Nút thắt đầu tư công

“Này ông, sao tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ở Việt Nam ì ạch thế? Phải làm gì?”, vị chuyên gia quốc tế nhìn tôi nhíu mày.
CHUYÊN GIA KINH TẾ CẤN VĂN LỰC
22, Tháng 08, 2019 | 07:17

“Này ông, sao tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ở Việt Nam ì ạch thế? Phải làm gì?”, vị chuyên gia quốc tế nhìn tôi nhíu mày.

ts-can-van-luc

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực

Ông thuộc về một tổ chức quốc tế tham gia tài trợ phát triển chính thức cho Việt Nam nhiều năm. Chỉ mới trước đó, vị khách còn phấn khởi tới bàn tôi cụng ly trong bữa tối hội nghị. Nhưng ngay sau đó, ông kéo tôi ra một góc.

Vị khách nước ngoài nhìn tôi chờ đợi. Thấy nét mặt ông trở nên nghiêm trọng, tôi không nỡ đùa. Tôi đoán có thể tổ chức của ông liên quan đến câu chuyện nên ông mới lăn tăn.

"Đây cũng không phải lần đầu tôi nghe phàn nàn về việc này", tôi đáp. Vị khách hỏi ngay: "Nhiều người cũng lên tiếng rồi sao?". Tôi kể ông nghe sơ bộ, không ít doanh nghiệp, đối tác với cơ quan nhà nước ở bộ, ngành, địa phương đã kêu ca nhiều năm và gửi ý kiến lên các cấp lãnh đạo. Mặt ông ta giãn ra khấp khởi, cứ như đã tìm được "đồng minh, đồng cảnh".

Tôi từng quen một doanh nhân, công ty của ông đã gặp nhiều phiền toái vì bị chậm giải ngân vốn đầu tư công trong khi họ đã thanh toán một số cấu phần xây lắp cho đối tác từ khá lâu. Bị nợ, ông không có tiền để trả cho các bên khác, phải nợ lại đối tác, nhà cung cấp, có tháng còn chậm trả lương cho nhân viên.

"Chậm" đã trở thành đặc thù của đầu tư công tại Việt Nam. Bị nợ công khiến không ít doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn, thậm chí giải thể, phá sản bởi không chịu nổi nợ đã vay ngân hàng để đổ vào dự án. Doanh nhân tôi quen biết kia, thời điểm vài năm trước đã lắc đầu "thú thật tôi không hy vọng năm nay có lợi nhuận". Chưa kể trước đó, ông đã đau đầu vì dự án chậm tiến độ, bị đội chi phí, mất uy tín với đối tác, phải cho nhân viên nghỉ việc.

Vì những lần như thế, tôi cảm thấy có trách nhiệm tìm câu trả lời cho nhiều người, nhiều dự án và nhiều tổ chức. Đầu tư công chiếm tới 10,7% tổng giá trị GDP cả nước, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội trong năm 2018. Nhưng tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn này hàng chục năm qua đã tạo ra nút thắt cổ chai đối với nền kinh tế. 

Năm 2018, giải ngân vốn đầu tư từ NSNN chỉ đạt 67,6% dự toán. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay cũng mới giải ngân được khoảng 31,3% kế hoạch năm Quốc hội giao, và tỷ lệ này đang giảm từ năm 2015 trở lại đây cho dù nhiều lần họp bàn và nhiều chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ. 

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy, nhưng tôi chỉ liệt kê bốn hậu quả chính. Thứ nhất, nó ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Vốn là một trong ba yếu tố quan trọng nhất tạo ra GDP.

Thứ hai, vốn đầu tư công thường là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, hạ tầng quan trọng, nên khi bị chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác (của tư nhân, nước ngoài). Điều này vừa ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ.

Thứ ba, nó gây lãng phí lớn khi tiền nằm đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn. Các dự án chậm trễ khiến chi phí quản lý dự án, lãi trái phiếu vẫn phải trả và giảm hiệu quả đầu tư, chưa nói đến các hậu quả không đạt về lợi ích xã hội. Thứ tư, doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín làm ăn giảm sút.

Những nguyên nhân của tình trạng này kéo dài qua nhiều năm. Thứ nhất, do qui định pháp luật về đầu tư công chưa đồng bộ, thiếu nhất quán và còn rất phức tạp. Chẳng hạn, chúng ta chưa nhất quán được luật Đầu tư, luật Đầu tư công và luật Bảo vệ môi trường liên quan đến việc dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường như thế nào. Quy trình, thủ tục đăng ký, thẩm định, giao kế hoạch, giải ngân đầu tư công còn rất phức tạp, đôi chỗ chưa hợp lý. Quốc Hội đã thông qua Luật đầu tư công sửa đổi, nhưng phải đến ngày 1/1/2020 mới hiệu lực.

Thứ hai, năng lực xây dựng kế hoạch, thẩm định, triển khai, giám sát dự án đầu tư công của nhiều nơi còn hạn chế. Chất lượng lập kế hoạch của các cơ quan chủ quản thấp, dẫn đến khâu hoàn thiện hồ sơ, thẩm định mất nhiều thời gian và chênh lệch giữa dự toán với thực tế rất lớn. Trong khi khâu thẩm định dự án kém chất lượng, khâu đấu thầu đôi khi chưa thực chất, kéo theo việc chọn nhà thầu có vấn đề liên tục diễn ra, khâu thực hiện và nghiệm thu vì thế phát sinh nhiều hệ lụy.

Thứ ba, giải phóng mặt bằng luôn là một vấn đề nan giải với các dự án đầu tư công tại Việt Nam. Nhưng tôi cho rằng nguyên nhân chính là do vai trò yếu kém của người đứng đầu tại địa phương.

Thứ tư, do tâm lý chờ đợi, ỉ lại, sợ trách nhiệm của một số bộ, ngành, địa phương khiến các dự án bị kéo dài, khiến việc tìm nguồn đối ứng và giao vốn còn chậm. Chẳng hạn, tính đến hết tháng 7 năm 2019, còn khoảng 35.000 tỷ đồng chưa được giao vốn theo kế hoạch năm nay, nguyên nhân là do các bộ, ngành, địa phương chậm hoàn thiện hồ sơ đề nghị, bộ đầu mối chưa quyết liệt đôn đốc, tư vấn, hỗ trợ.

Giải pháp then chốt để thông tắc điểm nghẽn này cho nền kinh tế, tôi cho rằng làm rõ trách nhiệm của người liên quan tại bộ, ngành, địa phương trong từng khâu, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Chính phủ cần coi việc này như một chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ (KPI) của cá nhân, của bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, cần minh bạch hóa tối đa các dự án đầu tư công - vốn là một mắt xích nóng của tham nhũng, lãng phí. Một biện pháp khá đơn giản mà người đứng đầu Chính phủ và Quốc hội có thể làm ngay: nếu nơi nào còn chậm tiến độ, kiên quyết không phê duyệt dự án mới, vốn mới.

(Theo VnExpress)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ