Xây dựng bộ tiêu chí phân loại xanh: Kinh nghiệm thế giới và điều kiện thực tiễn ở Việt Nam

Nhàđầutư
Việc xây dựng tiêu chí phân loại xanh là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển thị trường tín dụng xanh (TDX) và trái phiếu xanh (TPX). Xu hướng này đang lan rộng trên toàn cầu, với sự tham gia ngày càng tăng của các quốc gia phát triển cùng các tổ chức tài chính quốc tế đáng kể như WB, IMF, ADB...
PGS.TS NGUYỄN ĐÌNH THỌ
03, Tháng 04, 2024 | 09:22

Nhàđầutư
Việc xây dựng tiêu chí phân loại xanh là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển thị trường tín dụng xanh (TDX) và trái phiếu xanh (TPX). Xu hướng này đang lan rộng trên toàn cầu, với sự tham gia ngày càng tăng của các quốc gia phát triển cùng các tổ chức tài chính quốc tế đáng kể như WB, IMF, ADB...

IMG_8338

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT. Ảnh: Trọng Hiếu

Ngày 3/4 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư với sự phối hợp của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường - Bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách".

Tạp chí Nhà đầu tư xin trân trọng giới thiệu bài tham luận của PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT:

Xây dựng bộ tiêu chí phân loại xanh: Kinh nghiệm thế giới và điều kiện thực tiễn ở Việt Nam

Trong tình hình thị trường, hai kênh huy động vốn này đang đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn cho các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là các mục tiêu liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, từ khi Nghị quyết số 41-NQ/TW năm 2004 của Bộ Chính trị về phát triển hệ thống tài chính trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nhiệm vụ " “Phát triển các tổ chức tài chính, ngân hàng, tín dụng về môi trường nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư BVMT”" đã được đề ra. Trong khoảng thời gian gần đây, có nhiều văn bản chỉ đạo và điều hành từ phía Chính phủ cùng các Bộ, ngành, nhằm thúc đẩy phát triển tài chính xanh, cũng như việc thúc đẩy TDX và TPX. Tuy nhiên, trước khi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 được ban hành, hành lang pháp lý để hỗ trợ cho hai kênh tài chính này đã gặp nhiều khó khăn, không đồng nhất. Việc xây dựng một hệ thống tiêu chí phân loại xanh được đánh giá là cần thiết để đảm bảo tính nhất quán và hiệu quả trong việc thúc đẩy TDX, TPX và phát triển bền vững.

Lần đầu tiên trong lịch sử, quy định về tín dụng xanh và trái phiếu xanh đã chính thức được nhắc đến trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 của Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường vốn cho mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Kinh nghiệm của các quốc gia trong ban hành Danh mục phân loại xanh

Năm 2012, Tổ chức Sáng kiến trái phiếu khí hậu (CBI- Climate Bond Initiative) đưa ra các hướng dẫn tự nguyện cho thị trường tài chính dưới hình thức Danh mục phân loại trái phiếu khí hậu (Climate Bonds Taxonomy - CBI Taxonomy), Tiêu chuẩn và Chương trình chứng nhận trái phiếu khí hậu (Climate Bonds Standard and Certification Scheme). Danh mục phân loại trái phiếu khí hậu là một hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn, và yêu cầu kỹ thuật dựa trên nền tảng khoa học khí hậu bao gồm nghiên cứu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), và đóng góp của các Nhóm công tác Kỹ thuật và Công nghiệp của CBI.

Tin Dung Xanh 1

 

Danh mục phân loại trái phiếu khí hậu đã có những đóng góp lớn vào sự phát triển của Danh mục phân loại tài chính bền vững (EU Sustainable Finance Taxonomy) hay còn gọi là EU Taxonomy for sustainable activities) của Ủy ban châu Âu, và Danh mục phân loại xanh (Green Taxonomy) của gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được ban hành chính thức (Nga, Mông Cổ, Trung Quốc, Malaixia, Inđônêxia, Phillipin, Colombia...) hoặc đang trong quá trình soạn thảo cho các hoạt động kinh tế bền vững với mục tiêu giảm phát thải, BVMT và thúc đẩy nền kinh tế các bon thấp.

Tất cả các Danh mục phân loại xanh đều được xây dựng nhằm mục đích chung là giúp các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan xây dựng chính sách và các bên liên quan xác định khoản đầu tư nào có thể được gắn nhãn “xanh”, từ đó giúp đưa ra các quyết định về các khoản đầu tư thân thiện với môi trường, khuyến khích và mở rộng việc thực hiện các dự án và hoạt động kinh tế bền vững với môi trường và đóng góp vào các mục tiêu môi trường cụ thể. Trong các mục tiêu môi trường cụ thể của mỗi Danh mục phân loại xanh có sự khác biệt để thể hiện các mục tiêu môi trường quốc gia và mức độ ưu tiên về phát triển các ngành kinh tế mà các quốc gia hướng đến

Mặc dù, các quốc gia có thể xây dựng Danh mục phân loại xanh dựa trên các nguyên tắc và cách thức khác nhau, nhưng nhìn chung những danh mục phân loại xanh phổ biến nhất trên thế giới hiện nay vẫn được tiếp cận chủ yếu dựa trên 3 nguyên tắc chính sau:

- Tiếp cận theo nguyên tắc “Danh sách trắng”: Cách tiếp cận này tập trung vào việc xác định các dự án đủ điều kiện hoặc các hoạt động kinh tế theo từng ngành hoặc tiểu lĩnh vực. Loại phân loại này liệt kê các công nghệ được coi là xanh hoặc bền vững và cung cấp mô tả chi tiết về tính đủ điều kiện. Việc phân loại dựa trên danh sách trắng không phải lúc nào cũng bắt đầu bằng việc sàng lọc toàn bộ các hoạt động kinh tế mà tìm cách xác định các hoạt động đã xanh hoặc chứa các thành phần xanh có thể mang lại nhiều tác động tích cực hơn cho môi trường. Cách tiếp cận này được Nga, Trung Quốc và Mông cổ sử dụng trong quá trình xây dựng Danh mục phân loại xanh của mình.

- Tiếp cận dựa trên tiêu chí sàng lọc kỹ thuật (Technical screening criteria): Tiếp cận dựa trên tiêu chí sàng lọc kỹ thuật cung cấp thông tin về các ngưỡng và tiêu chí sàng lọc cho các hoạt động kinh tế và sự tuân thủ của chúng với các mục tiêu cụ thể. Tiếp cận dựa trên tiêu chí sàng lọc kỹ thuật xác định liệu các hoạt động kinh tế có tạo ra một đóng góp đáng kể vào môi trường và không gây hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác hay không. Trong các lĩnh vực, cách tiếp cận dựa trên tiêu chí sàng lọc kỹ thuật nhằm mục đích trung lập về công nghệ trong việc sàng lọc các dự án đủ điều kiện để đưa vào và do đó không xác định trước bất kỳ hoạt động công nghệ hoặc tiểu ngành cụ thể nào. Tuy nhiên, việc vận hành tiêu chí sàng lọc kỹ thuật sẽ đòi hỏi sự sẵn có của dữ liệu cần thiết. Danh mục phân loại xanh của Hàn Quốc, EU và Nam Phi đang sử dụng cách tiếp cận này để xây dựng.

- Tiếp cận dựa trên các nguyên tắc (principles-based approach): tương tự như Nguyên tắc trái phiếu xanh của ICMA, cách tiếp cận này được áp dụng ở Danh mục phân loại của Malaixia và Nhật Bản. Ngân hàng Negara, Malaixia sử dụng phương pháp phân loại dựa trên nguyên tắc để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Danh mục xanh áp dụng nguyên tắc tiếp cận này sẽ bao gồm các nguyên tắc hướng dẫn cốt lõi để đánh giá các hoạt động kinh tế nào có thể được tài trợ.

Việc xác định một dự án có thuộc danh mục phân loại xanh là một khía cạnh của các nguyên tắc và quy định về trái phiếu xanh và tín dụng xanh. xác nhận. Kết quả tổng hợp kinh nghiệm quốc tế và theo khuyến nghị về nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn Quốc tế (ICMA) và Tiêu chuẩn trái phiếu xanh ASEAN cho thấy có 4 phương thức xác nhận phổ biến sau:

(i) Lấy ý kiến của bên thứ hai: Đây là hình thức đánh giá bên ngoài phổ biến nhất trên thị trường trái phiếu xanh. Theo hình thức này, thông qua việc đánh giá độc lập dựa trên nghiên cứu về chứng thực tính bền vững của trái phiếu xanh cũng như các dự án và tài sản cơ sở. Phương pháp tiếp cận làm cơ sở cho việc đánh giá thường do tổ chức cung cấp ý kiến về thiết kế, hoạt động của dự án phù hợp với nguyên tắc phát hành trái phiếu xanh. Hình thức này thường được áp dụng ở giai đoạn trước khi phát hành, các tổ chức cung cấp ý kiến sẽ không có ý kiến gì thêm sau khi phát hành và phân bổ nguồn vốn thu được từ phát hành. Ngoài ra, hình thức này cũng có thể thay đổi khá nhiều tùy thuộc vào phương pháp tiếp cận mà tổ chức cung cấp ý kiến sử dụng.

(ii) Thông qua xác minh, xác thực hoặc đảm bảo: Đây là hình thức mà các tổ chức phát hành có thể thu thập ý kiến xác minh độc lập dựa trên một bộ tiêu chí về các quy trình kinh doanh và/hoặc tiêu chí môi trường đạt chuẩn. Ý kiến xác thực cung cấp đánh giá về mức độ tuân thủ với các tiêu chuẩn áp dụng từ bên ngoài hoặc với các tiêu chuẩn hay tuyên bố của tổ chức phát hành thiết lập. Ngoài ra, việc đánh giá các tính năng bền vững về môi trường của các tài sản cơ bản có thể được gọi là xác minh và có thể tham khảo các tiêu chí bên ngoài (ví dụ như kiểm toán độc lập thực hiện theo các thủ tục được mô tả trong ISAE 3000 - phân tích các thông tin phi tài chính trong quá khứ). Việc đảm bảo hoặc chứng thực liên quan đến phương pháp theo dõi nội bộ của tổ chức phát hành về việc sử dụng nguồn vốn thu được, phân bổ nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu xanh, tuyên bố về tác động môi trường hoặc mức độ áp dụng của báo cáo với các nguồn thu trái phiếu xanh cũng có thể được chấp nhận.

(iii) Chứng nhận: Theo hình thức này, trái phiếu xanh hoặc khung trái phiếu xanh liên quan hoặc việc sử dụng nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu có thể được chứng nhận đáp ứng theo một tiêu chuẩn hoặc nhãn xanh được công nhận. Tiêu chuẩn hoặc nhãn xanh thường do các tổ chức độc lập xây dựng và công bố với các tiêu chí cụ thể. Chương trình Chứng nhận trái phiếu khí hậu của Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI) hiện là tiêu chuẩn tham chiếu và tiêu chuẩn vàng cho các đánh giá độc lập trên thị trường. Việc đáp ứng với các tiêu chí này thường được kiểm tra bởi các bên thứ ba đã được công nhận và có đầy đủ năng lực để xác minh việc đáp ứng của doanh nghiệp với các tiêu chí chứng nhận.

(iv) Xếp hạng trái phiếu xanh: Hình thức này, các tổ chức phát hành có thể được một cơ quan hoặc tổ chức xếp hạng hoặc công ty chuyên ngành chứng nhận đủ điều kiện thực hiện chấm điểm khung trái phiếu của tổ chức phát hành theo phương pháp tính điểm/xếp hạng được thiết lập bởi cơ quan xếp hạng hoặc công ty chuyên ngành chấm điểm đó. Hình thức này thường liên quan đến các phương pháp và bộ dữ liệu riêng mà tổ chức chấm điểm/xếp hạng sử dụng để đánh giá, nên thực tế này có thể ảnh hưởng đến tính khách quan và hài hòa của phân tích. Việc chấm điểm/xếp hạng tập trung đánh giá rủi ro môi trường trọng yếu, khác với mô hình xếp hạng tín dụng thông thường. Kết quả chấm điểm/xếp hạng thường được đưa ra tại thời điểm trước khi phát hành, xác nhận sự phù hợp của trái phiếu với các nguyên tắc trái phiếu xanh và không có chấm điểm/xếp hạng sau khi phát hành và phân bổ nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu.

Hầu hết các tổ chức quốc tế, khu vực và quốc gia khuyến khích việc xác nhận trái phiếu xanh, chương trình tín dụng xanh thông qua tổ chức đánh giá độc lập. Theo thống kê chưa đầy đủ Châu Âu, Indonesia và Phillipin quy định việc xác nhận trái phiếu xanh là bắt buộc. Để tham gia được vào việc đánh giá, các tổ chức đánh giá độc lập phải đăng ký hoặc cấp phép và được giám sát bởi cơ quan có thẩm quyền của nhà nước, điển hình như: của EU là Ủy ban giám sát thị trường và chứng khoán Châu Âu (ESMA); của Indonesia là Bộ Môi trường và Indonesia chấp thuận các tổ chức đánh giá độc lập quốc tế; Trung Quốc thành lập Ủy ban Tiêu chuẩn trái phiếu xanh là cơ quan liên ngành thực hiện đánh giá và chứng nhận trái phiếu xanh.

Các nguyên tắc và phương pháp đề xuất trong xây dựng Danh mục phân loại xanh cho Việt Nam

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành cũng đặt ra mục tiêu phát triển thị trường TDX, TPX như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược BVMT Quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2050.... Dưới góc độ pháp luật, Luật BVMT năm 2020 lần đầu tiên đưa quy định về TDX (Điều 149) và TPX (Điều 150) và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020 đã quy định chi tiết về lộ trình, cơ chế khuyến khích cấp TDX, phát hành TPX (khoản 2 Điều 154 và các Điều 155, 156 và 157). Các quy định về TDX, TPX trong hệ thống pháp luật về BVMT, trong các định hướng phát triển của các tổ chức tín dụng (TCTD), trong các nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP), trái phiếu do Chính phủ ban hành (Nghị định số 95/2018/NĐ-CP) và chính quyền địa phương (Nghị định số 93/2018/NĐ-CP) đã tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ để hình thành, phát triển, quản lý nhà nước đối với hai kênh tài chính tiềm năng này nhằm huy động nguồn lực từ thị trường cho việc chuyển đổi, phát triển các mô hình kinh tế xanh, ít chất thải, các bon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục vụ các mục tiêu môi trường quốc gia và các cam kết khí hậu.

Trên thực tế, từ năm 2017 đến nay Bộ TN&MT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bước đầu thiết lập “Danh mục dự án xanh” và xây dựng tài liệu hướng dẫn để phân loại các hoạt động kinh tế/dự án xanh phục vụ công tác thống kê, báo cáo TDX, cũng như làm cơ sở cho các chương trình cấp TDX và phát hành thí điểm TPX. Thị trường TDX đã có tốc độ phát triển cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế; một số TPX chính quyền địa phương, TPX doanh nghiệp được phát hành thí điểm, đặc biệt phát hành trái phiếu cho các dự án xanh có quy mô lớn như năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời. Tuy nhiên, các “Danh mục dự án xanh” và hướng dẫn trên đều chưa được phân loại theo thống kê ngành kinh tế của Việt Nam, chưa được phân loại theo các mục tiêu, lợi ích môi trường và chưa có các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường cụ thể theo thông lệ quốc tế; và việc thiếu một danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia làm hạn chế việc áp dụng đồng bộ ở ngành tài chính để huy động nguồn tài chính định hướng xanh.

Luật BVMT năm 2020 bổ sung thêm hai quy định về TDX, TPX là cần thiết, kịp thời và phù hợp với xu hướng, thông lệ quốc tế, góp phần tạo hành lang pháp lý để hình thành, phát triển thị trường sản phẩm tài chính tiềm năng này, góp phần định hướng lại dòng đầu tư và thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt, tại COP26, Liên minh tài chính Glaskow vì trung hòa các bon (Glasgow Financial Alliance for Net Zero - GFANZ) bao gồm 450 Tổ chức, định chế tài chính, ngân hàng đại diện cho 130.000 tỷ USD (tương đương 40% tổng tài sản tài chính trên thế giới) đã đạt được thỏa thuận chung cam kết chuyển đổi danh mục cho vay và đầu tư để nhằm đạt được Trung hòa các bon (Net-Zero) bằng “0” vào năm 2050 hoặc sớm hơn và trong vòng 18 tháng kể từ khi tham gia Liên minh, các đinh chế tài chính, ngân hàng này sẽ đặt mục tiêu cụ thể cho năm 2030 (hoặc sớm hơn), đồng nghĩa với cam kết gia tăng ở quy mô lớn chưa từng có danh mục đầu tư và TDX, TPX.

Hầu hết các tập đoàn và định chế tài chính, ngân hàng đa quốc gia hiện diện tại Việt nam đều tham gia Liên minh tài chính trên và sẽ chuyển đổi danh mục đầu tư và tài trợ, cho vay của mình sang đầu tư vào TDX, TPX đặt ra cho Việt Nam cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ trong việc huy động nguồn vốn từ hai kênh tài chính tiềm năng này. Để chính sách này phát huy hiệu quả trong thực tiễn đòi hỏi các Bộ, cơ quan ngang bộ cần tiếp tục phối hợp để hướng dẫn cụ thể, nhất là việc ban hành danh mục phân loại xanh chính thức và các tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng về các dự án xanh, cũng như quy trình dán nhãn minh bạch cho các dự án đáp ứng yêu cầu TDX, TPX, tuân theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.

Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 149 về tín dụng xanh; tại khoản 2 Điều 150 về trái phiếu xanh của Luật BVMT cho thấy, nhiều dự án đầu tư, hoạt động BVMT có các mục tiêu bảo vệ môi trường tương đồng. Cùng với đó, cả 2 quy định đều có quy định mở đối với các dự án đầu tư “tạo ra lợi ích khác về môi trường” hoặc “Dự án đầu tư khác theo quy định”. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất, thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tiễn thì việc ban hành chung 01 danh mục bao trùm cả danh mục các dự án BVMT, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường là cần thiết, đảm bảo tính phù hợp với pháp luật về BVMT, tạo thuận lợi cho công tác thống kê, theo dõi và hoạch định chính sách có liên quan. 

Trên cơ sở phân tích, đánh giá sự tương đồng của từng nhóm mục tiêu bảo vệ môi trường chính, các Mục tiêu bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư được đề xuất làm cơ sở cho việc xây dựng danh mục phân loại xanh trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bao gồm:

a) Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; tài nguyên đất, tiết kiệm năng lượng;

b) Phát thải ít các-bon; phát triển nguồn năng lượng tái tạo

c) Thích ứng với biến đổi khí hậu

d) Ngăn chặn, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường; cải thiện chất lượng môi trường; cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố môi trường

e) Cải tạo, nâng cấp công trình BVMT; xây dựng hạ tầng đa mục tiêu, thân thiện môi trường

f) Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; đầu tư phát triển vốn tự nhiên; kinh tế xanh

g) Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

h) Quản lý chất thải, áp dụng kinh tế tuần hoàn

i) Quản lý hiệu quả nguồn nước và xử lý nước thải

j) Dự án đầu tư tạo ra lợi ích khác về môi trường

Quá trình xây dựng Danh mục phân loại xanh của Việt Nam được thực hiện theo ba bước như sau:

Bước 1. Xác định cấu trúc của danh mục phân loại xanh và phân nhóm các lợi ích môi trường.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 149 và khoản 2 Điều 150 của Luật Bảo vệ môi trường và đối chiếu giữa kinh nghiệm quốc tế, đặc trưng hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan, dự thảo xác định một số nội dung như sau:

- Danh mục phân loại xanh là một danh mục sắp xếp các loại hình dự án đầu tư có hoạt động bảo vệ môi trường hoặc mang lại lợi ích về môi trường đồng thời đáp ứng các tiêu chí sàng lọc và chỉ tiêu môi trường của tiêu chí sàng lọc;

- Dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh là dự án đầu tư đáp ứng các tiêu chí môi trường và yêu cầu không gây hại đáng kể đến các mục tiêu bảo vệ môi trường khác;

- Xác định các nhóm lợi ích môi trường chính đối với các dự án đầu tư để được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh đảm bảo tính phù hợp về pháp luật, thống nhất chung trong cùng 1 danh mục.

- Tiêu chí sàng lọc là tiêu chí thể hiện một số đặc tính nhất định để xác định dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh;

- Chỉ tiêu là thông tin cụ thể của tiêu chí sàng lọc được thể hiện thông qua giá trị giới hạn của thông số kỹ thuật của nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, chất thải, quy trình sản xuất, kinh doanh và yêu cầu quản lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật;

Bước 2. Xác định, phân nhóm các dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh.

Cơ sở để xác định gồm: hệ thống phân ngành kinh tế, phân ngành sản phẩm của Việt Nam; tham khảo danh mục đang được hướng dẫn bởi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường; kinh nghiệm tốt của các Tổ chức khu vực như Liên minh Châu Âu, ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Tổ chức sáng kiến khí hậu toàn cầu (CBI)…; đối chiếu tên của dự án đầu tư với hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam để xác định các mã ngành kinh tế phù hợp để gắn mã phục vụ công tác thống kê, đánh giá và quản lý nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh

Tổng số có 80 dự án đầu tư xác định trong danh mục phân loại xanh thuộc 08 nhóm ngành, lĩnh vực đại diện được đề xuất trong danh mục phân loại xanh. 

80 dự án được lần lượt gồm: (i) 20 loại hình dự án đầu tư thuộc lĩnh vực năng lượng; (ii) 03 loại hình dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông, vận tải; (iii) 7 loại hình dự án đầu tư thuộc lĩnh vực tài nguyên nước; (iv) 19 loại hình dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học; 5 loại hình dự án đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo; (vi) 11 loại hình dự án đầu tư thuộc lĩnh vực chất thải; (vii) 8 loại hình dự án đầu tư thuộc lĩnh vực thông tin, truyền thông và dịch vụ; (viii) 5 loại hình dự án đầu tư thuộc lĩnh vực chuyển đổi xanh. Trong đó, dự án chuyển đổi xanh được xác định là loại hình dự án đầu tư có phát thải khí nhà kính lớn nhưng có áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ giảm thiểu phát thải khí nhà kính và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường

Bước 3. Xác định các tiêu chí môi trường đối với mỗi loại hình dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh

Tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư để được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh là các tiêu chí điều chỉnh thiết kế, hiệu suất, vật liệu, sản xuất, bảo trì và thay đổi hoặc sửa đổi các sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ để bảo đảm quy trình sản xuất, sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ đáp ứng các mục tiêu bảo vệ môi trường, bao gồm: Tiêu chí sàng lọc, chỉ tiêu môi trường và yêu cầu không gây hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác. Trong đó, yêu cầu không gây hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác bao gồm: phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương; tuân thủ yêu cầu về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.Phương pháp xây dựng, đề xuất và lựa chọn quy định về xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh.

Bước 4. Xây dựng phương án xác nhận dự án thuộc Danh mục phân loại xanh

Rà soát hiện trạng hệ thống pháp luật của Việt Nam cho thấy, mặc dù chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc xác nhận dự án theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, chủ thể phát hành trái phiếu xanh có nhu cầu xác nhận để được hưởng chính sách, ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước nhưng trên thực tế, thị trường Việt Nam vẫn có các tổ chức thực hiện dịch vụ đánh giá độc lập chẳng hạn như các tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện dịch vụ đảm bảo hay tổ chức được ủy quyền xác nhận trái phiếu xanh từ Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI). Các tổ chức như CBI hay Tổ chức Đầu tư quốc tế thường ưu tiên sử dụng các đơn vị/tổ chức có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm liên quan đã được cấp phép bởi Chính phủ địa phương như các công ty kiểm toán độc lập hoặc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, các tổ chức đánh giá sự phù hợp và các tổ chức chuyên môn về môi trường khác. Yêu cầu đối với các đơn vị/tổ chức này là phải thực hiện các dịch vụ đảm bảo theo chuẩn ISAE 3000 (đây là tiêu chuẩn quốc tế).

Ở Việt Nam ISAE 3000 đã được công nhận và được Bộ Tài chính ban hành thành Chuẩn mực số 3000 (VSAE 3000) - Hợp đồng dịch vụ đảm bảo ngoài dịch vụ kiểm toán và soát xét thông tin tài chính quá khứ.

Sau khi rà soát các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, hiện nay có 04 đơn vị có tiềm năng và năng lực thực hiện việc xác nhận xanh theo quy định của pháp luật đầu tư  bao gồm tổ chức kiểm toán độc lập; tổ chức xếp hạng tín nhiệm; tổ chức đánh giá sự phù hợp; tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. Tuy nhiên, khi đối chiếu với các Nghị định có liên quan đến 03 đối tượng này với chuẩn mực hiện hành đang được áp dụng (VSAE 3000) thì chỉ có tổ chức kiểm toán độc lập hoạt động theo pháp luật kiểm toán độc lập có đủ cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ để thực hiện xác nhận. Các tổ chức còn lại mặc dù có thể cung cấp dịch vụ đảm bảo theo ISAE3000 được quốc tế công nhận nhưng theo pháp luật hiện hành thì chưa đảm bảo điều kiện pháp lý để tham gia vào dịch vụ này.

Kết luận

Xây dựng hệ thống Danh mục phân loại xanh theo chuẩn quốc tế đóng một vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Việc áp dụng chuẩn quốc tế trong việc đánh giá và phân loại các dự án xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho đất nước, từ khía cạnh kinh tế, môi trường đến xã hội.

Một trong những tầm quan trọng hàng đầu là tạo điều kiện cho phát triển bền vững. Việc xây dựng mục phân loại xanh dựa trên chuẩn quốc tế giúp xác định rõ ràng những tiêu chí và yếu tố quan trọng trong việc đánh giá tính bền vững của các dự án. Điều này khuyến khích việc đầu tư và phát triển các dự án có tác động tích cực đến môi trường, đồng thời hạn chế sự phát triển của những dự án gây hại. Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và tài trợ quốc tế là một yếu tố quan trọng. Các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế ngày càng quan tâm đến các dự án xanh và bền vững. Bằng việc áp dụng chuẩn quốc tế trong việc phân loại các dự án, Việt Nam sẽ tạo ra sự minh bạch và tin tưởng cho cộng đồng quốc tế. Điều này giúp thu hút đầu tư và tài trợ quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và công nghệ trong nước.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ