Ngân hàng ở đâu trong cơn bão dịch COVID-19?

Nhàđầutư
Ngân hàng đang đứng hai vai trong mùa dịch bệnh COVID-19, vừa là nạn nhân nhưng cũng vừa làm "cứu tinh" cho nền kinh tế khi đứng ra hỗ trợ những doanh nghiệp chịu thiệt hại trực tiếp từ dịch COVID-19.
ĐÌNH VŨ
10, Tháng 03, 2020 | 15:10

Nhàđầutư
Ngân hàng đang đứng hai vai trong mùa dịch bệnh COVID-19, vừa là nạn nhân nhưng cũng vừa làm "cứu tinh" cho nền kinh tế khi đứng ra hỗ trợ những doanh nghiệp chịu thiệt hại trực tiếp từ dịch COVID-19.

Ngân hàng bắt đầu thấm đòn COVID-19

Cho tới thời điểm hiện tại, rất nhiều ngành nghề nằm trong danh sách các ngành nghề chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 như nông, lâm nghiệp & thủy sản, xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục… nhưng tuyệt nhiên không thấy nhắc tới ngành ngân hàng. Cần lưu ý rằng, những con số thống kê của tháng 2 cho thấy ngành ngân hàng đã bắt đầu nhận những những hậu quả đầu tiên từ dịch bệnh.

Theo thống kê và ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu. Đến ngày 2/3, có 23 tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo NHNN, ước tính có khoảng 926 ngàn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Cũng theo thống kê của NHNN, trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với mức tăng 1% của cùng kỳ năm trước, dù ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ trong 6 năm trở lại đây. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho rằng mức tăng trưởng tín dụng khá thấp của những tháng đầu năm cho thấy các doanh nghiệp đang rất khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19. 

phan-duc-tu

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV

Trong ĐHĐCĐ thường niên đầu tiên của ngành ngân hàng năm 2020 của BIDV, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV đã phải thừa nhận rằng: "Ngân hàng đặt mục tiêu lãi trước thuế 12.500 tỷ đồng, nhưng đây là kịch bản tăng trưởng trong điều kiện dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, tức chỉ kéo dài nhiều nhất đến cuối tháng 3 này. Tuy nhiên, dựa theo tình hình hiện nay thì sẽ khá khó khăn". 

Lãnh đạo BIDV cũng chia sẻ có thể phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh trong trường hợp cần thiết và sẽ báo cáo với cổ đông về việc điều chỉnh này. 

BIDV là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống phát ra tín hiệu cho biết có thể phải điều chỉnh kế hoạch năm do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng chắc chắn không phải ngân hàng duy nhất sẽ phải điều chỉnh kế hoạch năm đã đề ra trước đó.

Giảm lãi suất cho vay, miễn giảm phí dịch vụ và tăng trưởng tín dụng thấp chắc chắn sẽ tác động tới lợi nhuận của ngân hàng. Song theo nhiều chuyên gia, tăng trưởng tín dụng thấp hay lợi nhuận của các nhà băng bị giảm đi chưa phải là điều đáng lo nhất, mà là nợ xấu. 

Cần nhiều hơn sự đồng hành từ Chính phủ

Ngày 4/3 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch COVID-19. Trong đó có hai gói hỗ trợ quan trọng là gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đối với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng được hiểu là tổng các gói mà khoảng 10 tổ chức tín dụng (TCTD) đã cam kết để cho vay mới với mức lãi suất thấp hơn, ưu đãi hơn từ 0,5-1,5%/năm so với tín dụng thông thường. 

Đối với gói hỗ trợ tài khóa khoảng 30.000 tỷ đồng (lấy từ nguồn NSNN), theo TS. Cấn Văn Lực, đây là tổng số tiền được hiểu là dự tính đối với các khoản miễn, giảm, chi tiêu do dịch Covid-19.

Dù Chính phủ đã ý thức rất rõ ảnh hưởng của dịch bệnh với hoạt động của doanh nghiệp và sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp, tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng thì bản thân doanh nghiệp và ngân hàng cần nhiều hơn thế từ phía Chính phủ và NHNN.

nguyen-tri-hieu

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng

Cụ thể, ông Hiếu cho rằng ngoài các biện pháp về miễn, giảm thuế, phí, Chính phủ cần có một gói hỗ trợ để cho các ngân hàng thương mại vay với lãi suất thấp khoảng 3%, sau đó các ngân hàng thương mại cho vay lại doanh nghiệp với lãi suất chỉ khoảng 5%.

"Mức 5% là chênh lệch khá lớn với mức lãi suất hiện tại các doanh nghiệp vay từ ngân hàng là khoảng 7-10%, nhưng như vậy mới đủ liều lượng", ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng không quên lưu ý: "Nếu thiết lập gói hỗ trợ này sẽ mang tính kích cầu. Nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại làm như vậy sẽ gây bùng phát lạm phát, nhưng đây là thời điểm cần thiết phải hỗ trợ doanh nghiệp một cách nhanh chóng, nếu không doanh nghiệp sẽ chết rất sớm".

"Nhiều hàng ăn trong vòng một tháng trở lại đây chỉ còn khoảng 30-40% khách hàng. Như vậy là quá điểm hòa vốn của doanh nghiệp và nếu không có tiền bơm vào để duy trì thì tình trạng sẽ rất nguy kịch", ông Hiếu chỉ ra một ví dụ. 

Cùng với đó, ông Hiếu cho rằng Chính phủ nên tái cấu trúc gói hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Theo ông Hiếu, hiện nay quỹ bảo lãnh tín dụng của Việt Nam hoạt động không hiệu quả có thể do nguồn lực hạn chế.

"Với hình thức quỹ sử dụng ngân sách địa phương nguồn lực rất ít ỏi, không dám mạnh tay bảo lãnh doanh nghiệp vì chỉ cần một vài doanh nghiệp không trả được nợ thì đã vỡ quỹ rồi. Vì thế, Chính phủ nên góp thêm vốn vào các quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở thời điểm khó khăn và cấp bách như thế này", ông Hiếu đề xuất. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ