Quảng Nam tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng cát xây dựng

Nhàđầutư
Hàng loạt mỏ cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tạm dừng hoạt động khiến các công trình, nhà ở trên địa bàn chậm tiến độ, tạm dừng.
THÀNH VÂN - THU HỒNG
21, Tháng 02, 2023 | 15:14

Nhàđầutư
Hàng loạt mỏ cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tạm dừng hoạt động khiến các công trình, nhà ở trên địa bàn chậm tiến độ, tạm dừng.

Nhiều công trình nguy cơ chậm tiến độ

Từ sau Tết Nguyên đán, nhiều mỏ cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tạm dừng hoạt động đã khiến nguồn cung khan hiếm. Đặc biệt, giá cát bị thổi lên 400.000 đồng đến 500.000 đồng/m3, tăng gấp đôi so với thời điểm trước Tết. Điều này khiến giải ngân vốn đầu tư công, các doanh nghiệp xây dựng và người xây nhà ở trên địa bàn tỉnh đứng ngồi không yên.

Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) cho rằng, các dự án trong năm 2023 trên địa bàn huyện đang bị ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ do thiếu hụt đất san lấp và cát xây dựng, như: Tuyến đường tránh lũ đi qua thị trấn Nam Phước; các tuyến đường DH4, DH16; Cụm công nghiệp Tây An…

"Hiện nay trên địa bàn huyện, mỏ san lấp và đất làm đường đạt tiêu chuẩn K95 và K98 không còn mỏ nào. Trong khi đó, đối với mỏ cát xây dựng, huyện chỉ còn một mỏ hoạt động, nhưng từ sau Tết đến nay vẫn đang tạm dừng", ông Đức nói và cho biết thêm, nguyên nhân chủ mỏ cát không hoạt động thì huyện cũng không rõ vì sao.

Bên cạnh không có cát để phục vụ cho các công trình đầu tư công, ông Đức còn cho biết, việc thiếu cát xây dựng cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến các công trình, nhà ở của người dân. Từ đó, số lượng người lao động không có việc làm trở thành bài toán rất khó khăn.

Hiện nay giá cát xây dựng trên địa bàn huyện Duy Xuyên khi vận chuyển tới tại nhà dân đã có giá tối thiểu 450.000 đồng/m3, còn có chỗ giá cao hơn nhưng vẫn không có cát để bán.

Trong thời gian tới, ông Đức cho biết, trên cơ sở phê duyệt 41 danh mục khoáng sản trên địa bàn tỉnh, huyện Duy Xuyên có 1 mỏ đất san lấp với trữ lượng khoảng 500.000m3. Hiện huyện đang thực hiện đến bước kiểm tra điều kiện tham gia đấu giá, đến nay đã có 10 đơn vị tham gia nộp hồ sơ. Dự kiến tuần sau sẽ đấu thầu, đấu giá theo quy định. Sau đó mới tiến hành thăm dò, tuy nhiên thủ tục này chiếm rất nhiều thời gian.   

IMG_1404

Hàng loạt mỏ cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tạm dừng hoạt động. Ảnh: Thành Vân.

"Chỉ có giải pháp tạm thời nhằm giải cơn khát cát xây dựng và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình là tỉnh ủy quyền cho các huyện, thị xã cấp phép các mỏ khoáng sản có quy mô nhỏ dưới 5.000 m3. Khi phê duyệt, gửi các tài liệu đến Sở TN&MT, Công an tỉnh để các ngành theo dõi, hướng dẫn tổ chức theo đúng quy định", ông Đức đề xuất.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam, đến hết ngày 31/1, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 các dự án do địa phương quản lý giải ngân hơn 286 tỷ đồng, đạt 3,7%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngân sách trung ương giải ngân hơn 62,7 tỷ đồng đạt 2,1%, vốn ngân sách địa phương giải ngân 223,5 tỷ đồng, đạt 4,7%.

Nguyên nhân công tác giải ngân chậm là do một số hợp đồng xây lắp thực hiện giai đoạn 2021 - 2022 có giá vật liệu xây dựng tăng đột biến dẫn đến nhiều nhà thầu thi công cầm chừng, hợp đồng thi công kéo dài, ảnh hưởng công tác giải ngân vốn đầu tư.

Đặc biệt hiện nay, giá nguyên liệu đất đắp công trình và cát xây dựng giá thị trường cao hơn nhiều so với giá báo liên sở lại không đủ nguồn cung (do các mỏ cát tạm thời đóng cửa) nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công. 

z4115996931364_c645bcdbea32fc59857d653a0e70f9ba

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị khẩn trương tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 39 điểm mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường. Ảnh: Thành Vân.

Giải bài toán thiếu cát

Huyện Đại Lộc là địa phương có số lượng mỏ cát được cấp phép nhiều nhất tại tỉnh Quảng Nam. Trước Tết, hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là các mỏ cát xây dựng diễn ra khá sôi động, tuy nhiên sau Tết, nhiều mỏ cát thông báo tạm dừng.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Nhadautu.vn, ông Lê Đỗ Tuấn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) thông tin, hiện trên địa bàn huyện có 3 mỏ cát xây dựng đang hoạt động gồm: Pha Lê, Trường Lợi, Quang Cử; đất san lấp có 1 mỏ hoạt động.

Thời gian trước Tết Nguyên Đán thì cơ bản hoạt động ổn định, tuy nhiên sau Tết, theo kế hoạch của huyện, đã yêu cầu các doanh nghiệp phải rà soát hết lại từ trạm cân, bến bãi, camera, môi trường, điều kiện khai thác… trước khi trở lại hoạt động.

"Qua kiểm tra, đến thời điểm này các mỏ cơ bản thực hiện theo yêu cầu, vài hôm nữa thôi các doanh nghiệp khai thác cát sẽ trở lại hoạt động. Trước khi trở lại khai thác, huyện Đại Lộc sẽ gửi công văn cho các ngành, các xã và doanh nghiệp để công khai giá, phải đảm bảo không xảy ra tình trạng thổi giá cao", ông Khương nói.

Theo ông Khương, hiện nay, tình trạng các mỏ đang tập trung quá nhiều tại huyện Đại Lộc, khi xảy ra vấn đề thì đã ảnh hưởng đến nhu cầu xây dựng cả tỉnh Quảng Nam và thậm chí là Đà Nẵng. Do đó, trong thời gian tới, huyện sẽ kiến nghị tỉnh Quảng Nam nên có chủ trương rà soát quy hoạch bổ sung, đưa các mỏ cát tại các huyện khác vào khai thác, đấu giá để phân bố đều, không tập trung vào một địa phương, tránh gây tắc nghẽn việc cung cấp vật liệu khi xảy ra sự cố.

Trước thực trạng khan hiếm cát xây dựng trên địa bàn, ngày 20/2, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã có công văn gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường công tác quy hoạch và quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, ông Thanh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đồng thuận của cộng đồng dân cư trong vùng dự án để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 39 điểm mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương và UBND tỉnh phê duyệt danh mục các dự án đầu tư khai thác khoáng sản, giao cho các địa phương tổ chức đấu giá.

Trong hồ sơ đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải nêu đầy đủ các nội dung yêu cầu để tổ chức lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện, tuân thủ đúng quy định trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản; hướng dẫn đơn vị trúng đấu giá lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo đúng quy định.

Ngoài ra, UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã và các Phòng chức năng thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn mình quản lý...

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ