Sếp DN nhà nước thừa nhận đuối sức, tâm sự bức xúc của tỷ phú USD

Câu chuyện của TISCO như một dẫn chứng điển hình cho việc một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chịu lép vế so với sức sống mãnh liệt của các DN tư nhân. Câu chuyện ấy không phải chỉ diễn ra trong ngành thép. Ngành xây dựng, hàng không, thương mại... đều không thiếu “những TISCO mỏi cánh”.
LƯƠNG BẰNG
31, Tháng 07, 2018 | 07:20

Câu chuyện của TISCO như một dẫn chứng điển hình cho việc một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chịu lép vế so với sức sống mãnh liệt của các DN tư nhân. Câu chuyện ấy không phải chỉ diễn ra trong ngành thép. Ngành xây dựng, hàng không, thương mại... đều không thiếu “những TISCO mỏi cánh”.

Chịu thua tư nhân

Tháng 6, một văn bản được Tổng công ty Thép Việt Nam gửi tới Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương. Báo cáo nói về nội tình một đơn vị thành viên của Vnsteel là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) - cánh chim đầu đàn của ngành gang thép Việt Nam.

Thừa nhận có nhiều lợi thế, nhưng Vnsteel phải chấp nhận thực tế là các lợi thế này của “cánh chim đầu đàn” đã bị thu hẹp rất nhiều.

Trước năm 2013, thị phần thép TISCO chiếm khoảng 13-15%, dẫn đầu thị phần cả nước, thương hiệu thép TISCO là thương hiệu mạnh, được khách hàng tin dùng, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng dân dụng. Nhưng từ năm 2013, gió bắt đầu đổi chiều. Những nhà sản xuất thép như Hòa Phát, Pomina, Posco SS, Vina Kyoei,...  được Vnsteel mô tả là áp dụng “công nghệ mới, hiện đại, chi phí thấp” đã khiến áp lực cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.

gang-thep-thai-nguyen3

Gang thép Thái Nguyên đang đuối sức. Ảnh: L.Bằng

Hệ quả là “cánh chim đầu đàn” dần mỏi cánh. Thị phần thép TISCO liên tục bị thu hẹp và giảm từ 15% xuống chỉ còn xấp xỉ 8%, đứng thứ 5 trong toàn ngành thép.

“Với sự phát triển lớn mạnh của các công ty thép khác, đặc biệt là Tập đoàn Hòa Phát, thì lợi thế thương hiệu về thép TISCO đang bị suy giảm nhanh trong các năm qua”, Vnsteel thừa nhận đuối sức trong cuộc đua.

Nguyên nhân là, dù giá bán cao hơn, nhưng chi phí sản xuất, giá thành của TISCO cao hơn các nhà sản xuất khác, cộng với gánh nặng tài chính từ dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nằm đắp chiếu nên hiệu quả đạt được còn hạn chế.

Gang thép Thái Nguyên là cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim, đội ngũ cán bộ công nhân viên được đào tạo tương đối bài bản. Nhưng nhiều năm gần đây, công ty phải cay đắng nhìn cán bộ công nhân viên có tay nghề cao, có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghiệp luyện kim “chấm dứt hợp đồng lao động tại TISCO để chuyển sang làm ở các công ty khác”.

Câu chuyện của TISCO như một dẫn chứng điển hình cho việc một số DNNN đuối sức trong cuộc cạnh tranh trước sức sống mãnh liệt của các DN tư nhân. Câu chuyện ấy không phải chỉ diễn ra trong ngành thép. Ngành xây dựng, hàng không, thương mại... đều không thiếu “những TISCO mỏi cánh”.

Lãnh đạo một DNNN chua chát nói rằng: Tư nhân họ năng động hơn, tự chủ cao hơn, tự quyết nhiều hơn nên nắm bắt được cơ hội. Còn DNNN để được đồng ý đầu tư một dự án, mất vài năm trời. Khi được chấp nhận thì cơ hội đã qua đi.

Nhưng vị lãnh đạo DN kể trên còn chưa nhắc đến tư tưởng “lời ăn, lỗ nhà nước chịu” ở một bộ phận DNNN. Thiếu giám sát, thừa lỗ hổng để các sếp “bòn rút” đã khiến nhiều DNNN đuối dần.

Điều đó còn được phản ánh trong báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng vốn nhà nước giai đoạn 2011-2016 trình Quốc hội trong kỳ họp vừa qua.

Báo cáo cho thấy, trong giai đoạn 2011-2016, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận 19 cuộc thanh tra tại DNNN, tập trung tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Kết quả là, Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm số tiền lên tới hơn 345 nghìn tỷ đồng; chưa kể số tiền sai phạm tính bằng ngoại tệ là 48,3 triệu USD và gần 304 nghìn Euro. 

Mở rộng cửa cho tư nhân: Vẫn còn nằm đâu đó

Vì sao DNNN cứ hao mòn dần trước sức sống ngày càng mãnh liệt của khu vực tư nhân? Chia sẻ của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra tại hội thảo "Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu tiến trình cơ cấu lại DNNN" vừa qua phần nào cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa con đường đi của hai khối DN này.

Bà Phạm Chi Lan khái quát: Công ty tư nhân luôn có những ông chủ sống chết với doanh nghiệp, khác hẳn với việc DNNN có quá nhiều nơi được xem là chủ sở hữu mà không có ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc giám sát.

Nhìn sang ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bà Phạm Chi Lan ví von: "Nếu anh Cung được giao làm chủ sở hữu một DNNN với việc anh Cung là chủ sở hữu khối tài sản của chính gia đình anh, vợ con anh thì thấy rõ sự khác biệt. Tài sản của anh khiến anh gắn bó máu thịt hơn nhiều với việc được giao làm chủ sở hữu của khối tài sản mà anh không thực sự là chủ của tài sản đó".

Bà Phạm Chi Lan - người phụ nữ vốn nặng lòng với DN tư nhân - thêm một lần nữa kêu gọi “phải thu hẹp tối đa phạm vi hoạt động cũng như số lượng DNNN”. Bởi theo bà Lan, “còn nhiều như thế này không ai giám sát nổi”.

“Nhà nước không bán sữa, không bán bia, nhưng tôi nghĩ Nhà nước cũng không cần làm dệt may, giày dép và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác mà tư nhân hoàn toàn đảm nhiệm được”, bà Lan nhấn mạnh.

Bà Lan và nhiều chuyên gia kinh tế muốn vậy. Doanh nghiệp tư nhân cũng muốn vậy. Nhưng thực tế thì sao?.

Câu chuyện của “tỷ phú đô la” Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet trong Diễn đàn Kinh doanh 2018, do Forbes tổ chức mới đây, được nhiều báo tường thuật chi tiết.

“Vietjet nâng cấp phòng khách Skyboss tại sân bay bằng chính kinh phí của doanh nghiệp nhưng do các cơ chế chính sách mà mất tới 2 năm. Trong khi đó, để xây dựng cả một sân bay Vân Đồn, doanh nghiệp tư nhân cũng chỉ mất hai năm, hay việc xây dựng nhà ga quốc tế mới tại Cam Ranh mà Vietjet có góp vốn đầu tư chỉ mất 18 tháng”, lời bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Bà Thảo nhận thấy rằng: “Trong suốt khoảng thời gian vừa rồi thì công việc giao cho tư nhân chưa đến được với tư nhân, nó vẫn đang vướng ở chỗ nào đó, nó mới chỉ nằm được trong chủ trương, mong muốn, ý chí của Chính phủ thôi chứ chưa đến được các cơ quan khác.”

Lãnh đạo Vietjet mong muốn làm thế nào để thông điệp “việc gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm” không chỉ nằm ở cấp Chính phủ mà lan tỏa xuống tất cả các bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng,... Khi đó mới tạo được hành lang, cơ chế, đổi mới,... hỗ trợ kinh tế tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp.

(Theo Vietnamnet)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ