Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Chính phủ luôn lắng nghe và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư'

Nhàđầutư
Nhadautu.vn xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”, diễn ra hôm nay 4/10, tại Hà Nội.
PV
04, Tháng 10, 2018 | 12:09

Nhàđầutư
Nhadautu.vn xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”, diễn ra hôm nay 4/10, tại Hà Nội.

thu-tuong-phat-bieu-tai-hoi-nghi-30-nam-fdi

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị 

Thưa toàn thể Quý vị đại biểu,             

Tôi rất vui mừng tới dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam. Thay mặt Chính phủ, tôi gửi lời chào thân ái tới quý vị đại biểu đại diện các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước, các Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham dự Hội nghị trọng thể ngày hôm nay.

Tôi đã nghe Báo cáo đánh giá tổng kết 30 năm thu hút và quản lý ĐTNN tại Việt Nam, bài học kinh nghiệm, những định hướng lớn về thu hút ĐTNN trong giai đoạn tới. Các Hiệp hội doanh nghiệp, Công ty tư vấn quốc tế đã nêu nhiều ý kiến tham luận thẳng thắn, tâm huyết đánh giá về môi trường đầu tư, cơ hội và tiềm năng đầu tư, những hạn chế, tồn tại, các thách thức, tận dụng cơ hội của Cách mạng Công nghiệp 4.0, những khuyến nghị chính sách thu hút đầu tư.

Đại diện Hà Nội, Bình Dương cũng nêu ra các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư mang tính liên vùng, tạo sự lan toả phát triển; giải pháp thu hút đầu tư gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững.

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị là nguồn thông tin tin cậy để Bộ KHĐT tiếp thu hoàn chỉnh Đề án tổng kết 30 năm thu hút ĐTNN và để Chính phủ xây dựng những chính sách mới, nâng tầm hợp tác ĐTNN thời gian tới.

Thưa Quý vị,

Tôi đánh giá cao Báo cáo tổng kết 30 năm ĐTNN và biểu dương Bộ KHĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết gắn liền với Hoạt động xúc tiến đầu tư cấp Quốc gia, cùng với nhiều hoạt động bên lề như: triển lãm thành tựu 30 năm ĐTNN; chương trình kết nối DN trong nước và các nhà ĐTNN; cũng như các cuộc gặp giữa các nhà đầu tư với các Bộ, ngành, địa phương,...

Sau đây tôi nhấn mạnh một số nội dung, nhiệm vụ quan trọng:

1. Sau hơn 3 thập kỷ thực hiện đường lối Đổi mới, dưới sự chỉ đạo của Đảng, sự nỗ lực của toàn dân và sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức, đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử.

- Từ nước nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã nỗ lực vươn lên trở thành quốc gia thuộc Nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình; (i) tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 6,5% trong 30 năm qua; (ii) chính trị - xã hội ổn định; (iii) quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; (iv) vị thế quốc tế không ngừng được nâng cao; (v) đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Tổng kết 30 năm qua cho thấy, việc mở cửa thu hút vốn ĐTNN là một chủ trương đúng đắn, đã góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của đất nước. Các thành tựu đã được nêu cụ thể tại Báo cáo Tổng kết, tôi không nhắc lại. Nhưng nhấn mạnh các nội dung sau đây:

Thứ nhất, Sự nghiệp Đổi mới bắt đầu 1986, thì đến tháng 12/1987 Quốc hội ta đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài. Có thể nói, thu hút ĐTNN luôn “song hành” với sự nghiệp Đổi mới và là sự cụ thể hóa sinh động chủ trương “mở cửa” của đất nước. Trong tiến trình phát triển, ĐTNN chính là một nội hàm quan trọng của tiến trình Hội nhập kinh tế quốc tế và nay tiến lên là Hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao tầm vóc và vị thế quốc tế của Việt Nam.

Trên thực tế, trong điều kiện bị cấm vận, chính ĐTNN là một kênh quan trọng để Việt Nam thông qua các nhà đầu tư quốc tế tác động đến các quốc gia để từng bước phát triển quan hệ quốc tế, phá bỏ thế bao vây cấm vận, bước vào dòng chẩy giao lưu kinh tế thế giới.

Thứ hai, Những năm đầu tiên, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, kinh nghiệm quản lý nhà nước về kinh tế thị trường còn thiếu, thì sự vận hành khu vực ĐTNN theo các nguyên tắc thị trường đã trở thành nơi để chúng ta học tập, vận dụng các chính sách về kinh tế thị trường một cách linh hoạt, sáng tạo. 

ĐTNN là sản phẩm của đường lối mở cửa, đổi mới tư duy kinh tế của Việt Nam. Trong thực tiễn, chính hoạt động ĐTNN cũng đặt ra những vấn đề thúc đẩy chúng ta phải đổi mới tư duy kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đồng thời là nhân tố mới đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đã trở thành một bộ phận không tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Đến nay, đã có hơn 26.500 dự án ĐTNN đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, cam kết đầu tư trên 334 tỷ USD vào Việt Nam. Tự bản thân các con số thống kê được tổng kết đã nói lên vai trò của ĐTNN trong nền kinh tế Việt Nam.

Ví dụ, năm 2017, ĐTNN chiếm gần 20% GDP; có mặt trong 19/21 ngành kinh tế và tất cả 63 tỉnh, thành phố cả nước; đóng góp 23,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp; 70% kim ngạch xuất khẩu; đóng góp hàng năm cho NSNN, năm 2017 là khoảng 8 tỷ USD (chiếm 17,1% tổng NSNN); sử dụng gần 4 triệu việc làm trực tiếp và 5-6 triệu việc làm gián tiếp. 

Bên cạnh đó, bằng nhiều cách thức khác nhau, ĐTNN có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, đóng góp cho cộng đồng (về văn hóa, giáo dục, từ thiện…) và quá trình Hội nhập quốc tế của Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Thứ tư, Trong đánh giá của các nhà ĐTNN, Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thu hút ĐTNN thành công nhất của khu vực và trên thế giới thời gian qua.

 Báo cáo 2017 của Tổ chức thương mại và phát triển LHQ (UNTAD) đánh giá Việt Nam nằm trong Top 12 quốc gia thành công nhất về thu hút ĐTNN.

Thưa Quý vị,

2. Vui và tự hào về những thành tựu to lớn của ĐTNN, nhưng Tôi muốn chúng ta nhìn thẳng vào những hạn chế tồn tại, cả những thua thiệt trong thu hút ĐTNN. Báo cáo tổng kết đã phân tích cụ thể, nhưng Tôi nêu một số điểm chính:

(i) Các doanh nghiệp ĐTNN về cơ bản đang sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực. Chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia (TNCs) trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) còn ít.

Theo Bộ KHĐT (7/12/2017): có tới hơn 80% doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, chỉ có 5- 6% sử dụng công nghệ cao. Theo VCCI (27/6/2018), giai đoạn 2006 – 2015, trong gần 14.000 dự án FDI hoạt động mới có khoảng 600 hợp đồng chuyển giao công nghệ, đạt 4,28%.

(ii) Liên kết giữa khu vực ĐTNN và khu vực trong nước và chuyển giao công nghệ chưa đạt như kỳ vọng, chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hoá trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm không cao.

Theo Tổng cục Thống kê công bố 19/9/2018: Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sau gia công, lắp ráp chiếm 18% tổng xuất khẩu cả nước, đạt 32,4 tỉ USD (trong đó các doanh nghiệp ĐTNN là 25,4 tỷ USD). Tổng phí gia công mà các doanh nghiệp Việt Nam thu được chỉ là 26%, giá trị 8,6 tỉ USD, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động.

(iii) Một số dự án ĐTNN tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; còn có biểu hiện báo lỗ - chuyển giá; đầu tư chui; không đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động...

Chúng ta còn nhớ các câu chuyện đáng buồn về gây ô nhiễm môi trường của Vedan, Formosa. Theo một báo cáo của VCCI có đến 90% số doanh nghiệp ĐTNN sản xuất may mặc ở TP.HCM có báo cáo lỗ trong khi hầu hết các doanh nghiệp nội địa hoạt động trong cùng ngành lại có lãi? Công luận đã nói nhiều về vấn đề báo lỗ, chuyển giá với những cái tên Coca Việt Nam, Pepsi Việt Nam, Adidas, Metro Việt Nam, Kengnam…

(iv) Chất lượng nguồn nhân lực, trình độ quản lý; kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập; công tác quản lý ĐTNN còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ.

Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017 của VCCI, có 69% doanh nghiệp ĐTNN tại Việt Nam cho rằng họ đang “vấp” phải khó khăn trong việc tuyển dụng được các cán bộ kỹ thuật có tay nghề để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

(v) Thiếu các quy định và tư duy quản lý phù hợp, mang tính cạnh tranh để thu hút các Tập đoàn toàn cầu, các nhà đầu tư công nghệ cao

Thực tế, Thủ tướng đã phải xử lý linh hoạt để giải quyết rất nhiều vướng mắc cho các tập đoàn đa quốc gia, đầu tư vốn lớn, công nghệ cao như Sam sung, Nike, Intel, Nidec,…

Các nhà đầu tư nước ngoài mang vốn, công nghệ vào nước ta nhìn chung là rất quý, nhưng có tranh thủ được nguồn lực này cho phát triển, nâng cao quốc lực của đất nước là trách nhiệm của chúng ta. Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, tổng thể và quyết tâm cao để sớm khắc phục trong thời gian tới.

Do vậy, nguyên nhân của các hạn chế, bất cập nêu trên, phải nghiêm khắc thấy rằng, trước hết, đó là trách nhiệm thuộc về Chính phủ, các Bộ trưởng, địa phương.

Nhìn chung: Dù vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục, hoàn thiện, nhưng nhìn chung sau 30 năm hợp tác ĐTNN, có thể khẳng định: (i) Thu hút ĐTNN là một chủ trương đúng đắn và thành công của Đảng và Nhà nước ta; (ii) Khu vực ĐTNN là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam và đang đồng hành cùng lớn lên với quá trình phát triển KTXH của đất nước. (iii) Các doanh nghiệp có vốn ĐTNN là những thành viên tích cực trong đại gia đình các doanh nghiệp Việt Nam. (iv) Việt Nam tự tin và tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương hợp tác ĐTNN.

Thưa Quý vị,

3. Hiện nay, Việt Nam đang tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng; hiệu quả và sức cạnh tranh. Quan điểm Việt Nam đối với ĐTNN sẽ mở theo hướng sau:

Một là, Việt Nam khẳng định nhất quán khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là một bộ quan trọng của nền kinh tế. Sau 30 năm thu hút ĐTNN, nay Việt Nam thực hiện chính sách “hợp tác ĐTNN” với nội hàm mở rộng hơn.

Hợp tác ĐTNN là chúng ta không chỉ thu hút ĐTNN, mà hợp tác cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập lẫn nhau (M&A), đặc biệt nhấn mạnh hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội (đây cũng chính là nội hàm của các Hiệp định FTA thế hệ mới và là nền tảng phát triển bền vững). Hợp tác ĐTNN là mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn, không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào ta chấp nhận nấy và điều quan trọng là có lựa chọn, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.

Hai là, Việt Nam mong muốn nâng cao hiệu quả hợp tác ĐTNN, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, nhà nước, xã hội và bảo vệ tốt môi trường.

Ba là, thúc đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp ĐTNN với doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp quy mô lớn, công nghệ chất lượng cao, gắn với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Bốn là, khuyến khích ĐTNN vào ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, lao động, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, sản phẩm có giá trị gia tăng và tỉ lệ nội địa hóa cao. Đồng thời, thu hút các dự án ĐTNN tiếp cận với các công nghệ tương lai của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo ra giá trị gia tăng lớn.

Xuất phát từ thực tiễn của đất nước, chúng ta tiếp tục thu hút vốn ĐTNN để giải quyết lao động, việc làm ở các vùng nông thôn, miền núi. Còn khu vực thành phố phát triển, thị xã thì ưu tiên thu hút đầu tư kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao…Đây là quan điểm nhân văn của phát triển bền vững, bao trùm, chia xẻ thành quả phát triển với mọi người dân.

Năm là, hợp tác với các Tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư có công nghệ mới sáng tạo, có chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị quốc tế để hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp ĐTNN liên kết với các Tập đoàn đa quốc gia trong cụm liên kết ngành, từng bước tham gia vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn. Hợp tác ĐTNN phù hợp với lợi thế, quy hoạch địa phương, vùng, đảm bảo hiệu quả.

Thưa Quý vị,

4. Bối cảnh khu vực, thế giới đang có nhiều biến động, cạnh tranh gay gắt, đan xen cả cơ hội và thách thức, cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa mạnh mẽ tới từng doanh nghiệp, người dân. Với các quan điểm nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, chính quyền địa phương tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất: Tập trung làm cho được điều mà các nhà đầu tư luôn cần là: giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là điều không dễ, đòi hỏi phải thống nhất tư tưởng, nhận thức về hợp tác ĐTNN và triển khai đồng bộ, sáng tạo các biện pháp về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.

Theo Tổ chức phát triển công nghiệp của LHQ - Unido (công bố 26/6/2014), trong 21 tiêu chí để các nhà đầu tư lựa chọn, đầu tư hoặc mở rộng đầu tư, có 4 tiêu chí đầu tiên là ổn định kinh tế, ổn định chính trị, giảm thuế, chi phí lao động.

Thứ hai: Hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư, đảm bảo sự tương thích, đồng bộ pháp luật giữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật liên quan với các cam kết quốc tế. Trong đó có thực hiện chủ trương hợp tác ĐTNN có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ.

Theo từng thời kỳ, giai đoạn phát triển, cần xây dựng các tiêu chí khuyến khích cụ thể, công khai, minh bạch, trong đó chú trọng khuyến khích đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm. Hoàn thiện khung pháp luật (nhất là về thuế, kế toán, thuê đất, mở rộng đầu tư,..) để có thể thích ứng với nhiều loại hình đầu tư mới, đầu tư của các Tập đoàn đa quốc gia.

Không xem xét mở rộng quy mô và gia hạn thời hạn hoạt động đối với các dự án ĐTNN khai thác tài nguyên, khoáng sản không gắn với chế biến sâu; dự án sử dụng công nghệ thấp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; dự án thâm dụng lao động ở các thành phố đã có trình độ phát triển cao. Kiên quyết thu hồi diện tích đất được giao, cho thuê và sử dụng không đúng mục đích theo quy định của pháp luật. Giải quyết dứt điểm các vướng mắc của doanh nghiệp ĐTNN. Ngăn ngừa và hạn chế khả năng xảy ra tranh chấp đầu tư quốc tế.

Thứ ba: Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp ĐTNN trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ....

Từ tư duy thụ động, bị nhà ĐTNN vào “mua”, nay chuyển sang các doanh nghiệp trong nước có thể chủ động “mua” lại các doanh nghiệp ĐTNN tại Việt Nam để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia.

Thứ tư: Hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo doanh nghiệp ĐTNN thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi.

Bảo đảm nguyên tắc doanh nghiệp ĐTNN được hưởng ưu đãi thì phải có đầu tư thực sự hiệu quả, kiểm chứng được trên cơ sở tiêu chí cụ thể; nhất là cam kết về đầu tư công nghệ cao, bảo vệ môi trường, khai khoáng có chế biến sâu...

Thứ năm: Tạo cơ chế kết nối các hoạt động xúc tiến về đầu tư, thương mại, du lịch nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến.

Xúc tiến theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa các nguồn vốn ĐTNN từ các thị trường và đối tác. Khai thác có hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do FTA và quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia để nâng cao chất lượng hợp tác ĐTNN.

Thứ sáu: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp quản lý nhà nước về ĐTNN giữa các cơ quan trung ương và địa phương. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước về ĐTNN.

 Kết nối Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư với thông tin quản lý về lao động, ngoại hối, đất đai...) để cung cấp dịch vụ công trực tuyến và nâng cao hiệu quả quản lý ĐTNN.

5. Trên cơ sở các quan điểm, nhiệm vụ nêu trên, các Bộ, ngành và địa phương cần rà soát và hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách, giải pháp trong lĩnh vực quản lý của mình; Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo Tổng kết 30 năm thu hút ĐTNN, trình Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Chương trình hành động cụ thể để thực hiện.

Tôi tin rằng với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, sự chỉ đạo triển khai quyết liệt của các cơ quan Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ không ngừng được cải thiện mang tính cạnh tranh với khu vực, đáp ứng yêu cầu phát triển quốc gia và bảo đảm hài hoà lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp và người dân.

6. Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương những cố gắng, nỗ lực vượt bậc của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư/Cục Đầu tư nước ngoài, vì đã có những đóng góp quan trọng vào sự thành công của hoạt động ĐTNN trong thời gian qua.

Tôi cũng cảm ơn các cơ quan ngoại giao, các Đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức quốc tế,… về những đóng góp tích cực, chân thành trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam với các nước và ủng hộ Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, tôi cảm ơn, đánh giá cao các nhà ĐTNN đã tin tưởng Việt Nam, lựa chọn Việt Nam và đã đồng hành lớn lên cùng Việt Nam. Các bạn đã cùng chúng tôi vượt qua khó khăn và đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của Việt Nam trong suốt chặng đường 30 năm qua.

Tại Hội nghị này, tôi xin khẳng định: Chính phủ Việt Nam nhất quán và cam kết tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách hợp tác ĐTNN và cam kết xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, mang tính cạnh tranh, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế tiên tiến và phù hợp với các cam kết tiêu chuẩn cao trong các Hiệp định FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.

Chính phủ luôn lắng nghe và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư để hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển bền vững. Sự thành công của các bạn tại Việt Nam cũng chính là thành công, niềm tự hào của chúng tôi.

Chúc các quý vị sức khỏe và thành công.

(Tít bài do Nhadautu.vnvn đặt)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ