Quản lý đất quốc phòng: Từ Đồng Tâm đến Tân Sơn Nhất

Nhàđầutư
Mọi con mắt đang đổ dồn về Đồng Tâm khi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trở lại đây mang theo bản dự thảo Kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn. Cùng thời điểm, Bộ Quốc phòng thanh tra toàn bộ đất quốc phòng ở TP.HCM, trong đó có sân golf Tân Sơn Nhất.
HÀ HƯƠNG
07, Tháng 07, 2017 | 11:46

Nhàđầutư
Mọi con mắt đang đổ dồn về Đồng Tâm khi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trở lại đây mang theo bản dự thảo Kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn. Cùng thời điểm, Bộ Quốc phòng thanh tra toàn bộ đất quốc phòng ở TP.HCM, trong đó có sân golf Tân Sơn Nhất.

quan-ly-dat-quoc-phong-tu-san-golf-tan-son-nhat-den-dong-tam

Hà Nội công bố dự thảo Kết luận thanh tra  "vụ Đồng Tâm" cùng thời điểm Bộ Quốc phòng thanh tra sân golf Tân Sơn Nhất.

Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu cũng “sốt ruột”

Theo một báo cáo của Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần được báo QĐND dẫn lại, tính đến đầu tháng 5/2017, 64 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đã thực hiện nghiêm túc việc kê khai, đề xuất sắp xếp lại, xử lý 6.993 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích khoảng 101.467ha, tổng diện tích mặt sàn xây dựng hơn 27.355.600m2 trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố và đã được Ban chỉ đạo 09 cấp tỉnh kiểm tra, ký biên bản hiện trạng.

Ban chỉ đạo 09/Bộ Quốc phòng đã tổng hợp, lập phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý đất của các đơn vị quân đội trên địa bàn gửi xin ý kiến UBND các tỉnh, thành phố và đã có nhiều UBND tỉnh, thành phố cho ý kiến bằng văn bản.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, Bộ Quốc phòng yêu cầu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chấp hành nghiêm pháp luật về đất đai; quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định của Bộ Quốc phòng, nhất là Nghị quyết số 1002/NQ-QUTW ngày 29/12/2016 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo; bảo đảm việc quản lý đất quốc phòng chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả không để xảy ra tranh chấp, lấn chiếm, không tự ý cho thuê, mượn trái quy định.  

chung_zing1

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung về Mỹ Đức dự buổi công bố dự thảo kết luận thanh tra. Ảnh: Zing

Trước đó, hồi đầu tháng 3, trước khi xẩy ra “vụ Đồng Tâm” và nóng chuyện sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu cũng đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất quốc phòng chặt chẽ, đúng quy định.

Để thực hiện tốt công tác quản lý đất quốc phòng trong thời gian tới theo đúng chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, các cơ quan chức năng, đơn vị có liên quan của Bộ Quốc Phòng đang tích cực nghiên cứu hoàn chỉnh dự thảo thông tư về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, đồng thời theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất quốc phòng giai đoạn 2016-2020...

Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Bộ Tư pháp dẫn Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai số 45/2013/QH13.

Theo đó, người sử dụng đất quốc phòng, an ninh được quy định là các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là người sử dụng đất đối với đất cho các đơn vị đóng quân trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản này; đất làm căn cứ quân sự; đất làm các công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và các công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh; nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân; đất thuộc các khu vực mà Chính phủ giao nhiệm vụ riêng cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, bảo vệ và sử dụng;

Các đơn vị trực tiếp sử dụng đất là người sử dụng đất đối với đất làm ga, cảng quân sự; đất làm các công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh; đất làm kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân; đất làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi hủy vũ khí; đất xây dựng nhà trường, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân; đất làm trại giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công an phường, thị trấn; đồn biên phòng là người sử dụng đất đối với đất xây dựng trụ sở.

thanh-tra-san-golf-tan-son-nhat

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo  thanh tra toàn bộ đất quốc phòng ở TP.HCM, trong đó có sân bay Tân Sơn Nhất. 

Nghị định 43 quy định rõ, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh phải được sử dụng đúng mục đích đã được xác định. Đối với diện tích đất không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích thì UBND cấp tỉnh thông báo cho đơn vị sử dụng đất để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích; sau 12 tháng kể từ ngày được thông báo, nếu đơn vị sử dụng đất không khắc phục để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích thì UBND cấp tỉnh thu hồi để giao cho người khác sử dụng.

Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trong nội bộ đất quốc phòng, an ninh theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh đã được phê duyệt thì đơn vị sử dụng đất phải xin chuyển mục đích sử dụng đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường kèm theo ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Đặc biệt, cũng theo Nghị định này, đất do các đơn vị vũ trang nhân dân đang quản lý, sử dụng nhưng không thuộc quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh đã được phê duyệt thì phải bàn giao cho địa phương quản lý. Xử lý cụ thể như sau:

Đối với diện tích đất đã bố trí cho hộ gia đình cán bộ, chiến sỹ thuộc đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng làm nhà ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt thì người sử dụng đất ở được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;

Đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp do các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh đang sử dụng thì phải chuyển sang hình thức thuê đất theo phương án sản xuất, kinh doanh đã được Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an phê duyệt;

Đối với diện tích đất không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này thì UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất để giao, cho thuê sử dụng theo quy định của pháp luật.

Chính phủ cũng dự liệu trước các vấn đề có thể phát sinh và quy định rõ trong Nghị định việc “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết dứt điểm diện tích đất đang có tranh chấp để xác định người sử dụng đất.”

Không thể không minh bạch hóa

Theo ông Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, Luật Đất đai qua các thời kỳ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đều xem trọng vấn đề quản lý, sử dụng đất quốc phòng.  

Nhìn chung công tác quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng thời gian qua đã được thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật về đất đai, đáp ứng được yêu cầu đất đai cho quy hoạch xây dựng các công trình phòng thủ quốc gia, vừa đảm bảo tốt yêu cầu phòng thủ quốc gia, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), bảo vệ Tổ quốc, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của đất nước.

Tuy vậy, cũng theo ông Hiển, thực tiễn quản lý, sử dụng đất quốc phòng trong thời gian qua cũng còn một số hạn chế, bất cập; nhất là việc phân định ranh giới, xác định số liệu thống kê chưa rõ ràng, chính xác, dẫn tới sự tranh chấp giữa một số đơn vị với địa phương nơi đóng quân, thậm chí có những tranh chấp kéo dài nhiều năm nhưng chưa giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất quốc phòng.

Mặt khác, việc quy hoạch sử dụng đất quốc phòng đã tiến hành nhiều năm, nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của đất nước, của địa phương trong từng thời kỳ, dẫn đến một số nơi, quỹ đất cần thiết dành cho thao trường, bãi tập phục vụ huấn luyện, SSCĐ của một số đơn vị chưa được địa phương sở tại quan tâm đúng mức; ngược lại, ở một số khu vực, chưa nhất thiết phải bổ sung quỹ đất cho mục đích quốc phòng, nhưng vẫn được bố trí, gây lãng phí về quỹ đất. Điều đó đã làm ảnh hưởng đáng kể tới nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của quân đội và phát triển KT-XH của các địa phương.

Từ vụ việc Đồng Tâm và Tân Sơn Nhất, vấn đề “tăng cường công tác quản lý đất quốc phòng” như chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu càng đặt ra nóng hơn bao giờ hết.

Một mặt, cần tiếp tục rà soát nắm chắc hiện trạng và nhu cầu sử dụng đất, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp và quy hoạch sử dụng đất quốc phòng để quản lý có hiệu quả. Mặt khác, cần tăng cường hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất đai vào mục đích quốc phòng. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai nói chung, đất đai sử dụng vào mục đích quốc phòng nói riêng. Nhất là trong điều kiện hiện nay, trước yêu cầu sử dụng đất đai cho mục đích phát triển KT-XH ngày càng tăng, nhiều diện tích đất, trong đó có đất quốc phòng được chuyển sang để xây dựng các khu công nghiệp, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, thì việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc càng có ý nghĩa quan trọng./.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ