Thiếu đơn hàng, liệu xuất khẩu thủy sản có cán được vạch đích 10 tỷ USD?

Nhàđầutư
Do thiếu đơn hàng mới, trong tháng 10, xuất khẩu 2 mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra đều sụt giảm mạnh, trong khi ở những năm trước thì thời điểm cuối năm xuất khẩu thủy sản rất sôi động. Điều này đang 'ngáng chân' ngành thủy sản về đích 10 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2022.
AN HÒA
18, Tháng 11, 2022 | 17:34

Nhàđầutư
Do thiếu đơn hàng mới, trong tháng 10, xuất khẩu 2 mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra đều sụt giảm mạnh, trong khi ở những năm trước thì thời điểm cuối năm xuất khẩu thủy sản rất sôi động. Điều này đang 'ngáng chân' ngành thủy sản về đích 10 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2022.

tom 2022

Xuất khẩu thủy sản đang thiếu đơn hàng mới. Ảnh TL

Thiếu đơn hàng mới

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhiều mặt hàng xuất khẩu đã đột ngột giảm mạnh trong tháng 9 và 10. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của những yếu tố vĩ mô trong nước cùng với tình hình kinh tế trên toàn cầu bị suy thoái, đặc biệt là Mỹ và Châu Âu. 

Vào thời điểm khó khăn chung, xuất khẩu thủy sản trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11 đã sụt giảm mạnh.  

Trong tháng 10, xuất khẩu tôm chỉ thu được 360 triệu USD, mức thấp nhất tính từ đầu năm đến nay. Tính chung cả Quý III/2022, xuất khẩu tôm chỉ đạt 1,13 tỷ USD, tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ. Luỹ kế tới hết tháng 10, ngành tôm xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 10, các thị trường chính nhập khẩu tôm Việt Nam đều bị sụt giảm rất mạnh. Cụ thể, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ giảm 56%, sang Nhật Bản giảm 19%, sang Hàn Quốc giảm 26%, sang Anh và các nước EU giảm sâu từ 55% - 88% so với cùng kỳ. Riêng thị trường Trung Quốc và Hongkong vẫn giữ được tăng trưởng lần lượt là 18% và 14% so với tháng 10/2021.

Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Cafatex, kể từ tháng 10, xuất khẩu tôm sang các thị trường đã giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng mới. Nguyên nhân được khách hàng nhập khẩu cho biết là do tình hình lạm phát gia tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm mua hàng dẫn đến tồn kho lớn nên họ chưa thể nhập thêm hàng mới.

Tương tự như vậy, theo đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết. kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 10 chỉ đạt 179 triệu USD, mức thấp nhất so với các tháng qua.

Hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc đều có mức tăng trưởng chậm lại. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm 25% trong tháng 10/2022. Xuất khẩu cá tra sang các nước trong khối EU cũng đang chững lại. Duy chỉ có xuất khẩu cá tra qua Trung Quốc và Hongkong tuy có chậm lại nhưng vẫn giữ được tăng trưởng.  

Mặc dù vậy, nhưng nhờ đạt tăng trưởng cao ở những tháng trước nên tính lũy kế đến hết tháng 10, xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch 2,1 tỷ USD, tăng 75% so với cùng kỳ.

Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và xúc tiến thương mại - VASEP, năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu đang đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu và chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao. Xung đột giữa Nga - Ukraine làm xáo trộn thương mại toàn cầu, giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí cho các chuyến đi biển của bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn, nhiều tàu không thể ra khơi.

Đặc biệt, thẻ vàng IUU chưa được gỡ bỏ vẫn là thách thức. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao, giá cả hàng hóa và chi phí sinh hoạt tăng vọt ở các thị trường nhập khẩu chính cũng tác động tiêu cực tới xuất khẩu hải sản của Việt Nam.

"Tuy nhiên, bức tranh chung về xuất khẩu thủy sản năm 2022 vẫn là những gam màu sáng khi tính đến hết tháng 10 thì tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt trên 9,5 tỷ USD, các mặt hàng thủy sản chủ lực đều có có tốc độ tăng trưởng cao so với năm 2021", đại diện VASEP cho biết.

ca tra 2022

Xuất khẩu cá tra được dự báo ít chịu tác động của làn sóng suy thoái kinh tế toàn cầu hơn các nhóm ngành khác. Ảnh TL

Năm 2023 có nhiều thách thức?

Trao đổi với Nhadautu.vn ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, xuất khẩu thủy sản năm 2022 đã có những diễn biến bất ngờ.

"Theo quy luật hàng năm thì xuất khẩu thủy sản sẽ tăng vào thời điểm cuối năm nhưng năm nay thì ngược lại. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 10 thì kim ngạch toàn ngành thủy sản đã đạt trên 9,5 tỷ USD, trong tháng 11 này chỉ cần xuất khẩu đạt thêm 500 triệu USD thì đã hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2022, điều này hoàn toàn trong khả năng đạt được", Tổng thư ký VASEP khẳng định.

Nhận định về thị trường năm 2023, ông Trương Đình Hòe đã đưa ra dự báo, đây là năm có nhiều thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu khi nhiều quốc gia công bố suy thoái kinh tế, người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, thị trường giảm cầu; mức độ cạnh tranh với các đối thủ trong nước lẫn quốc tế đang gay gắt hơn nhằm mục đích duy trì hoạt động. Chính sự cạnh tranh này sẽ làm đơn giá bán xu hướng giảm trong khi chi phí đầu vào tăng cao do lạm phát.

Về kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lãi suất tăng cao khiến chi phí nhập khẩu nguyên liệu suất tăng cao và doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng. Đây chính là những thách thức mà các doanh nghiệp xuất khẩu phải vượt qua trong năm 2023.

Đồng tình với quan điểm đó, TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho biết, ngành nuôi và chế biến tôm xuất khẩu đang gặp phải bất lợi khi diện tích nuôi tôm bị dịch bệnh khá nặng, giảm năng suất.

Mặc dù nguồn cung giảm nhưng do sản phẩm xuất khẩu bị cạnh tranh gay gắt, chủ yếu từ tôm Ecudor nên đầu ra cũng không được tốt.

"Nút thắt ngành tôm Việt là giá thành nuôi tôm cao. Nguyên nhân chính là do tỉ lệ nuôi thành công thấp.

Để nâng cao chất lượng và giảm giá thành nuôi tôm thì cần phải tự chủ được nguồn con giống, thức ăn, thuốc thủy sản và phải có nguồn nước tốt, vùng nuôi phải được quy hoạch theo quy mô tập trung, công nghiệp.

Các doanh nghiệp chế biến cũng phải làm mới sản phẩm mình qua nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, bao bì, nhãn mác và tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường", ông Lực phân tích.

Với góc nhìn lạc quan, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho rằng, các năm 2022-2023 mặc dù theo đánh giá còn nhiều khó khăn nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với những năm 2020-2021, khi dịch COVID-19 bùng phát.

"Khó khăn trùng trùng trong thời gian cách ly phòng chống COVID-19 nhưng các doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì sản xuất, vượt qua đại dịch được thì thế khó hiện nay không thể khiến doanh nghiệp gục ngã được", ông Quốc nhận định.

Riêng đối với ngành cá tra, đây là loại thực phẩm bổ dưỡng, có giá thành tương đối rẻ. Dù cho suy thoái kinh tế đến mức nào thì người ta vẫn phải ăn, do đó ngành thực phẩm nói chung, ngành cá tra xuất khẩu nói riêng vẫn có nhiều cơ hội kinh doanh, xuất khẩu trong năm 2023, ông Quốc nói thêm.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ