VAFIE kiến nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ khu vực FDI

Nhàđầutư
Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng Chính phủ cần có giải pháp riêng để tháo gỡ những khó khăn mang tính đặc thù của khối doanh nghiệp này.
ANH PHONG
08, Tháng 05, 2020 | 11:12

Nhàđầutư
Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng Chính phủ cần có giải pháp riêng để tháo gỡ những khó khăn mang tính đặc thù của khối doanh nghiệp này.

Huyndai 3

Nhiều doanh nghiệp FDI đang phải tăng ca hết công suất để "gánh" công suất cho cơ sở sản xuất của mình tại Trung Quốc. (Ảnh: Minh họa)

Ngoài những khó khăn chung phải gánh chịu như doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI đang phải chịu những tác động mang tính chất đặc thù như thiếu hụt chuyên gia nước ngoài, khó khăn về nguyên liệu nhập khẩu, hay cơ sở sản xuất ở nước khác bị đình trệ ảnh hưởng đến sản xuất tại Việt Nam… nên khu vực doanh nghiệp này đang rất cần Chính phủ có những giải pháp riêng để phục hồi và kích thích phát triển.

Kinh doanh gặp khó khăn

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/4/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 5,15 tỷ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm 2019. Có thể nhận thấy cả vốn đăng ký lẫn vốn giải ngân đều sụt giảm.

Nếu không kể các dự án tỷ USD như dự án Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu, tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD hay Dự án Tổ hợp hoá dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại Bà Rịa – Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ USD thì con số sụt giảm còn đáng lo ngại hơn nữa.

Sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp FDI chịu tác động của dịch COVID-19 không giống nhau giữa các ngành, lĩnh vực và trong các tháng của quý I. Ngành dệt may, da giày, túi xách, bia, thủy sản, khách sạn, văn phòng cho thuê chịu tác động tiêu cực hơn ngành điện tử, máy tính, điện tử dân dụng.

Diễn biến tình hình sản xuất tháng 1 và tháng 2 khác với tháng 3. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào trong tháng 1 và tháng 2 do dịch bùng phát ở Trung Quốc - thị trường nhập khẩu chính nguyên phụ liệu dệt may, da giày, linh kiện điện tử. Từ đầu tháng 3 đến nay giao thương với thị trường Trung Quốc dần được nối lại nên không thiếu nguyên liệu đầu vào, nhưng đại dịch tràn đến Châu Âu và Mỹ, làm cho nhiều đối tác ở EU và Mỹ giảm hoặc ngừng đặt hàng cho doanh nghiệp Việt Nam, gây khó khăn cho xuất khẩu hàng hóa sang các nước này.

Một số doanh nghiệp FDI thiếu hụt chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp người nước ngoài (nhất là người Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc) do chính sách hạn chế đi lại, dừng cấp Giấy phép lao động từ các nước có dịch. Đại sứ quán Hàn Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc, Tập đoàn LG, Foxconn, Samsung và các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã  có văn bản phản ánh về vấn đề này.

Chủ trương hạn chế đi lại, hội họp đã làm đình trệ hoạt động xúc tiến đầu tư, nhiều chuyến công tác tìm hiểu cơ hội đầu tư tại nước ta của các nhà đầu tư tiềm năng như Apple, ExxonMobil… bị hủy bỏ hoặc trì hoãn, ảnh hưởng đến việc đưa ra các quyết định đầu tư.

Do khó khăn trong vận chuyển và thông quan nên tác động đến tình hình nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu, một số doanh nghiệp FDI sản xuất cầm chừng hoặc tạm  dừng hoạt động, cũng như triển khai các dự án mới. Apple buộc phải hoãn dự kiến tăng 20% số lượng đơn hàng sản xuất tại Việt Nam. Nike ước tính có khoảng 10 triệu đôi giày và hàng may mặc bị chậm sản xuất tại Việt Nam và Indonesia.

Việc tìm nguồn cung ngoài Trung Quốc trong ngắn hạn đối với một số sản phẩm của Foxconn, Apple, Nike làm tăng chi phí, không ổn định về số lượng và chất lượng.

Nhiều doanh nghiệp giảm nguồn thu đáng kể đối với hàng hóa xuất khẩu sang các nước có dịch như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.

Hàng chục nghìn lao động bị mất việc làm, không có thu nhập nên đời sống gặp nhiều khó khăn.

Xu hướng chuyển sản xuất sang Việt Nam

Tập đoàn Yura có 3 DN ở Việt Nam và 10 DN tại Trung Quốc, sản phẩm của tập đoàn được cung cấp độc quyền cho nhiều hãng ô tô lớn như Kia, Huyndai. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp của Trung Quốc phải ngừng sản xuất, do đó Công ty TNHH Yura Việt Nam trong KCN Phú Thái đang phải tăng ca hết công suất để có đủ sản phẩm cung cấp cho đối tác. Trước Tết, các dây chuyền sản xuất của công ty chỉ hoạt động khoảng 60% công suất nên công nhân làm trong giờ hành chính, nhưng từ sau Tết đến nay, máy móc chạy hết công suất, công nhân làm tăng ca hết thời gian theo quy định.

Tập đoàn Samsung đã chuyển nhà máy sản xuất smarphone từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận hưởng giá nhân công của nước ta chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc, có tốc độ tăng trưởng kinh tế và công nghiệp khá cao; ngày 7 tháng 3 đã đình chỉ hoạt động nhà máy ở thành phố Kumi, nơi chỉ cách tâm dịch COVID-19 Daegu 1 tiếng lái xe, khi phát hiện một công nhân dương tính với COVID-19; sẽ chuyển dây chuyền sản xuất một số điện thoại thông minh cao cấp từ Hàn Quốc sang Việt Nam để tránh trường hợp xấu nhất.

Theo Reutes, trong 10 năm qua, Samsung đã chuyển phần lớn dây chuyền sản xuất smartphone sang Việt Nam; các nhà máy Samsung tại Việt Nam sản xuất trên 50% số điện thoại của cả tập đoàn và ít gặp gián đoạn.

Một số tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ như Appel, Microsoft đã quyết định rời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Chính phủ Nhật Bản dành 2,2 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nước này chuyển nhà máy về nước và sang nước thứ 3 trong đó có Việt Nam.

Kiến nghị giải pháp hỗ trợ

Ngoài những giải pháp chung đối với các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp riêng cho khu vực FDI.

Cũng như Korcham, Eurocham, VAFIE kiến nghị các ngân hàng thương mại gia hạn khoản nợ vay ngân hàng, giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp FDI.

Theo VAFIE, Bộ Tài chính cần ban hành kịp thời chủ trương giảm, miễn thuế đối với các ngành nghề, lĩnh vực chịu tác động khác nhau. Trong đó giảm thuế giá trị gia tăng có tác động thiết thực, kích thích nhu cầu tiêu dùng đối với thị trường trong nước, giảm thuế xuất khẩu hàng hóa làm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng cần tính đến, nhưng chỉ có tác dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Thời gian miễn giảm thuế có thể đến cuối năm 2020.

Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp FDI gặp khó khăn giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu đến cuối năm 2020 như đối với doanh nghiệp trong nước.

Đối với việc nhập cảnh của các chuyên gia trong các dự án ĐTNN đề nghị cho phép áp dụng thống nhất như trường hợp của Tập đoàn Samsung: nhập cảnh theo hình thức đặc biệt vào Việt Nam sau khi có xét nghiệm âm tính, làm việc tại khu độc lập, tự cách ly, do UBND tỉnh bảo lãnh và giám sát. (công văn số1746/VPCP-QHQT ngày 6/3/2020 và công văn số 1849/VPCP-QHQT ngày11/3/2020).

Các chuyên gia, kỹ thuật nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp ĐTNN được gia hạn Giấy phép lao động để tạm thay thế cho những người chưa được nhập cảnh.

Áp dụng thủ tục thông quan nhanh đối với nguyên vật liệu, hàng hóa nhập khẩu để sản xuất trong thời gian đang có dịch. Các doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm. Trong trường hợp kết quả hậu kiểm sau thông quan phát hiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý nghiêm minh.

UBND tỉnh, thành phố và Ban Quản lý KCN, KKT cần làm việc với nhà đầu tư xin giãn tiến độ thực hiện dự án do khó khăn dịch bệnh, kéo dài thời hạn nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án để xử lý theo pháp luật hiện hành; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo với Thủ tướng để xử lý.

Để có thể thu hút nhanh và nhiều hơn các doanh nghiệp FDI chuyển từ Trung Quốc và một số nước sang Việt Nam thì cần thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương của Đảng đã được đề ra tại Nghị quyết 50 và Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị; Chính phủ hướng dẫn các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố và BQLKKT, KCN chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng đòi hỏi của những tập đoàn kinh tế lớn khi chuyển nhà máy sang Việt Nam.

Cụ thể là các KKT, KCN chuẩn bị sẵn đất đai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thông tin về giá thuê đất, điều kiện giao thông, thông tin, cung ứng điện nước , nguồn nhân lực cho nhà đầu tư dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam.

Các xí nghiệp chuyển sang Việt Nam là doanh nghiệp đang hoạt động do vậy không nên coi là “nhập khẩu trang thiết bị cũ”. Khi doanh nghiệp bắt đầu vận hành, cần kiểm tra để đảm bảo các yêu cầu về công nghệ, môi trường, an toàn lao động. Đặc biệt, cần tiếp tục công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục cấp phép để đảm bảo rút ngắn thời gian thẩm định và cấp giấy chứng nhận đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư để triển khai nhanh dự án bằng cơ chế một cửa khi làm thủ tục xây dựng, môi trường, phòng cháy nổ.

Trong bối cảnh mới, VAFIE cũng kiến nghị Chính phủ cần coi trọng hình thức đầu tư xí nghiệp chế xuất vì khi lựa chọn xây dựng nhà máy ở Việt Nam, khả năng cao các nhà đầu tư nước ngoài sẽ lựa chọn mô hình doanh nghiệp chế xuất, tại các địa phương có thuận lợi về giao thông, cơ sở vật chất và nguồn nhân công. Do vậy, cần khẩn trương tháo gỡ vướng mắc liên quan đến chính sách, luật pháp về doanh nghiệp chế xuất để tạo thuận lợi tiếp nhận làn sóng đầu tư mới của các tập đoàn kinh tế lớn từ Trung Quốc.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ