Thủ tướng: Chậm giải ngân vốn đầu tư công tạo 'nút thắt cổ chai' cho nền kinh tế

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công từ gần 10 năm qua đã tạo ra "nút thắt cổ chai" đối với nền kinh tế, gây ra rất nhiều hệ lụy.
THẮNG QUANG
26, Tháng 09, 2019 | 09:57

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công từ gần 10 năm qua đã tạo ra "nút thắt cổ chai" đối với nền kinh tế, gây ra rất nhiều hệ lụy.

Sáng 26/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.

4 hậu quả lớn của chậm giải ngân vốn đầu tư công

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhận định đầu tư công đóng góp lớn vào tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là các công trình hạ tầng quan trọng. Đầu tư công chiếm tới 10,7% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019.

Theo Thủ tướng, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công từ gần 10 năm qua đã tạo ra "nút thắt cổ chai" đối với nền kinh tế. "Tình trạng chậm giải ngân này không phải năm nay mà nhiều năm qua nhưng đặc biệt năm nay giải ngân thấp. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra rất nhiều hệ lụy", ông nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra 4 hậu quả lớn của việc này: Ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP; kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội nhưng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ;

Gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn; doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín làm ăn giảm sút.

thu-tuong

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu.

Tại hội nghị này, ông Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phải làm rõ hơn những nguyên nhân khách quan, chủ quan cơ bản của tình trạng chậm giải ngân. Ông dẫn chứng, nguyên nhân được chỉ ra là do mặt bằng, thủ tục, năng lực thi công, nhất là thể chế… nhưng có nhiều địa phương, nhiều ngành cùng tình trạng như vậy nhưng giải ngân hết sức tốt, 70-80%, có địa phương đạt cao hơn nữa. Nhưng có nhiều ngành, địa phương thì giải ngân chỉ 10-15%.

"Chúng ta phải thấy trách nhiệm trước đất nước, trước xã hội chứ không thể đổ cho nguyên nhân khách quan. Tại sao người ta làm được mình lại chậm trễ? Chậm do vốn, thủ tục phức tạp hay tinh thần thái độ không tích cực? Có những chủ trương giải phóng mặt bằng cả năm rưỡi rồi nhưng đến giờ phút này vẫn ì, tiền không ra khỏi tài khoản, ra xã hội được", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tại hội nghị phải đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể, sát đúng, mạnh mẽ hơn để công tác giải ngân tốt hơn khi còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2019, cũng như rút kinh nghiệm năm nay để sang năm giải ngân kịp thời hơn, chặt chẽ hơn.

"Làm tốt cũng nói, làm không tốt cũng phải nói ra để chúng ta rút kinh nghiệm chung. Chúng quyết cắt vốn, chuyển vốn từ các công trình, dự án của bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để các bộ, ngành, địa phương khác sử dụng có hiệu quả, kịp thời hơn", Thủ tướng chỉ đạo.

Điểm mờ trong bức tranh sáng của nền kinh tế

Trình bày báo cáo tóm tắt về công tác này, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng và ước 9 tháng cơ bản tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất kinh doanh và các mặt xã hội đều có bước tiến bộ, tăng trưởng khá, hướng tới hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch năm 2019 đã đề ra.

Tuy nhiên, vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một “điểm mờ” trong bức tranh sáng của tổng thể của nền kinh tế. Việc phân tích, làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân để rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hiệu quả là rất cần thiết.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết về phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công năm 2019, tổng số vốn đầu tư nguồn (ngân sách nhà nước) NSNN năm 2019 được Quốc hội quyết định là 429.300 tỷ đồng. Trước 31/12/2018, Bộ KH&ĐT đã trình Thủ tướng giao kế hoạch chi tiết đạt trên 367.000 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán.

nguyen-chi-dung

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Bảo Lâm.

"Như vậy, tỷ lệ kế hoạch vốn được giao sẵn sàng để giải ngân là khá cao. Số vốn chưa giao kế hoạch chi tiết chỉ chiếm 14,5%, không phải là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, ngay cả đối với số vốn đã được giao kế hoạch nhưng tỷ lệ giải ngân đạt thấp", ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Lũy kế đến nay, số vốn được giao kế hoạch đạt trên 391.000 tỷ đồng, bằng 92,16% dự toán. Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch khoảng gần 33.684 tỷ đồng, chủ yếu là do chưa có danh mục dự án, dự án chưa đủ thủ tục, một số bộ, ngành, địa phương xin giảm kế hoạch và trả lại vốn, chờ điều chỉnh chủ trương của cấp có thẩm quyền, lúng túng trong công tác điều chỉnh....

Cụ thể, bốn trái phiếu Chính phủ còn lại chưa giao là hơn 4.265 tỷ đồng, đây là số vốn đã được giao dự toán nhưng do Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và một số địa phương không phân bổ hết được cho các dự án do dự án chưa đủ thủ tục, do tính toán lại khả năng giải ngân đạt thấp và đề nghị giảm kế hoạch.

Vốn nước ngoài (ODA) còn lại chưa giao là hơn 14.346 tỷ đồng, bên cạnh việc các dự án đang chờ hoàn thiện thủ tục, nhất là thủ tục điều chỉnh, gia hạn hiệp định, đáng chú ý số vốn do 3 Bộ và 6 địa phương đề nghị giảm kế hoạch, trả lại vốn là khá lớn (8.517,909 tỷ đồng); số vốn dự kiến thu hồi là hơn 10.078 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công cần phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng vi phạm, giao sai, giao vượt tổng mức đầu tư, giao khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép... nhưng làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm liên quan đến việc giao kế hoạch chậm, giao nhiều lần là cần thiết.

Về khách quan, năm 2019 là năm có nhiều điều chỉnh trong kế hoạch trung hạn, như sử dụng dự phòng 10% tại các bộ, ngành, địa phương, điều chỉnh cắt giảm, bổ sung vốn và danh mục dự án... nên mất nhiều thời gian rà soát, xét duyệt của các cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật, trong khi đó danh mục và số vốn kế hoạch trung hạn là điều kiện tiên quyết để giao kế hoạch vốn hằng năm.

Mặc dù vậy, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trong đó công tác kế hoạch hóa đầu tư công còn nhiều bất cập cả ở các cơ quan tổng hợp và ở các bộ, ngành, địa phương, lập kế hoạch chưa sát với thực tế, chưa tính toán kỹ khả năng giải ngân, có tâm lý xây dựng nhu cầu vốn cao nhưng phân bổ cho các dự án chưa hợp lý, chưa phù hợp với nguyên tắc, thứ tự ưu tiên, thậm chí còn dự kiến bố trí cho những dự án chưa đủ thủ tục nên dẫn tới không thể giao được kế hoạch theo quy định pháp luật.

Bộ KH&ĐT chưa chủ động tham mưu báo cáo Thủ tướng tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong công tác giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2019; chưa kiên quyết, còn nể nang, chờ đợi thủ tục dự án của các bộ, ngành, địa phương nên dẫn tới mất nhiều thời gian tổng hợp.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp trong việc rà soát, có ý kiến góp ý còn mất nhiều thời gian, có trường hợp kéo dài vài tháng, phải có chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng mới triển khai giao kế hoạch được.

Theo báo cáo, giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt hơn 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, giải ngân vốn TPCP và ODA đều đạt thấp.7 Bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%, trong đó, 4 Bộ, ngành và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%.

Nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung, có 31 Bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50% , trong đó, 17 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30% . 

Nhìn chung, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng năm 2019 cơ bản tương tự như các năm trước, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

"Bên cạnh nguyên nhân do tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm, thì xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm còn do nguyên nhân cơ bản về tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên...", ông Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ