Vì sao dòng vốn FDI từ Nhật Bản 'đổ' vào Long An có xu hướng giảm?

Nhàđầutư
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, những năm gần đây dòng vốn FDI từ Nhật Bản đổ vào Việt Nam và Long An có xu hướng giảm. Nếu như giai đoạn 2010-2015 vốn đăng ký trung bình đạt khoảng 47 triệu USD/năm thì giai đoạn 2016-2021 đã giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 17 triệu USD/năm.
VŨ PHẠM
23, Tháng 08, 2022 | 16:21

Nhàđầutư
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, những năm gần đây dòng vốn FDI từ Nhật Bản đổ vào Việt Nam và Long An có xu hướng giảm. Nếu như giai đoạn 2010-2015 vốn đăng ký trung bình đạt khoảng 47 triệu USD/năm thì giai đoạn 2016-2021 đã giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 17 triệu USD/năm.

Ngày 23/8, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị thúc đẩy hợp tác đầu tư và đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, Việt Nam và Nhật Bản đã xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trên nền tảng của tình hữu nghị gắn bó giữa hai dân tộc, tin tưởng về chính trị, tăng cường hợp tác và hỗ trợ kinh tế, hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, sự phát triển mạnh trong giao lưu thương mại, văn hóa và du lịch. Đặc biệt là kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 4/2009 và nâng tầm lên đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 3/2014, Nhật Bản đã trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Trải qua gần 50 năm kể từ khi Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, hoạt động giao lưu giữa hai nước ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu. Từ đó, chính quyền và nhân dân Long An cũng rất quan tâm, xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác với các địa phương Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về hợp tác kinh tế song phương.

chu-tich-nguyen-van-ut-1

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út. Ảnh: Vũ Phạm

"Nhật Bản đã và đang hỗ trợ chúng tôi phát triển ngày một tốt hơn. Nhắc đến Nhật Bản, chúng ta cũng như cả thế giới đều đánh giá và có chung một nhận định bằng hai từ "nghiêm túc", nghiêm túc từ trong cách nghĩ, đến hành động và kể cả thái độ", ông Út nói và nhìn nhận, tỉnh Long An rất hân hạnh được cộng đồng nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm, cũng như chọn địa phương để thực hiện dự án đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh và đã thành công.

Đáng chú ý, theo Chủ tịch Nguyễn Văn Út, những năm gần đây, dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam nói chung cũng như vào tỉnh Long An có xu hướng giảm.

Nếu như giai đoạn 2010-2015 vốn đăng ký FDI từ nhà đầu tư Nhật Bản vào Long An trung bình đạt khoảng 47 triệu USD/năm thì giai đoạn 2016-2021 đã giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 17 triệu USD/năm; suất đầu tư các dự án mới cũng giảm mạnh, chỉ đạt trung bình 2,4 triệu USD/dự án, trong khi giai đoạn 2010-2015 đạt trung bình khoảng 4,8 triệu USD/dự án.

"Các nhà đầu tư Nhật Bản có sự chuyển dịch và thay đổi phương hướng đầu tư, lựa chọn những dự án nhỏ, lĩnh vực dịch vụ để triển khai thực hiện", ông Út cho hay.

Dù dòng vốn FDI từ Nhật Bản đang có xu hương giảm nhưng, các dự án FDI hiện hữu của Nhật Bản tại Long An không ngừng mở rộng quy mô và tăng vốn đầu tư. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đặt niềm tin đối với môi trường đầu tư của Long An.

Hiện nay, Long An có 131 dự án đến từ các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động với vốn đầu tư khoảng 479 triệu USD. Các dự án này tập trung phần lớn tại các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, TP.Tân An - đây là các huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh; và chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực sản xuất ván gỗ nhân tạo và các sản phẩm từ gỗ, cơ khí - chế tạo máy, sản xuất - lắp ráp linh kiện điện tử, gia công cơ khí, chế biến nông - thủy sản, gia công hàng may mặc, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm…

Có một số dự án có vốn đầu tư lớn như: Vina Eco Board; ANPHA-AG; Nippon Con Heo Vàng; Công ty cấp nước Bến Lức; Công ty dược phẩm 3/2… thời gian qua, các dự án của Nhật Bản cũng đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cũng tại hội nghị, vị Chủ tịch tỉnh Long An khẳng định, Long An có nhiều tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh để các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu và đề xuất các dự án hoặc hợp tác đầu tư. Ngoài ra, tỉnh cũng rất muốn nghe những chia sẻ của toàn thể quý vị về những vấn đề mà quý vị quan tâm, về nhu cầu mở rộng hợp tác đầu tư, kết nối giao thương. Đồng thời, các doanh nghiệp đưa ra đề xuất, kiến nghị về các giải pháp khắc phục những rào cản, hạn chế; phát huy các lợi thế, tiềm năng và đón đầu hiệu quả các làn sóng chuyển dịch đầu tư đối với tỉnh Long An.

"Sau hội nghị này, hai bên sẽ thúc đẩy công tác thu hút đầu tư, tạo ra bước chuyển trong hiện thực hóa những dự án động lực, trọng điểm ấp ủ trong suốt thời gian qua của tỉnh. Cùng với đó, hai bên sẽ có nhiều cuộc kết nối làm việc cụ thể hơn, mang lại hiệu quả thiết thực hơn, cùng nhau phát triển, thành công", Chủ tịch Út nhấn mạnh và khẳng định đối với các khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh tại tỉnh, UBND tỉnh Long An giao Sở KH&ĐT Long An kiểm tra, giải quyết.

Sau hội nghị, Sở KH&ĐT Long An tham mưu nội dung kết luận chỉ đạo của UBND tỉnh Long An đối với từng nội dung kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, trên cơ sở đó các ngành và địa phương liên quan khẩn trương triển khai, giải quyết dứt điểm cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tỉnh Long An cũng đề nghị các doanh nghiệp có ý kiến cần trao đổi nhưng chưa thể tham gia phát biểu tại hội nghị này, tiếp tục kiến nghị bằng văn bản hoặc gửi qua thư điện tử đến Sở KH&ĐT, Sở Công thương, Ban quản lý Khu kinh tế tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ