Những sự kiện nổi bật của Đà Nẵng năm 2024

AN KHANG
13:27 29/12/2024

Năm 2024, TP. Đà Nẵng đã đạt được nhiều dấu ấn nổi bật về kinh tế, như: Quốc hội cho phép thành lập Khu thương mại tự do, Bộ Chính trị đồng ý xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực, thu hút đầu tư khởi sắc…

Khu thương mại tự do đầu tiên ở Việt Nam

Ngày 26/6/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng; có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 và được thực hiện trong 5 năm.

Nghị quyết 136 được thông qua với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù rộng mở, giúp Đà Nẵng tăng thêm sức hút đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước được thành lập Khu thương mại tự do để thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.

Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu, bao gồm khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định pháp luật, mở ra cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong đa dạng các lĩnh vực.

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước được thành lập Khu thương mại tự do. Ảnh: T.V.

Theo tờ trình của UBND TP. Đà Nẵng gửi Bộ KH&ĐT thẩm định, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt đề án, Khu thương mại tự do Đà Nẵng có diện tích khoảng hơn 2.317ha (bao gồm vị trí lấn biển khoảng 300ha). Các khu chức năng của Khu thương mại tự do Đà Nẵng được bố trí tại 10 vị trí không liền kề gắn kết với cảng biển Liên Chiểu và sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng được chia làm 2 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng.

Trong đó, giai đoạn 1, đến năm 2029 sẽ xây dựng mới khu bến Liên Chiểu và các khu hậu cần cảng đảm bảo tiếp nhận tàu 100.000 tấn hoặc lớn hơn. Hoàn thành việc giải phóng mặt bằng cho toàn bộ các vị trí, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để đầu tư hạ tầng ở các khu chức năng.

Giai đoạn 2, triển khai sau năm 2029, định hướng mở rộng khu thương mại tự do tại các khu vực cảng Tiên Sa (sau khi chuyển đổi công năng), khu vực tái thiết đô thị tại nhà ga đường sắt trong trung tâm thành phố...

Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm tài chính khu vực tại TP. Đà Nẵng. Ảnh: Thành Vân. 

Thành lập Trung tâm tài chính khu vực

Ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã ban hành thông báo về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM và Trung tâm tài chính khu vực tại TP. Đà Nẵng.

Theo Đề án "Xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực", Đà Nẵng đề xuất nhiều nhóm cơ chế, chính sách ưu đãi và đặc thù.

Cụ thể, áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư vượt trội trong trung tâm tài chính; ưu tiên sử dụng ngôn ngữ giao dịch là tiếng Anh; nới lỏng kiểm soát ngoại tệ và các giao dịch trong phạm vi Trung tâm tài chính; chính sách phát triển thị trường vốn; hình thành cơ chế quản lý và phát triển các lĩnh vực liên quan đến Fintech, TechFin; thí điểm nới lỏng quy định xuất nhập cảnh và quản lý chuyên gia nước ngoài trong Trung tâm tài chính…

Tại họp báo cuối năm, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông tin, Đà Nẵng đang phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng kế hoạch và đề án cụ thể để triển khai Trung tâm tài chính khu vực theo Nghị quyết 47 của Bộ Chính trị.

Theo ông Cường, trên cơ sở nghiên cứu kỹ các mô hình mà thế giới đã triển khai, Đà Nẵng sẽ xây dựng Trung tâm tài chính khu vực vừa đảm bảo thu hút nhà đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế, vừa phải cạnh tranh được với các trung tâm tài chính khác trên thế giới như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore…

Sân vận động Chi Lăng. Ảnh: T.X.

Hơn 1.300 dự án vi phạm được tháo gỡ

Đầu tháng 12/2024, tại hội nghị tiếp xúc cử tri nhằm báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, Đà Nẵng đã kiên trì báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, dự án. Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về tháo gỡ các vướng mắc này tại Đà Nẵng và một số địa phương.

Theo Bí thư Đà Nẵng, Quốc hội cho phép Đà Nẵng tháo gỡ những vấn đề trước đây liên quan đến vi phạm trong việc xác định thời hạn sử dụng đất khi giao đất, tính tiền sử dụng đất không đúng quy định, giao đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền và trình tự thủ tục.

Ngoài các dự án theo Kết luận 2852/2012 của Thanh tra Chính phủ, Đà Nẵng còn 1.313 dự án nữa có vi phạm tương tự, đã được thành phố trình lên và được Quốc hội đồng ý, ra nghị quyết tháo gỡ.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng trình Quốc hội tháo gỡ khó khăn của sân sân động Chi Lăng. Quốc hội thẩm định, giao lại cho Chính phủ và thành phố quyết định. Hiện Đà Nẵng sẽ điều chỉnh khu này từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ đúng như tài sản khi vào thế chấp trong ngân hàng.

Định hướng của Bộ Chính trị và Chính phủ cho phép Đà Nẵng thi hành án đấu giá toàn bộ khu vực sân Chi Lăng chứ không chia nhỏ như các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp. Sau khi đấu giá sẽ phân chia tỉ lệ theo giá trị tài sản đảm bảo tại ngân hàng.

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng tặng hoa cho đại diện nhà đầu tư cho dự án Nhà máy sản xuất ICT VINA III. Ảnh: T.V.

Thu hút đầu tư khởi sắc

Tính đến đầu tháng 12/2024, TP. Đà Nẵng đã thu hút hơn 213 triệu USD vốn FDI, tăng 17,9% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, cấp mới 64 dự án với vốn đăng ký hơn 204 triệu USD.

Cùng với đó, thành phố đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong nước ngoài các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư hơn 69.507 tỷ đồng, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngoài ra, trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, thành phố cấp mới 2 dự án với tổng vốn 810 tỷ đồng; điều chỉnh liên quan đến vốn đầu tư 6 dự án (3 dự án trong nước tăng vốn 717,4 tỷ đồng và 03 dự án trong nước giảm vốn 67 tỷ đồng). TP. Đà Nẵng cũng thu hồi 6 dự án trong nước, vốn đầu tư hơn 1.717 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cuối tháng 11/2024, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã trao Quyết định Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án Nhà máy sản xuất ICT VINA III do Công ty TNHH Dentium (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư.

Theo đó, dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư là 177 triệu USD, nâng tổng vốn đăng ký của các dự án FDI vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng lên hơn 875 triệu USD với 13 dự án.

Đáng nói, Nhà máy sản xuất ICT VINA III là dự án thứ 3 của Công ty TNHH Dentium đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng, nâng tổng vốn đầu tư lên 257 triệu USD. Trước đó, năm 2018, công ty này được cấp phép đầu tư dự án Nhà máy sản xuất ICT VINA với tổng vốn đăng ký đầu tư là 20 triệu USD. Năm 2020, tiếp tục đầu tư dự án Nhà máy sản xuất ICT VINA II với tổng vốn đăng ký đầu tư 60 triệu USD.

Năm 2024, ngành du lịch Đà Nẵng đón gần 10,9 triệu lượt khách, tăng 32,8% so với năm 2023. Ảnh: T.V.

Du lịch đón gần 10,9 triệu lượt khách

Kết thúc năm 2024, ngành du lịch Đà Nẵng đón gần 10,9 triệu lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ, tăng 32,8% so với năm 2023, bằng 135% so với năm 2019, vượt 29,3% so với kế hoạch năm 2024. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 4,1 triệu lượt, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 128% so với năm 2019; khách nội địa ước đạt hơn 6,7 triệu lượt, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành năm 2024 ước đạt hơn 31 ngàn tỷ đồng, tăng 22,1% so với năm 2023, bằng 146% so với năm 2019, vượt 10,8% so với kế hoạch năm 2024.

Top 10 thị trường khách quốc tế lưu trú gồm: Hàn Quốc (chiếm tỷ lệ 40,55%), Đài Loan - Trung Quốc (10,3%), Trung Quốc (6,75%), Thái Lan (6,43%), Ấn Độ (5,01%), Mỹ (4,21%), Nhật Bản (3,96%), Malaysia (2,92%), Úc (2,43%), Nga (1,72%).

Đáng chú ý, trong năm qua, du lịch Đà Nẵng đã đón nhiều vị tỷ phí trên thế giới đến tham quan, nghỉ dưỡng. Có thể kể đến Tỷ phú Bill Gates đã đến TP. Đà Nẵng bằng chuyên cơ riêng, hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng vào sáng 4/3/2024. Ông cùng bạn gái lưu trú tại một resort hạng sang ở quận Sơn Trà và tham quan, uống trà cùng nghệ nhân trà Việt Hoàng Anh Sướng trên đỉnh Bàn Cờ.

Sau tỷ phú Bill Gates, nhiều tỷ phú khác trên khắp thế giới cũng đã chọn Đà Nẵng là điểm đến. Ngày 15/10/2024, 5 chiếc chuyên cơ huyền thoại của Gulfstream đã chở 50 khách hàng là các tỷ phú từ khắp nơi trên thế giới và các đối tác vận hành của Gulfstream tụ hội về Đà Nẵng để tham dự Hội nghị khách hàng thường niên của thương hiệu máy bay tỷ phú này.

Đại học Đà Nẵng tổ chức lễ khởi công xây dựng Công trình hạ tầng kỹ thuật. Ảnh: T.V.

Làng đại học khởi động sau hàng chục năm bị "treo"

Ngày 25/11, Đại học Đà Nẵng đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Công trình hạ tầng kỹ thuật, Tiểu Dự án 1 "Xây dựng Hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc, vay vốn Ngân hàng Thế giới".

Theo đó, Công trình hạ tầng kỹ thuật, Tiểu dự án 1 có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp III, và là hạng mục công trình đầu tiên trong các hạng mục dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng (tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng). Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.

Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, Hạng mục này sẽ đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật để tiếp tục triển khai xây dựng các công trình của Đại học Đà Nẵng theo quy hoạch được phê duyệt.

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt từ năm 1997 với quy mô 300ha, thuộc địa bàn phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) và phường Điện Ngọc (Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Tuy nhiên, do vướng mắc về nguồn vốn và nhiều vấn đề liên quan, dự án bị "treo" trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Với việc khởi công xây dựng Công trình hạ tầng kỹ thuật, Tiểu Dự án 1, dự án Làng Đại học Đà Nẵng đã chính thức khởi công hạng mục đầu tiên, kết thúc chuỗi 27 năm quy hoạch "treo" ở khu vực Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng).

  • Cùng chuyên mục
Chính phủ yêu cầu làm rõ nguyên nhân tăng giá bất động sản

Chính phủ yêu cầu làm rõ nguyên nhân tăng giá bất động sản

Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương làm rõ ngay các nguyên nhân làm tăng cơ cấu giá bất động sản; khẩn trương có phương án giảm các thành tố làm tăng giá, tăng khả năng tiếp cận bất động sản nhiều hơn và tăng nguồn cung.

Sự kiện - 10/06/2025 08:25

'Báo chí Hà Tĩnh cần xác lập vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện'

'Báo chí Hà Tĩnh cần xác lập vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện'

Sáng 9/6, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

Sự kiện - 09/06/2025 14:36

Thủ tướng: Việt Nam sẵn sàng tham gia, dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác về biển

Thủ tướng: Việt Nam sẵn sàng tham gia, dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác về biển

Nhân dịp tham dự tham dự Hội nghị UNOC 3 tại Nice, Cộng hòa Pháp, nhận lời mời của Hoàng thân Monaco Albert II, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Kinh tế và Tài chính xanh tại Công quốc Monaco.

Sự kiện - 09/06/2025 07:06

Đầu tháng 7 sẽ công bố sáp nhập Quảng Nam và TP. Đà Nẵng

Đầu tháng 7 sẽ công bố sáp nhập Quảng Nam và TP. Đà Nẵng

Thông tin được công bố tại Hội nghị giữa Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam để cho ý kiến về xây dựng văn kiện Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ TP. Đà Nẵng mới, nhiệm kỳ 2025-2030 diễn ra vào ngày 6/6.

Sự kiện - 08/06/2025 10:53

Lãnh đạo UBND cấp xã mới cần có những yêu cầu nào ?

Lãnh đạo UBND cấp xã mới cần có những yêu cầu nào ?

Lãnh đạo, quản lý UBND cấp xã mới phải đáp ứng được các yêu cầu của Bộ Chính trị, có năng lực lãnh đạo, kinh nghiệm quản lý nhà nước, có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Sự kiện - 08/06/2025 06:47

[Cafe Cuối tuần] Nhà ở xã hội: Cơ hội thực - Thể chế mới

[Cafe Cuối tuần] Nhà ở xã hội: Cơ hội thực - Thể chế mới

Trong suốt nhiều năm qua, phát triển nhà ở xã hội luôn là một chủ trương đúng, mang đậm tính nhân văn, nhưng lại triển khai rất chật vật. Nguyên nhân không chỉ nằm ở thiếu vốn hay vướng mắc về quỹ đất, mà sâu xa hơn là thiếu một thể chế đủ cởi mở, đủ khích lệ để khu vực tư nhân thật sự nhập cuộc.

Sự kiện - 07/06/2025 10:30

Nguyên Chủ tịch Tập đoàn Cao su Trần Ngọc Thuận bị khai trừ Đảng

Nguyên Chủ tịch Tập đoàn Cao su Trần Ngọc Thuận bị khai trừ Đảng

Ban Bí thư đã quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Ngọc Thuận, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Sự kiện - 06/06/2025 20:23

Việt - Mỹ ký thêm thỏa thuận nông sản 600 triệu USD

Việt - Mỹ ký thêm thỏa thuận nông sản 600 triệu USD

Tiếp tục chuyến công tác ở Mỹ, phái đoàn do Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy dẫn đầu đã ký các thỏa thuận hợp tác thương mại nông sản trị giá 600 triệu USD.

Sự kiện - 06/06/2025 06:45

'Cấm mua, bán dữ liệu cá nhân'

'Cấm mua, bán dữ liệu cá nhân'

Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân tiếp thu, bổ sung nhiều hành vi nghiêm cấm dữ liệu cá nhân trong đó có cấm mua, bán.

Sự kiện - 05/06/2025 14:21

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 82/CĐ-TTg ngày 4/6/2025 về tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Sự kiện - 05/06/2025 08:43

Báo VietNamNet trực thuộc Bộ Dân tộc và Tôn giáo

Báo VietNamNet trực thuộc Bộ Dân tộc và Tôn giáo

Chính phủ ban hành Nghị định quy định Báo VietNamNet về trực thuộc Bộ Dân tộc và Tôn giáo.

Sự kiện - 04/06/2025 18:48

Thủ tướng: Vướng về
thể chế thì 'khó đến mấy cũng phải tháo gỡ'

Thủ tướng: Vướng về thể chế thì 'khó đến mấy cũng phải tháo gỡ'

Với các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng yêu cầu dứt khoát phải tháo gỡ, "khó mấy cũng phải tháo gỡ", để biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, dành thêm hơn 20.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ ít nhất 3% ngân sách cho khoa học công nghệ.

Sự kiện - 04/06/2025 14:34

Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến năm 2045?

Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến năm 2045?

Bám sát mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030, các chuyên gia vừa đưa ra nhận định về các kịch băn tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến năm 2045.

Sự kiện - 04/06/2025 10:43

[Gặp gỡ thứ Tư]'Bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh - tăng tính công bằng quản lý thuế'

[Gặp gỡ thứ Tư]'Bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh - tăng tính công bằng quản lý thuế'

"Việc xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh mang nhiều ý nghĩa quan trọng như tăng tính minh bạch và công bằng trong quản lý thuế", Phó cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn nhận định.

Sự kiện - 04/06/2025 08:56

Phân biệt rõ hơn giữa đặc khu và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Phân biệt rõ hơn giữa đặc khu và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã bổ sung một số tiêu chí cụ thể làm định hướng cho việc thành lập đơn vị này, đồng thời giúp phân biệt rõ hơn giữa đặc khu và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Sự kiện - 03/06/2025 17:54

Thủ tướng: Lập quỹ Nhà ở quốc gia ngay trong tháng 6

Thủ tướng: Lập quỹ Nhà ở quốc gia ngay trong tháng 6

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng chủ trì với các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, cắt giảm thủ tục rườm rà liên quan tới nhà ở xã hội; chủ trì nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, hoàn thành trong tháng 6.

Sự kiện - 03/06/2025 07:04