Vụ 9 người trốn ở lại Hàn Quốc: Không cho đi nhờ chuyên cơ nữa để đỡ mang tiếng

Nhàđầutư
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sẽ không cho người không thuộc đoàn ngoại giao Việt Nam đi trên cùng chuyên cơ nữa, sau vụ 9 người bỏ trốn tại Hàn Quốc.
THẮNG QUANG
18, Tháng 10, 2019 | 16:30

Nhàđầutư
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sẽ không cho người không thuộc đoàn ngoại giao Việt Nam đi trên cùng chuyên cơ nữa, sau vụ 9 người bỏ trốn tại Hàn Quốc.

Chiều 18/10, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo thông tin về chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV.

Đặt câu hỏi với Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc về vụ việc 9 người bỏ trốn sau khi đi trên chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội đến Hàn Quốc, báo chí cho rằng điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, vậy biện pháp nào để tránh trường hợp tương tự xảy ra?.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay báo chí đã thông tin và bản thân ông cũng đã trả lời báo chí. Theo ông, ban đầu, ông không nói "đi cùng" chuyên cơ vì những người này không thuộc thành phần của đoàn chính thức của Quốc hội Việt Nam mà chỉ là doanh nghiệp đi dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bên liên quan phối hợp tổ chức.

Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định: "Vì thế, tôi không nói đi cùng mà là 'đi nhờ' chuyên cơ. Đây không phải lần đầu tiên, quá trình lập danh sách các doanh nghiệp đi dự Diễn đàn do Bộ KH&ĐT thực hiện, gửi danh sách sang Bộ Công an thẩm tra thân nhân từng người và sau đó mới đề nghị được đi trên cùng máy bay".

quoc-hoi

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí. Ảnh: Như Ý.

Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cũng cho hay sau khi nhận được thông tin bên Hàn Quốc, Văn phòng Quốc hội đã gửi văn bản đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Công an phối hợp với nước bạn trục xuất số người hiện còn bỏ trốn. Hàn Quốc đang phối hợp rất tốt.

“Nhà nước luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp xúc, tiếp cận thị trường và doanh nghiệp nước ngoài tìm cơ hội hợp tác. Việc lợi dụng để bỏ trốn là không tốt. Biện pháp là lần sau không cho đi nhờ để tránh mang tiếng đi cùng chuyên cơ", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Về việc không công khai danh sách 9 người bỏ trốn, Tổng Thư ký Quốc hội cho hay, bản thân ông không biết đó là những ai. "Bộ KH&ĐT cầm các hộ chiếu của những người này. Tại họp báo Chính phủ, phóng viên cũng đã hỏi, đại diện Bộ KH&ĐT và Bộ Công an cũng đã trả lời rồi nên tôi không nhắc lại nữa", ông chia sẻ.

Trước đó, như Nhadautu.vn đã đưa tinh, ngày 23/9, báo chí của Hàn Quốc đã đưa thông tin về việc có 9 người trong số các thành viên đi cùng phái đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam vào tháng 12/2018 đã bỏ trốn ở lại trái pháp luật tại Hàn Quốc. 

"Đến nay đã đưa được 2 người về nước. Các cơ quan đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan phía Hàn Quốc để tìm những người còn lại và trục xuất về nước", ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí ngay sau đó.

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho hay Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng ngày 21/10 tại Nhà Quốc hội (Hà Nội). Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 28 ngày (không kể ngày nghỉ); Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 27/11.

quoc-hoi1

Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban thuộc Quốc hội tại cuộc họp báo. Ảnh: Như Ý.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp cuối năm 2019 - năm thứ tư của nhiệm kỳ, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.

Tại kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp cuối năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (17 ngày, chiếm tỷ lệ hơn 60% tổng thời gian của kỳ họp). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (11 ngày, trong đó có 3 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).

Tại kỳ họp, Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua 13 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác. Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (theo quy trình tại một kỳ họp).

Quốc hội cũng sẽ xem xét Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị quyết về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội (nếu có); Xem xét, quyết định việc miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước (đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp).

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 (trong đó có nội dung về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 03 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Trà Vinh và vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai-len cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135);

Quốc hội cũng sẽ xem xét Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Xem xét, quyết định Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Xem xét, quyết định việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015; Xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

quoc-hoi2

Toàn cảnh cuộc họp báo thông tin Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Như Ý.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019.

Về hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”. Quốc hội sẽ dành thời gian 3 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định công tác nhân sự; xem xét, thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp.

Theo chương trình dự kiến, bên cạnh phiên khai mạc và bế mạc kỳ họp, các phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; phiên giám sát tối cao về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018".

Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội… sẽ được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam giúp cử tri và nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi về hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ