Thâu tóm Thế giới Kim Cương và tham vọng của 'ông trùm' vàng bạc Đỗ Minh Phú

Nhàđầutư
Thông qua việc mua lại chuỗi cửa hàng Thế giới Kim Cương, DOJI có thể đẩy mạnh tầm ảnh hưởng của mình trên thị trường kinh doanh trang sức, đồng thời nâng tổng số mạng lưới cửa hàng lên gần 200 điểm ở khắp cả nước.
KHÁNH AN
04, Tháng 05, 2020 | 10:42

Nhàđầutư
Thông qua việc mua lại chuỗi cửa hàng Thế giới Kim Cương, DOJI có thể đẩy mạnh tầm ảnh hưởng của mình trên thị trường kinh doanh trang sức, đồng thời nâng tổng số mạng lưới cửa hàng lên gần 200 điểm ở khắp cả nước.

Vàng trang sức, kim cương đang là những sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với vàng miếng, do vậy trong những năm gần đây, các doanh nghiệp vàng đang dần dịch chuyển cơ cấu kinh doanh sang mảng này.

Ngày 1/5/2020, trên trang chủ, Công ty TNHH Thế giới kim cương cho biết đã trở thành thành viên thứ 11 của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI. Ông chủ mới của chuỗi Thế giới Kim Cương là doanh nhân Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank.

Công ty TNHH Thế giới Kim cương được biết đến là một trong những thương hiệu hàng đầu về phân phối kim cương. Doanh nghiệp này có bề dày hoạt động trên 15 năm và có tới 34 chi nhánh tại các tỉnh thành phố với trên 100 trung tâm, cửa hàng tại hầu hết các trung tâm thương mại/siêu thị tại Việt Nam như BigC, Vincom hay Co-opmart, với gần 1.000 cán bộ nhân viên, doanh thu của doanh nghiệp này được ước tính lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đá quý và trang sức, từ lâu Thế giới Kim Cương đã là đối thủ ngầm với hai thương hiệu lớn khác của ngành là DOJI và PNJ. Do vậy, thông qua thương vụ này, DOJI có thể đẩy mạnh tầm ảnh hưởng của mình trên thị trường kinh doanh trang sức, đồng thời nâng tổng số mạng lưới cửa hàng gần 200 điểm ở khắp cả nước.

Mặc dù giá trị thương vụ không được tiết lộ, nhưng theo tính toán của các chuyên gia tài chính, thương vụ sáp nhập này có giá trị không hề nhỏ.

do minh phu

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank. Nguồn ảnh: Internet.

Tham vọng của ông chủ DOJI

Đây không phải là thương vụ M&A đình đám nhất của DOJI, mà trước đó, công ty của ông Đỗ Minh Phú cũng đã gây chú ý khi mua và chiếm cổ phần chi phối Công ty SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng, mở đường cho DOJI tấn công vào thị trường này và nhanh chóng trở thành công ty kinh doanh và phân phối vàng miếng lớn nhất cả nước vào năm 2006 - 2007. 

Đến năm 2012, doanh nhân sinh năm 1953 này cùng người em trai của mình là ông Đỗ Anh Tú tiếp tục gây xôn xao trong giới đầu tư khi chi hàng ngàn tỷ đồng để nắm giữ 20% cổ phần của một ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt là TPBank.

Cụ thể, sau khi bán 95% cổ phần của Diana cho đối tác Unicharm (Nhật Bản) với mức giá gần 4.000 tỷ đồng vào năm 2011, DOJI đã đổ tiền đầu tư vào Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), qua đó, ông Đỗ Minh Phú trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ngân hàng này từ đó tới nay.

Chia sẻ với truyền thông về thương vụ này, ông Phú cho biết: "Tháng 10/2011 chúng tôi bắt đầu tìm hiểu một số ngân hàng trong tầm ngắm và thích hợp về khả năng tài chính. Sau khi quan sát thị trường thì TPBank tương đối phù hợp với các tiêu chí mà DOJI đặt ra. Chúng tôi mua từ cổ đông nhỏ lẻ và việc tiết lộ giá cụ thể của cổ phiếu sẽ vi phạm thỏa thuận nội bộ, nhưng có thể khẳng định, trong thương vụ này các bên đều hài lòng".

Ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT của TPBank, ông Phú đã bắt tay vào thay đổi toàn bộ bộ máy, ban điều hành và tái cơ cấu ngân hàng. Sau khoảng 1 năm chèo lái, TPBank đã có những thay đổi căn bản, từ chỗ là ngân hàng gặp khó đến giữa năm 2015, TPBank đã trở thành ngân hàng duy nhất tái cơ cấu thành công trong số hơn chục ngân hàng yếu kém. 

Sau thời gian song song điều hành cả DOJI và TPBank, năm 2018, ông Đỗ Minh Phú quyết định rời ghế Chủ tịch vàng bạc đá quý DOJI để đảm bảo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), tại thời điểm ấy, ông trùm kinh doanh vàng cho rằng TPBank với chặng đường sắp tới có thể sẽ cần mình hơn, còn DOJI đã có một quá trình chuẩn bị đủ dài và các thế hệ kế cận có thể đảm trách thay ông. Được biết, vị trí Chủ tịch DOJI sau đấy được chuyển giao cho ông Đỗ Minh Đức-con trai ông Phú nắm giữ.

Sau 5 năm, dưới sự dẫn dắt và chỉ huy của ông Đỗ Minh Phú, TPBank đã lột xác hoàn toàn. Từ chỗ vật vã với những khoản lỗ thì hiện tại, ngân hàng này đã dẫn đầu về lĩnh vực ngân hàng số với khoản lợi nhuận hơn 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 164.438 tỷ đồng và quy mô vốn điều lệ ở mức 7.882 tỷ đồng vào năm 2019. Tại ngày 1/5/2020, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến ông Phú đang nắm giữ 17,51% cổ phần tại TPBank, trong đó, DOJI giữ 6,69% cổ phần.

Còn với DOJI, cập nhật gần đây nhất cho biết, công ty vàng này hiện có số vốn đạt 5.000 tỷ đồng, tổng tài sản 12.680 tỷ đồng với tổng số CBNV là 3000 người.

Chiến lược và tư duy cởi mở của doanh nhân Đỗ Minh Phú đã đưa DOJI từ một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực vàng bạc đá quý trở thành người "khổng lồ" đa ngành.

Ngoài lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là vàng bạc đá quý, DOJI còn tạo dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực bất động sản thông qua công ty thành viên là DOJILAND với các dự án nghìn tỷ, như dự án Khu đô thị Nam Vĩnh Yên có tổng diện tích 65,6 ha, tổng số vốn đầu tư là 3.900 tỷ đồng; dự án chung cư cao cấp The Sapphire Residence (tại Bến Đoan, TP Hạ Long, Quảng Ninh) với quy mô 4,77ha và tổng mức đầu tư 4.272 tỷ đồng. 

Tháng 5/2019 vừa qua,  DOJI còn báo cáo về ý tưởng quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị tại phân khu 2, 3 thuộc Khu đô thị Cái Rồng, Khu kinh tế Vân Đồn tại tỉnh Quảng Ninh. Ngoài ra, cũng trong năm 2019, DOJI còn là doanh nghiệp xây dựng trung tâm vàng bạc đá quý quy mô lớn qua việc khánh thành tòa nhà DOJI Tower diện tích hơn 1.600 m2 tại Hà Nội.

Với sự hỗ trợ tiềm lực tài chính mạnh mẽ từ TPBank cùng khả năng quản trị hệ thống vượt trội qua các thương vụ M&A đình đám mà mới đây nhất là thâu tóm Công ty Thế giới Kim cương- Top 3 doanh nghiệp Bán lẻ Trang sức lớn nhất Việt Nam, DOJI đang từng bước hoàn thành tham vọng trở thành tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam vào năm 2025.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ