Thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, ngành game Việt sẽ thua trên sân nhà

Nhàđầutư
Theo đại diện một số công ty game Việt, doanh nghiệp game trực tuyến ở Việt Nam vốn đã chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ các công ty nước ngoài, nếu áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà.
TRỌNG HIẾU
06, Tháng 07, 2023 | 12:12

Nhàđầutư
Theo đại diện một số công ty game Việt, doanh nghiệp game trực tuyến ở Việt Nam vốn đã chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ các công ty nước ngoài, nếu áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà.

Gần đây, Bộ Tài chính đề xuất đưa dịch vụ trò chơi điện tử trên Internet thành đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), theo tờ trình Đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi do Bộ Tài chính gửi lên Chính phủ.

Điều này khiến cho đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất, phát hành game trong nước lo ngại rằng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến một ngành công nghiệp nội dung số triển vọng của Việt Nam, làm cho game Việt mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà và thị phần sẽ thuộc về game lậu.

Ngành game Việt có tiềm năng nhưng chịu nhiều định kiến

Tại hội thảo "Góp ý Đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)", do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNGGames nhận định, ngành game là trụ cột trong ngành nội dung số và kinh tế số của thế giới.

Theo ước tính từ Newzoo, tổng doanh thu ngành game năm 2022 trên thế giới đạt 184 tỷ USD và dự kiến năm 2023 sẽ đạt 194 tỷ USD. Cũng theo báo cáo này, năm 2022 trên thế giới có khoảng 3,2 tỷ người chơi game.

2H6A1166

Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNGGames phát biểu tại hội thảo.

Ông Thắng nêu ví dụ, ở các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Tây Ba Nha và nhiều nước khác, trò chơi trực tuyến không chỉ được thừa nhận như là một ngành kinh tế quan trọng, mà còn được xác định là mũi nhọn để xuất khẩu văn hoá ra thế giới. Vì vậy, các quốc gia này có rất nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến.

Gần đây, một số quốc gia khác như Singapore, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất UAE, Jordan,... cũng đã có nhiều sáng kiến, nhiều chính sách thu hút các tập đoàn, các công ty game đến đặt trụ sở và hoạt động. Họ không muốn chậm chân trong ngành công nghiệp được dự đoán sẽ sớm chạm mốc doanh thu 200 tỷ USD này.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện liên minh các nhà sản xuất và phát hành game Việt Nam, ngành game luôn nằm trong nhóm tiên phong về đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp số. Các công ty trong ngành luôn là tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ, các phương thức làm việc tiến bộ để phục vụ người dùng. Đồng thời, hoạt động của ngành game cũng tác động đến doanh thu của các sản phẩm bổ trợ khác, điển hình như: nhân lực ngành công nghệ thông tin; sáng tạo nội dung (Nhân lực ngành sáng tạo, thiết kế, quảng cáo); thiết bị phần cứng (PC, Mobile, Chip xử lý); truy cập internet (mạng viễn thông).

2H6A1013

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện liên minh các nhà sản xuất và phát hành game Việt Nam.

Việt Nam cùng với Đông Nam Á được xem là thị trường mới nổi, với lượng người dùng Internet lớn và đang tăng nhanh. Mức tăng trưởng doanh thu ngành game ở Đông Nam Á từ 2020-2025 trung bình ước tính là 8.2% mỗi năm, chỉ số này ở Việt Nam là gần 9%.

Doanh thu dự kiến toàn từ ngành game ở thị trường Việt Nam 2022 là 0,8 tỷ USD, Việt Nam vẫn xếp sau các nước trong khu vực như Indonesia (1,8 tỷ USD), Thailand (1 tỷ USD), Malaysia (0,9 tỷ USD), Philippines (0,85 tỷ USD).

Tuy nhiên, với tỉ lệ tăng trưởng trung bình 9% 1 năm, cao hơn trung bình của khu vực, cùng với lượng người dùng lớn. Việt Nam vẫn là một thị trường rất béo bở trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài.

"Dù vậy, trong nhiều năm qua ở Việt Nam, xã hội và cộng đồng vẫn dành cho game cái nhìn không thật sự thiện cảm, cho rằng trò chơi trực tuyến chứa các nội dung không lành mạnh, bạo lực, ảnh hưởng lệch lạc, tiêu cực tới giới trẻ, không được khuyến khích phát triển như các ngành giải trí - sáng tạo nội dung số khác", ông Nghĩa chia sẻ.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt, game Việt sẽ thua trên sân nhà

Tại Việt Nam, kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến là 1 ngành kinh doanh có điều kiện. Tất cả các game muốn kinh doanh đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành. Bên cạnh việc phải đảm bảo các yêu cầu về yếu tố nội dung, trò chơi trực tuyến khi đưa ra thị trường luôn có sự phân loại độ tuổi rất rõ ràng và khuyến cáo người dùng trước khi sử dụng.

Hầu hết những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game được phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam. Những game này không bị quản lý bởi các cơ quan quản lý chuyên ngành, đồng thời cũng không đóng bất cứ khoản thuế nào cho Nhà nước Việt Nam.

Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước, phải cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chỉ còn khoảng 15% số doanh nghiệp game Việt Nam đã đăng ký còn hoạt động. 85% đã ngừng hoặc chuyển hoạt động ra nước ngoài để được hưởng các cơ chế ưu đãi toàn diện từ thủ tục, hạ tầng cho đến thuế suất.

"Nếu chồng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà. Thị phần sẽ thuộc về các sản phẩm lậu, không phép và dẫn đến công tác quản lý về nội dung, văn hoá, tài chính,… sẽ trở nên rất nặng nề", ông Thắng nhận định.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn chứng thống kê của Newzoo, tại thị trường Việt Nam năm 2022, dù thị trường tiềm năng, nhưng tổng doanh thu của các doanh nghiệp có nguồn gốc nội địa chỉ chiếm khoảng 22%, phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp có nguồn gốc nước ngoài.

"Hiện nay môi trường kinh doanh của ngành game trong nước chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết, nếu so sánh với chính sách phát triển ươm mầm, hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài của các nước phát triển, hay thậm chí là của các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines. Điều này dẫn đến thực trạng, không ít doanh nghiệp có chủ yếu là nhân sự là người Việt, thành công ở Việt Nam và cả thị trường nước ngoài, nhưng lại được khai sinh ở một quốc gia khác, như Singapore", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Cũng theo ông Nghĩa, hiện chưa có bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ nào trên thế giới áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành game. Một số nước áp dụng cơ chế kiểm soát về nội dung hoặc cơ chế kiểm soát thời gian chơi game tương tự như Việt Nam, điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng công cụ thuế thì chưa có tiền lệ.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Dung, đại diện Soha Game dẫn chứng "Ngành game Việt Nam từng có Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của game Flappy Bird nổi tiếng, nhưng sau đó bạn Nguyễn Hà Đông đi đâu? Thật ra, Đông vẫn làm game nhưng để phát triển được, Đông đã lựa chọn sang Singapore. Phải chăng những người làm game, doanh nghiệp game phải ra nước ngoài để phát triển?".

2H6A1114

Bà Nguyễn Thị Dung, đại diện Soha Game.

Nêu ý kiến về luật thuế tiêu thụ đặc biệt, bà Dung cho rằng, luật hướng đến để bảo vệ trẻ em và người dùng game online vì lý do sức khỏe. Mục tiêu này đúng đắn, nhưng giải pháp không hề giải quyết được vấn đề mà luật này nhắm đến. Nếu áp thuế với doanh nghiệp trong nước, với doanh nghiệp non trẻ thì sao những doanh nghiệp này có thể sống nổi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước đang phải cạnh tranh với doanh nghiệp game nước ngoài. 

Lấy ví dụ từ chính hoạt động sản xuất và kinh doanh của VNG, ông Lã Xuân Thắng cho biết, năm 2022, doanh thu của VNG giảm 12% so với năm 2021, tổng số thuế mảng game năm 2022 nộp cho ngân sách nhà nước là khoảng 758 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2021 (khoảng 883 tỷ đồng). Số lượng nhân viên mảng sản xuất và kinh doanh game năm 2022 giảm 11% xuống còn 1.132 người và năm 2023 tiếp tục giảm xuống còn khoảng 980 người (giảm 13%).

"Nếu để ngành công nghiệp game ở Việt Nam suy yếu, thậm chí sụp đổ thì đó là điều rất đáng tiếc. Không chỉ vì đây là ngành mà Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng mà còn đi ngược lại chủ trương về phát triển về công nghiệp số, kinh tế số của Đảng, Chính phủ, nhiều bộ ngành đã và đang nỗ lực trong thời gian qua", Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến, VNGGames nhận định.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ