Ngành y tế và những 'mảng tối' trong đại dịch COVID-19

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sản xuất, mua bán trao đổi vaccine, trang thiết bị y tế đã và đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, lợi dụng tình hình bất ổn, nhiều cá nhân, tổ chức đã phát sinh tiêu cực, tham nhũng, trục lợi trên chính sức khỏe của cộng đồng.
THANH TRẦN
19, Tháng 12, 2021 | 12:01

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sản xuất, mua bán trao đổi vaccine, trang thiết bị y tế đã và đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, lợi dụng tình hình bất ổn, nhiều cá nhân, tổ chức đã phát sinh tiêu cực, tham nhũng, trục lợi trên chính sức khỏe của cộng đồng.

khai-bao-y-te1-0821

Ảnh minh họa/CTV.

Trục lợi trên chính sức khỏe của người dân

Ngày 18/12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can ông Phan Quốc Việt - người sáng lập đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Cơ quan điều tra cũng khởi tố các bị can: Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á; Hồ Thị Thanh Thảo, thủ quỹ Công ty Việt Á…

Ngoài ra, các bị can Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương và Nguyễn Mạnh Cường, nguyên kế toán trưởng CDC Hải Dương cũng bị khởi tố.

Liên quan đến vụ án, tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm Kit xét nghiệm COVID-19. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng.

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test COVID-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm này thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.

Sau đó, Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. 

Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.

Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Đến nay, bước đầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng.

Theo đó, bị can Phan Quốc Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, giám đốc CDC Hải Dương với số tiền gần 30 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định hành vi của Phạm Duy Tuyến, Phan Quốc Việt và các bị can tại CDC Hải Dương, Công ty Việt Á là vi phạm nguyên tắc công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng nên đã khởi tố điều tra.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành y tế cũng xảy ra nhiều hành vi vi phạm, thậm chí là tội phạm trong vấn đề sử dụng, mua sắm công, nâng khống giá trị thiết bị y tế, việc "bắt tay nhau" giữa các nhóm lợi ích để rút ruột ngân sách, chia nhau tỷ lệ phần trăm được thỏa thuận trước.

Trước đó, vào năm 2020, trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch, ngành đã xuất hiện vụ án tham nhũng vật tư y tế gây bức xúc dư luận tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội). Với thủ đoạn thông đồng, "thổi giá" của các đối tượng, hệ thống xét nghiệm tự động Realtime PCR đã bị đội giá gấp nhiều lần.

Ngày 2/6/2021, TAND cấp cao tại Hà Nội đã bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Nhật Cảm - nguyên Giám đốc CDC Hà Nội và 5 đồng phạm; tuyên y án phạt 10 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, các bị cáo khác lĩnh án từ 5 năm tù đến 6 năm 6 tháng tù về tội danh "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Không chỉ có vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội, tại một số nơi khác tại địa phương cũng đã xảy ra việc "nâng khống" giá thiết bị y tế. Vào tháng 7/2021 vừa qua, Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố thêm 3 bị can liên quan đến vụ nâng khống thiết bị y tế tại địa phương này, nâng số người bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" là 13 bị can.

Bên cạnh đó, vào tháng 11/2021, Công an tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Hoàng Lộc (52 tuổi), Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính thuộc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn, để điều tra về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có nhiều sai phạm trong đấu thầu, mua sắm các vật tư, trang thiết bị y tế.

Tháng 2/2021, Cơ quan CSĐT (PC03) Công an tỉnh Sơn La cũng đã quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 bị can để điều tra về hành vi "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Nguyên Phó giám đốc Sở Y tế Sơn La cùng 2 thuộc cấp và giám đốc doanh nghiệp bị bắt vì sai phạm trong quá trình thực hiện gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tuyến xã, tuyến cơ sở y tế. Nhiều danh mục hàng hóa, thiết bị y tế không đúng với danh mục trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và hợp đồng đã ký, gây thiệt hại ngân sách của Nhà nước.

Không chỉ dừng lại ở các cấp lãnh đạo, nhiều hành vi trục lợi, tiêu cực trong khám chữa bệnh cũng đã xảy ra ở bộ phận nhân viên y tế và bác sĩ. Vào ngày 18/11, Công an tỉnh Bình Dương đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thái Hiệp (bác sĩ Khoa Kiểm soát dịch bệnh của Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên) để điều tra làm rõ hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ".

Theo đó, các đối tượng liên quan đã cấu kết với nhau để tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những người không thuộc đối tượng được tiêm nhằm trục lợi. Cả hai đã móc nối để tiêm cho 52 người với tổng số tiền gần 28 triệu đồng (600.000/người). Việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân là miễn phí. Vì vậy, khi sự việc xảy ra, hành vi này đã khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Hay tại TP.HCM, Công an quận Bình Tân đã bắt tạm giam Nguyễn Văn Thừa và Huỳnh Phương Thảo về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo thông tin ban đầu, hai đối tượng trên đã tiến hành giao dịch, mua bán trái phép thuốc kháng virus Molnupiravir 400 mg từ Sở Y tế TP.HCM. Được biết, Molnupiravir là thuốc thử nghiệm, phát miễn phí cho người bệnh COVID-19 đang điều trị ở nhà song hai nhân viên y tế này vẫn móc nối tuồn ra thị trường để bán.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Vào tháng 9/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Công điện 6746/CĐ-VPCP truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng lưu ý, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, mua sắm, sử dụng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vaccine… phục vụ phòng, chống dịch phải bảo đảm khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát. Nghiêm cấm mọi hành vi tiêu cực tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong việc mua sắm, sử dụng vật tư, trang thiết bị y tế, các sinh phẩm xét nghiệm và tiêm chủng vaccine.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 đúng quy trình, đặc biệt không được thu phí tiêm chủng hay bất kỳ biểu hiện trục lợi nào khác trong việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân.

Ngay sau đó, Bộ Y tế đã có các văn bản đề nghị sở y tế, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế chủ động hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền lập kế hoạch và triển khai mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm, trang thiết bị, phương tiện… đảm bảo đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch theo quy định.

Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện sử dụng thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm, trang thiết bị, phương tiện… phục vụ phòng chống dịch COVID-19 đảm bảo khoa học, đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, thất thoát.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương, đơn vị ngăn chặn, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm… hoặc lợi dụng các hoạt động phòng, chống dịch để trục lợi; tăng cường kiểm tra, giám sát các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là thuốc giả, thuốc kém chất lượng, lợi dụng tình hình dịch bệnh nâng giá thuốc thu lợi bất chính.

Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát về giá dịch vụ chẩn đoán COVID-19, các dịch vụ khác được pháp luật cho phép; vaccine được tiêm chủng miễn phí cho mọi người dân, không được thu bất cứ khoản phí nào trong tiêm chủng; tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát huy vai trò của tổ chức Đảng trong đấu tranh phòng chống mọi biểu hiện suy thoái chính trị, tư tưởng; tăng cường công khai minh bạch trong mua sắm, đấu thầu.

Theo ông Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực mua sắm công. Việc "gửi giá”, nâng khống giá trị thiết bị y tế, các loại phương tiện, thuốc chữa bệnh để ăn chia tiền chênh lệch đã xuất hiện ở nhiều địa phương.

Trong thời điểm hiện nay, việc mua sắm trang thiết bị trở nên cấp bách và áp dụng các biện pháp rút gọn hơn thì nguy cơ phát sinh tiêu cực cũng sẽ cao hơn. Do đó cần phải chú ý tăng cường kiểm soát tốt hơn so với trước kia. Trong lúc nguồn lực Nhà nước còn hạn chế mà bị các đối tượng đục khoét, bòn rút thì hậu quả của nó sẽ rất lớn.

"Tham nhũng, trục lợi ở lĩnh vực khác đã tệ rồi, nhưng tham nhũng, trục lợi trong việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc chữa bệnh... thì đó còn là tội ác, là táng tận lương tâm. Chính vì vậy, cần lưu ý làm sao kiểm soát, giám sát tốt hơn để không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác phòng, chống dịch", ông Đinh Văn Minh nhấn mạnh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ