Liên tục xảy ra các đại án ngân hàng: Khoảng trống cơ chế phòng ngừa tội phạm

Nhàđầutư
Danh sách lãnh đạo ngân hàng bị bỏ tù ngày một kéo dài thêm, báo động về một khoảng trống cơ chế phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực này.
HÀ HƯƠNG
15, Tháng 10, 2017 | 11:51

Nhàđầutư
Danh sách lãnh đạo ngân hàng bị bỏ tù ngày một kéo dài thêm, báo động về một khoảng trống cơ chế phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực này.

Bộ luật Hình sự, ngay ở chương mở đầu, tại Điều 4 đã quy định về trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Cụ thể, “cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giáo dục những người thuộc quyền quản lý của mình nâng cao cảnh giác, ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật, tôn trọng các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa; kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm trong cơ quan, tổ chức của mình”.

Xét theo điều khoản này, có thể thấy ngành Ngân hàng trong những năm gần đây đã không làm tròn nhiệm vụ. Nếu có một cơ chế phòng ngừa tội phạm hữu hiệu hơn thì đã không để xảy ra nhiều đại án như vậy và có thể, nhiều những tù nhân hôm nay vẫn đang điều hành ngân hàng của họ và được kính trọng như đối với giới tinh hoa của nền kinh tế.

Qua các “đại án” ngân hàng có thể thấy sai phạm của các bị cáo đều diễn ra trong một thời gian dài, thế nhưng hệ thống thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần như “mù tịt” để đến khi Công an vào cuộc thì thiệt hại đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

xet-xu-oceanbank

Phiên toà xét xử “đại án” Oceanbank 

Ngày 8/9/2017, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C46) đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự. Thông cáo phát đi từ Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt tại Ngân hàng Xây dựng và một số đơn vị, tổ chức thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Ông Bình đến nay là người từng nắm cương vị cao nhất tại NHNN bị khởi tố sau hàng loạt các đại án ngân hàng rúng động. Thời điểm 2013, ông Bình đương chức Phó Thống đốc NHNN phụ trách trực tiếp mảng thanh tra, giám sát ngân hàng, là người chỉ đạo, quản lý trực tiếp các Tổ giám sát tham gia vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Tại TrustBank, nhiệm vụ của Tổ giám sát là tiến hành thanh tra đột xuất và yêu cầu thực hiện kiểm toán độc lập; triển khai tái cơ cấu bằng phương án chấp thuận để nhóm các nhà đầu tư mới, đại diện là ông Phạm Công Danh, mua lại cổ phần của nhóm Phú Mỹ và tham gia tái cơ cấu ngân hàng. Tất cả những giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên của TrustBank lúc đó đều nằm dưới sự giám sát của Tổ giám sát của NHNN trước khi thực hiện và cần được sự phê duyệt của Tổ giám sát.

Tuy nhiên, theo cáo trạng thì Tổ giám sát đặt tại TrustBank đã không thực hiện hoặc thực hiện không làm đúng nhiệm vụ được giao trong việc giám sát, để Phạm Công Danh rút hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó có 15.670 tỷ đồng không thể thu hồi được. Trong số hơn 18.000 tỷ đồng rút ra có hơn 9.000 tỷ đồng có xin ý kiến Tổ giám sát. Hành vi thiếu trách nhiệm của Tổ giám sát được cho là một trong các nguyên nhân dẫn đến hậu quả xảy ra tại VNCB.

Đoạn kết buồn của ông Bình, một người vốn được giới ngân hàng tài chính rất kính trọng, chỉ là một ví dụ rút ra từ cả một câu chuyện dài về sự lơ là chức trách, nhiệm vụ giám sát lĩnh vực được coi là huyết mạch của nền kinh tế. Nghị định 26/2014 về tổ chức, hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã quy định rõ việc giám sát ngân hàng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Kết hợp thanh tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật với với thanh tra, giám sát rủi ro trong hoạt động của đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng; kết hợp chặt chẽ giữa thanh tra ngân hàng và giám sát ngân hàng. Thực hiện thanh tra, giám sát toàn bộ hoạt động của tổ chức tín dụng...

“Thượng phương bảo kiếm” trong tay nhưng NHNN đã không phát hiện sớm và ngăn chặn “từ trong trứng nước” các hành vi vi phạm của các ông chủ ngân hàng thương mại, như Bầu “Kiên” của ACB, Phạm Công Danh của VNCB, Hà Văn Thắm của Oceanbank, Trầm Bê của Sacombank…

Huy động tiền tiết kiệm “mồ hôi nước mắt” của dân chúng nhưng nhóm “chóp bu” tại các nhà băng lại rút ra tiêu hết sức dễ dàng. Ban Kiểm soát tại các ngân hàng là cơ quan được Đại hội đồng cổ đông lập ra để “trông coi”, giám sát các hoạt động điều hành dường như bị vô hiệu hoá hoàn toàn. Luật Các tổ chức tín dụng dự liệu trước tình huống các ông chủ nắm quyền chi phối dễ “tự tung tự tác”, tại Điều 46 đã quy định rõ quyền của Trưởng Ban kiểm soát: “Yêu cầu ghi lại ý kiến của mình trong biên bản cuộc họp Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên nếu ý kiến của mình khác với nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và báo cáo trước Đại hội đồng cổ đông hoặc chủ sở hữu, thành viên góp vốn”. Nhưng qua theo dõi các vụ án ngân hàng thì có thể thấy dù chỉ một lời “can gián” cũng rất hiếm hoi. Như tại phiên toà xét xử vụ Oceanbank vừa qua, theo cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm: OceanBank chi lãi suất ngoài hợp đồng trong thời gian dài mà "không thấy ai nhắc nhở gì".

Theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, hàng loạt "đại án" xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng cho thấy, hệ thống giám sát nội bộ cũng như giám sát từ xa của các ngân hàng gần như tê liệt.

“Nhìn từ “đại án” tại Ngân hàng Xây dựng cho thấy, người đứng đầu ngân hàng này là Phạm Công Danh có thể chỉ đạo thuộc cấp rút ruột ngân hàng cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng rất dễ dàng. Điều đó cho thấy, hệ thống giám sát nội bộ của ngân hàng hoàn toàn tê liệt, nhất là khi sai phạm lại được chỉ đạo bởi chính người đứng đầu.

Song, không chỉ nội bộ dễ dàng thoả hiệp, bao che, sự dễ dãi, cẩu thả cũng xảy ra với cả những “phi vụ” hợp tác bên ngoài, mà việc Trầm Bê dùng tiền của Sacombank cho Phạm Công Danh vay cả nghìn tỷ đồng là một ví dụ điển hình.

Qua những vụ việc đó cũng cho thấy, hệ thống phòng ngừa, giám sát từ xa, mà cụ thể là của NHNN cũng gần như tê liệt. Rất nhiều vụ án lớn nhỏ gần như chưa có trường hợp nào được phát hiện sớm từ cơ quan quản lý này, mà phần lớn là từ cơ quan Công an, khi sai phạm đã khá rõ và để lại những hậu quả rất nặng nề” – ông Thành nói.

Theo vị chuyên gia này, cần thúc đẩy hơn nữa tính minh bạch của hệ thống NH, bởi liên quan đến tài sản toàn dân. Lâu nay, nhiều thông tin trong lĩnh vực này bị né tránh vì được cho là “nhạy cảm”, nhằm bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống. Song, một số ngân hàng dễ vin vào đó để che giấu yếu kém, sai phạm, nên khi bị phát hiện thì hậu quả đã khá nặng nề, khó khắc phục. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ