Vẫn loay hoay công nghiệp hỗ trợ

Vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ lại tiếp tục được đưa ra mổ xẻ trong một hội thảo mới đây, khi mà năng lực sản xuất của các doanh nghiệp nội địa thuộc ngành này vẫn quá thấp, chất lượng chưa đảm bảo, giá thành kém cạnh tranh...
QUỐC HÙNG
14, Tháng 04, 2018 | 07:57

Vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ lại tiếp tục được đưa ra mổ xẻ trong một hội thảo mới đây, khi mà năng lực sản xuất của các doanh nghiệp nội địa thuộc ngành này vẫn quá thấp, chất lượng chưa đảm bảo, giá thành kém cạnh tranh...

cong-nghiep-ho-tro

 Sản phẩm linh phụ kiện của một doanh nghiệp tại triển lãm công nghiệp hỗ trợ được tổ chức tại TPHCM gần đây. Ảnh: Quốc Hùng

Xuất siêu linh kiện - phụ tùng ô tô, nhưng...

Năm ngoái, hãng xe Toyota Việt Nam đã có thêm sản phẩm lỗ bịt sàn xuất sang Philippines, bên cạnh những linh kiện như ăng ten, van điều hòa khí xả, bàn đạp chân ga... vẫn thường xuyên xuất khẩu đi Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Argentina, Nam Phi, Venezuela... Hãng đã thu về 64 triệu đô la Mỹ giá trị xuất khẩu phụ tùng và linh kiện ô tô các loại trong năm 2017, tăng 5% so với năm 2016, góp phần vào sự xuất siêu nhóm mặt hàng này của cả nước. 

Tại hội thảo “Công nghiệp hỗ trợ trong cách mạng công nghiệp 4.0” trong khuôn khổ “Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2018” diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương), cho biết giá trị nhập khẩu phụ tùng linh kiện ô tô của Việt Nam trong năm 2017 là 3,5 tỉ đô la Mỹ và giá trị xuất khẩu là 4,4 tỉ đô la, tức thặng dư 900 triệu đô la. Theo bà Thúy, ngay cả những nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển cũng nhập khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam. Có thể kể đến Nhật Bản (chiếm 42% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam); Mỹ (16%), Trung Quốc (9%), Hàn Quốc (6%), Thái Lan (5%), Đức (2%)...

Trong số hàng hóa xuất khẩu có cả những mặt hàng có công nghệ tương đối cao như bộ dây đánh lửa, phụ tùng trong hộp số, túi khí an toàn..., nhưng hầu hết là do doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam sản xuất, không có doanh nghiệp nội địa tham gia. 

Một hãng dẫn đầu thị trường ô tô trong nước với hơn 20 năm phát triển ở Việt Nam là hãng Toyota mà cũng chỉ có 33 nhà cung cấp tại chỗ, trong đó chỉ có 5 doanh nghiệp nội địa và chủ yếu cung cấp những linh kiện đơn giản. Lý giải điều này, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng ban Kế hoạch chiến lược của Toyota Việt Nam, cho rằng nguyên nhân không chỉ ở vấn đề công nghệ mà còn ở sản lượng. Do tăng trưởng sản lượng thấp nên khó phát triển nhà cung cấp, khó nội địa hóa. Ông Tuấn cho biết, khi chọn nhà cung cấp, Toyota không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, chỉ cần đáp ứng yêu cầu chất lượng thì sẽ được chọn. Tuy nhiên trên thực tế, hiện chủ yếu là những doanh nghiệp nước ngoài có quá trình cung cấp phụ tùng, linh kiện cho Toyota ở các nước khác theo Toyota vào Việt Nam.

Còn theo bà Thúy, hiện Việt Nam có 20 doanh nghiệp lắp ráp ô tô nhưng chỉ có 81 nhà cung cấp thuộc cấp 1 và 145 nhà cung cấp thuộc cấp 2, cấp 3. Trong khi đó, Thái Lan chỉ có 16 doanh nghiệp ô tô nhưng lại có đến 690 nhà cung cấp cấp 1 và khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3. 

Doanh nghiệp hỗ trợ cần được... hỗ trợ

Không chỉ ngành ô tô mà cả ngành điện tử và nhiều ngành khác cũng rất khó tìm được nhà cung cấp tại chỗ để đưa vào chuỗi cung ứng trực tiếp. Một khảo sát về tình hình hoạt động năm 2017 của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương do Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) thực hiện cho thấy Việt Nam thiếu các nhà cung cấp tiềm năng có năng lực cạnh tranh và khả năng tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng. Tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam chỉ đạt mức 33,2% (năm 2016 là 34,2%) mà chủ yếu là do doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cung cấp. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Thái Lan là 56,8%; Indonesia 45,2%; Philippines 42,2%; Malaysia 38,2%. 

Tại hội nghị “Kết nối phát triển công nghiệp hỗ trợ” do Sở Công Thương TPHCM tổ chức mới đây, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đều có quy mô nhỏ hoặc vừa, chưa có đủ nguồn lực để xúc tiến, quảng bá sản phẩm, thiếu kết nối, thiếu cơ chế phối hợp.

Ông Nguyễn Dương Hiệu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp và Thương mại Lidovit, cho rằng trong khi doanh nghiệp nước ngoài vẫn sử dụng nhà cung ứng trong “chuỗi” của họ vì chất lượng ổn định, giá cạnh tranh, thì năng lực của các nhà cung cấp trong nước vẫn kém, cả về thiết bị công nghệ lẫn nguồn nhân lực, hệ thống quản trị, hệ thống kiểm soát.

Còn theo ông Châu Bá Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Minh Nguyên - một trong số ít doanh nghiệp nội địa đang là nhà cung cấp cho Samsung Việt Nam, để sản xuất được các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản phẩm công nghệ cao, ngoài công nghệ và máy móc thiết bị, doanh nghiệp còn cần có nguồn nhân lực chất lượng cao cùng sự hỗ trợ của Nhà nước về thuế, về tiếp cận nguồn vốn... “Phải hội đủ các yếu tố này, doanh nghiệp mới giảm được giá thành, tạo ra sản phẩm có chất lượng phù hợp với yêu cầu của nhà đặt hàng”, ông Long nói.

Trong khi đó, đại diện của JETRO cho biết hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Nhật đều nhận được sự hỗ trợ vốn vay từ các tổ chức tín dụng với lãi suất rất thấp, chưa đến 1%/năm, và nhiều trường hợp không cần phải thế chấp mà có thể vay bằng tín chấp hoặc chứng minh bằng công nghệ, cơ hội kinh doanh. 

Cần sự đồng hành của nhà đặt hàng

Thời gian qua, các hoạt động triển lãm - hội chợ kết nối cung-cầu cũng đã phần nào giúp các nhà sản xuất tìm được những nhà cung cấp tiềm năng, dù là số lượng không nhiều và các nhà cung cấp vẫn bị đòi hỏi phải cải thiện hơn nữa về nhiều mặt. JETRO tại TPHCM là một đơn vị thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc này để hỗ trợ các nhà sản xuất của Nhật tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của JETRO, hầu hết doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đều thiếu vốn đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị và việc tiếp cận vốn tại các tổ chức tín dụng đối với họ là vô cùng khó khăn. 

Mặc dù vậy, cũng có nhà sản xuất tìm được nhà cung cấp trong nước để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Ông Phạm Trọng Quân, Tổng giám đốc Công ty WAHL Việt Nam chuyên sản xuất tông đơ hớt tóc xuất khẩu, nói rằng những nhà cung cấp nội địa cho WAHL Việt Nam lúc đầu không thể đáp ứng các tiêu chuẩn mà công ty đặt ra. Công ty đã cam kết đồng hành và hỗ trợ họ trong nhiều khâu để có thể sử dụng sản phẩm của họ. Nhờ đó, tỷ lệ nội địa hóa của WAHL Việt Nam đã tăng từ 5% ở giai đoạn đầu cách đây hơn bốn năm lên tới 50% hiện nay. Với đà này, theo ông Quân, tỷ lệ đó sẽ tăng đến 95% vào cuối năm, và sản phẩm của WAHL Việt Nam có thể cạnh tranh về giá với các nhà máy của WAHL ở các nước khác. 

“Đồng hành và hỗ trợ nhà cung cấp có tiềm năng” cũng là hướng đi của tập đoàn Samsung. Hiện Samsung có hơn 100 nhà cung cấp cấp 1 tại các tổ hợp sản xuất của mình ở Việt Nam, nhưng số lượng nhà cung cấp 100% vốn Việt Nam thì chưa tới con số 30; số còn lại đều là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài. 

Theo ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc khu tổ hợp Samsung Việt Nam, bắt đầu từ những triển lãm, hội thảo, Samsung đã tìm thấy và hỗ trợ một số doanh nghiệp cung ứng nội địa đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông Hwan nói: “Đây là hướng đi chiến lược không chỉ giúp hiện thực hóa mục tiêu nâng số doanh nghiệp cung ứng Việt Nam cho Samsung đạt tới con số 50 vào năm 2020, mà điều quan trọng hơn là có thể tạo ra những doanh nghiệp cung ứng hạt nhân nòng cốt, có tác động lan tỏa đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”.

Theo TBKTSG

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24610.00 24930.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30551.00 31735.00 31684.00
HKD 3105.00 3117.00 3219.00
CHF 27051.00 27160.00 28008.00
JPY 159.87 160.51 167.97
AUD 15844.00 15908.00 16394.00
SGD 18015.00 18087.00 18623.00
THB 664.00 667.00 694.00
CAD 17865.00 17937.00 18467.00
NZD   14602.00 15091.00
KRW   17.66 19.27
DKK   3523.00 3654.00
SEK   2299.00 2389.00
NOK   2259.00 2349.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ