa được dồi dào.

Còn ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Công ty chứng khoán SSI, trong tọa đàm gần đây nói rằng tỷ giá thường chịu áp lực cao hơn vào quý 3 so với các thời điểm khác trong năm. Riêng từ tháng 6 và những ngày đầu tháng 7 thì đã có mức độ mất giá nhất định.

Theo đánh giá của ông Hoàng Huy, chuyên viên phân tích vĩ mô của MSVN, tỷ giá tăng gần đây là một tín hiệu đáng quan tâm, nhưng chưa nhiều. “Chúng tôi chưa nhìn thấy dòng tiền đô la chảy ra đáng kể nào, những biến động hiện vẫn đang trong vòng kiểm soát”, ông Huy nhìn nhận.

Trong sáu tháng đầu năm nay, tỷ giá tiền đồng ổn định sau đợt tăng mạnh vào cuối năm ngoái. Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa, Ngân hàng nhà nước cũng đẩy mạnh mua vào đô la, tăng quỹ dự trữ ngoại hối. Con số công bố mua vào hồi cuối tháng 5 là hơn 6 tỉ đô la Mỹ.

Một trong những lý do giúp tỷ giá duy trì ổn định trong thời gian qua là được hỗ trợ bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân duy trì khá tốt (đạt 10 tỉ đô la trong sáu tháng đầu năm, tương đương cùng kỳ). Mặt khác, cán cân thương mại thặng dư lớn (ước tính hơn 12 tỉ đô la trong nửa đầu năm) do nhập khẩu giảm, theo báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty chứng khoán SSI phát hành hồi đầu tuần.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích của SSI cũng đánh giá rằng tỷ giá trong quý 3 sẽ chịu áp lực mang tính mùa vụ đến từ việc chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng khác vẫn là việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kỳ vọng tiếp tục tăng lãi suất đồng đô la Mỹ.

Mặc dù tăng không nhiều trong thời gian qua, nhưng việc tỷ giá nhích tăng lên cũng được đánh giá là một tín hiệu cần phải chú ý trên thị trường. Trong 6 tháng cuối năm, diễn biến tỷ giá được nhiều chuyên gia gắn liền với câu chuyện Fed tăng lãi suất.

Đại diện MSVN đánh giá tỷ giá vẫn chịu áp lực tương đối trong ngắn hạn, nhưng lại khá lạc quan vào cuối năm. Theo đó, dự báo tiền đồng có xu hướng tăng giá so với đồng đô la đặt trong bối cảnh thặng dư tài khoản vãng lai ổn định, cùng với đó là khả năng Fed chỉ còn một đợt tăng lãi suất khoảng 25 điểm cơ bản trong tháng 7, trước khi dừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ. “Điều này sẽ giảm áp lực chênh lệch lãi suất cho tiền đồng”, ông Huy đánh giá.

Còn theo nhóm phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect, sức ép tỷ giá cuối năm sẽ phụ thuộc vào diễn biến lãi suất đô la Mỹ cũng như định hướng hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ tăng trưởng và lạm phát trong nước. Bên cạnh đó, các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 cũng sẽ góp phần làm tăng nguồn cung ngoại tệ.

“Chúng tôi cho rằng tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa sau năm 2023, tuy nhiên, mức độ dao động không quá 2% so với hồi đầu năm”, báo cáo của VNDirect đánh giá.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia khác duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, yếu tố tỷ giá ổn định đã góp phần hỗ trợ đáng kể cho việc Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành trong thời gian qua. Tuy nhiên, có không ít nhóm phân tích đặt câu hỏi lo ngại về việc giảm nhanh lãi suất tiền đồng trong khi lãi suất đô la vẫn ở mức cao, thậm chí còn có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, sẽ gây áp lực ngược lại đến sự ổn định của tỷ giá.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ