Thất bại dự án trồng cao su ở Thanh Hóa - Bài 1: ‘Vàng trắng’ hay vàng mắt?

Nhàđầutư
Cây cao su một thời được coi là “vàng trắng” và được kỳ vọng là cây mũi nhọn để góp phần phát triển kinh tế bền vững cho các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm nay, đề án phát triển cây cao su được cho là đã thất bại, người dân trồng cao su đi vào ngõ cụt.
SỸ CHỨC
31, Tháng 05, 2019 | 12:05

Nhàđầutư
Cây cao su một thời được coi là “vàng trắng” và được kỳ vọng là cây mũi nhọn để góp phần phát triển kinh tế bền vững cho các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm nay, đề án phát triển cây cao su được cho là đã thất bại, người dân trồng cao su đi vào ngõ cụt.

de-an-cao-su-thanh-hoa-1138

Cần sớm có giải pháp để giúp người nông dân trồng cây cao su tại tỉnh Thanh Hóa.

Phát triển nhanh bằng cơ chế

Dự án trồng cây cao su được Thanh Hóa nhanh chóng thực hiện, sau đó việc trồng cây cao su được phát triển rầm rộ tại các nông lâm trường. Chỉ trong gần 6 năm (từ 2007 - 2012) toàn tỉnh đã trồng được hơn 18 nghìn ha.

Thực tế, cây cao su được du nhập và phát triển tại Thanh Hóa từ những năm 60, ban đầu được trồng với quy mô đại điền tại các nông trường Vân Du, Lam Sơn, Thống Nhất, Bãi Trành và Yên Mỹ... Tại thời điểm đó, chính quyền địa phương cho rằng cây cao su mang lại hiệu quả kinh tế cao lại có lợi ích về môi trường sinh thái.

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh Thanh Hóa có 14.311 ha cao su. Trong đó, 2.917 ha cao su đại điền, 11.394 ha cao su tiểu điền. Số diện tích trên đã giảm 1.260 ha so với con số hồi đầu năm 2018. Trong đó, các huyện có diện tích cao su giảm mạnh nhất, gồm: Thạch Thành giảm 452,1 ha, Như Xuân giảm 330 ha, Như Thanh giảm 313,4 ha, Thường Xuân giảm 125,5 ha...

Tháng 9/1997, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt chương trình phát triển 11.167 ha cây cao su đến năm 2002 tại địa bàn 6 huyện, 58 xã và 14 nông, lâm trường. Tiếp đó, tháng 1/2011, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015; theo đó, chính sách này sẽ hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân được giao đất trồng mới và chăm sóc cây cao su trong 2 năm đầu sẽ được hưởng 9 triệu đồng/ha.

Đến nay, cây cao su đã có mặt ở hầu hết các huyện miền núi thấp của tỉnh Thanh Hóa như: Như Thanh, Như Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Cẩm thủy, Thạch Thành. Trong đó, Thạch Thành được đánh giá là một trong những huyện có tốc độ phát triển diện tích đất trồng cây cao su và chất lượng rừng cao su vào loại tốt nhất cả tỉnh. Chỉ trong vòng hơn 4 năm, huyện Thạch Thành đã quy hoạch trồng mới, nâng tổng diện tích đất trồng cây cao su lên hơn gấp đôi từ 1.500 ha (năm 2010) lên gần 3.700 ha hiện nay.

Ông Nguyễn Thành Du - Giám đốc Nông trường Vân Du - đơn vị có diện tích trồng cây cao su lớn nhất huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) cho biết, toàn bộ Nông trường hiện có hơn 1.000 ha diện tích trồng cây cao su, được giao khoán cho hơn 600 hộ gia đình. Với hơn một nửa diện tích cây cao su trong thời kỳ thu hoạch, sản lượng bình quân khoảng 500 tấn mủ khô/năm. Vào các năm 2011 và 2012, giá mủ khô đạt 80.000 đồng/kg, cây cao su được ví như “vàng trắng”. Mỗi héc ta trồng cây cao su cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng. “Thực tế cho thấy không ít hộ nông dân trồng cây cao su ở huyện Thạch Thành đã trở nên giàu có, sung túc”, ông Du nói.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2013, mủ cao su bắt đầu đi vào thời kỳ rớt giá nhanh chóng, giá mủ cao su giảm xuống còn 33.000 - 35.000 đồng/kg. Sang năm 2014, giá tiếp tục giảm xuống mức đáy 23.000 đồng/kg. Những năm tiếp theo, mức giá mủ cao su dao động ở mức 26.000 - 30.000 đồng/kg. Thực trạng giá thu mua mủ cao su thấp khiến việc khai thác mủ không đủ chi phí thuê nhân công. Điều này khiến cho nhiều hộ gia đình trồng cây cao su không còn mặn mà khai thác nên có kế hoạch chuyển đổi cây trồng.

Cao su 1

Hàng nghìn ha cây cao su đang vào thời thu hoạch tại Thanh Hóa bị người dân bỏ mặc do giá mủ quá thấp.

Những hệ lụy không báo trước

Đã nhiều ngày nay, anh Hoàng Công Mười, trú tại thôn Tân Lý, xã Thành Tâm (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) hết đi ra sau nhà nhìn đồi cao su rộng 5ha của gia đình đã vào kỳ khai thác lại đi vào nhà với tâm trạng thấp thỏm, lo lắng. Vì nếu vào thời điểm này các năm trước, phía Công ty Cao su Thanh Hóa đã gửi đi thông báo giá mủ cho người dân khai thác từ lâu nhưng năm nay, giá mủ thấp, dường như họ cũng không còn muốn phát đi cái thông báo thường lệ ấy nữa.

“Thực ra chờ là chờ vậy thôi chứ chúng tôi cũng chả hy vọng gì nhiều. Với giá mủ hiện tại giao động từ 7 - 12 nghìn đồng/1kg mủ tươi, một ngày có cạo được cả 5 ha cũng không đủ trả tiền nhân công. Mà giá phía công ty đưa ra chắc cũng không thể cao hơn giá thị trường”, anh Mười chán nản nói.

Nhớ lại quãng thời gian đầu, khi cây cao su bắt đầu bắt rễ tại đây, anh Mười kể, vào khoảng các năm từ 2007 - 2009, khi cây cao su được đưa vào trồng thử nghiệm tại nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, cũng là lúc thứ “vàng trắng” này đi vào chuỗi thời gian cực thịnh, huy hoàng. Giá mủ lúc đó luôn ở mức từ 70 - 85 nghìn đồng/1kg. Rồi đây, cuộc sống của gia đình anh và nhiều hộ dân khác nữa sẽ khấm khá lên trông thấy, con cái sẽ được tạo điều kiện học hành “đến nơi đến chốn” nhờ cây cao su…

Năm 2011, cùng với chính sách khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, gia đình anh Mười mạnh dạn nhận liên kết với Công ty Cao su Thanh Hóa trồng 5ha. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, anh cũng như nhiều hộ dân trồng cao su khác tại đây gần như chưa một lần được hưởng trọn niềm vui từ cây cao su như kỳ vọng, do giá mủ sau vài năm lên đến đỉnh điểm đã nhanh chóng lao dốc.

“Bao nhiêu vốn liếng, công sức dốc hết vào đồi cao su trong gần 10 năm trời mà thành quả thu lại gần như là con số không. Mặc dù hiện nay tỉnh đang động viên những người trồng cao su như chúng tôi giữ lại số diện tích hiện có nhưng nếu trong thời gian tới, giá mủ không tăng, chúng tôi đành phải xin cơ chế phá bỏ để chuyển đổi sang giống cây trồng khác. Chứ cứ đeo đẳng với nó thế này, lấy gì mà ăn!”,  anh Mười chua chát nói.

Theo quan sát của PV, cả một vùng diện tích cao su đang vào thời kỳ khai thác, trải dài từ nông trường Vân Du đến xã Thạch Quảng đang bị người dân cũng như phía các lâm trường thờ ơ, bỏ mặc. Các dãy bát hứng mủ nứt vỡ nằm ngổn ngang. Thậm chí, sau trận giông lốc vừa qua, tại nhiều lô có hàng trăm thân cao su trưởng thành bị gãy đổ nhưng người dân cũng không buồn cắt dọn.

Tìm hiểu thêm từ phía người dân tại các xã: Thành Vân, Thành Công, Thạch Quảng, Vân Du, huyện Thạch Thành chúng tôi được biết: Hầu hết người trồng cao su tiểu điền tại đây đều đang có chung tâm trạng chán nản, muốn buông bỏ cây cao su. Người dân miền Tây tỉnh Thanh Hóa từ giấc mơ "vàng trắng" đang vàng mắt vì cao su...

(Còn tiếp)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ