NCB và đường đến 'vạch đích'

Nhàđầutư
Cái đích trước mắt là kế hoạch kinh doanh cả năm, còn xa hơn là mục tiêu tái cấu trúc vẫn còn hạn chế và chậm chạp.
ĐÌNH VŨ
13, Tháng 04, 2020 | 07:00

Nhàđầutư
Cái đích trước mắt là kế hoạch kinh doanh cả năm, còn xa hơn là mục tiêu tái cấu trúc vẫn còn hạn chế và chậm chạp.

Screen Shot 2020-04-12 at 11.12.33 PM

Trụ sở NCB tại 28C-28D Bà Triệu, phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: MT

Bức tranh nhiều gam trầm

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa công bố BCTC năm 2019 đã kiểm toán. Đây là năm thứ 6, nhóm cổ đông cũ của ông Đặng Thành Tâm chính thức rút lui, cùng với đó là sự thế chỗ bằng nhóm nhà đầu tư mới của ông Nguyễn Tiến Dũng, đương kim Chủ tịch HĐQT NCB. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay năm nào NCB cũng lỗi hẹn với cổ đông khi không đạt được mục tiêu đề ra tại ĐHĐCĐ.

Năm 2019 cũng không phải ngoại lệ. Cụ thể, thu nhập lãi thuần vẫn đóng góp chính vào kết quả hoạt động kinh doanh của NCB với mức tăng trưởng tốt, tăng 18% so với năm 2018 lên 1.158 tỷ đồng.

Hoạt động dịch vụ tăng mạnh, cùng với chi phí tăng với biên độ thấp hơn nên lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng gấp đôi so với năm 2018, đóng góp 50 tỷ đồng vào tổng doanh thu; Kinh doanh ngoại hối tiếp tục ghi nhận lỗ 3 tỷ đồng, tuy nhiên con số này đã giảm mạnh so với con số lỗ 21 tỷ đồng của năm 2018. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng báo lãi 31 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lỗ 22 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong năm 2019, NCB đã giảm mạnh chi phí hoạt động 20% xuống còn 826 tỷ đồng nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống nhân sự, giảm mạnh số lượng nhân viên.

Nhờ những nỗ lực nêu trên, lãi thuần trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng đã lên mức 379 tỷ đồng, tăng 69% so với năm 2018.

Tuy nhiên, do tăng mạnh các khoản xử lý theo đề án tái cấu ngân hàng, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2018 lên mức 252 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế của NCB chỉ còn vỏn vẹn 55 tỷ đồng, giảm 37% so với năm 2018, chỉ bằng 78% so với kế hoạch đề ra.

Không chỉ không đạt mục tiêu lợi nhuận năm 2018, mà các chỉ tiêu lớn khác của NCB cũng còn khá xa so với vạch đích. Cụ thể, cho vay khách hàng đạt 37.483 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2018, bằng 88% kế hoạch – mức tăng trưởng tín dụng này là quá thấp so với mặt bằng chung của các ngân hàng thương mại năm 2018; Huy động khách hàng tăng mạnh thêm 25% lên mức 59.095 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá giảm mạnh xuống còn 2.704 tỷ đồng. Tổng cộng huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá NCB năm 2019 mới chỉ đạt 61.799 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch.

Đường còn dài

HĐQT ngân hàng NCB cho thấy đang nỗ lực từng ngày để vực dậy hoạt động của ngân hàng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại NCB vẫn còn ở khá xa mục tiêu tái cấu trúc và những quy chuẩn của hệ thống ngân hàng.

Năm 2020 là một năm quan trọng với ngành ngân hàng khi hàng loạt các yêu cầu, chỉ tiêu tài chính mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra hết hạn và NCB cũng không thể mãi đứng ngoài cuộc chơi.

Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của NHNN và hoàn thành hàng loạt các lời hứa với cổ đông trong những năm gần đây, năm 2020 NCB cần phải nỗ lực rất nhiều.

Trước tiên là yêu cầu tìm đối tác nước ngoài. Đây là hy vọng được HĐQT NCB nêu ra liên tục trong vài năm gần đây như một cứu cánh, tia hy vọng cho ngân hàng để đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, đạt được các mục tiêu do ĐHĐCĐ giao. Tuy nhiên, sau nhiều lần “mừng hụt”, cuối tháng 4/2019 vừa qua, Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Tiến Dũng tiếp tục cho biết, J Trust – một tập đoàn tài chính Nhật đã dừng thực hiện thương vụ đầu tư vào nhà băng này. 

Trong khoảng tháng 11/2019, NCB cho biết, đã có buổi làm việc với đoàn nhà đầu tư Singapore. Có đồn đoán cho rằng, rất có thể NCB đã tìm được đối tác ngoại và có thể trong ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 1/2020, ngân hàng này sẽ xin ý kiến cổ đông về kế hoạch hợp tác. Tuy nhiên, nội dung này đã không được nhắc tới trong ĐHĐCĐ bất thường vừa qua.

Chưa thể tìm được đối tác ngoại, NCB vẫn quẩn quanh trong bài toán nợ xấu và làm sao đạt chuẩn Basel II trong năm 2020.

Sau một thời gian nỗ lực kiểm soát nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu năm 2019 của NCB tiếp tục tăng mạnh trở lại ở mức 1,9% (năm 2018 là 1,6%). Trong đó đáng chú ý, nợ nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh thêm 54% lên mức 468 tỷ đồng, chiếm quá nửa tổng nợ xấu.

Cùng với việc nợ xấu mới tăng nhanh thì dư nợ trái phiếu đặc biệt tại VAMC của NCB cũng không có nhiều biến động so với năm 2018, vẫn còn tới 6.366 tỷ đồng tại mục chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn.

Tài sản “chết” tại ngân hàng không những không có nhiều cải thiện mà còn tăng trong năm 2019. Mục các tài sản có khác của NCB tăng thêm 12% lên mức 12.426 tỷ đồng. Trong đó các khoản phải thu tăng 27% lên mức 5.670 tỷ đồng; các khoản lãi, phí phải thu tăng 18% lên mức 3.151 tỷ đồng.

Với NCB chặng đường quả thực còn rất dài nếu không có những bước đi đột phá đến từ dàn lãnh đạo ngân hàng. Thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của hệ thống ngân hàng đang được tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Điều này có nghĩa là các ngân hàng có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho Đại hội và có thể có những ngân hàng sẽ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đây là thời điểm, các cổ đông có quyền từ Ban lãnh đạo ngân hàng sự thức thời và cả bản lĩnh trong cơn bĩ cực. Biết đâu, trong nguy có cơ, ban lãnh đạo NCB sẽ tìm ra một phương án tốt để tạo sự đột phá.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ