Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Đầu tư nước ngoài đã đồng hành cùng tiến trình Đổi mới và mở cửa nền kinh tế'

Nhàđầutư
Nhadautu.vn xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị “30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”, diễn ra hôm nay 4/10, tại Hà Nội.
PV
04, Tháng 10, 2018 | 10:49

Nhàđầutư
Nhadautu.vn xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị “30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”, diễn ra hôm nay 4/10, tại Hà Nội.

nguyen-chi-dung

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị

Kính thưa Ngài Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

Kính thưa Ngài Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ

Thưa toàn thể quý vị đại biểu, các vị khách quý trong nước và quốc tế,

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, hôm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị "30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - tại Việt Nam - Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới".

Đây là một sự kiện lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng của chặng đường đổi mới và phát triển đất nước.

Hội nghị nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và xin trân trọng cảm ơn sự hiện diện của các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các Ban, Bộ, ngành trung ương và địa phương; các vị Đại sứ; đại diện cơ quan ngoại giao các nước, các tổ chức quốc tế; Hiệp hội doanh nghiệp; các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tại Hội nghị này. Xin chân thành cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí đã đến tham dự và đưa tin về Hội nghị.

Sự hiện diện của các quý vị đại biểu, các vị khách quý trong nước và quốc tế tại Hội nghị ngày hôm nay thể hiện sự quan tâm và sự cỗ vũ to lớn đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đất nước đang trên đà đổi mới, phát triển và hội nhập.

Thưa Quý vị,   

Đường lối Đổi Mới, mở cửa hợp tác đầu tư với nước ngoài được Đảng ta khởi xướng từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 và đã được cụ thể hóa bằng Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987.

Đây là một trong những đạo luật đầu tiên trong thời kỳ Đổi Mới của Việt Nam, được đông đảo chuyên gia, nhà đầu tư trong nước và quốc tế đánh giá là một quyết sách có tính lịch sử, thể hiện tư duy, quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước trong quan hệ kinh tế đối ngoại, huy động nguồn lực ngoài nước, cùng với nguồn lực trong nước để phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trên chặng đường 30 năm qua, đầu tư nước ngoài đã đồng hành cùng tiến trình Đổi Mới và mở cửa nền kinh tế, đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Nền kinh tế Việt Nam có được những thành tựu phát triển vượt bậc như ngày hôm nay, có thể khẳng định có sự đóng góp không nhỏ của khu vực đầu tư nước ngoài.

Trong những năm đầu thực hiện chính sách mở cửa, đầu tư nước ngoài đã góp phần đáng kể trong việc xóa bỏ thế bao vây cấm vận, bình thường hóa quan hệ với các nước và tổ chức quốc tế; thúc đẩy tiến trình hội nhập; bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển; đồng thời khơi dậy nguồn lực trong nước để cùng khai thác các tiềm năng, lợi thế, đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, khủng hoảng và tạo nền tảng cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Đến nay, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Lũy kế đến ngày 20/8/2018, cả nước có 26.500 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mức trung bình 18-25% trong giai đoạn 1991 - 2017. Đóng góp của đầu tư nước ngoài đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội thể hiện chủ yếu ở các phương diện sau:

Về kinh tế, đầu tư nước ngoài đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mức đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong GDP của cả nước tăng từ 9,3% năm 1995 lên 19,6% năm 2017. Bên cạnh đó, năng suất lao động của khu vực đầu tư nước ngoài luôn ở mức cao, đóng góp không nhỏ trong việc nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế. Năm 2017, năng suất lao động của khu vực này đã cao hơn 3,7 lần năng suất bình quân chung của cả nước.

Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ khu vực đầu tư nước ngoài tăng đáng kể, từ 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994-2000 lên 23,7 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2015, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Riêng năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài đã đóng góp hơn 8 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước. 10 địa phương có nguồn thu ngân sách nhà nước lớn, 16 địa phương tự cân đối được ngân sách đều là những địa phương thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài.

Cùng với thúc đẩy tăng trưởng, đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với tỷ trọng 58,2% vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đầu tư nước ngoài còn góp phần phát triển khu vực công nghiệp, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước; hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn.

Với sự tham gia của đầu tư nước ngoài, nhiều ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, vận tải biển, logistics, giáo dục - đào tạo, y tế,  du lịch... đã có bước phát triển đáng kể trong những năm qua.

Đầu tư nước ngoài còn là nhân tố góp phần chuyển đổi không gian phát triển, hình thành các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

Chủ trương khuyến khích đầu tư nước ngoài hướng vào xuất khẩu đã tạo thuận lợi cho Việt Nam mở rộng thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, từng bước tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Nhờ có định hướng này, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đã tăng nhanh trong thời gian gần đây, góp phần quan trọng làm cân bằng cán cân thương mại, giảm áp lực tỷ giá và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Mặc dù còn những hạn chế nhất định, nhưng trong 30 năm qua, nhiều dự án đầu tư nước ngoài đã chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến ở một số ngành, lĩnh vực; tác động lan tỏa nhất định tới khu vực doanh nghiệp trong nước, qua đó góp phần nâng cao trình độ công nghệ và quản trị của nền kinh tế.

Về xã hội, khu vực đầu tư nước ngoài đã có nhiều đóng góp trong tạo việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Việc làm trực tiếp trong khu vực đầu tư nước ngoài đã tăng từ 330 nghìn người năm 1995 lên khoảng 3,6 triệu người năm 2017. Bên cạnh đó, khu vực này cũng tạo việc làm gián tiếp cho khoảng 5-6 triệu lao động.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng là những đơn vị đi tiên phong trong đào tạo, nâng cao trình độ và tác phong công nghiệp của đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý. Nhiều vị trí việc làm trước đây do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nay đã được thay thế bằng lao động Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu nước ngoài đã quan tâm thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tham gia hoạt động xóa đói, giảm nghèo và các hoạt động thiện nguyện khác.

Ngoài ra, việc thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đã góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế.

Kết quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài trong 30 năm qua đã khẳng định đường lối mở cửa hợp tác với nước ngoài của Đảng và Nhà nước là hết sức đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Thưa Quý vị,

Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng việc thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập.

Trước hết, phải kể đến việc liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực trong nước còn thấp. Nhiều dự án đầu tư nước ngoài tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp; tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp ở mức dưới trung bình. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước còn thiếu sự liên kết chặt chẽ để cùng phát triển.

Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện thấp so với vốn đầu tư đăng ký cũng là một vấn đề cần được quan tâm xử lý. Năm 2017, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện mới đạt khoảng 55,5%, có nghĩa là có tới gần 1/2 tổng vốn đầu tư đăng ký nhưng chưa được thực hiện. Chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư nước ngoài chưa đạt kết quả như kỳ vọng; số dự án đầu tư nước ngoài ở các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn chưa nhiều. Đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực, như: nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, giáo dục đào tạo, y tế... và đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia còn khiêm tốn.

Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường, một số trường hợp đã gây ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và cuộc sống của người dân, cũng như sự phát triển bền vững của đất nước. Việc sử dụng đất đai và tài nguyên không tái tạo tại một số dự án đầu tư nước ngoài còn lãng phí và kém hiệu quả.

Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính để trốn thuế. Thực tế cũng cho thấy, còn trường hợp bên nước ngoài trong các liên doanh đã tạo áp lực buộc Bên Việt Nam phải nhượng lại phần vốn góp, chuyển doanh nghiệp liên doanh thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, làm hạn chế khả năng liên kết và chuyển giao công nghệ.

Một số địa phương chưa tính toán đầy đủ, cân nhắc cẩn trọng các yếu tố liên quan đến quốc phòng, an ninh khi thu hút các dự án đầu tư nước ngoài.

Việc chấp hành pháp luật về lao động tại một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa nghiêm, trong đó có việc sử dụng lao động nước ngoài. Tỷ lệ các cuộc đình công không theo trình tự pháp luật quy định và tranh chấp lao động trong khu vực đầu tư nước ngoài có xu hướng gia tăng.

Những hạn chế, bất cập nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, cụ thể là:

Thứ nhất, Hệ thống thể chế, chính sách và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện mạnh mẽ trong những năm gần đây, song một số điểm vẫn kém tính cạnh tranh so với một số nước trong khu vực nên chưa thực sự đủ hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới. Nhà đầu tư nước ngoài còn một số quan ngại liên quan đến vấn đề thực thi pháp luật, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; việc áp dụng nguyên tắc không hồi tố; giải quyết tranh chấp, phá sản của các cơ quan có thẩm quyền.

Thứ hai, Hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ và năng lực doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài chưa cao. Trong một số trường hợp, việc phân cấp quản lý cho địa phương chưa thực sự phù hợp với năng lực, điều kiện hoạt động của bộ máy và đội ngũ cán bộ. Trong khi đó, công tác hướng dẫn, hỗ trợ, theo dõi, kiểm tra, thanh tra, giám sát từ các cơ quan trung ương chưa đầy đủ và kịp thời.

Thứ tư, Công tác xúc tiến đầu tư mặc dù không ngừng được hoàn thiện, song còn thiếu tính chuyên nghiệp và phân tán. Mô hình tổ chức, bộ máy và phương thức hoạt động chưa được đổi mới kịp thời nhằm thích ứng với yêu cầu thực tiễn thu hút đầu tư nước ngoài. Nguồn lực tài chính để thực hiện chiến lược xúc tiến đầu tư quốc gia còn hạn chế.

Thưa Quý vị,

Nhìn lại kết quả thực hiện trong 30 năm qua, có thể rút ra những bài học thực tiễn quý giá và là nền tảng quan trọng để điều chỉnh mục tiêu, định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài cho giai đoạn mới như sau:

Một là, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi phải huy động và kết hợp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó nguồn lực trong nước là quyết định và nguồn lực ngoài nước là quan trọng.

Hai là, hoàn thiện thể chế, chính sách và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chuẩn mực thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế là tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế.

Ba là, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, trình độ năng lực của bộ máy và đội ngũ cán bộ là yếu tố quyết định thành công trong việc thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài.

Bốn là, phát triển, nâng cao năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là năng lực về công nghệ và quản trị là yếu tố quan trọng để tiếp nhận và tăng cường liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa của đầu tư nước ngoài đối với khu vực doanh nghiệp trong nước nói riêng và nền kinh tế nói chung.     

Thưa Quý vị,

Bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đang đặt ra những cơ hội và thách thức mới đối với Việt Nam trong thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài thời giai đoạn tới. Dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu có xu hướng giảm và đang dịch chuyển theo các hướng thuận và không thuận đối với Việt Nam. Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có khả năng tác động làm điều chỉnh dòng đầu tư của Hoa Kỳ, EU từ Trung Quốc vào các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp phải không ít khó khăn trước áp lực cạnh tranh với một số nước ở khu vực trong thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế đang dịch chuyển. Thêm vào đó, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng và yêu cầu về xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định thương mại tự do ngày càng cao, thì việc Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, dựa nhiều vào nhập khẩu để xuất khẩu cũng là thách thức không nhỏ.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghệ, nguồn nhân lực... và đặt ra thách thức rất lớn nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội để Việt Nam có thể "đi tắt, đón đầu", bắt kịp với các nước.

Để tận dụng được cơ hội đó, đòi hỏi phải xây dựng và thực hiện một chiến lược phát triển dài hạn, đầu tư thích đáng cho hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để khuyến khích dòng đầu tư nước ngoài vào các ngành nghề mới.

Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối Đổi Mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình, với vị thế và uy tín trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Việt Nam được đánh giá là thành viên có trách nhiệm trong nhiều tổ chức quốc tế; đã và đang tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các cam kết quốc tế trong tiến trình hội nhập. Thứ hạng của Việt Nam trên nhiều bảng xếp hạng của thế giới về môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo... đã được cải thiện mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được hoàn thiện. Tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã có những chuyển biến thực chất. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngày càng lớn mạnh, bước đầu đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có uy tín và thương hiệu.

Ngoài ra, quá trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đang được đẩy mạnh, mở ra cơ hội mới cho đầu tư tư nhân, trong đó có đầu tư nước ngoài theo hình thức mua bán và sáp nhập.

Đó là những yếu tố quan trọng tạo tiền đề để tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới, cũng như để Việt Nam tham gia mạnh mẽ hơn vào những sân chơi mới của thế giới, vừa thúc đẩy phát triển đất nước, vừa đóng góp vào thịnh vượng chung của thế giới và khu vực.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định khu vực đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài phù hợp với mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong trung và dài hạn như sau:

Mục tiêu tổng quát trong thời gian tới là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao, tiên tiến, quản trị hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Về định hướng ngành, lĩnh vực, tập trung ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tào nguồn nhân lực trong nước trong thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài.

Đẩy mạnh liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia, với khu vực doanh nghiệp trong nước, hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.

Tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày..., nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.

Về định hướng theo địa phương, vùng, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển và quy hoạch từng địa phương trong mối liên kết vùng, đảm bảo hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội - môi trường. Đối với những địa bàn, khu vực nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, vùng đặc quyền kinh tế, việc thu hút thu hút đầu tư nước ngoài cần được xem xét chặt chẽ, vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia phải được đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao và khu nông nghiệp công nghệ cao.

Về định hướng thị trường và đối tác, đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút đầu tư nước ngoài từ các thị trường và đối tác tiềm năng. Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn, tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại.

Không thu hút những dự án có công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường vào Việt Nam từ một số nước trong khu vực.

Thu hút đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án quy mô nhỏ, siêu nhỏ phải đảm bảo điều kiện nâng cấp công nghệ và gia nhập mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Tận dụng lợi thế của Việt Nam trong thị trường của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và cơ hội do các hiệp định thương mại tự do tạo ra để thu hút đầu tư nước ngoài.

Để thực hiện mục tiêu, định hướng nêu trên, trong thời gian tới, trên cơ sở kết quả tổng kết 30 năm thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn và chương trình hành động cụ thể, trong đó, tập trung vào các giải pháp hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật, chính sách liên quan đến đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài; thúc đẩy liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp trong nước; đổi mới cơ chế và phương pháp xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý;  hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát...

Thưa Quý vị,

Hội nghị ngày hôm nay là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường 30 năm phát triển của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cùng nhau đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân để từ đó đề xuất những giải pháp mạnh mẽ, có tính đột phá nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài, góp phần nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới.

Hội nghị của chúng ta hôm nay rất vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng về phương hướng, chủ trương hợp tác đầu tư với nước ngoài trong thời gian tới.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến tham luận của các đại biểu và các nội dung trao đổi tại Hội nghị về những đánh giá kết quả nổi bật, những hạn chế, bất cập, nguyên nhân chủ yếu, mục tiêu, định hướng, cơ chế, chính sách, giải pháp trong việc thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Đề án về định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030 để trình Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi mong muốn các bạn đến với Việt Nam trong tâm thế của những nhà đầu tư có thiện chí, có trách nhiệm, với những cam kết và hành động cụ thể, thực chất để đầu tư kinh doanh lâu dài trên cơ sở hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, của Nhà nước và của cộng đồng.

Nhân dịp này, chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới các nhà đầu tư nước ngoài đã đồng hành và có những đóng góp quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong suốt 30 năm qua.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị "30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - tại Việt Nam - Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới".

Xin kính chúc sức khỏe Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ!

Xin chúc sức khoẻ toàn thể quý vị đại biểu!

Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

(Tít bài do Nhadautu.vn đặt)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24810.00 24830.00 25150.00
EUR 26278.00 26384.00 27554.00
GBP 30717.00 30902.00 31854.00
HKD 3125.00 3138.00 3240.00
CHF 26952.00 27060.00 27895.00
JPY 159.41 160.05 167.39
AUD 16033.00 16097.00 16586.00
SGD 18119.00 18192.00 18729.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17923.00 17995.00 18523.00
NZD   14756.00 15248.00
KRW   17.51 19.08
DKK   3529.00 3658.00
SEK   2286.00 2374.00
NOK   2265.00 2354.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ