Cuộc chiến 'vương quyền' ở Eximbank

Nhàđầutư
Eximbank như một "cô gái đẹp", ai cũng muốn giành lấy nhưng không ai đủ năng lực...
NGHI ĐIỀN
30, Tháng 03, 2019 | 07:39

Nhàđầutư
Eximbank như một "cô gái đẹp", ai cũng muốn giành lấy nhưng không ai đủ năng lực...

eximbank

Dù thoái trào liên tục trong gần một thập kỷ qua, song Eximbank vẫn là một ngân hàng có "lõi" sạch và chất lượng tài sản, nhân sự tốt. Điều nhà băng này thiếu để trở lại "đường đua" là sự thống nhất giữa các nhóm cổ đông lớn với nhau

Đỉnh cao và thoái trào

Nửa cuối thập kỷ trước, Eximbank đã là một tên tuổi lớn, thậm chí là một tượng đài và được coi như hình mẫu phát triển của một ngân hàng thương mại. Trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thành Long cùng các cộng sự đã biến Eximbank trở thành nhà băng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và dần đứng hàng đầu trong khối ngân hàng ngoài quốc doanh.

Giai đoạn 2004-2010, vốn điều lệ của Eximbank tăng tới 21 lần, từ 500 tỷ đồng lên 10.560 tỷ đồng, là một trong hai ngân hàng tư nhân có nguồn lực lớn nhất cùng với Sacombank; tổng tài sản tăng 16 lần lên 131.111 tỷ đồng. Cùng với Vietcombank, Eximbank là nhà băng "top" đầu trong lĩnh vực ngoại thương, xuất nhập khẩu.

Trái với những ngân hàng khác luôn có một nhóm chủ nắm cổ phần chi phối, quá trình tăng vốn "khủng" cùng việc niêm yết chứng khoán từ năm 2009 biến Eximbank trở thành ngân hàng có cơ cấu cổ đông đa dạng bậc nhất làng "buôn tiền".

Người ta ví Eximbank như một "cô gái đẹp", ai cũng muốn giành lấy làm vợ, nhưng lại không ai có đủ năng lực. Và "hồng nhan" thường "bạc phận", suốt gần một thập kỷ qua, ngân hàng này chìm trong thông tin tiêu cực, kết quả kinh doanh giảm sút năm này qua năm khác.

Đang hoạt động khả quan, bước ngoặt với Eximbank xảy đến vào năm 2010, khi ĐHĐCĐ thường niên năm đó bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới 2010-2015, với sự đứng đầu của ông Lê Hùng Dũng. Ông Dũng ban đầu là đại diện của SJC. Sau khi nghỉ hưu đầu năm 2014, ông được một nhóm cổ đông nắm 10,4% vốn đề cử và tiếp tục giữ ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank cho tới cuối nhiệm kỳ.

Trong 5 năm ngồi ghế nóng, ngoài những phát ngôn với tần suất khá dày trong lĩnh vực bóng đá, doanh nhân sinh năm 1954 không mang lại nhiều ấn tượng (tốt) cho cổ đông Eximbank khi kết quả kinh doanh lao dốc liên tục: lãi sau thuế từ 3.000 tỷ đồng năm 2011 về 2.000 tỷ đồng năm 2012, tụt về 659 tỷ năm 2013 rồi chỉ còn vỏn vẹn 57 tỷ đồng năm 2014.

Cùng với đó, Eximbank không ít lần vướng vào những tin đồn M&A, đầu tiên là với Sacombank và ACB, sau đó là Sacombank, để rồi trở thành "trung gian" cho ông Trầm Bê cùng Southern Bank thâu tóm Sacombank năm 2015.

Năng lực kém cỏi của HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2010-2015 đã bị cổ đông phản ứng rất gay gắt trong ĐHĐCĐ thường niên tháng 7/2015. Quá thất vọng vào đội ngũ lãnh đạo cũ, cổ đông Eximbank kỳ vọng vào nhiệm kỳ HĐQT 2015-2020 với những "luồng gió mới" nhằm giúp vực dậy Ngân hàng.

Cuộc chiến quyền lực

"Luồng gió" vừa đề cập lần đầu được hé lộ vào tháng 3/2015, khi danh sách ứng viên HĐQT có hai cái tên mới là ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm, đại diện cho hơn 20,4% cổ phần Eximbank. Hai vị này nguyên là Tổng giám đốc và Phó TGĐ Nam Á Bank, vừa thôi nhiệm ở nhà băng này cách đó ít lâu.

Trước thềm ĐHĐCĐ bất thường vào cuối năm 2015 để bầu ra HĐQT khoá mới, người ta đã nói nhiều về một cuộc đổi chủ tại Eximbank, cũng như một thương vụ M&A với Nam Á Bank. Niềm tin của giới đầu tư càng tăng lên khi Vietcombank có thời điểm chấp thuận dồn toàn bộ 8,2% cổ phần cho ứng viên xuất thân từ Nam Á Bank là ông Trần Ngô Phúc Vũ.

Tuy nhiên những diễn biến bất ngờ xảy đến ngay trước ĐHĐCĐ ngày 15/12/2015, hai người cũ của Nam Á Bank đều bị "out" ra khỏi danh sách bầu HĐQT Eximbank khoá mới mà lý do cho tới nay vẫn chưa được làm rõ.

Gạt đi đối thủ lớn nhất, một nhóm cổ đông tiếp tục gia tăng ảnh hưởng thông qua lôi kéo sự ủng hộ của các nhóm ở giữa. Kết quả, HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 8 Thành viên HĐQT là các ông Cao Xuân Ninh (nhóm Vietcombank đề cử), ông Ngô Thanh Tùng (7 cổ đông có 10,19% vốn đề cử), ông Naoki Nishizawa đại diện phần vốn góp của SMBC tại Eximbank với tỷ lệ cổ phần 10,05%; ông Yasuhiro Saitoh do 3 cổ đông tổ chức đề cử với tỷ lệ cổ phần 10,05%, 4 vị không sở hữu hay đại diện sở hữu mà do HĐQT khoá trước đề cử là ông Lê Văn Quyết, ông Đặng Anh Mai, ông Nguyễn Quang Thông và ông Hoàng Tuấn Khải.

Thành viên HĐQT độc lập duy nhất ông Lê Minh Quốc ngay sau đó đã trở thành Chủ tịch HĐQT Eximbank khoá mới.

luong-thi-cam-tu-1439-1441-2313-2001

Ông Lê Minh Quốc chúc mừng bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu làm Thành viên HĐQT Eximbank trong ĐHĐCĐ thường niên năm ngoái. Ảnh: NĐ

Dù là Thành viên độc lập, song xuất thân của ông Quốc có không ít liên hệ tới nhóm cổ đông lớn ở Eximbank. Cụ thể, ông Quốc thời điểm đó đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Âu Lạc - nơi ông Ngô Thanh Tùng là Thành viên HĐQT.

Bản thân ông Ngô Thanh Tùng đại diện cho nhóm cổ đông giữ 10,194% cổ phần Eximbank, bao gồm CTCP địa ốc Phú Long, CTCP đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội, CTCP đầu tư Á Châu, quỹ VOF Investment Limited và hai cổ đông cá nhân là bà Ngô Thu Thúy cùng ông Trần Công Cận. Trong số này, bà Ngô Thu Thuý là Chủ tịch HĐQT CTCP Âu Lạc. Bản thân bà Thuý cũng từng được HĐQT Eximbank bổ nhiệm làm cố vấn cấp cao, dù nữ doanh nhân này được biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực vận tải xăng dầu.

Như vậy, trong 9 Thành viên HĐQT khoá 2015-2020 của Eximbank, có thể chia làm các nhóm: Nhóm ông Lê Minh Quốc, ông Ngô Thanh Tùng (có liên hệ với Âu Lạc); nhóm Ông Naoki Nishizawa và Ông Yasuhiro Saitoh (cổ đông ngoại); nhóm ông Cao Xuân Ninh và ông Lê Văn Quyết (Vietcombank, NHNN) và ba thành viên còn lại không phụ thuộc cụ thể vào một nhóm nào là các ông Đặng Anh Mai, ông Nguyễn Quang Thông và ông Hoàng Tuấn Khải.

Sau thất bại cuối năm 2015, nhóm cổ đông lớn, sở hữu 22,2% vốn Eximbank tiếp tục đề cử hai người vào HĐQT Eximbank trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 diễn ra vài tháng sau đó, song tiếp tục bị "gạt" ra với lý do HĐQT đã đủ năng lực điều hành, chưa cần bổ sung.

6_xobx

9 Thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Lê Minh Quốc đứng bên phải ngoài cùng.

Không có hồi kết

Bẵng đi một thời gian, cuối tháng 4/2018, bà Lương Thị Cẩm Tú bất ngờ được bầu vào HĐQT Eximbank. Nữ doanh nhân sinh năm 1980 vừa thôi nhiệm Tổng giám đốc tại Nam Á Bank trước đó ít tuần, là trường hợp duy nhất được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trong số 4 hồ sơ tham gia HĐQT Eximbank.

Việc bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu làm Chủ tịch HĐQT ngày 22/3 vừa qua là diễn biến bất ngờ. Tuy nhiên lần lại dòng sự kiện mang tới những tư duy khá logic. Cụ thể, sau thời Chủ tịch Lê Hùng Dũng, Eximbank sau hơn ba năm dưới sự lãnh đạo cao nhất của ông Lê Minh Quốc vẫn chìm trong khó khăn, nhiều vụ mất tiền hàng trăm tỷ liên tiếp xảy đến. Uy tín của dàn lãnh đạo trong mắt cổ đông vốn đã không cao, nay tiếp tục suy giảm.

Xác nhận với Nhadautu.vn, một lãnh đạo cấp cao của Eximbank tiết lộ ngoại trừ nhóm có liên hệ tới Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc, 7/10 thành viên HĐQT Eximbank đều muốn có sự thay đổi ở vị trí đứng đầu, trong đó có nhóm cổ đông ngoại và nhóm Vietcombank/NHNN - trước đây đã "ngả" về nhóm có liên hệ tới Âu Lạc thì nay lại quay sang ủng hộ nhóm của bà Lương Thị Cẩm Tú.

Gió đã đổi chiều, và cho dù cuộc tranh chấp pháp lý đang diễn ra được phán quyết ra sao, thì nhiều khả năng kết cục cuối cùng vẫn không thay đổi khi các nhóm cổ đông lớn đã muốn tìm một hướng đi mới.

Điều đáng quan tâm hơn cả, không phải là phe nào thắng trong "cuộc chiến vương quyền" này, mà là Eximbank vẫn sẽ mãi chìm đắm trong khủng hoảng, nếu các nhóm cổ đông không tìm được tiếng nói chung, loại bỏ tham vọng thâu tóm ngân hàng. Chỉ có vậy, Eximbank mới có "cửa" thoát khỏi khó khăn, trước khi nghĩ đến chuyện vực dậy hay tìm lại thời hoàng kim.

Eximbank là một ngân hàng có nền tảng tốt, đội ngũ nhân sự dày dạn kinh nghiệm, hệ thống phân phối rộng khắp. Giá trị của Eximbank còn ở lượng nợ xấu bất động sản rất lớn, và ít ai biết rằng phần lớn chi nhánh, phòng giao dịch cũng là bất động sản thuộc sở hữu của ngân hàng (không phải đi thuê). Ngoài ra, việc không có cổ đông chi phối dẫn tới không có công ty sân sau, không vướng sở hữu chéo, rút ruột tài sản.

Đó là những lợi thế rất lớn của Eximbank. Và chỉ cần một đội ngũ lãnh đạo thống nhất, có năng lực, cùng nhìn về một hướng, Eximbank sẽ không mất nhiều thời gian để trở lại đường đua, với kỳ vọng tái sinh nhà băng tư nhân hàng đầu một thời.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ