Tâm thế 2022 không chỉ sống chung mà là vượt qua đại dịch COVID-19

Năm 2022, chúng ta không chỉ sống chung mà là giai đoạn vượt qua COVID-19 với tâm thế chủ động; còn cứ lúc đóng lúc mở thì giết chết doanh nghiệp.
THU HẰNG - TRẦN THƯỜNG
06, Tháng 02, 2022 | 08:31

Năm 2022, chúng ta không chỉ sống chung mà là giai đoạn vượt qua COVID-19 với tâm thế chủ động; còn cứ lúc đóng lúc mở thì giết chết doanh nghiệp.

Vietnamnet đã có cuộc phỏng vấn với ĐBQH Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) về các giải pháp triển khai gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ quy mô 350 nghìn tỷ đồng phục hồi và phát triển kinh tế xã hội mà Quốc hội vừa thông qua.

Nhân loại sẽ phải coi COVID-19 như dịch cúm mùa

Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của gói hỗ trợ này?

Hiện nay Chính phủ đang xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai đồng thời 2 chương trình. Một là chương trình tiếp tục phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân; chương trình thứ hai, là phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Trong các giải pháp Chính phủ đưa ra trong chương trình thì có nội dung về chính sách tài khóa, tiền tệ. Đây là chính sách đặc biệt, có tính chất đặc thù, bổ sung vào các chính sách tài khóa tiền tệ thông thường. Vì việc đưa ra những chính sách tài khóa và tiền tệ như vậy thuộc chức năng của Quốc hội, cho nên Chính phủ trình ra Quốc hội.

phuc-hoi-kinh-te-ma-luc-dong-luc-mo-la-giet-chet-doanh-nghiep

ĐBQH Vũ Tiến Lộc

Như vậy để triển khai chương trình phòng, chống dịch bệnh và chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội thì cần có gói giải pháp về tài khóa tiền tệ, rất nhiều các nội dung gói giải pháp này và đặc biệt là các khoản chi, các khoản thu, khoản miễn, giảm thuế….

Quốc hội tổ chức cuộc họp bất thường để thông qua tờ trình của Chính phủ, để quyết định các chính sách này là một phản ứng rất có trách nhiệm, thể hiện sự đồng hành, sự chủ động Quốc hội với Chính phủ trong quá trình ứng phó với đại dịch COVID-19.

Gói hỗ trợ này có quy mô, nguồn lực đủ lớn, tác động cả phía cung và phía cầu; có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh dàn trải, lãng phí.

Với gói hỗ trợ này, theo ông, năm 2022, chúng ta nên đặt tâm thế phòng chống dịch như thế nào để đạt được mục tiêu khôi phục và phát triển kinh tế xã hội như Nghị quyết của Quốc hội đặt ra?

Chúng ta đã chuyển qua giai đoạn khác nhau của quá trình phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội. Trong thời gian đầu tiên chúng ta theo đuổi mục tiêu là “Zero COVID”, phát động một cuộc chiến với COVID-19, sau đó chúng ta chuyển hướng sang giai đoạn sống chung với COVID-19 hay nói cách khác là thích ứng an toàn, hiệu quả, chủ động trong ngưỡng an toàn.

Tôi nghĩ ở giai đoạn hiện nay, chúng ta không chỉ sống chung mà là giai đoạn vượt qua Covid-19 với tâm thế chủ động. Đây chính là thông điệp mà tôi đưa ra đề xuất với Chính phủ từ tháng 4/2020, đề xuất “chuẩn bị tâm thế sống chung với dịch” và cần phải có chương trình phục hồi kinh tế cho 2 năm tới với những giải pháp đặc thù.

Cuối cùng nhân loại sẽ phải coi COVID-19 như dịch cúm mùa để bình thường trở lại các hoạt động kinh tế xã hội. Vượt qua nó, để mình trở lại các mức độ kinh tế xã hội trong điều kiện mới.

Chúng ta đang trong tình trạng không bình thường thì các biện pháp của chúng ta cũng phải là những biện pháp có tính bất thường như kỳ họp bất thường của Quốc hội đã bàn, đó là những giải pháp  đặc thù. Gói giải pháp tài khóa, tiền tệ cũng là một giải pháp có tính chất đặc thù cho giai đoạn này.

Quốc hội đã bàn về những giải pháp đặc thù cho các địa phương và chúng ta cũng đang đưa ra những giải pháp đặc thù cho chủ đầu tư có nguồn vốn nhà nước và đầu tư công, các giải pháp đặc thù về tài khóa, tiền tệ…

Cần những gói hỗ trợ “mềm”

Theo ông, làm thế nào để gói chính sách này hấp thụ vào nền kinh tế để phục hồi phát triển kinh tế xã hội trong 2 năm tới như Quốc hội đề ra?

Tôi nghĩ phải có giải pháp đặc thù chung cho mọi thành phần kinh tế xã hội chứ không chỉ là những biện pháp về tài khóa, tiền tệ mà còn cơ chế về thủ tục hành chính, về cơ chế vận hành, đặc biệt theo hướng đơn giản hóa tối đa các thủ tục, chuyển mạnh sang hậu kiểm, giảm thanh tra, kiểm tra. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ thanh tra kiểm tra trong những trường hợp rất đặc biệt, tức là phải có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Làm như vậy để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dồn lực vào thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Có nghĩa là cơ chế nên mở và thông thoáng hơn. Một cơ chế cởi mở, cơ chế thủ tục tích hợp, đơn giản hơn, thực hiện chủ yếu trên nền tảng số, đơn giản đến mức tối đa có thể được. Tức là có một cơ chế đặc thù cho đầu tư kinh doanh toàn xã hội và áp dụng ít nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế cho 2 năm tới.

Đó là những cơ chế một mặt hỗ trợ cho các tình huống đặc biệt trong thời đoạn đặc biệt này; mặt khác như là một giải pháp thử nghiệm, "một phòng chờ, phòng thí nghiệm", cho những lần cải cách thể chế tiếp theo để định hình nền kinh tế Việt Nam.

Như vậy tức là thực hiện một mũi tên trúng 2 đích. Một là để thực hiện giải quyết khó khăn trước mắt, đưa ra những cơ chế đặc thù để đẩy mạnh hoạt động của doanh nghiệp, của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Thứ hai, nó cũng là những thử nghiệm cho những cải cách tiếp theo về cải cách thể chế theo hướng mở linh hoạt, đơn giản, hậu kiểm, giảm thanh tra, kiểm tra, theo hướng tích hợp, theo hướng số hóa,…

Chúng ta đưa ra những giải pháp về tài khóa tiền tệ và chúng ta nói rằng giải pháp tiền tệ đó phải phù hợp, quy mô phù hợp với năng lực hấp thụ của nền kinh tế và sức chịu đựng của hệ thống tài khóa tiền tệ. Nhưng sức hấp thụ của nền kinh tế lại tùy thuộc rất lớn vào những cải cách thể chế khác chứ không phải chỉ có giải pháp về chính bản thân tiền tệ, tài khóa.

Nếu thủ tục hành chính đơn giản, nếu mà tiến độ triển khai các dự án nhanh hơn thì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được đảm bảo, thị trường được đảm bảo hiệu quả. Họ chớp được cơ hội, thời cơ kinh doanh thì khả năng hấp thụ nguồn vốn tăng. Cho nên việc hấp thụ nguồn vốn, tài khóa, tiền tệ, mà chính sách chúng ta đưa ra sẽ tùy thuộc rất lớn vào những cải cách thể chế này.

Như vậy, gói hỗ trợ về tài khóa và gói hỗ trợ về tài chính, tiền tệ được gọi là gói hỗ trợ tiền bạc. Bên cạnh đó gói hỗ trợ phi tài chính, phi tiền bạc là những gói hỗ trợ “mềm”, là thể chế, cơ chế chính sách cũng rất quan trọng và cần phải được đẩy mạnh và thậm chí nó là quan trọng nhất.

Bởi vì tiền bạc là hữu hạn, còn gói hỗ trợ về thể chế có dư địa rất lớn. Đặt trong mối tương quan với các nền kinh tế khác, cạnh tranh của chúng ta chưa cao so với ASEAN đứng hàng thứ 7, môi trường kinh doanh thì đứng thứ 5, so với thế giới chúng ta đứng ở giữa khoảng 60-70 và môi trường kinh doanh của chúng ta cần cải thiện nhiều hơn nữa. Đó chính là dư địa cho cải cách thể chế.

Không vì diễn biến của đại dịch mà quay lại biện pháp đóng mở

Nhưng câu chuyện cải cách thể chế được đặt ra khá nhiều lần và khá dài hơi, liệu có phù hợp trong tình huống đặc biệt mang tính đặc thù như hiện nay?

Đây là lúc chúng ta có cơ hội để thúc đẩy cải cách, trong điều kiện bình thường thì đưa ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giải pháp đơn giản hóa thể chế thì rất dễ có nhiều tranh cãi nhưng trong điều kiện doanh nghiệp và nền kinh tế đang khó khăn thì dễ đồng thuận với nhau. Khi đã thực hiện thí điểm những biện pháp trong giai đoạn ứng phó, sau này sẽ trở thành thói quen, nếu vận hành tốt những cải cách đó trở thành thói quen tư duy và nó cũng trở thành những quy định.

Cho nên ý nghĩa ở đây không phải chỉ là 2 năm phục hồi kinh tế, phục hồi tăng trưởng mà từ những cơ hội chỉ có trong điều kiện hiện nay còn góp phần tạo nên những đột phá về cải cách thể chế. Điều đó rất quan trọng chứ không phải chỉ là quy mô của nền kinh tế lớn lên, tăng trưởng cao.

Ví dụ rất đơn giản về tín dụng, bây giờ có gói hỗ trợ lãi suất là 2%, anh có giảm 2% đi chăng nữa nhưng nếu thủ tục rườm rà kéo dài thời hạn thực hiện dự án đến 6, 7 tháng, thậm chí hơn 1 năm hoặc vài năm, thì 1 năm lãi suất có khi sẽ lên tới 10, 11%.

Chính vì vậy, việc hỗ trợ về thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính là căn cứ rất quan trọng. Bên cạnh đó thì mở cửa thị trường cũng quan trọng. Chúng ta cần một kế hoạch kiên định mở cửa thị trường không bị lùi, không bị chập chờn vì COVID-19. Còn cứ lúc đóng, lúc mở thì giết chết doanh nghiệp.

Mở cửa thị trường thì doanh nghiệp sẽ định hình được kế hoạch cho nhà đầu tư quốc tế, các đối tác, bạn hàng họ tin tưởng và sẽ đặt hàng, chứ họ không biết ngày mai như thế nào thì làm sao họ dám đầu tư, làm ăn.

Phải chăng ông lo lắng trước tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu chống dịch của các địa phương?

Quyết tâm về mở cửa thị trường của Chính phủ phải kiên định và trong bối cảnh COVID-19 như thế nào thì vẫn phải kiên định mở cửa thị trường. Ngay Hà Nội trong bối cảnh rất khó khăn như thế này, nhưng vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều đó để thấy rằng chúng ta không phải vì một diễn biến của đại dịch mà quay lại biện pháp đóng mở.

Tôi nhấn mạnh lại là phải cố gắng để duy trì sản xuất kinh doanh theo một kế hoạch kiên định, tức là vượt qua chứ không phải dịch tiến lên thì mình lùi xuống.

Mở cửa ở đây theo nghĩa rộng nhất, tức là mở cho các hoạt động kinh tế chứ không phong tỏa, không có bao vây, ngay cả mở cửa biên giới cho người ta vào.

Ông kỳ vọng như thế nào vào việc triển khai gói hỗ trợ lần này?

Mở cửa và cải cách thể chế phải song hành với chính sách tài khóa, tiền tệ để yểm trợ cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ra còn có những biện pháp khác nữa, đó là nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Hiện nay các bộ, ngành rất nhiều chương trình nâng cao năng lực của doanh nghiệp như: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại.

Như vậy là vừa mở cửa thị trường để tạo đường đi, tạo không gian hoạt động; cải cách thể chế để tháo gỡ trói buộc, để tạo điều kiện thuận lợi hơn; những biện pháp yểm trợ để đẩy thúc đẩy, hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Tôi hy vọng, tất cả những điều đó sẽ tạo thành một hệ sinh thái cho doanh nghiệp có thể bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế một cách mạnh mẽ.

(Theo Vietnamnet)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ