Lạm phát năm 2019: không quá lo ngại!

Trong hai tháng cuối năm 2018, việc giá xăng dầu quay đầu 'đúng lúc' đã góp phần quan trọng, kiềm chế kỳ vọng tăng của đa số các nhóm hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là nhóm hàng lương thực, thực phẩm.
LINH TRANG
11, Tháng 01, 2019 | 17:32

Trong hai tháng cuối năm 2018, việc giá xăng dầu quay đầu 'đúng lúc' đã góp phần quan trọng, kiềm chế kỳ vọng tăng của đa số các nhóm hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là nhóm hàng lương thực, thực phẩm.

7ea6f_lamphatnam2019_thanhhoa

Việc giá xăng dầu quay đầu “đúng lúc” đã góp phần quan trọng, kiềm chế kỳ vọng tăng của đa số các nhóm hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Ảnh: THÀNH HOA

Xăng dầu giảm giá “đúng lúc”

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 12-2018 đã giảm 0,25% so với tháng 11 - điều khá hiếm hoi theo quy luật hàng năm khi thời điểm cuối năm bao giờ cũng là lúc giá cả các mặt hàng có xu hướng tăng cao.

Kết thúc năm 2018, chỉ số CPI bình quân tăng 3,54% so với bình quân năm 2017, đạt mục tiêu dưới 4% do Chính phủ đặt ra; còn nếu tính so với cùng kỳ năm trước (YoY) thì CPI vào cuối tháng 12-2018 thực tế còn thấp hơn khá nhiều với mức tăng chỉ 2,98%.

Nhìn lại diễn biến trong cả năm 2018 thì lạm phát có dấu hiệu tăng mạnh nhất vào thời điểm cuối quí 2, đầu quí 3 do giá nhóm hàng thịt heo tăng mạnh trong giai đoạn này (10,37%, tác động làm CPI chung tăng 0,44%). Ngoài ra, giá hai nhóm hàng do Nhà nước quản lý là y tế và giáo dục cũng tiếp tục được điều chỉnh tăng theo lộ trình. Cụ thể, đối với nhóm hàng y tế, các địa phương đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT và Thông tư số 39/2018/TT-BYT làm giá dịch vụ y tế tăng 13,86% (tác động làm CPI chung tăng 0,54%). Đối với nhóm hàng giáo dục, lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP tiếp tục được thực hiện, khiến chỉ số giá nhóm hàng giáo dục năm 2018 tăng 7,12% so với năm 2017 (tác động làm CPI tăng 0,37%). Ngoài ra, việc tăng lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp từ ngày 1-1-2018 và mức lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ ngày 1-7-2018 làm giá bình quân một số loại dịch vụ như sửa chữa đồ dùng gia đình, bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện, nước năm 2018 tăng từ 3-5% so với năm 2017.

Tuy vậy, kể từ nửa cuối quí 4 trở đi, diễn biến lao dốc mạnh của giá dầu thế giới (giảm gần 40% kể từ đỉnh) đã giúp hạ nhiệt đáng kể rủi ro lạm phát. Vào ngày 6-10-2018, giá xăng đạt đỉnh của năm ở mức 22.347 đồng/lít xăng RON 95 và 20.906 đồng/lít xăng E5. Tuy vậy, sau khi đạt đỉnh, giá xăng dầu trong nước đã “quay đầu” đi xuống liên tục đến hết năm.Trước khi giảm hơn 500 đồng/lít vào ngày đầu tiên của năm mới 2019, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 24 kỳ điều chỉnh giá trong năm 2018. Tính chung cả năm, giá xăng giảm hơn 1.000 đồng/lít, trong khi giá dầu lại tăng tương ứng. Việc giá xăng dầu quay đầu “đúng lúc” đã góp phần quan trọng, kiềm chế kỳ vọng tăng của đa số các nhóm hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là nhóm hàng lương thực, thực phẩm.

Rủi ro năm 2019 không lớn

Bước sang năm 2019, theo mục tiêu được Quốc hội thông qua thì lạm phát trung bình năm 2019 sẽ dao động quanh mức 4%. Có một chút thay đổi về mặt câu chữ khi mục tiêu kiểm soát CPI ở mức “dưới” 4% trong năm 2018 đã được thay bằng cụm từ “quanh mức” 4% trong năm 2019. Điều này hàm ý mục tiêu đã được nới rộng hơn một chút.

Tuy vậy, cần lưu ý là chỉ tiêu tăng quanh 4% được Quốc hội thông qua hồi đầu tháng 10-2018, tức thời điểm giá dầu thế giới đang trên đà tăng rất mạnh (một số dự báo còn cho rằng giá dầu Brent có thể đạt mức 100 đô la Mỹ/thùng trong năm 2019) nên mục tiêu đặt ra có phần “rộng rãi”, nhằm tạo không gian cho Chính phủ ứng phó tốt hơn với rủi ro khó lường của lạm phát.

Tuy vậy, từ thời điểm đó tới nay, tình hình thế giới đã có rất nhiều thay đổi, đặc biệt là triển vọng của giá dầu trước bối cảnh kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc trong năm 2019 cũng như nguồn cung dầu thế giới có thể sẽ vẫn tăng nhờ sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ. Trong bối cảnh đó, rất nhiều tổ chức dự báo trong nước đều cắt giảm rủi ro lạm phát của Việt Nam trong năm nay.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong báo cáo chiến lược năm phát hành mới đây, đã dự báo lạm phát trung bình năm 2019 sẽ chỉ tương đương với năm 2018, tức xoay quanh mức 3,5% - thấp hơn mục tiêu quanh 4% mà Quốc hội thông qua. Theo BVSC, năm 2019, giá nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế sẽ tăng khoảng 5-8%; giá điện tăng khoảng 7,5%; giá nhóm hàng giáo dục tăng khoảng 6%. Theo tính toán, việc điều chỉnh giá các nhóm hàng do Nhà nước quản lý sẽ khiến CPI tổng thể tăng khoảng 1%. Công ty này cũng xây dựng mô hình định lượng dự báo lạm phát dựa trên ba kịch bản của giá dầu Brent và trong kịch bản cơ sở, với giá dầu trung bình năm 2019 ở mức khoảng 70 đô la Mỹ/thùng thì lạm phát năm 2019 sẽ tăng khoảng 3,5%.

Ngoài ra, áp lực lạm phát ở khía cạnh tiền tệ cũng sẽ không quá lớn khi tăng trưởng tín dụng và cung tiền (M2) trong các năm gần đây đều ở mức ổn định và không quá cao (14-17%) - mức được coi là hợp lý với bối cảnh kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện tại khi vẫn hỗ trợ được tăng trưởng mà lại không gây rủi ro quá lớn tới lạm phát như giai đoạn 2007-2011.

(Theo KTSG)

 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ