Thêm 'gói' miễn, giảm thuế 21.300 tỷ cho doanh nghiệp, người dân trước ngày 1/10

Nhàđầutư
Nghị quyết về một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 sẽ đước ký ban hành trước ngày 1/10/2021.
THẮNG QUANG
16, Tháng 09, 2021 | 15:30

Nhàđầutư
Nghị quyết về một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 sẽ đước ký ban hành trước ngày 1/10/2021.

Ngày 16/9, tiếp tục phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành Nghị quyết về một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra.

Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021

Về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trên cơ sở ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của các Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chính phủ đã hoàn chỉnh lại nội dung đề xuất để đảm bảo chính sách nhắm vào đúng đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước.

Nội dung giảm thuế TNDN tại khoản 1 Điều 1 dự thảo nghị quyết chỉnh sửa lại như sau: Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020.

phoc

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết. Ảnh: Quốc hội.

"Không áp dụng tiêu chí tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020 đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, người nộp thuế chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế năm 2021", Bộ trưởng Tài chính nói.

Dự kiến số giảm thu NSNN theo đề xuất này là khoảng 2.200 tỷ đồng (giảm 3.800 tỷ đồng so với nội dung đã đề xuất tại tờ trình số 289/TTr-CP).

Thẩm tra về nội dung này, Thường trực Ủy ban TCNS của Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung tiếp thu này của Chính phủ, vì việc bổ sung thêm điều kiện này góp phần loại trừ được những doanh nghiệp có lợi thế tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh (ví dụ các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng trực tuyến, viễn thông ...), phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 30/2021/QH15.

"Đồng thời, đây cũng là sự tiếp nối chính sách đã được Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 116/2020/QH14 để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh", Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường nói.

Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị bỏ điều kiện doanh nghiệp phải có tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020 vì các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gặp rất nhiều khó khăn trước ảnh hưởng của đại dịch nên có lãi đã là rất cố gắng, cần được hỗ trợ để tiếp tục vượt qua khó khăn, thống nhất chính sách đã được Quốc hội quyết định.

Việc quy định như dự thảo là không hợp lý đối với những doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 tăng so với năm 2020 vì bị tăng chi phí đầu vào, song thu nhập lại giảm. Đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng thực hiện theo hướng này là vượt quá thẩm quyền của Ủy ban TVQH, không phù hợp Nghị quyết 30/2021/QH15.

Có ý kiến đề nghị nên so sánh tổng doanh thu của năm 2021 với tổng doanh thu của năm 2019, là năm chưa chịu tác động bởi dịch bệnh. Năm 2020 ngay từ đầu năm đã xảy ra dịch bệnh, các biện pháp chống dịch đã được triển khai nên có thể doanh thu giảm rất sâu, năm 2021 mới phục hồi nhưng không đáng kể so với trước dịch.

Có ý kiến đề nghị việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải dựa trên 4 tiêu chí: Vùng, khu vực chịu tác động nặng/nhẹ của đại dịch; thời gian bị tác động được xác định; ngành/lĩnh vực chịu tác động nặng/nhẹ; mức thiệt hại do bị tác động tương ứng. Từ đó, đề xuất 3 mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng: 30%, 50% và 100%.

Miễn toàn bộ số thuế phải nộp với hộ kinh doanh trong quý III,IV

Về giảm thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay dự thảo Nghị quyết được điều chỉnh đề xuất như sau: Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế.

nguyen-phu-cuong3

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quốc hội.

Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 8.800 tỷ đồng (tăng 4.400 tỷ đồng so với nội dung đã đề xuất tại Tờ trình số 289/TTr-CP).

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS thống nhất với nội dung điều chỉnh này của Chính phủ. Việc miễn toàn bộ số thuế của 2 quý cuối năm là tương đương với mức giảm 50% số thuế phải nộp cả năm 2021 sẽ thuận lợi hơn trong quản lý thực hiện.

Ngoài ra, có một số ý kiến đề nghị cân nhắc phạm vi áp dụng chính sách theo hướng chỉ áp dụng đối với các địa bàn có thực hiện giãn cách xã hội, nhằm hạn chế tác động giảm thu đối với ngân sách cho những địa bàn tỉnh (quận, huyện) chưa phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, do thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là số thu của ngân sách địa phương.

Đề xuất giảm thuế GTGT cho một số lĩnh vực dịch vụ

Chính phủ đã đề xuất giảm mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế như sau: Về đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế, bao gồm: Vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; doạt động xuất bản; doạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; doạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; doạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; Hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; Hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí.

Về mức giảm, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành nêu trên.

Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành nêu trên.

Thời gian áp dụng kể từ ngày 1/9/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Về dự kiến tác động tới ngân sách, việc thực hiện đề xuất này có thể làm giảm thu NSNN khoảng 6.600 tỷ đồng. Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 5.000 tỷ đồng.

Về phạm vi áp dụng, tiếp thu ý kiến của Thường trực Ủy ban TCNS, Chính phủ đã loại trừ lĩnh vực "hoạt động xuất bản theo hình thức trực tuyến" ra khỏi phạm vi hỗ trợ, do đây là lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao trong bối cảnh dịch bệnh

phien-hop-thu3

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với hướng điều chỉnh này của Chính phủ và đề nghị loại trừ cả lĩnh vực "xuất bản phần mềm". Đồng thời, việc kinh doanh trên nền tảng trực tuyến cũng có lợi thế tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh ở các lĩnh vực khác như: hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí (như Netflix, esport, game online…).

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cũng loại bỏ các hoạt động kinh doanh cung cấp hàng hóa/dịch vụ trên nền tảng trực tuyến trong các lĩnh vực nêu trên ra khỏi phạm vi áp dụng của chính sách giảm thuế GTGT.

Về đề xuất miễn tiền chậm nộp, dự thảo nghị quyết: Miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Không áp dụng quy định tại khoản này đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp”.

Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 5.300 tỷ đồng (tăng 2.600 tỷ đồng so với nội dung đã đề xuất tại Tờ trình số 289/TTr-CP).

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với nội dung này của dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị chỉ nên áp dụng chính sách miễn tiền chậm nộp với các khoản tiền chậm nộp đã phát sinh cho đến thời điểm ban hành Nghị quyết, để không khuyến khích các đối tượng nộp thuế chây ỳ đối với nghĩa vụ thuế của năm 2021.

Đối với quy định “không áp dụng quy định miễn tiền chậm nộp cho các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp”, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với dự thảo của nghị quyết, vì việc hoàn thuế rất phức tạp về quy trình thực hiện và phạm vi tác động của việc hoàn là không lớn...

Như vậy, Chính phủ cho biết tính chung việc thực hiện 4 giải pháp như nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21.300 tỷ đồng (tăng 1.300 tỷ đồng so với nội dung đã đề xuất tại tờ trình số 289/TTr-CP).

Tính chung các giải pháp đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền và các giải pháp như đề xuất, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 140.000 tỷ đồng, trong đó: Gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành khoảng 118.000 tỷ đồng; gói miễn giảm thuế, miễn tiền chậm nộp theo các nội dung đề xuất nêu trên là khoảng 21.300 tỷ đồng.

"Cần trúng, đúng đối tượng"

Cho ý kiến về dự thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng chính sách cần "trúng" và "đúng" đối tượng, cần bóc tách được doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nơi nào bị tác động nặng nề để có mức hỗ trợ phù hợp. Theo ông, nguyên tắc thuế là "tiền khai hậu kiểm", cần tránh việc đối tượng đáng được thụ hưởng lại không được và ngược lại.

vuong-dinh-hue

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ ký ban hành nghị quyết trước ngày 1/10/2021.

Chủ tịch Quốc hội phân tịch với thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu nên việc giảm là để kích thích tiêu dùng sao cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp cùng hưởng lợi. "Chúng ta lưu ý quản lý chặt chẽ, rõ trách nhiệm thực hiện và giám sát nếu không "thì anh trung gian hưởng lợi khi qua nhiều khâu mua bán lòng vòng", ông đề xuất.

Cũng theo ông Vương Đình Huệ, doanh nghiệp cần nhất là dòng tiền vì có thể quyết định tồn tại, hoạt động hay không, do đó có thể nghiên cứu thêm phương án hỗ trợ dựa trên chi phí, thay vì dựa trên số thuế phải nộp (giảm thuế suất), để hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp không có lợi nhuận, thậm chí bị lỗ. "Chính sách chi bằng tiền ngân sách không nhiều nhưng lại rất có ý nghĩa đối với doanh nghiệp nào đó đang cực kỳ khó khăn", Chủ tịch Quốc hội nói thêm.

Báo cáo thêm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết số thuế đề xuất trong điều kiện bình thường chỉ bằng TP.HCM thu trong 20 ngày, nhưng thời điểm điều kiện khó khăn được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trợ giúp thì giống như "một miếng khi đói bằng một gói khi no".

Sau khi thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết nhất trí ban hành nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất đề xuất về bốn nhóm chính sách như Chính phủ đề xuất. Song, Bộ Tài chính cần báo cáo Chính phủ tiếp thu ý kiến tại phiên thảo luận để rà soát, hoàn thiện, bao gồm cả đề xuất hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.

Dự thảo nghị quyết sẽ được gửi lại để từng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước ngày 1/10/2021.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ