Kỹ thuật mổ nội soi, ít xâm lấn: Niềm hy vọng cho những bệnh nhân tim bẩm sinh

Nhàđầutư
Trung tâm Tim mạch BV Đại học Y Dược TP.HCM là đơn vị đầu tiên ở miền Nam áp dụng phẫu thuật tim nội soi thường quy. Trong 10 năm qua, bệnh viện đã có trên 2.000 ca mổ từ hoạt động thiện nguyện đến các vùng sâu, vùng xa để khám và điều trị cho các trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh.
CHU KÝ (Thực hiện)
10, Tháng 01, 2019 | 08:30

Nhàđầutư
Trung tâm Tim mạch BV Đại học Y Dược TP.HCM là đơn vị đầu tiên ở miền Nam áp dụng phẫu thuật tim nội soi thường quy. Trong 10 năm qua, bệnh viện đã có trên 2.000 ca mổ từ hoạt động thiện nguyện đến các vùng sâu, vùng xa để khám và điều trị cho các trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh.

Liên quan đến vấn đề trên, PV Nhadautu.vn đã có cuộc phỏng vấn đối với PGS. TS. BS Nguyễn Hoàng Định - Phó GĐ Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Phẩu thuật Tim mạch thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược (BVĐHYD) TP.HCM.

Thưa bác sỹ, được biết, Bác sỹ cùng với những thành viên trong nhóm thiện nguyện của mình đến nay đã gần 10 năm hoạt động chương trình thiện nguyện đến các vùng sâu, vùng xa để khám và điều trị cho các trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh. Bác sỹ có thể chia sẻ một chút về hoạt động này?

PGS. TS Bác sỹ Nguyễn Hoàng Định: Chương trình thiện nguyện của các thành viên thuộc BVĐHYD TP.HCM được thành lập vào năm 2006 và đến năm 2007 thì bắt đầu đi vào hoạt động. Trung bình mỗi tháng đi 2 lần, 1 năm khoảng 20 lần hầu như đi khắp tất cả các tỉnh từ miền Trung trở vào đến Mũi Cà Mau. Trong đó, lần khám nhiều nhất của nhóm khoảng hơn 1.000 bé mắc bệnh tim bẩm sinh.

Những chuyến đi thường tập trung đến những vùng sâu, vùng xa nơi người dân khó khăn trong việc tiếp cận các bệnh viện lớn, có những trường hợp mang trong mình bệnh tim bẩm sinh vài chục năm vẫn chưa được phát hiện, được đi khám.

IMG_0804

PGS. TS. BS Nguyễn Hoàng Định - Phó GĐ Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược  TP.HCM. Ảnh: Chu Ký.

Nhóm thiện nguyện phối hợp với các quỹ, nhà hảo tâm và cá nhân của từng thành viên trong nhóm, lên kế hoạch mổ cho những gia đình gặp hoàn cảnh, không có điều kiện kinh phí để điều trị và mổ, số lượng ca mổ của chương trình thiện nguyện trong vòng 10 năm qua đã trên 2.000 ca mổ.

Thưa Bác sỹ, được biết mỗi ca điều trị và phẩu thuật về tim mạch thường tốn chi phí rất lớn, tuy nhiên, những ca phẫu thuật cho các trẻ em mắc bệnh tim đều được miễn phí, vậy thì nguồn kinh phí đó mình lấy từ đâu để có thể duy trì hoạt động thiện nguyện này và kéo dài được đến gần 10 năm qua?

PGS. TS. BS Nguyễn Hoàng Định: Nguồn kinh phí chủ yếu là từ bảo hiểm y tế. Hiện nay những trẻ dười 6 tuổi sẽ được bảo hiểm hỗ trợ 100% chi phí, trung bình 1 ca mổ chi phí từ 50 – 60 triệu đồng. Ngoài kinh phí hỗ trợ từ bảo hiểm y tế thì nguồn kinh phí còn được đóng góp từ một số quỹ như: Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM, Quỹ Nhịp Tim Việt Nam của VinaCapital Foundation (hỗ trợ các chuyến đi về các tỉnh cũng như chi phí mổ cho bệnh nhân với gần 8.000 ca mổ), Quỹ Tấm lòng Việt của Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Viettel.

Hiện chi phí mổ cho trẻ em không còn chật vật như trước vì một phần đã nhờ vào bảo hiểm y tế cũng như kinh phí hỗ trợ từ các quỹ và các nhà hảo tâm. Số lượng bệnh nhân trước đây bị tim bẩm sinh rất nhiều, bởi vì trước đó chưa có đơn vị đứng ra mổ nên số lượng các bệnh nhân chưa phát hiện mắc bệnh bị tồn lại rất nhiều.

10 năm qua, ngoài BVĐHYD TP.HCM thì đã có thêm 16 bệnh viện cùng chung tay tham gia chương trình thiện nguyện này, làm giảm tỷ lệ trẻ bị tim bẩm sinh chờ mổ rất lớn. Hiện giờ, mổ chủ yếu là những trẻ mới sinh ra, còn số tồn đọng trở lại đa số đã được mổ, một số khác vì thời gian chờ quá lâu nên chưa kịp phát hiện khiến bệnh nhân qua đời - đây cũng là một điều rất đáng tiếc.

Hiện tại chi phí mổ cho cho trẻ em dưới 6 tuổi và trẻ sơ sinh không còn khó khăn nữa, nhưng chi phí khó khăn là những ca phẩu thuật cho người lớn, đặc biệt là trụ cột của những gia đình nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Tuy bệnh viện và các thành viên trong nhóm có vận động rất nhiều đơn vị hảo tâm, nhưng phần lớn các tổ chức vẫn chưa quan tâm nhiều đến nhóm đối tượng này, các quỹ lớn hay nhà nước cũng rất ít quan tâm đến nhóm người lớn này, cho nên phía chương trình vẫn chưa biết sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào.

Thưa Bác sỹ, việc áp dụng những kỹ thuật mới, đặc biệt là mổ nội soi, ít xâm lấn trong thời gian qua đã mang lại những lợi ích gì cho bệnh nhân, và khó khăn như thế nào trong quá trình thực hiện áp dụng phương pháp này?

PSG. TS. BS Nguyễn Hoàng Định: Trong vòng 15 năm nay cứ vài năm sẽ lại xuất hiện một kỹ thuật mới, và chứng minh được hiệu quả của nó. Cũng có những kỹ thuật theo thời gian trở thành những trào lưu nhưng được một thời gian lại lụi tàn đi khi có những kỹ thuật mới xuất hiện vì những kỹ thuật cũ ko mang lại quá nhiều những lợi ít như cái mới để đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân.

Trước đây từ những năm 1954, trên thế giới đã bắt đầu mổ tim, còn ở việt Nam là từ năm 1963 rồi đến sau này các bệnh viện bắt đầu mổ thường quy từ những năm 1999 cứu được rất nhiều bệnh nhân. Mổ tim được cho là một cuộc phẩu thuật lớn, rất xâm hại, nên khi nói đến mổ tim thì sẽ rất lo lắng cho cả bác sĩ và bệnh nhân. Khi mổ tim, có khả năng sẽ gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài sau này cho bệnh nhân, cho nên những tiến bộ gần đây cần đảm bảo được những cuộc phẫu thuật vẫn diễn ra tốt nhưng phải nhẹ nhàng hơn nó ít xâm lấn về mặt thể chất, tinh thần của bệnh nhân.

Cứ 2 đến 3 năm lại ra đời những kỹ thuật mới xuất hiện và có khả năng ứng ụng thực tiễn mang lại hiệu quả thì chúng ta đi theo những kỹ thuật mới đó sẽ rất tốt vì bệnh nhân sẽ được hưởng lợi, hầu như các trung tâm nội khoa bây giờ đã hạn chế việc mổ mở mà thay vào đó là mổ nội soi, ít xâm lấn.

Về lợi ích, việc mổ nội soi mang lại lợi ích rất lớn cho bệnh nhân, nếu như áp dụng kỹ thuật cũ mổ mở thì sử dụng đường mổ dọc giữa xương ức để tiếp cận tim và thực hiện các thao tác phẫu thuật. Đường mổ này có ưu điểm là phẫu trường rộng, giúp bác sỹ dễ dàng thao tác và tiếp cận gần như toàn bộ mặt trước của tim. Tuy nhiên, nó cũng có một số nhược điểm như tăng đau đớn cho người bệnh, dễ chảy máu, dễ nhiễm trùng, sẹo dài và thời gian hồi phục tương đối dài.

Còn mổ nội soi, ít xâm lấn thì phẫu thuật viên thực hiện các phẫu thuật qua đường mở nhỏ 3-5 cm trên thành ngực bên, không phải cưa xương ức. Loại hình phẫu thuật này vẫn đảm bảo an toàn như đường mổ kinh điển và đem lại những lợi ích cho người bệnh: Ít đau, ít chảy máu, giảm tỉ lệ nhiễm trùng, tính thẩm mỹ cao và thời gian phục hồi ngắn hơn, giúp người bệnh nhanh chóng trở về với cuộc sống bình thường.

Về khó khăn, Việt Nam là một trong những nước áp dụng kỹ thuật mổ nội soi rất là chậm so với các nước khác trên thế giới. Bởi vì việc mổ tim cần phải phán đoán đạt được mức độ chính xác, tỉ mỉ nó không giống như mổ mở, nên nhiều người còn rất ngại trong việc áp dụng kỹ thuật mới này. Mỗi cuộc mổ tim rất là căng thẳng, vất vã vì thời gian kéo dài mà việc áp dụng kỹ thuật mới mổ nội soi sẽ làm cho cuộc mổ phức tạp hơn nữa, như vậy người  bác sỹ sẽ có thêm áp lực nên bệnh nhân không muốn, do đó mà việc phát triển mổ xâm lấn, mổ tim nội soi có chậm hơn.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho máy móc mổ nội soi rất cao, mỗi máy thường phải đầu tư từ 3-4 tỷ đồng và quá trình đào tạo, huấn luyện đội ngũ bác sỹ để có kỹ thuật mổ nội soi rất  lâu, cho nên những lý do đó làm cho ê kíp bác sỹ rất ngại trong việc áp dụng kỹ thuật mới này rất hạn chế.

Bởi vậy, vai trò của các trung tâm, bệnh viện trường đại học đầu tiên là việc điều trị cho các bệnh nhân, thứ 2 là cần phải nghiên cứu áp dụng những kỹ thuật mới, cần đánh giá được những kỹ thuật mới có thật sự mang lại lợi ích cho bệnh nhân, có thật sự tốt, và phù hơp để áp dụng, sau khi có đánh giá nếu tốt thì bước thứ ba sẽ là đào tạo, chuyển giao công nghệ đến các bệnh viện khác để cùng phát triển. Đây được xem như là sứ mệnh của các trường Đại học.

Việt Nam hiện có hai trung tâm mổ lớn nhất và thường niên là Bệnh Viện E tại miền Bắc, và bệnh viện Đại Học Y dược TP.HCM, còn các bệnh viện khác đang bắt đầu áp dụng kỹ  thuật mổ mới này ở miền Bắc có Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội…, ở miền Nam có Bệnh viện Tim TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẩy …

Được biết, BVĐHYD TP.HCM từ khi áp dụng kỹ thuật mổ nội soi, ít xâm lấn đến nay đã gần 10 năm, vậy đội ngũ bác sỹ tại bệnh viện có bao nhiêu người đủ khả năng và có kỹ thuật đứng để mổ và có bao nhiêu ca mổ đã được thực hiện?

PGS. TS. BS Nguyễn Hoàng Định: Hiện khoa mổ tim của BVĐHYD TP.HCM có 19 bác sỹ, trong đó, có 8 kỹ thuật viên và nắm vững được kỹ thuật mổ nội soi có 3 người. Đến nay bệnh viện đã có trên 500 ca mổ nội soi. Trong đó, tỷ lệ mổ nội soi cho người lớn chiếm khoảng 50% (tất cả các bệnh lý), còn nói về bệnh van tim thì chiếm 90% mổ nội soi và hầu như các bệnh lý trong tim đều có thể áp dụng mổ nội soi, đây là một bước lớn trong ngành y học tại Việt Nam.

Trường hợp anh Phú là một trong những bệnh nhân về tim mạch mà ca phẫu thuật áp dụng thành công về kỹ thuật mổ nọi soi, khi chỉ sau 10 ngày anh Phú đã có thể đi lại và sinh hoạt bình thường. Một trong những khó khăn nhất của ca phẫu thuật cho anh Phú là kỹ thuật sửa van tim nhưng ê kíp mổ đã thực hiện thành công ngoài mong đợi.

IMG_0806

Anh Phú (phải) là một trong những bệnh nhân áp dụng kỹ thuật mổ nội soi, ít xâm lấn thành công và chỉ sau 10 ngày anh đã có thể đi lại và sinh hoạt bình thường. Ảnh: Chu Ký.

Năm 2014, anh Phú tình cờ phát hiện mình bị bệnh tim khi đi khám. Anh Phú đã đi tìm hiểu và đến nhiều bệnh viện gặp gỡ các bác sỹ có chuyên môn ở Việt Nam để chữa trị bệnh của mình. Tuy nhiên, vẫn còn nghi ngờ và chưa đủ tự tin để phẫu thuật. Đến tháng 8/2018, khi vào chữa trị tại BVĐHYD TP.HCM, anh Phú đã được tư vấn về kỹ thuật mổ nội soi, ít xâm lấn. Sau đó, anh Phú đã đồng ý và bác sỹ đã sắp xếp một cuộc phẫu thuật rất thành công ngoài mong đợi. Khi áp dụng kỹ thuật mới, chỉ 7 ngày sau ca mổ, anh Phú đã có thể đi lại và nói chuyện, đến ngày thứ 10 đã bình phục được khoảng 90% và có thể tham gia sinh hoạt như bình thường.

BS có thể chia sẻ thêm về những nguyện vọng cũng như dự định sẽ thực hiện của bệnh viện trong thời gian tới đây?

PGS. TS. BS Nguyễn Hoàng Định: Trong năm sau, bệnh viện hy vọng sẽ có một đội ngũ ê kíp mạnh, có chuyên môn và kỹ thuật cao để phục vụ cho những ca mổ, có quy trình chặt chẽ ở các khâu, an toàn từ đầu ra cho đến đầu vào của bệnh nhân. Vấn đề vẫn còn hạn chế hiện nay tại các bệnh viện Việt Nam là thiếu sự đồng bộ, khi người Việt đang có xu hướng ra nước ngoài để điều trị rất nhiều trong khi các bác sỹ tại Việt Nam đã có đủ khả năng để điều trị tốt cho các bệnh nhân.

Tuy nhiên, về tổng thể từ đầu vào cho đến đầu ra vẫn chưa thật sự làm hài lòng cho các bệnh nhân, bởi vì có những cái trở ngại như, dịch vụ chưa tốt; vấn đề gây mê; chăm sóc điều dưỡng… vẫn chưa làm bệnh nhân an tâm.

Bên cạnh đó, bệnh viện sẽ có những nghiên cứu khoa học mang tầm quốc tế, cũng trong năm tới bệnh viện sẽ tiếp tục áp dụng phát triển những kỹ thuật, đặc biệt sẽ triển khai các ca ghép tim tại bệnh viện cũng như áp dụng mổ bằng robot để đem lại cho bệnh nhân những kết quả tốt nhất. 

Ngoài ra, các thành viên trong nhóm thiện nguyện cũng mong muốn rằng chương hoạt động thiện nguyện khám và chữa bệnh tại các tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa sẽ có nhiều tổ chức, nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ hơn nhất là đối với những bệnh nhân là người lớn trụ cột của gia đình đang gặp hoàn cảnh khó khăn.

Xin cảm ơn bác sỹ!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ