Nữ 9X Phú Yên đưa 'cánh tay robot cho người khuyết tật' ra thế giới

Nhàđầutư
Trịnh Khánh Hạ, đồng sáng lập Vulcan Augmetics, cho rằng công nghệ tiên tiến mà cánh tay robot của Vulcan đang phát triển có thể giúp những người không may mắn tăng thêm sức mạnh thể chất và lấy lại niềm tin vào cuộc sống.
ĐỖ LAN
20, Tháng 10, 2023 | 07:30

Nhàđầutư
Trịnh Khánh Hạ, đồng sáng lập Vulcan Augmetics, cho rằng công nghệ tiên tiến mà cánh tay robot của Vulcan đang phát triển có thể giúp những người không may mắn tăng thêm sức mạnh thể chất và lấy lại niềm tin vào cuộc sống.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, thương binh 50 tuổi, ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, đã có lại cánh tay dù không phải bằng xương bằng thịt. Ông Tuấn lắp cánh tay robot cách đây hơn một năm và thấy cuộc sống sinh hoạt tiện lợi hơn. Ông có thể tự cầm chai nước, chén cơm và đặc biệt cánh tay ấy có thể thể giúp ông viết chữ được nhờ rèn luyện.

Cánh tay robot trên là sản phẩm của Vulcan Augmetics, startup muốn cuộc sống của người khuyết tật tốt đẹp hơn, mang lại niềm vui cho những người không may mất đi một phần cơ thể. 

Nguyen-Anh-Tuan (1)

Ông Nguyễn Anh Tuấn và vợ. Ảnh: NVCC

Trịnh Khánh Hạ, đồng sáng lập Vulcan Augmetics vừa có cuộc trò chuyện với Nhadautu.vn về những câu chuyện liên quan đến Vulcan.

Chào chị, startup mà chị đang làm lãnh đạo về cánh tay robot. Cơ duyên nào đưa chị tới startup này?

Chị Trịnh Khánh Hạ: Tôi đến với Augmetics vào năm 2018 khi Vulcan còn là một dự án nhỏ thuộc một Lồng ấp khởi nghiệp, nơi các dự án startup được khởi xướng dưới sự hỗ trợ của một công ty mẹ. Tôi được mời về quản lý một trong những dự án thuộc lồng ấp này và tôi phải duyên với dự án Vulcan, khi đó gồm Rafael Masters, đồng sáng lập Vulcan, và ba bạn kỹ sư khác đang “chập chững" những ngày đầu phát triển sản phẩm

Tôi sinh ra và lớn lên trong khu bộ đội ở Phú Yên. Được theo chân ba trong những chuyến công tác đến nhiều vùng miền, được thăm nhiều làng quê hứng chịu nhiều tàn tích của chiến tranh, và được thấy nhiều hoàn cảnh người khuyết tật, tôi nhận ra những gì mà Vulcan muốn xây dựng thật sự rất cần thiết và hữu ích cho đất nước như Việt Nam và các quốc gia khác

Tôi có thời gian sinh sống và học tập tại Anh và cũng nhận thấy rằng ở các quốc gia này, người khuyết tật được hỗ trợ rất nhiều về phương tiện và thiết bị công nghệ, về chính sách để giúp họ có cuộc sống thuận tiện. Người khuyết tật ở các nước này không bị xem là người nghèo. Họ vẫn làm việc và cống hiến cho xã hội như bao người khác, chỉ là họ cần thêm dụng cụ hỗ trợ để tối ưu hiệu suất làm việc

Về đến Việt Nam, mỗi lần nghe đến chữ khuyết tật, mọi người hay nghĩ đến việc “khuyết tật thì đi bán vé số”. Tôi muốn thay đổi ánh nhìn của xã hội đối với người khuyết tật nói chung và thay đổi cách nhìn nhận bản thân của người khuyết tật đối với chính bản thân họ. Và tôi nghĩ, công nghệ tiên tiến mà Vulcan đang phát triển có thể giúp người khuyết tật tăng thêm sức mạnh thể chất và lấy lại niềm tin vào bản thân.

TRINH-KHANH-HA1 (1)

Đồng sáng lập Vulcan Augmetics Trịnh Khánh Hạ. Ảnh: NVCC

Vulcan Augmetics, chắc chắn ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Xin chị chia sẻ thêm về tên của startup?

Chị Trịnh Khánh Hạ: Vulcan là tên một vị thần La Mã, ông là thần lửa từ lúc sinh ra đã bị khuyết tật, nên ba mẹ chối bỏ đầy ông xuống đáy biển, một mình không chấp nhận số phận ông tự rèn vũ khí và lập quân đội đánh bại các vị thần khác và sau đó được công nhận. Tinh thần Vulcan là cuộc sống không may mắn nhưng không chịu chấp nhận, vẫn có khả năng tự rèn luyện để thay đổi cuộc đời mình. Với công nghệ mà Vulcan Augmetics đang phát triển, việc mất đi một phần cơ thể sẽ chỉ còn là sự bất tiện,​ không còn là sự bất hạnh nữa.

Còn Aumetics viết tắt bởi 2 từ "Augmentation" nghĩa là làm cho tốt hơn, nâng cấp hơn, “tics” là "prosthetics" là ngành tay chân giả. Vulcan bắt đầu là nơi mọi người có nhu cầu cấp thiết nhất nhưng mở rộng ra là công nghệ nâng cấp cơ thể con người. Tầm nhìn của Vulcan là làm tất cả công nghệ khi gắn lên cơ thể con người khiến chúng ta trở nên tốt hơn, mạnh mẽ hơn.

Đến nay, Vulcan đã lắp được bao nhiêu cánh tay robust? Thị trường của Vulcan như thế nào? Trong nước, xuất khẩu ra sao?

Chị Trịnh Khánh Hạ: Vulcan ra mắt tại thị trường Việt Nam vào năm 2021, và đến 10/2023, Vulcan đã hợp tác với các nhà phân phối và hệ thống chỉnh hình trên 7 quốc gia khác bao gồm: Ấn Độ, Singapore, Campuchia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Jordan, và sắp tới đây là các quốc gia lớn của châu Phi như Nigeria, Zambia, Tanzania.

Trường hợp khách hàng nào để lại sâu sắc, cảm động đối với chị? Xin chị chia sẻ câu chuyện ấn tượng mà chị rất ấn tượng?

Chị Trịnh Khánh Hạ: Đối với tôi, trường hợp nào trong số những người khuyết tật mà Vulcan phục vụ cũng là trường hợp đặc biệt

Câu chuyện gần đây nhất tôi nhận được là từ chú Nguyễn Anh Tuấn, bộ đội về hưu tại Hà Tĩnh. Một ngày đẹp trời, tôi nhận được video chú gửi về cho đội ngũ chăm sóc khách hàng. Trong video, chú Tuấn, với cánh tay phải là tay robot Vulcan, đang nắn nót nét chữ và nhìn kỹ thì thấy nét chữ chú rất đẹp. Tôi thực sự cảm động và hạnh phúc, vì thấy rằng sản phẩm đang mang lại lợi ích thiết thực cho chú.

Chú Tuấn lắp tay Vulcan cách đây hơn một năm. Ngày lắp tay, chú đi cùng với vợ. Ngày khi lắp tay xong, chú quay qua nói với vợ chú “từ nay có thể véo má vợ được rồi". Hai cô chú cười vui hạnh phúc.

Tại thị trường Việt Nam, mô hình phân phối trực tiếp giúp chúng tôi giữ được mối liên hệ gần với khách hàng và hiểu được câu chuyên của họ.

Thời gian gần đây khi chúng tôi xuất khẩu ra thị trường quốc tế và bán thông qua các nhà phân phối và các trung tâm chỉnh hình, tôi không được tiếp xúc trực tiếp với người sử dụng như khi bán ở Việt Nam. Đó cũng là điều khiến tôi hơi “tiếc" khi bắt đầu xuất khẩu. 

Chúng tôi cũng đang phát triển App để người dùng bất kỳ đâu trên thế giới, sau khi được lắp đặt tay Vulcan, sẽ dùng App để yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn thích nghi sản phẩm bằng các chương trình tập luyện chuyên nghiệp và tận tâm. Để dù phân phối theo hình thức nào, thì người dùng cũng sẽ được Vulcan chăm sóc tốt nhất

Giá sản phẩm của Vulcan ra sao? Với số tiền như vậy, chị nghĩ vì sao khách hàng lại chọn Vulcan?

Chị Trịnh Khánh Hạ: Hiện sản phẩm tay Vulcan đang có giá khác nhau giữa Việt Nam (nơi sản xuất) và các thị trường xuất khẩu

Giá ở Việt Nam giao động từ 18 triệu đến 35 triệu đồng, tuỳ dòng sản phẩm 

Giá khi xuất khẩu và bán cho các nhà phân phối là 35-60 triệu đồng. Khi đến tay khách hàng ở các nước bạn thì tay Vulcan sẽ có giá 70-100 triệu đồng.

Đối với Việt Nam, đây là giá tương tự một chiếc xe máy. Cánh tay robot giúp người dùng có thể làm các thao tác thiết yếu hàng ngày như lái xe, ăn cơm, uống nước, bưng bê đồ nặng và có thể dùng trong 3-4 năm, nên việc đầu tư một sản phẩm như vậy vừa hỗ trợ chức năng vừa mang lại sự tự tin cho người sử dụng là điều hợp lý với đa số người không may gặp tay nạn phải mất đi một phần cơ thể

Đối với thị trường các nước xuất khẩu, đa phần ở các quốc gia này, người khuyết tật được chính phủ và bảo hiểm hỗ trợ một phần chi phí lắp đặt. Do đó, giá xuất khẩu này dù cao hơn thị trường Việt Nam nhưng vẫn rẻ hơn 3-5 lần so với các sản phẩm hiện đang có tại các thị trường nước ngoài, trong khi chức năng và công nghệ tay Vulcan lại cao cấp hơn.

Những khách hàng của Vulcan là những người mất đi cánh tay, chắc hẳn họ có nhiều trắc ẩn hoặc trải qua những biến động về tâm lý. Vulcan có cách nào để góp phần chữa lành cho họ, để cánh tay robot không chỉ là một dụng cụ y tế?

Chị Trịnh Khánh Hạ: Tôi mong cánh tay Vulcan có thể giúp người khuyết tật hoạt động như người bình thường và tự tin trong mắt cộng đồng cũng như tự tin vào bản thân họ. Dùng tay robot là để khoe chứ không phải để che.

Vulcan mong muốn có thể sẽ là một platform cho tất cả người khuyết tật để họ tìm kiếm sản phẩm, có thể là cho người mất tay mất chân, hoặc các bộ phận khác.

Vulcan đang áp dụng những công nghệ gì để xây dựng ra cánh tay robot?

Chị Trịnh Khánh Hạ: Tay Vulcan đang có công nghệ cảm biến sinh học. Công nghệ cảm biến tiên tiến giúp người sử dụng tay Vulcan có thể thích nghi với việc điều khiển bàn tay chỉ trong vài phút, thay vì phải tốn vài tuần đến vài tháng so với các sản phẩm khác trên thị trường.

Hiện Vulcan cũng bán công nghệ cảm biến này thành một sản phẩm riêng biệt (không đi kèm bàn tay robot) đến các công ty công nghệ khác

Kế hoạch sắp tới của Vulcan là gì?

Chị Trịnh Khánh Hạ: Chúng tôi đang tập trung cho việc mở rộng thị trường và các kênh phân phối. Hai năm vừa rồi khi bán tại Việt Nam, chúng tôi chỉ bán được kênh trực tiếp, vì thị trường Việt Nam còn khá sơ khai.

Khi bắt đầu mở rộng sang thị trường quốc tế, chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn khi sản phẩm có thể phân phối đến chính phủ và hệ thống y tế của các nước. 

Thời gian gần đây, tình hình chính trị quốc tế đang khá phức tạp và bất ổn, nhiều chiến tranh và tranh chấp đang diễn ra, bom đạn, động đất đang xảy ra ở nhiều nước ở Trung Đông, châu Phi và châu Âu. Vulcan đang làm việc với các cơ quan liên quan ở các nước để có thể góp phần cung cấp giải pháp xoa dịu nỗi đau mất mát của người dân và người lính.

Chị nghĩ gì về vai trò của nữ doanh nhân ngày nay?

Chị Trịnh Khánh Hạ: Những năm làm startup và xây dựng Vulcan, tôi được tiếp xúc, làm việc và học hỏi từ rất nhiều doanh nhân từ nhiều ngành khác và nhiều quốc gia khác nhau. Và tôi thấy rất ấn tượng là đội ngũ nữ doanh nhân tại Việt Nam và trên thế giới ngày càng đông đảo.

Đi đến bất kỳ cuộc thi khởi nghiệp, giải thưởng, hội nghị lớn nào trong mảng kinh doanh, tôi cũng bắt gặp những “bóng hồng quyền lực” đang khuấy đảo một ngành nghề, một thị trường nào đó.

Tuy nhiên, tỉ lệ phụ nữ khởi nghiệp vẫn còn chưa cao. Theo thống kê của Startup Genome, chỉ 15% trong số tổng các công ty khởi nghiệp có đồng sáng lập là nữ

Với sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ mới đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, các kỹ năng liên quan về kỹ thuật sẽ dần được thay thế. Những kỹ năng liên quan đến làm việc với con người và đưa ra các quyết định khi không thể có đủ số liệu là những kỹ năng mà trí tuệ nhân tạo sẽ khó thay thế. Và tôi tin rằng, phụ nữ thật sự có siêu năng lực trong hai kỹ năng trên.

Tôi nghĩ rằng, thập niên tới sẽ là thập niên khởi sắc cho phụ nữ khởi nghiệp và lãnh đạo. Và tôi rất tự hào là một phần của làn sóng phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh trong thời kỳ mới.

Phụ nữ làm công nghệ có khó như nam giới không?

Chị Trịnh Khánh Hạ: Làm công nghệ về cơ bản là khó. Khó đủ điều. Phụ nữ làm công nghệ tôi nghĩ sẽ không khó hơn nam giới, đôi khi có thể dễ hơn ở một vài khía cạnh

Công nghệ đã phát triển ở mức độ mà việc phát triển một sản phẩm không còn quá khó về mặt kỹ thuật. Điều khó là hiểu được xu thế thị trường và tâm lý người dùng mà thật sự đang thay đổi hàng ngày để biết cần phát triển sản phẩm gì và thu hút người dùng ra sao. Và tôi nghĩ phụ nữ có khả năng nhạy bén cao để nắm bắt các xu thế này.

Xin cảm ơn chị và chúc chị một ngày 20/10 thật đẹp đẽ !

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ