Những ngân hàng nào đang "nuôi" các "chúa chổm" nợ thuế khủng?

Nhàđầutư
4 năm trở lại đây, Cục Thuế TP. Hà Nội liên tục "bêu tên" những doanh nghiệp nợ thuế "khủng". Trong danh sách đó có những doanh nghiệp đang làm ăn bết bát, nợ nần chồng chất, nhưng cũng có những doanh nghiệp báo lãi hàng năm, lợi nhuận cũng hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn nợ thuế.
NGUYỄN THOAN
17, Tháng 06, 2017 | 08:05

Nhàđầutư
4 năm trở lại đây, Cục Thuế TP. Hà Nội liên tục "bêu tên" những doanh nghiệp nợ thuế "khủng". Trong danh sách đó có những doanh nghiệp đang làm ăn bết bát, nợ nần chồng chất, nhưng cũng có những doanh nghiệp báo lãi hàng năm, lợi nhuận cũng hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn nợ thuế.

34-doanh-nghiep-no-thue-khung-da-duoc-rua-oan_SEWD

 Những ngân hàng nào đang "nuôi" những "chúa chổm" nợ thuế?

Mới đây, ngày 14/6 là lần thứ 11 Cục Thuế TP. Hà Nội "bêu tên" các doanh nghiệp nợ thuế, phí và tiền thuê đất trong 4 năm trở lại đây. Theo đó, số thuế các doanh nghiệp nợ cũng có phần thuyên giảm so với những lần đầu tiên Cục Thuế Hà Nội công bố và những cái tên doanh nghiệp cũng có phần ít "quen thuộc" hơn.

Ngày 15/9/2013, là lần đầu tiên Cục Thuế TP. Hà Nội công bố danh sách 77 doanh nghiệp đang chây ỳ, nợ đọng hơn 1.800 tỷ đồng tiền thuế. Có những con số nợ thuế khủng khiến nhiều người phải giật mình. Trong đó, có doanh nghiệp nợ thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng. Điển hình nhất, đứng đầu trong danh sách là Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long với số thuế nợ lên tới gần 283 tỷ đồng.

Tiếp đó là các Công ty Cổ phần Cầu 12-Cienco 1 với số tiền nợ đọng tới hơn 81 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Viglacera Hà Nội với trên 70 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Cavico cầu hầm nợ hơn 68 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện tử Công nghiệp Việt Nam nợ hơn 52 tỷ đồng và Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây lắp và Vật liệu công nghiệp với trên 34 tỷ đồng nợ thuế.

Tình trạng nợ đọng thuế được Cục Thuế Hà Nội cho biết sẽ gây khó khăn trong công tác thu chi ngân sách của thành phố, bởi những con số này khá lớn.

Lỗ trăm tỷ, lấy đâu tiền nộp thuế, trả nợ?

Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long vừa công bố báo tài chính hợp nhất được kiểm toán năm 2016. Theo đó, 2016 tiếp tục là năm làm ăn bết bát của công ty khi ghi nhận doanh thu chỉ 119 tỷ đồng nhưng lỗ tới 134 tỷ đồng.

Mới đây nhất, dự án UsilkCity của Công ty này đã bị Ngân hàng Quân đội siết nợ và chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Hải phát Phú Đô

Mức lỗ năm 2016 đã giảm mạnh so với con số 1.006 tỷ đồng so với năm 2015. Kể từ năm 2011 đến nay doanh nghiệp chìm trong thua lỗ, vì vậy vốn chủ sở hữu đã âm 2.339 tỷ đồng.

Các khoản nợ xấu đã lên tới 1.416 tỷ đồng, chủ yếu là các đối tác, khách hàng của công ty, trong khi giá trị thu hồi chỉ khoảng 104 tỷ đồng. Đầu tư vào công ty liên kết lên tới 474 tỷ đồng giá trị gốc song giá trị thực tế chỉ còn 5,36 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản công ty đạt khoảng 4.444 tỷ đồng song nợ phải trả lên tới 6.784 tỷ đồng. Tình hình tài chính khó khăn khiến công ty liên tục giảm số lao động. Cuối năm 2015, Sông Đà - Thăng Long có 153 nhân viên nhưng đến cuối 2016 chỉ còn 93 người.

Chi phí lãi vay là áp lực lớn đối với công ty, cuối năm 2016 Sông Đà Thăng Long ghi nhận chi phí lãi vay lên tới 1.884 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Sông Đà - Thăng Long đang có 2.209 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn nhưng không có khả năng trả nợ. Nhiều nhà băng có mức cho vay lớn như BIDV là 118 tỷ đồng, Ngân hàng An Bình cho vay 213 tỷ đồng, Ngân hàng Quân đội cho vay 495 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển TP.HCM 24 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 31,6 tỷ đồng, VPBank 12 tỷ đồng, An Bình 24 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty còn vay nợ từ nhiều tổ chức tài chính, công ty, cá nhân khác và phát hành trái phiếu trong đó có Công ty Tài chính Điện lực, Tài chính Sông Đà,... với số trái phiếu phát hành lên tới 1.114 tỷ đồng.

Theo giải trình của doanh nghiệp, các khoản vay ngắn hạn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bắc Hà Nội với tổng hạn mức tín dụng được cấp là 45 tỷ đồng, nhằm bổ sung vay vốn lưu động phục vụ hoạt động xây lắp và hoạt động khác. Tài sản đảm bảo là Cổ phần Công ty Sông Đà Bình Phước, Công ty Cổ phần Bất động sản Thăng Long, Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang và máy móc thiết bị.

Theo phụ lục hợp đồng ngày 20/6/2012 về gia hạn 39,3 tỷ đồng như sau: 30,2 tỷ đồng thời hạn trả đến ngày 13/1/2013; 7,4 tỷ đồng thời hạn trả đến 15/11/2013 và 1,7 tỷ đồng gia hạn trả đến ngày 25/12/2013. Lãi suất quá hạn áp dụng cho khoản vay bằng 105% lãi suất trong hạn.

Vay ngắn hạn ngân hàng TMCP Vpbank, chi nhánh TP.HCM ngày 20/9/2011, với số tiền vay là 13 tỷ đồng, nhằm bổ sung vốn kinh doanh xây dựng công trình. Khoản vay được bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Được thành lập từ cuối năm 2006 từ một chi nhánh của Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Sông Đà, Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khai thác các dịch vụ về nhà ở, khu đô thị…

Hiện công ty đang xây dựng nhiều dự án như Khu đô thị lấn biển An Viên (Nha Trang), Chung cư cao cấp Sao Mai (TP.HCM), Dự án Phú Xuân - Nhà Bè, Dự án Cồn Tân Lập (Nha Trang), Dự án Khu dân cư Bắc Trần Hưng Đạo (Hoà Bình), Dự án D27 Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội),…

Đứng đầu trong danh sách nợ thuế, phí với con số nợ lên tới 283 tỷ đồng vào năm 2013, với kết quả kinh doanh bết bát như trên khả năng để doanh nghiệp trả nợ là rất thấp, nếu không muốn nói là bất khả thi. Không chỉ Cục Thuế Hà Nội rơi vào cảnh mất cả chì lẫn chài (cả đất, cả thuế), mà bản thân các ngân hàng cho doanh nghiệp này vay cũng như ngồi trên lửa vì những số nợ khủng lên tới hàng trăm tỷ đồng chưa có biện pháp thu hồi.

Nợ thuế nhưng vẫn báo lãi hàng trăm tỷ đồng

Trong danh sách các doanh nghiệp nợ thuế khủng của Cục Thuế Hà Nội không chỉ có các Công ty nợ đầm đìa, thua lỗ triền miên, mà còn có các doanh nghiệp hàng năm đều báo lãi khủng. Trong đó có Công ty cổ phần Viglacera Hà Nội.

Theo số liệu BCTC công bố mới nhất năm 2016 của Công ty này, tổng tài sản công ty tới thời điểm 31/12/2016 là 260,5 tỷ đồng, tăng 21 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu tăng mạnh đạt mức 36,5 tỷ đồng, tăng 22 tỷ đồng, tương đương 2,5 lần so với đầu năm. Trong đó, Tổng công ty Viglacera góp 14,2 tỷ đồng, chiếm 51% cổ phần.

Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là 28 tỷ đồng, sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 22 tỷ đồng. 

Theo bảng phân tích nợ vay của doanh nghiệp, tính đến thời điểm cuối năm 2016, có 120 tỷ là khoản vay ngắn hạn và dài hạn ở các ngân hàng và đều có khả năng trả nợ tốt. Trong đó Agribank là "chủ nợ" lớn nhất của Viglacera Hà Nội với tổng vốn vay ngân hàng này là 96,4 tỷ đồng. Sau đó là tới BIDV với con số "nợ" là 52,7 tỷ đồng.

Viglacera cũng có một khoản vay dài hạn với Ngân sách tỉnh Hải Dương là 5,6 tỷ đồng

Theo giải trình của doanh nghiệp, khoản vay Ngân hàng Agribank chi nhánh Từ Liêm có hạn mức tín dụng là 26,6 tỷ đồng. Mục đích vay là để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng giá trị tài sản đảm bảo được đánh giá là 19 tỷ đồng, tổng nghĩa vụ được đảm bảo là mức dư nợ 14,2 tỷ đồng.

Với khoản vay tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đông có hạn mức tín dụng 25 tỷ đồng với mục đích vay bổ sung vốn lưu động, bảo lãnh, mở L/C. Thời hạn vay đến hết ngày 30/6/2017.

Khoản nợ ngân sách tỉnh Hải Dương do Nhà máy Viglacera Hải Dương vay từ năm 1999 trước khi nhà máy sát nhập vào Công ty Cổ phần Viglacera Hà Nội. Khoản vay được đảm bảo bằng tín chấp.

Theo danh sách các doanh nghiệp nợ thuế khủng của Cục Thuế TP. Hà Nội năm 2013, Công ty Cổ phần Viglacera Hà Nội nợ trên 70 tỷ đồng tiền thuế. Đây có thể coi là một con số lớn với lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chi phí này cần được hạch toán từ khi lập kế hoạch kinh doanh. Vì vậy không có lý do gì để doanh nghiệp vừa báo lãi nhưng vẫn nợ thuế.

Ngoài Viglacera, các doanh nghiệp còn lại như Công ty Cổ phần Cầu 12-Cienco 1 hay Công ty Cổ phần Cavico cầu hầm tuy nằm trong danh sách nợ gần trăm tỷ đồng tiền thuế nhưng vẫn có báo cáo kết quả kinh doanh khả quan, lãi thuần có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có danh sách nào của Cục Thuế Hà Nội cho biết những doanh nghiệp nợ thuế khủng công bố trên đây đã hoàn thành nghĩa vụ thuế hay chưa. Và danh sách các doanh nghiệp nợ thuế vẫn được nối dài, với những con số nợ thuế khá lớn. Gần đây nhất là danh sách 72 doanh nghiệp nợ gần 86 tỷ đồng tiền thuế được Cục Thuế Hà Nội công bố.

Đóng thuế là quyền và nghĩa vụ của công dân đóng góp cho sự phát triển phồn vinh của đất nước. Thu thuế là huy động tài chính cho chính quyền, nhà nước, nhằm tái phân phối thu nhập, điều tiết các hoạt động kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, đứng ở góc nhìn kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng hiện nay ngành thuế của Việt Nam còn "bị động" với lối tư duy ban phát, xin cho, cứng nhắc mà chưa đi theo xu thế kinh tế thị trường. Người nộp thuế là người cống hiến cho đất nước, vì vậy thay bằng các cơ quan thuế ngồi chờ doanh nghiệp tới nộp thuế thì nên đến tận doanh nghiệp để thu thuế và giảm thiểu tối đa những khó khăn, thời gian cho doanh nghiệp nộp thuế.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ