Vì sao tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp kết quả bầu Chủ tịch HĐQT Eximbank và Vinaconex?

Nhàđầutư
Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng tòa án sử dụng các quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự để ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trên cơ sở yêu cầu của người khởi kiện đối với nghị quyết bầu HĐQT, Chủ tịch ở Eximbank và Vinaconex.
THẮNG QUANG
31, Tháng 03, 2019 | 08:02

Nhàđầutư
Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng tòa án sử dụng các quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự để ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trên cơ sở yêu cầu của người khởi kiện đối với nghị quyết bầu HĐQT, Chủ tịch ở Eximbank và Vinaconex.

Liên quan đến lùm xùm tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời công bố nghị quyết bầu Chủ tịch HĐQT tại Vinaconex và Eximbank, luật sư (LS) Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đã có những chia sẻ với Nhadautu.vn về tính pháp lý của các quyết định này.

TAND quận Đống Đa (TP.Hà Nội) vừa quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11/1/2019 của Vinaconex.

Tương tự, TAND TP.HCM đã ban hành quyết định số 92/2019/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT của HĐQT Eximbank. 

Theo quy định của pháp luật, tổ chức, cá nhân nào có thẩm quyền ban hành các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp?

- LS Trần Tuấn Anh: Đối với việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết vụ án tranh chấp dân sự nói chung và yêu cầu hủy Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông nói riêng, pháp luật Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định:

Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền yêu cầu tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này.

Điều đó nhằm để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

1553674079-exbank-1-1647

TAND TP.HCM ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng nghị quyết HĐQT của Eximbank.

Và trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho tòa án đó.

Như vậy, khi có một trong các sự kiện nêu trên, người khởi kiện hoàn toàn có quyền yêu cầu Tóa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Theo Nghị quyết số 112, HĐQT Eximbank đã tiến hành họp và thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc và bầu thay thế bà Lương Thị Cẩm Tú, Thành viên HĐQT nắm giữ vị trí Chủ tịch.

Ở Eximbank, ông Lê Minh Quốc đã có Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc tranh chấp thành viên công ty đối với 7 cá nhân là thành viên HĐQT và ngân hàng Eximbank (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan).

Trong đó, Nghị quyết số 112 của HĐQT Eximbank thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc và bầu thay thế bà Lương Thị Cẩm Tú, Thành viên HĐQT nắm giữ vị trí Chủ tịch.

Ở Vinaconex, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ – đơn vị nắm 21,28% vốn VCG và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest – đơn vị nắm 7,57% vốn yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội Đồng cổ đông bất thường ngày 11/1/2019 của Vinaconex và ông Đào Ngọc Thanh (cựu CEO Ecopark) là Chủ tịch.

Ở hai vụ án trên, tôi cho rằng hai TAND quận Đống Đa và TAND TP.HCM đã áp dụng các quy định pháp luật trong Bộ luật Tố tụng Dân sự để ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trên cơ sở yêu cầu của người khởi kiện.

Ngược lại, Eximbank và Vinaconex cũng có quyền khiếu nại yêu cầu tòa án hủy các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trên. Và tôi thấy Nhadautu.vn cũng đã đăng tải thông tin hai đơn vị này yêu cầu hủy quyết định trên.

Việc ban hành các quyết định tạm dừng sau khi HĐQT đã bầu thông qua gây thiệt hại như (như Vinaconex phản ánh là giá cổ phiếu giảm) thì ai phải chịu trách nhiệm?

LS Trần Tuấn Anh: Để tránh việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời một cách tuỳ tiện, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện cũng như những người có liên quan khác trong vụ án, Điều 136 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định:

"Người yêu cầu tòa án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10, 11, 15 và 16 Điều 114 của Bộ luật này phải nộp cho tòa án chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do tòa án ấn định".

nhadautu--vcg-sap-mua-co-phieu-quy-1326

TAND quận Đống Đa (TP.Hà Nội) cũng ra quyết định tương tự đối với Vinaconex.

Tuy vậy, tải sản bảo đảm phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Cùng với đó, việc này cũng giúp ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu.

Như vậy, trong trường hợp việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp đối với người bị kiện hoặc các đương sự khác trong vụ án thì người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải bồi thường đối với toàn bộ thiệt hại gây ra.

Hiệu lực của việc bầu ra HĐQT và Chủ tịch HĐQT của đại hội cổ đông có giá trị pháp lý như thế nào? Cụ thể như Eximbank HĐQT đã được công bố; Vinaconex cũng thay đổi trên giấy phép kinh doanh thì đây không còn là nội bộ?

LS Trần Tuấn Anh: Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự chỉ cần đáp ứng các điều kiện nêu trên được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự mà thôi.

Việc áp dụng nó không phụ thuộc vào việc Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông hay HĐQT đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông qua hay chưa và cũng không phụ thuộc vào việc nó thực hiện trên thực tế hay chưa. 

Trong trường hợp Tòa án xét xử hủy các Nghị quyết đó thì các quyết định phê duyệt, thông qua hay việc thay đổi đăng ký kinh doanh cũng sẽ bị hủy theo.

Xin cảm ơn luật sư!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ