TP.HCM sẽ xử phạt những trường hợp lợi dụng dịch bệnh đẩy giá thực phẩm

Thanh tra Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường rà soát chợ truyền thống, xử phạt nghiêm những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để đẩy giá lương thực, thực phẩm.
ĐÌNH NGUYÊN
10, Tháng 07, 2021 | 11:08

Thanh tra Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường rà soát chợ truyền thống, xử phạt nghiêm những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để đẩy giá lương thực, thực phẩm.

Thông tin từ Sở Công Thương TP.HCM cho biết, trong ngày đầu tiên TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, lượng người đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi có đông đúc trong thời gian ngắn vào buổi sáng, sau đó nhanh chóng bình thường trở lại.

Do người dân vẫn còn tâm lý tích trữ hàng hoá dẫn đến sức mua tại các chợ tăng cao khiến tiểu thương đẩy giá trong thời điểm khách đông mà hàng thiếu. Nhưng, hiện tượng này chỉ xảy ra trong một số thời điểm nhất định.

Vì vậy, Thanh tra Sở Công Thương cùng phòng chức năng tăng cường sẽ đi thực tế và phối hợp Cục Quản lý thị trường tập trung rà soát chợ truyền thống, xử phạt nghiêm trường hợp lợi dụng tình dịch bệnh để đẩy giá.

mua-sam-thoi-dich

Sở Công thương đã có văn bản gửi lãnh đạo các hệ thống siêu thị, bách hóa trên địa bàn thành phố tăng lượng cung ứng lương thực, thực phẩm... Ảnh: Đại Việt

Theo Sở Công Thương, tính chiều ngày 9/7, toàn thành phố có đến 148/234 chợ truyền thống, 3/3 chợ đầu mối, 6/106 siêu thị, 94/2.626 cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Như vậy, đã có khoảng 2/3 số chợ truyền thống, bao gồm 3 chợ đầu mối của thành phố đã tạm ngưng hoạt động.

“Thành phố có hơn 50% số chợ truyền thống phải đóng cửa, nên cũng đã ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng hàng hóa, đặc biệt là đối với những người dân có thu nhập thấp, phải mua thực phẩm sử dụng hằng ngày khi không có khả năng dự trữ. Đây cũng là nỗi lo và ngành công thương đã có nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn này.”, lãnh đạo Sở Công Thương thông tin.

Tối ngày 9/7, Sở Công Thương đã có công văn gửi đến lãnh đạo các hệ thống phân phối Saigon Co.op, Satra, MM.Mega Market, Family Mart, AEON, Bách Hóa Xanh, VinMart, Vissan… để triển khai tăng lượng cung ứng lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, đảm bảo hàng hóa đầy đủ trên các quầy kệ, với đa dạng các chủng loại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các hệ thống phân phối cần tăng phát loa thông tin, hướng dẫn khách đến mua sắm, không để tình trạng tập trung đông người, mua gom hàng hóa và giới thiệu thực đơn các mặt hàng chế biến sẵn có tại các điểm bán hàng của hệ thống…

Thành phố đã yêu cầu tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 9/7, việc này gây khó khăn cho nhiều người dân, đặc biệt những người không có điều kiện nấu ăn.

Do đó, thành phố yêu cầu các hệ thống phân phối như Saigon Co.op, Satra, MM.Mega Market, Bách Hóa Xanh, VinMart, Family Mart, AEON, Visan… tăng lượng hàng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn. Phối hợp với các hệ thống giao hàng online, các hình thức phân phối trực tiếp đến tận tay người dân khi có yêu cầu để giải quyết khó khăn cho người dân.

Đồng thời, các hệ thống phân phối cần đảm bảo các điểm bán hàng hoạt động liên tục, không gián đoạn, bổ sung hàng hóa liên tục lên kệ, hạn chế để quầy kệ trống, đặc biệt với hàng bình ổn giá, thực phẩm thiết yếu.

Bổ sung nhân lực, có chính sách khuyến khích mua hàng trực tuyến trên các ứng dụng Zalo, fanpage, bán hàng qua điện thoại. Ưu tiên trên các trang này hiển thị các mặt hàng thực phẩm phục chế biến sẵn phục vụ nhu cầu bữa ăn hằng ngày.

Cần có phương án phối hợp với các hệ thống giao hàng, các hình thức phân phối trực tiếp đến tận tay người dân khi có yêu cầu, đảm bảo giao nhận đúng quy trình, an toàn phòng chống dịch.

Sở Công Thương nhận định, việc thiếu hàng hóa trong các ngày qua chỉ là cục bộ bởi hàng hóa ùn ứ ở cửa ngõ thành phố và nhu cầu mua hàng hóa tích trữ của người dân tăng đột biến trong một thời điểm nên không thể đáp ứng ngay.

Sở Công Thương cũng cho biết đã lập website https://nongsan.congthuong.hochiminhcity.gov.vn để đưa các mặt hàng nông sản bán trực tuyến phục vụ người dân thành phố trong những ngày giãn cách. Điều này vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, vừa giúp người dân an tâm mua các loại hàng hóa thiết yếu, với các mức giá được niêm yết công khai.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ