TTCK: khó miễn nhiễm khi “tiền rẻ” không còn

Trên thị trường tài chính toàn cầu, TTCK Việt Nam chỉ như một cổ phiếu penny trong khi TTCK Mỹ là một blue-chip. Khi lãi suất tăng lên, thời kỳ “tiền rẻ” sẽ không còn nữa. Các dòng vốn sẽ có xu hướng chảy về Mỹ, dần nhắm đến các kênh đầu tư an toàn như trái phiếu để hưởng lãi suất cao hơn.
LINH TRANG
26, Tháng 06, 2018 | 07:23

Trên thị trường tài chính toàn cầu, TTCK Việt Nam chỉ như một cổ phiếu penny trong khi TTCK Mỹ là một blue-chip. Khi lãi suất tăng lên, thời kỳ “tiền rẻ” sẽ không còn nữa. Các dòng vốn sẽ có xu hướng chảy về Mỹ, dần nhắm đến các kênh đầu tư an toàn như trái phiếu để hưởng lãi suất cao hơn.

24ee7_ttck

TTCK: khó miễn nhiễm khi “tiền rẻ” không còn

Tuần quan trọng về mặt thông tin

Tuần vừa qua là một tuần quan trọng với giới đầu tư tài chính toàn cầu khi dồn dập diễn ra các cuộc họp của ngân hàng trung ương (NHTƯ) ba nền kinh tế lớn trên thế giới: Ủy ban Thị trường mở Mỹ (FOMC) - cơ quan trực thuộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), NHTƯ châu Âu (ECB) và NHTƯ Nhật Bản (BoJ). Mặc dù kết quả của ba cuộc họp này không gây ra cú sốc nào quá lớn nhưng cũng có khá nhiều nội dung cụ thể gây bất ngờ cho giới đầu tư ở cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực.

Cụ thể, sau phiên họp hai ngày, ngày 14-6, Fed tuyên bố đưa lãi suất liên bang lên mức 1,75-2%/năm (tăng 0,25 điểm phần trăm). Tuy vậy, điều thị trường quan tâm hơn cả là những bình luận của Fed sau cuộc họp ám chỉ khả năng Fed sẽ có thêm hai lần tăng lãi suất nữa từ giờ cho đến hết năm 2018 - tức tăng thêm một lần so với kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Đây chính là điều thị trường lo ngại vì số lần tăng lãi suất thể hiện tốc độ thắt chặt tiền tệ của Fed sẽ nhanh hơn.

Dù khối ngoại không rút vốn mạnh khỏi thị trường Việt Nam thì chỉ riêng việc họ khó huy động thêm vốn để rót vào một TTCK cận biên như Việt Nam khi Fed tăng lãi suất đã là tin không mấy tích cực.

Kế đến là ECB, sau phiên họp thường kỳ ngày 14-6, cơ quan này cho biết: nếu kinh tế châu Âu vẫn tiếp tục diễn biến như dự báo thì ECB sẽ chấm dứt chương trình mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu tư nhân hàng tháng (QE) vào tháng 12-2018. Ngoài ra, ECB cũng cảnh báo sẽ tiếp tục duy trì lãi suất thấp kỷ lục (0%) cho tới mùa hè năm 2019. Trước đó, ECB đã đưa ra dự báo lạm phát của khu vực sẽ ở mức 1,7% trong giai đoạn 2018-2020, trong khi GDP ở mức 2,1% trong năm 2018 nhưng giảm xuống 1,9% vào năm 2019 và giảm tiếp xuống 1,7% vào năm 2020.

Trong khi đó, tại châu Á, ngày 15-6, BoJ đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ “siêu lỏng” trong bối cảnh lạm phát vẫn “lẹt đẹt” dưới mức mục tiêu, dù các điều kiện kinh tế đã được củng cố. GDP của Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - đã giảm nhẹ trong quí 1 năm nay, sau khi tăng trưởng trong tám quí liên tiếp trước đó - chuỗi tăng trưởng dài nhất trong hơn 30 năm qua. BoJ đang nỗ lực đưa lạm phát lên 2%, mức mà ngân hàng này cho là phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Nhưng mục tiêu này dường như vẫn còn xa vời, khi lạm phát lõi chỉ tăng 0,7% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy là trong số ba NHTƯ lớn công bố chính sách tuần vừa rồi, Fed tỏ ra mạnh mẽ nhất trong định hướng thắt chặt tiền tệ; quyết định của ECB có phần trung tính hơn trong khi chỉ có BoJ là đi trên lộ trình khác với Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU). Điều này là hoàn toàn dễ hiểu khi triển vọng tăng trưởng của ba nền kinh tế hiện khác nhau khá nhiều.

Tác động thế nào đến Việt Nam?

Người viết cho rằng định hướng tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến của Fed sẽ có nhiều tác động tới thị trường tài chính Việt Nam hơn cả, còn quyết định của ECB và BoJ sẽ không mấy ảnh hưởng. Việc tăng lãi suất sau cuộc họp lần này là không có gì bất ngờ nhưng tuyên bố có thể sẽ có thêm hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay của Fed là điều khiến giới đầu tư tại thị trường Việt Nam lo ngại.

Theo Ủy ban Chứng khoán Việt Nam, trong năm tháng đầu năm nay, khối ngoại đã mua ròng 1,74 tỉ đô la Mỹ cổ phiếu (tương đương khoảng 39.000 tỉ đồng) nhưng nếu loại trừ đi những thương vụ mua thỏa thuận lớn (điển hình như cổ phiếu Vinhomes) thì con số mua ròng trên cả hai sàn chỉ còn khoảng 10.000 tỉ đồng. Đáng chú ý việc mua ròng trên sàn của khối ngoại chủ yếu diễn ra trong quí 1, còn từ cuối tháng 4 trở đi, khối này đã quay sang bán khá mạnh.

Việc bán ròng của khối ngoại không hoàn toàn do dòng vốn ngắn hạn bị rút ra trước lộ trình tăng lãi suất của Fed mà còn có nguyên nhân các quỹ ngoại tái cơ cấu danh mục.

Đứng ở góc độ này có thể thấy cho dù khối ngoại không rút vốn mạnh khỏi thị trường Việt Nam thì chỉ riêng việc họ khó huy động thêm vốn để rót vào một TTCK cận biên như Việt Nam khi Fed tăng lãi suất đã là tin không mấy tích cực. Trên thị trường tài chính toàn cầu, TTCK Việt Nam chỉ như một cổ phiếu penny trong khi TTCK Mỹ là một blue-chip. Khi lãi suất tăng lên, thời kỳ “tiền rẻ” sẽ không còn nữa. Các dòng vốn sẽ có xu hướng chảy về Mỹ, dần nhắm đến các kênh đầu tư an toàn như trái phiếu để hưởng lãi suất cao hơn.

Cùng với đó, một vấn đề lớn, rất khó dự đoán nổi lên từ đầu năm 2018 đến nay là chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, khởi đầu là các quyết sách của chính quyền Mỹ. Khi các ẩn số gia tăng, giới đầu tư tài chính sẽ có xu hướng co cụm và rút vốn nhiều hơn. Trong bối cảnh nguồn tiền có xu hướng eo hẹp hơn trong khi nguồn cung cổ phiếu trong nước do phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO), các doanh nghiệp “khủng” lên sàn, hoạt động tăng vốn của các doanh nghiệp... lại không ngừng tăng lên chắc chắn sẽ gây áp lực lớn đến diễn biến TTCK Việt Nam.

Tuy vậy, nhìn ở góc độ tích cực thì động thái bán ròng của khối ngoại qua các giao dịch khớp lệnh trên sàn chứng khoán Việt Nam chưa gây nhiều tác động tới sự ổn định của kinh tế vĩ mô Việt Nam, đặc biệt ở khía cạnh tỷ giá. Theo dữ liệu của Bloomberg thì Việt Nam là một trong số ít những thị trường ở châu Á vẫn đang có nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) chảy vào ròng. Trong khi đó, một số nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Sri Lanka... riêng trong tháng 5 đã bị rút vốn khá mạnh trước diễn biến chỉ số đô la Mỹ (USD Index) mạnh lên.

Cụ thể, Malaysia bị rút vốn 1,3 tỉ đô la Mỹ; Indonesia bị rút 426 triệu đô la Mỹ, Ấn Độ bị rút 1,1 tỉ đô la Mỹ, Thái Lan bị rút 1,3 tỉ đô la Mỹ. Trước sức ép nước ngoài rút vốn, đồng nội tệ của những nước này cũng chịu áp lực giảm giá rất mạnh như Rupiah của Ấn Độ giảm 3,7% so với đô la Mỹ; đồng Ringit của Malaysia giảm 3% so với đô la Mỹ; đồng baht của Thái Lan giảm 2,7% so với đô la Mỹ... So với các nước này thì mức mất giá của tiền đồng đến nay là thấp hơn khá nhiều (chưa đến 1%). 

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ