Những thương hiệu ‘già cỗi’ lột xác dưới tay ông lớn như thế nào?

Chỉ một thời gian ngắn sau thương vụ sáp nhập với các ông lớn trong ngành, nhiều doanh nghiệp lâu năm như Bột Giặt NET, Sữa Mộc Châu, Sá xị Chương Dương… đã có sự chuyển biến rõ rệt về hiệu quả kinh doanh.
V.DŨNG
01, Tháng 08, 2020 | 14:13

Chỉ một thời gian ngắn sau thương vụ sáp nhập với các ông lớn trong ngành, nhiều doanh nghiệp lâu năm như Bột Giặt NET, Sữa Mộc Châu, Sá xị Chương Dương… đã có sự chuyển biến rõ rệt về hiệu quả kinh doanh.

eb285_moc_chau

Sữa Mộc Châu đã giải tỏa được áp lực cạnh tranh và tăng trưởng trở lại sau khi sáp nhập với Vinamilk. Ảnh minh họa: GNTFood

Nhiều doanh nghiệp "vang bóng một thời" từng bế tắc với các phương án kinh doanh đã tìm lại được đông lực tăng trưởng chỉ sau một thời gian ngắn được “chăm bẵm” bởi các tập đoàn lớn. Nếu nhìn vào kết quả kinh doanh của quí 2-2020 mới công bố có thể thấy rõ sức sống mới bên trong các thương hiệu “già cỗi” này. 

Bột giặt NET lãi kỷ lục ngay quí đầu tiên

Tập đoàn Masan chi 550 tỉ thông qua một công ty con để mua lại 52% cổ phần của Công ty cổ phần Bột giặt NET trong tháng 2 vừa qua. Không cần phải đợi lâu, ngay trong quí đầu tiên được hoạt động trong hệ sinh thái của ông lớn hàng tiêu dùng nhanh này, Bột giặt NET đã lập kỷ lục về mức lợi nhuận.

Sau khi lập kỷ lục tăng trưởng quí (tăng 108% lợi nhuận) trong quí 1, Bột giặt NET báo cáo tài chính quí 2 với đà “thăng hoa” hơn nữa khi tiếp tục phá vỡ kỷ lục doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, Bột giặt NET ghi nhận doanh thu 369 tỉ đồng trong quí 2, tăng 31% so với cùng kỳ 2019. Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng cải thiện rõ rệt khi biên lợi nhuận gộp tăng từ 19% lên 23%.

Tổng chi phí trong kỳ của doanh nghiệp chỉ tăng 16%. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế của Bột giặt NET tăng trưởng mạnh 121%, đạt 42 tỉ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của Bột giặt NET trong một quí từ khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính vào năm 2009.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, thành viên mới của Masan đạt doanh thu 726 tỉ đồng và lợi nhuận ròng 74 tỉ đồng. So với kỳ kế toán bán niên 2019, hai chỉ tiêu này của công ty tăng lần lượt 36% và 111%. So với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 1.300 tỉ và 86 tỉ đồng của năm 2020, Bột giặt NET đã hoàn thành 56% chỉ tiêu doanh thu và 98% mục tiêu lãi chỉ sau một nửa chặng đường.

f3308_net_1

Nguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệp

Xuất hiện cách đây hơn 50 năm, Bột giặt NET ngoài việc sản xuất các thương hiệu riêng, còn là đối tác chiến lược của Unilever trong việc cung ứng các sản phẩm chất tẩy rửa như OMO, Surf, Sunlight, VIM. Công ty cũng xuất khẩu bột giặt, nước rửa chén, nước giặt, nước tẩy đa năng đi nhiều thị trường quốc tế khác. Thị phần hiện tại của Bột giặt NET trong ngành hàng bột giặt ở Việt Nam là 1,5%.

Nhìn chung, chỉ với 2 quí lãi đột biến chưa thể đánh giá đầy đủ về sự thay đổi tích cực nhưng đây là tín hiệu lạc quan nhất của thương hiệu này kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Bài toán chi phí vận hành đã được giải, khâu phân phối đã được lo, đáng nói nhất là thương hiệu lâu đời này đã chấm dứt chu kỳ 10 năm càng đầu tư mở rộng lợi nhuận càng giảm.

Sữa Mộc Châu đã thấy hướng đi tích cực

Quí 2-2020 đánh dấu tròn 6 tháng Vinamilk tiếp quản thương hiệu Sữa Mộc Châu sau khi mua lại công ty mẹ GTNFoods. Khi kết quả kinh doanh bán niên của GNTFoods được công bố cũng là thời điểm tốt để nhìn lại hiệu quả của thương vụ này dưới sự điều hành của “anh cả” ngành sữa Vinamilk.

Trong quí 2, doanh thu của GTNFoods là 735 tỉ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ ngoái. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 14% lên 27%. Bên cạnh đó, nhờ sử dụng lượng tiền mặt lớn gần 2.000 tỉ đồng để gửi ngân hàng, lãi tiền gửi của GTNFoods cũng tăng 62% lên 42 tỉ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế quí 2 công ty đạt 48 tỉ đồng, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước dù doanh thu thấp hơn.

Sau 6 tháng, lợi nhuận ròng của công ty mẹ Sữa Mộc Châu tăng 110% so với bán niên 2019 lên 88 tỉ đồng dù doanh thu giảm 6%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu của GTNFoods sau khi trở thành công ty con của Vinamilk tăng mạnh từ 2,9% lên 6,4%.

Tính riêng tại Công ty cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm là 106 tỉ đồng, tăng trưởng 41% so với cùng kỳ dù doanh thu chỉ tăng 8%. Biên lợi nhuận ròng của Mộc Châu Milk được cải thiện tương tự GTNFoods.

Không chỉ tận dụng được lợi thế quản trị của Vinamilk thông qua sự điều hành trực tiếp từ “nữ tướng” Mai Kiều Liên (Chủ tịch HĐQT) mà Sữa Mộc Châu còn được bổ sung thêm nguồn lực tài chính từ công ty mẹ.

Sắp tới, Vinamilk cùng GTNFoods sẽ chi 1.176 tỉ đồng để mua vào cổ phần phát hành mới của Sữa Mộc Châu, bổ sung nguồn vốn giúp thương hiệu này triển khai nhiều dự án mới. Sữa Mộc Châu sẽ đầu tư, nâng cấp trang trại bò sữa; đầu tư dây chuyền sản xuất sữa nước và xây dựng nhà máy sản xuất mới.

Với bề dày 61 năm lịch sử, Mộc Châu Milk hiện đang được đánh giá là thương hiệu “địa phương”, nổi tiếng và có truyền thống tại khu vực miền Bắc, nhưng vẫn chưa vươn lên thành thương hiệu có tầm vóc quốc gia. Một vài năm trước khi về với Vinamilk, thương hiệu này đang chịu nhiều sức ép cạnh tranh khiến cho tình hình kinh  doanh sụt giảm.

Việc tăng chiết khấu để cạnh tranh khiến biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của công ty đã giảm rất mạnh từ 9,4% trong nửa đầu năm 2018 xuống 5,2% trong nửa đầu năm 2019. Thêm vào đó, trong một thời gian dài doanh nghiệp này chưa có hệ thống quản trị tối ưu để khai thác đàn bò. Việc cải thiện tình hình kinh doanh chỉ sau một thời gian ngắn được xem là hành trình tích cực của thương hiệu này.

Sá xị Chương Dương thoát khỏi thời kỳ lỗ triền miên

Sau ba năm dưới sự điều hành của người Thái, Sá xị Chương Dương đã thoát ra được thời kỳ lỗ triền miên trong vai “kép phụ” của Sabeco. Bước ngoặt chuyển giao giữa năm 2018, khi ông Neo Gim Siong Bennet chính thức ngồi ghế Chủ tịch HĐQT trong lúc công ty mới thoát khoản lỗ luỹ kế hơn 7 tỉ đồng và cổ phiếu khi ấy vẫn chưa ra khỏi diện cảnh báo.

Ngoài thương hiệu sá xị Chương Dương một thời, di sản mà ban lãnh đạo trước đây để lại cho ông Bennet và nhóm cộng sự là dây chuyền sản xuất theo công nghệ cũ từ những năm 2000 và kế hoạch xây dựng nhà máy mới dang dở trên giấy.

3dd52_xa_xi_1

Sá xị Chương Dương đã dẫn rũ bỏ hình ảnh "kép phụ" của Sabeco. Ảnh minh họa: VD

Tuy nhiên, nhờ hỗ trợ về mảng phân phối của đơn vị do Thaibev sở hữu là F&N và Sabeco về mảng nhân sự - tài chính, người đứng đầu Chương Dương đang minh chứng sự lột xác của doanh nghiệp này sau gần hai năm tại vị, đúng như lời cam kết xuyên suốt các mùa đại hội đồng cổ đông thường niên.

Công ty gặp mặt tất cả nhà phân phối để sắp xếp lại quy trình, qua đó giúp chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp hai năm gần nhất lần lượt giảm mạnh còn 69 tỉ và 57 tỉ đồng. Ban lãnh đạo công ty cho biết đã tổng hoà của các chiến lược quản trị nhân sự, quản lý phân phối và khai thác tốt hơn mối liên kết với Sabeco để mua chung nguyên vật liệu. Từ khoản lỗ 3 tỉ đồng năm 2017, công ty chuyển thành lãi 6 tỉ đồng sau đó một năm và nhảy vọt lên gần 17 tỉ đồng năm 2019. Bên cạnh  đó, nhà máy mới cũng đã được khơi công vào quí 3-2019.

Đang trên đà tăng trưởng đều đặn, bước sang năm 2020 Sá xị Chương Dương bất ngờ đối diện với thách thức khi dịch Covid-19 tác động nặng nề tới hoạt động kinh doanh. Báo cáo kết quả kinh doanh quí 2, ghi nhận doanh thu thuần 41 tỉ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt hơn 1 tỉ đồng, giảm 71% dù chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều biến động theo hướng tích cực.

"Nguyên nhân chính của việc giảm lãi quí 2 là do doanh thu bán hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Công ty đã tăng cường kiểm soát chi phí và cắt giảm những khoản chi không cần thiết để giảm thiểu ảnh hưởng", văn bản giải trình của ban lãnh đạo công ty viết.

Luỹ kế nửa năm, chủ sở hữu thương hiệu Sá xị Chương Dương đạt doanh thu thuần 72 tỉ đồng và lãi sau thuế 1,6 tỉ đồng, lần lượt giảm 48% và 21,8% so với cùng kỳ. So với kế hoạch được thông qua tại phiên họp thường niên cuối tháng trước, công ty mới hoàn thành 27% kế hoạch doanh thu và hơn 13% lợi nhuận.

Ban đầu, công ty đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt trên 360 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 15 tỉ đồng. Vì lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ nên ban lãnh đạo chỉ trình kế hoạch doanh thu gần 260 tỉ đồng và lãi sau thuế 12 tỉ đồng, lần lượt giảm 3% và 26% so với năm ngoái

Ông Neo Gim Siong Bennett, Chủ tịch Hội đồng quản trị phân tích, năm nay khởi đầu bằng sự xuất hiện không mong đợi của Covid-19 khiến thị trường tăng trưởng chậm lại ngay sau dịp Tết Nguyên đán. Giai đoạn này, công ty tập trung bảo vệ nguồn nhân lực, lên phương án khôi phục kinh doanh thông qua việc tái đầu tư thương hiệu và phát triển sản phẩm. Nếu dịch tiếp tục được kiểm soát tốt, hoạt động có thể khởi sắc và trở lại bình thường như trước đây trong nửa đầu năm sau.

Dù cả Sá xị Chương Dương lẫn công ty mẹ là Sabeco bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh nhưng việc duy trì được mức lợi nhuận dương đang cho thấy thương hiệu này đang trở nên rắn rỏi hơn. Với việc giữ cho doanh nghiệp không trở về trạng thái lỗ trước đây, người Thái cho thấy đã bắt đầu đưa thương hiệu lâu đời này vào mục tiêu chiến lược trong thời gian tới.

(Theo TBKTSG)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25180.00 25185.00 25485.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30846.00 31032.00 32001.00
HKD 3185.00 3198.00 3302.00
CHF 27415.00 27525.00 28378.00
JPY 160.64 161.29 168.67
AUD 16085.00 16150.00 16648.00
SGD 18346.00 18420.00 18964.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18198.00 18271.00 18809.00
NZD   14807.00 15308.00
KRW   17.63 19.26
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2290.00 2378.00
NOK   2269.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ