Vận hạn của Facebook

Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đang phải chật vật chống chọi với những cáo buộc pháp lý và sự ngoảnh mặt của nhà đầu tư trên các sàn giao dịch chứng khoán.
THÁI BÌNH
26, Tháng 03, 2018 | 10:07

Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đang phải chật vật chống chọi với những cáo buộc pháp lý và sự ngoảnh mặt của nhà đầu tư trên các sàn giao dịch chứng khoán.

be-boi-facebook-

 CEO Facebook Mark Zuckerberg

Hôm Chủ nhật, 18-3, một số nhà lập pháp ở Anh và Mỹ đã đưa ra yêu cầu Chủ tịch Facebook Mark Zuckerberg phải giải thích chuyện một công ty phân tích dữ liệu làm việc cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump năm 2016 đã thu thập và sử dụng dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook “để quảng cáo chính trị theo mục tiêu và thao túng cử tri” mà người dùng không hay biết.

Tại Mỹ, bộ trưởng tư pháp tiểu bang Massachusettes Maura Healey công bố mở cuộc điều tra về Facebook trong khi tại Anh, nghị sĩ Damian Collins thuộc đảng Bảo thủ đang phụ trách cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý về ở lại hay ra khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), hồi cuối tuần cho biết ông sẽ triệu tập Chủ tịch Mark Zuckerberg ra điều trần trước Quốc hội Anh.

Thị trường đã có phản ứng ngay lập tức: cổ phiếu của Facebook bị bán tháo trong phiên giao dịch ngày thứ Hai 19-3, kéo theo cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ khác; kết thúc phiên, giá cổ phiếu Facebook giảm 6,8%, còn 172,56 đô la Mỹ/cổ phiếu; tính chung trong phiên giao dịch đầu tuần, giá trị vốn hóa của Facebook đã mất đi 40 tỉ đô la Mỹ, riêng tài sản của Mark Zuckerberg giảm 4,9 tỉ đô la, còn 70,4 tỉ đô la. Tính từ thứ Sáu tuần trước đến hết phiên giao dịch thứ Ba 20-3, cổ phiếu Facebook đã mất 11% giá trị, tức khoảng 60 tỉ đô la Mỹ, tương đương với tổng giá trị vốn của tập đoàn xe hơi Tesla, theo Bloomberg.

Để theo dõi vụ việc, nên biết Facebook có tài sản lớn nhất là dữ liệu cá nhân của hơn 2 tỉ người dùng. Để tham gia Facebook người sử dụng phải khai báo những thông tin thiết yếu như họ tên, ngày sinh, nơi sinh sống, số điện thoại liên lạc, quá trình học tập và làm việc, hình ảnh sinh hoạt, danh sách bạn bè... Trong quá trình tương tác trên Facebook, người dùng còn biểu lộ những đặc điểm tính cách riêng như sở thích, quan điểm chính trị xã hội.

Có thể nói, mỗi lần người dùng Facebook bấm nút “like”, “chia sẻ” thì mạng xã hội này lại có thêm một dữ kiện (data) để hiểu về cá nhân người dùng đó. Kho dữ liệu khổng lồ thu thập từ hàng tỉ người dùng này là một tài sản vô giá mà các công ty nghiên cứu xã hội, quảng cáo hàng hóa dịch vụ luôn tìm cách khai thác để phục vụ cho kế hoạch kinh doanh của mình. Facebook thậm chí còn khoe khoang rằng, họ hiểu rõ người dùng (Facebooker) còn hơn cha mẹ hoặc người tình của Facebooker đó!

Nay thì việc khai thác dữ liệu cá nhân không chỉ phục vụ cho mục đích quảng cáo mà đã lan sang lĩnh vực chính trị. Năm ngoái, Facebook từng lên bờ xuống ruộng với cáo buộc đã để cho các điệp viên Nga mở hàng trăm tài khoản (account) giả trên Facebook, từ đó tung ra hàng triệu bản tin giả (fake news) hoặc mua quảng cáo chính trị để tác động đến cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống.

Năm nay, các báo The Guardian (Anh), The New York Times (Mỹ) tiếp tục phanh phui vụ Công ty dữ liệu Cambridge Analytica sử dụng Dữ liệu của 50 triệu Facebooker người Mỹ để đưa các quảng cáo chính trị, gây nhiễu thông tin và thao túng lá phiếu của cử tri.

Cambridge Analytica được sự tài trợ của tỉ phú Robert Mercer - mạnh thường quân của đảng Cộng hòa - và được điều hành bởi Steve Bannon, cố vấn chiến lược của ứng cử viên và Tổng thống Donald Trump. Cambridge Analytica phân tích dữ liệu cử tri-người dùng thu thập từ Facebook, phân nhóm cử tri theo sở thích và xu hướng chính trị, dự báo lựa chọn lá phiếu của họ từ đó đưa tới trang cá nhân của họ các bản tin (news feed) và quảng cáo chính trị để tác động và thay đổi lựa chọn đó theo hướng có lợi cho ứng cử viên Trump.

Để làm công việc này, Cambridge Analytica sử dụng thuật toán do Đại học Cambridge (Anh) phát triển, gọi là mô hình đồ họa tâm lý (psychographic modeling) và sự cộng tác của Giáo sư Aleksandr Kogan của trường này. Ông Kogan là người Nga, nguyên là giáo sư của trường Đại học St. Petersburg (Nga); ông Kogan cũng chính là người đã khai thác dữ liệu cá nhân từ Facebook (với cớ giả là nghiên cứu khoa học) để đưa vào mô hình và vận hành nó theo yêu cầu của Cambridge Analytica dù công ty này phủ nhận giá trị dữ liệu của Facebook khi ra điều trần trước Quốc hội Anh tháng trước.

Facebook cho rằng họ không có lỗi, không bị tin tặc thâm nhập hệ thống, không bị rò rỉ dữ liệu người dùng; nhưng các nhà làm luật vẫn tin rằng, mạng Facebook đã không bảo vệ được dữ liệu nhân thân mà người sử dụng đã tin cậy giao phó cho họ, do đó Facebook phải chịu trách nhiệm.

Chưa biết Facebook sẽ đối phó thế nào với các cáo buộc pháp lý và phản ứng thị trường nhưng vụ việc này cho thấy dữ liệu cá nhân trên Facebook là thứ rất có giá trị và dễ bị lợi dụng cho các mục đích không trong sáng. 

(Theo TBKTSG)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ