Thị trường bất động sản: Chờ những thương vụ M&A lớn được kích hoạt

Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh, việc siết chặt giãn cách xã hội khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn. Tuy nhiên, theo nhận định chuyên gia, thời kỳ hậu đại dịch, chính nhu cầu phát triển sẽ thúc đẩy hoạt động M&A “nở rộ” nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư.
NGUYÊN VŨ
09, Tháng 11, 2021 | 06:31

Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh, việc siết chặt giãn cách xã hội khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn. Tuy nhiên, theo nhận định chuyên gia, thời kỳ hậu đại dịch, chính nhu cầu phát triển sẽ thúc đẩy hoạt động M&A “nở rộ” nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư.

M&A-bat-dong-san

Các doanh nghiệp tích cực đi thâu tóm quỹ đất vùng ven TP.HCM để mở rộng và phát triển.

Tín hiệu tích cực từ trong “cơn bão”

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 kéo dài khiến nền kinh tế TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam rơi vào trạng thái ngưng trệ, trong đó có lĩnh vực liên quan đến hoạt động bất động sản. Dẫu vậy, nửa đầu năm 2021, ngay trong “cơn bão” dịch bệnh, thị trường vẫn có một số thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đình đám giữa các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư trong nước.

Nửa đầu năm nay, thị trường ghi nhận một số thương vụ M&A lớn. Đơn cử như thương vụ Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia (Tập đoàn An Gia) đang hoàn thiện pháp lý và lập quy hoạch tỷ lệ 1/2000 một quỹ đất đã mua xong của Công ty CP Năm Bảy Bảy. Dự kiến, An Gia sẽ đưa ra thị trường 7.000 - 8.000 sản phẩm gồm căn hộ, shophouse, nhà phố thấp tầng vào nửa đầu năm 2022.

Công ty CP Phát triển Thành phố Xanh (công ty con của Vinhomes) cũng đã chuyển nhượng xong 2 lô đất có diện tích hơn 7 ha thuộc một phần dự án Vinhomes Grand Park tại TP. Thủ Đức cho Công ty TNHH Phát triển BĐS Masterise Homes (Masterise Group).

Tương tự, Công ty CP địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 41% tại Công ty CP Đầu tư xây dựng Long An Idico (Long An Idico sở hữu quỹ đất 130 ha tại Long An) thông qua công ty thành viên Công ty May Tiến Phát mua 11% vốn của Long An Idico. Không những vậy, TTC Land còn hợp tác với Tổng Công ty Tín Nghĩa để phát triển một dự án mới tại khu vực TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với tổng quy mô hơn 160 ha.

Còn tại Bình Dương, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt đã hoàn tất mua 99,5% cổ phần của Công ty CP BĐS Đầu tư và Phát triển cao ốc Bình Dương bằng việc bổ sung danh sách dự án đầu tư chung cư Bình Dương Tower, quy mô hơn 4,5ha tại TP. Thuận An, Bình Dương… Ngoài ra, là một số thương vụ của các doanh nghiệp, chủ đầu tư nước ngoài.

Có thể thấy, ngay trong tâm dịch, các chủ đầu tư vẫn rất tích cực “đi chợ” với mục tiêu mở rộng quỹ đất bởi dư địa và kỳ vọng thị trường hồi phục. Hơn nữa, M&A được xem là phương thức hữu hiệu giúp những doanh nghiệp giàu tiềm lực có thể giảm bớt thời gian, chi phí trong việc tham gia thị trường hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh bất động sản. Đồng thời, M&A tốt cho cả thị trường và có thể giúp các dự án đang gặp khó khăn sau khi được hồi sinh, gia tăng nguồn cung cho thị trường…

Chia sẻ với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam đưa ra một vài nhận định lý giải tại sao hoạt động M&A dự án bất động sản mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và thị trường nói chung ngay cả thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Thứ nhất, doanh nghiệp giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, thị trường vốn và tài chính sẽ sôi động, phát triển. Thêm vào đó, doanh nghiệp tận dụng được thế mạnh của mỗi bên như kinh nghiệm phát triển bất động sản, thương hiệu, vốn, quỹ đất, trình độ kỹ thuật xây dựng…

Thứ hai, M&A là hợp tác đôi bên cùng có lợi và chia sẻ cơ hội, giảm bớt thời gian và các chi phí ban đầu cho mỗi doanh nghiệp nếu phải xây dựng, triển khai từ đầu. Từ đó, phát triển quy mô doanh nghiệp lên tầm mới và mạnh hơn. Nhiều doanh nghiệp đang tạo ra hệ sinh thái cho riêng mình và trở thành những tập đoàn lớn.

Cuối cùng, thị trường sẽ minh bạch, pháp lý ngày càng tốt hơn bởi M&A luôn đòi hỏi tiêu chuẩn về pháp lý đối với dự án và doanh nghiệp.

Chờ những thương vụ lớn kích hoạt

M&A luôn là xu hướng phát triển của thị trường bất động sản và hoạt động M&A bất động sản cũng chiếm một vị trí đáng kể trong thị trường M&A nói chung. Trong giai đoạn đại dịch bệnh bùng phát mạnh, việc siết chặt giãn cách xã hội khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Tuy nhiên, thời kỳ hậu COVID-19, chính nhu cầu phát triển sẽ thúc đẩy hoạt động M&A diễn ra mạnh mẽ. Bởi, đây là mục tiêu để các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư kinh doanh, bao gồm M&A dự án và cả hoạt động sáp nhập công ty để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Hoàng, trong thời gian tới sẽ có nhiều thương vụ M&A lớn được kích hoạt. Có nhiều lý do để giải thích cho vấn đề này nhưng tự chung lại là nhu cầu phát triển đầu tư của doanh nghiệp sau dịch bệnh.

Yếu tố nữa là quy hoạch và quỹ đất không dồi dào trong thời gian qua khiến nhiều chủ đầu tư dù lớn hay vừa đều sẽ phải gia tăng M&A để tạo quỹ đất. Đối với các doanh nghiệp có quỹ đất nhưng thương hiệu hoặc năng lực phát triển dự án còn hạn chế, sẽ phải tìm các đối tác để cùng phát triển.

Đặc biệt, một số chủ đầu tư lớn thuộc “top” đầu đang đi theo con đường tạo ra hệ sinh thái với bất động sản làm ngành trung tâm và M&A là con đường nhanh nhất để mở rộng ngành nghề hoạt động kinh doanh.

Dưới góc nhìn của vị chuyên gia DKRA Việt Nam cho thấy, nếu như trước đây, đa phần là các doanh nghiệp nước ngoài mua lại dự án/doanh nghiệp Việt Nam thì trong 3 năm qua, sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước đã thay đổi cục diện này.

Nhiều thương vụ M&A không chỉ giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau mà có cả doanh nghiệp Việt Nam mua lại dự án của nước ngoài. Quan sát trên thị trường, với những thông tin công bố chính thức có thể thấy rõ bên mua là các doanh nghiệp Việt Nam đang chiếm số lượng lớn.

Về phân khúc “nở rộ” hoạt động M&A, ông Nguyễn Hoàng cho rằng thương mại điện tử và bất động sản nhà ở là 2 phân khúc hấp dẫn, thu hút đầu tư. Việc phát triển thương mại điện tử kéo theo nhu cầu về bất động sản kho bãi, logistic, từ đó thúc đẩy bất động sản công nghiệp/logistic lên ngôi cùng với bất động sản nhà ở.

Bên cạnh đó, M&A bất động sản biển/nghỉ dưỡng cũng sẽ tích cực để chuẩn bị cho sự phục hồi tăng trưởng du lịch từ cuối năm 2022 trở đi. Ngoài ra, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng/khách sạn hoạt động không tốt hoặc cầm chừng trong 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch cũng có thể là mục tiêu M&A.

Về khu vực, TP.HCM và đặc biệt các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai luôn thu hút đầu tư đối với phân khúc nhà ở như căn hộ, nhà gắn liền với đất... Riêng Bà Rịa - Vũng Tàu, bên cạnh các dự án nhà ở, các dự án bất động sản biển vẫn là chủ đạo.

Ở các tỉnh miền Trung, ngoài bất động sản nghỉ dưỡng vốn là phân khúc chủ đạo thì cũng bắt đầu có xu hướng M&A dự án nhà ở từ 2 năm qua và xu hướng này sẽ phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.

Còn thống kê của CBRE cho thấy, thời gian tới, nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp chủ yếu đến từ các công ty thuộc các ngành sản xuất linh kiện điện tử, linh kiện ô tô, đóng gói và logistics. Sự tăng trưởng mạnh của các công ty logistics kể từ khi dịch COVID-19 bùng nổ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về không gian lưu trữ, làm tăng nhu cầu tìm kiếm quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng... Phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn là "tâm điểm" trên thị trường.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24610.00 24930.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30551.00 31735.00 31684.00
HKD 3105.00 3117.00 3219.00
CHF 27051.00 27160.00 28008.00
JPY 159.87 160.51 167.97
AUD 15844.00 15908.00 16394.00
SGD 18015.00 18087.00 18623.00
THB 664.00 667.00 694.00
CAD 17865.00 17937.00 18467.00
NZD   14602.00 15091.00
KRW   17.66 19.27
DKK   3523.00 3654.00
SEK   2299.00 2389.00
NOK   2259.00 2349.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ