Ngân hàng chạy đua lãi suất, lo nợ xấu tăng

Gần đây nổi lên cuộc đua lãi suất của các ngân hàng thương mại, có thời điểm lãi suất tiền gửi đã lên tới 9,2%/năm. Khách hàng có thể gửi tiền với mức lãi suất hấp dẫn hơn, nền kinh tế huy động được nhiều vốn hơn, nhưng rồi các ngân hàng sẽ đi đâu về đầu?
NGUYỄN THOAN
14, Tháng 04, 2017 | 08:55

Gần đây nổi lên cuộc đua lãi suất của các ngân hàng thương mại, có thời điểm lãi suất tiền gửi đã lên tới 9,2%/năm. Khách hàng có thể gửi tiền với mức lãi suất hấp dẫn hơn, nền kinh tế huy động được nhiều vốn hơn, nhưng rồi các ngân hàng sẽ đi đâu về đầu?

lai-suat-1434533710880-1434981748172

 

Ngày 17/3, VietABank thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng. Kỳ hạn mà ngân hàng này nhắm tới là các gói trung và dài hạn. Cụ thể, với kỳ hạn 6, 9, 13, 15, 18 tháng, khách hàng cá nhân sẽ được hưởng lãi suất tối đa lên đến 8,2%/năm - cao hơn nhiều so với mức 7,8%/năm mà ngân hàng này áp dụng cho gói tiết kiệm thường với kỳ hạn 18 tháng.

Trước đó, ngày 15/3, Sacombank đã công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng VNĐ trên toàn hệ thống. Theo đó, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất tiền gửi lên tới 8,48%/năm với kỳ hạn 5 năm 1 ngày, mức tiền gửi tối thiểu là 10 triệu đồng. Riêng với kỳ hạn 7 năm, lãi suất mà ngân hàng này đưa ra lên tới 8,88%/năm.

LienVietPostBank cũng vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi trung và dài hạn bằng VNĐ cho khách hàng cá nhân và tổ chức, bao gồm các gói kỳ hạn 18, 24, 36 và 60 tháng. Lãi suất tối đa mà ngân hàng này áp dụng là 8,8%/năm. Tổng giá trị phát hành của đợt này là tới 1.000 tỷ đồng.

Hồi cuối tháng 2 vừa qua, VIB cũng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi với 2 mức kỳ hạn là 18 và 24 tháng. Mức tiền gửi tối thiểu mà ngân hàng này đưa ra chỉ là 1 triệu đồng.

Trong khi đó, lãi suất chứng chỉ tiền gửi VNĐ mà VPBank áp dụng cho khách hàng cá nhân từ ngày 9/3 tối đa tới mức 9,2%/năm. Cụ thể, với kỳ hạn 18 và 24 tháng, ngân hàng áp dụng lãi suất 7,5-7,8%/năm; kỳ hạn 36 tháng lãi suất áp dụng là 7,8-8,1%/năm. Đặc biệt, ở kỳ hạn 60 tháng, với các mức tiền gửi khác nhau, lãi suất khách hàng được hưởng nằm trong khoảng 8,9-9,2%/năm.

Cuộc đua không dành cho những ngân hàng lớn

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, nguyên nhân của "cuộc đua lãi suất" nhằm thu hút tiền gửi thông qua các chứng chỉ tiền gửi (CCTG) là để đáp ứng điều kiện của Thông tư 06. Theo đó, từ năm nay, các ngân hàng thương mại chỉ được phép dùng 50% vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn nên phải chuẩn bị nguồn vốn trung và dài hạn đảm bảo theo quy định.

Điều đáng chú ý là, trong khi nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động thì các ngân hàng thương mại nhà nước (BIDV, VietinBank, Vietcombank) lại chưa có động thái gì.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Khối Phân tích Khách hàng cá nhân Công ty SSI cho biết: "Theo tham khảo mới đây tại 3 ngân hàng, mức lãi suất huy động là khác nhau. Tại một ngân hàng tầm trung, họ chào lãi suất huy động 7,5 – 7,6%/năm. Ở một ngân hàng nhỏ, chưa đến mức phải tái cơ cấu bắt buộc, mức lãi suất được chào là 8%/năm, thậm chí họ còn cho biết tháng sau có thể lên 8,2%/năm. Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại quốc doanh, mức lãi suất huy động gần như không thay đổi. Kỳ hạn 1 năm có tăng nhưng vẫn ở quanh mức 7%/năm". 

Lý giải về mức lãi suất huy động khác nhau giữa các ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, sở dĩ các ngân hàng cỡ trung bắt đầu huy động CCTG nhiều hơn và tăng lãi suất ở mức độ cao hơn là do quy mô và cơ cấu vốn còn bất cập.

Lo nợ xấu tăng

Bình luận về cuộc chạy đua lãi suất nóng giữa các ngân hàng, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho rằng, các ngân hàng đang tự tạo áp lực lên lãi suất huy động. Việc tăng lãi suất này có thể có lợi trước mắt, nhưng lại báo trước điềm xấu trong tương lai, đó chính là nợ xấu tăng cao.

Theo ông Hưởng, các ngân hàng tăng lãi suất một mặt có áp lực để cân đối tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; nhưng mặt khác, họ thấy triển vọng phát triển của nền kinh tế tốt hơn, cầu tín dụng mạnh hơn. Họ dự tính trước và chủ động về nguồn cung. Có những dự án dài hạn chấp nhận vay lãi suất cao và một số ngân hàng cũng cho vay vào đó để cải thiện tín dụng đầu ra, cũng như để có lãi biên cao hơn. "Tuy nhiên, những dự án như vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vay với lãi suất cao có thể chết bất cứ lúc nào", ông Hưởng nói.

Đây là điều rất đáng lo ngại, bởi thị trường đã chứng kiến một giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng trong những năm 2010 - 2012 và hậu quả của nó là làm nợ xấu tăng cao, trở thành “cục máu đông” gây tắc nghẽn nền kinh tế trong nhiều năm về sau. Con số nợ xấu thực tế của hệ thống ngân hàng cho tới thời điểm hiện nay được các chuyên gia tính toán vẫn ở mức 6%. Vì vậy mà câu chuyện sắp tới nguồn vốn sẽ đi về đâu là bài toán lớn đặt ra cho các ngân hàng và đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ