Kinh tế tư nhân: Tiềm năng lớn, cơ hội mới

Sáng ngày 5/10 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà Đầu Tư tổ chức Toạ đàm Phát triển kinh tế tư nhân: Rào cản và giải pháp. Nhadautu.vn xin giới thiệu toàn văn bài tham luận của Giáo sư, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE).
GS - TSKH NGUYỄN MẠI
05, Tháng 10, 2018 | 09:41

Sáng ngày 5/10 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà Đầu Tư tổ chức Toạ đàm Phát triển kinh tế tư nhân: Rào cản và giải pháp. Nhadautu.vn xin giới thiệu toàn văn bài tham luận của Giáo sư, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE).

giao-su-nguyen-mai

Giáo sư, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập, Chủ tịch đầu tiên của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), tham gia WEF ASIAN 2018 tại Hà Nội đã nhận định: “ Lúc tôi viết cuốn sách Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư năm 2016, blockchain, AI (trí tuệ nhân tạo) mới còn non trẻ nhưng bây giờ đã phát triển mạnh mẽ. Chúng ta không thể bỏ lỡ chuyến tàu này nếu như không muốn bỏ lỡ sự thịnh vượng. WEF muốn thu hút sự quan tâm của mọi người nhất là Chính phủ, tạo ra tinh thần doanh nhân để doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh trong tương lai”.

Cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội mới để khai thác tốt hơn tiềm năng to lớn của kinh tế tư nhân Việt Nam.

I. Thời kỳ tăng tốc

Ngày 19/9/2018, Tổng cục Thống kê công bố kết quả chính thức tổng điều tra kinh tế năm 2017:

Tính đến 1/1/2017, cả nước có 517.960 DN trong đó 505.100 DN đang hoạt động và 12.860 DN đang xây dựng. Theo quy mô có 10,1 nghìn DN lớn chiếm 1,9%, DNVVN chiếm 98,1%.

Năm 2016 kết quả kinh doanh của DN được cải thiện hơn 5 năm trước; tổng doanh thu đạt 17.858 nghìn tỷ đồng, tăng 71,6% so với 2011;  bình quân giai đoạn 2011-2016 tăng 11,4%/năm (tương đương 1.400 nghìn tỷ đồng); khu vực DN tư nhân chiếm 55,9%, khu vực DN FDI chiếm 27,4% và khu vực DNNN chiếm 16,7% tổng doanh thu của DN.

Năm 2017 có 126.859 DN thành lập và 26.448 DN quay trở lại hoạt động; tổng số vốn đăng ký và tăng thêm của DN hơn 3.160 nghìn tỉ đồng. So với năm 2011, số lượng DN mới năm 2017 tăng 1,6 lần và số vốn đăng ký tăng 2,5 lần.

8 tháng của năm 2018 có 87.448 DN thành lập; tổng số vốn đăng ký và tăng thêm là 2,56 triệu tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước.

Từ những số liệu thống kê có thể khẳng định rằng, cùng với cải cách để có hiệu quả hơn đối với DNNN, thu hút nhiều hơn, có chất lượng hơn DN FDI, thì kinh tế tư nhân với số lượng ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn đóng vai trò quan trọng đối với gia tăng tốc độ tăng trưởng theo hướng bền vững.

Khu vực kinh tế tư nhân của nước ta còn nhiều hạn chế, năng lực cạnh tranh tuy đã được nâng cao nhưng vẩn chưa sánh kịp một số nước trong khu vực, nhưng khá năng động trong kinh doanh, coi trọng đổi mới sáng tạo để tận dụng cơ hội của hội nhập sâu rộng với thế giới trong kỷ nguyên số của cuộc cách mạng 4,0.

Ngày 19/7/2018 Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2018. Việt Nam xếp 45/126 nước; tăng 2 bậc so với 2017 và 14 bậc so với 2016, với điểm số cao hơn mức trung bình ở cả 7 trụ cột: thể chế, sản phẩm sáng tạo, nguồn nhân lực và nghiên cứu, sản phẩm kiến thức và công nghệ, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của kinh doanh, trình độ phát triển của thị trường.

Trong đó, chỉ số chi cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng 23 bậc lên thứ 13, chỉ số chi cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp tăng 4 bậc lên thứ 48 và chỉ số Hợp tác Đại học và Doanh nghiệp tăng 17 bậc lên thứ 59. Đặc biệt, với chỉ số mới là chỉ số Tạo ứng dụng di động, một chỉ số về phát triển kinh tế số, Việt Nam được xếp hạng 16, thay cho vị trí thứ 52 về tải video lên youtube của năm 2017.

Chuyên gia cao cấp của WIPO Sacha Wunsch- Wincentcho biết, trong bảng xếp hạng năm nay, Việt Nam nổi lên là một quốc gia đặc biệt vì 2 lí do: 1) Việt Nam liên tục thăng hạng trong bảng xếp hạng ĐMST toàn cầu và 2) Việt Nam liên tục được đánh giá là hoạt động nổi bật trong đổi mới phục vụ phát triển kinh tế. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có sự chỉ đạo từ cấp Thủ tướng với Nghị quyết thành lập nhóm chuyên viên đặc biệt để cùng các bộ thúc đẩy chính sách đổi mới sáng tạo.

Đây là những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là phát triển dựa trên hoạt động nghiên cứu & triển khai (R&D) và đổi mới sáng tạo.

II. Tín hiệu mới

Tại hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội cho Đồng bằng sông Cửu Long”  ở Vĩnh Long,  đại diện Vụ Công nghệ thông tin- Bộ TT&TT  đã đưa ra các số liệu thống kê phản ánh bức tranh tổng thể về tình hình phát triển CNTT Việt Nam trong hai năm 2016 – 2017:

Số tỉnh, thành phố làm công nghiệp CNTT đã tăng từ con số 50 của năm 2016 lên 57 năm 2017.

Năm 2017, tổng doanh thu công nghiệp CNTT đạt 91.592 triệu USD, tăng  hơn 35%, kim ngạch xuất khẩu CNTT đạt 83.364 triệu USD, tăng trên 28,7%; tổng số nhân lực CNTT là 928.103 người, tăng hơn 21,1%; và nộp thuế trên 23.600 tỷ đồng, tăng hơn 26% năm 2016.

Năm 2017, cả nước có 50.304 doanh nghiệp CNTT , gấp hơn 2 lần năm 2016  (24.501 DN). Trong dó 21.880 DN kinh doanh phân phối CNTT, 12.338 DN dịch vụ CNTT, 8.883  DN phần mềm, 4.001 DN phần cứng, điện tử; và 3.202 DN nội dung số.

Tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp CNTT, doanh thu, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 so với 2016 rất ấn tượng, được dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc trong những năm tới.

Một tín hiệu mới là nhiều tập đoàn kinh tế sau thời gian tích lũy vốn, nâng cao trình độ công nghệ, nguồn nhân lực đã chuyển hướng kinh doanh sang ngành công nghiệp tương lai thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; điển hình là Vingroup.

Ngày 6/9/2018, Vingroup đã được Tạp chí Forbes vinh danh trong bảng xếp hạng 50 doanh nghiệp hàng đầu khu vực Châu Á (Asia’s Fab 50 2018).    Vingroup đã ký kết thỏa thuận với hơn 50 trường Đại học Việt Nam hợp tác 4 nội dung: tài trợ các dự án nghiên cứu khoa học - công nghệ; trao đổi học hỏi kinh nghiệm giữa các giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên; giảng dạy và chia sẻ tri thức; Vingroup sẽ tiếp nhận khoảng 100.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành CNTT trong 10 năm tới.

Vingroup công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực Công nghệ - Công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028 sẽ trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế: 1) Tập đoàn hoàn thiện và nâng cấp chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động thương mại dịch vụ, không chỉ là chỗ dựa tài chính mà còn là hệ sinh thái quan trọng để hỗ trợ công tác nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ - công nghiệp; 2) Tập đoàn đẩy mạnh sản xuất ô tô và sản xuất các sản phẩm điện tử thông minh - gia dụng. Dự kiến cuối 2018 sẽ cúng ứng thị trường điện thoại và tivi thông minh; đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm ra thị trường thế giới.

Vingroup thành lập Công ty VinTech, tách ra từ Công ty VinSmart,  tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, phần mềm và R&D vật liệu mới; thành lập Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn ( Big Data) và Viện Nghiên cứu công nghệ cao (Vintech).

Tập đoàn xây dựng Trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao (VinTech City) tại Hà Nội nhằm tạo ra hệ sinh thái toàn diện tương tự như thung lũng Silicon để phục vụ cho các công ty khởi nghiệp về công nghệ thông tin, bao gồm khu văn phòng, dịch vụ sinh hoạt và dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp.

Tập đoàn thành lập Quỹ Đầu tư về công nghệ với nhiệm vụ tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển những dự án công nghệ - trí tuệ nhân tạo có khả năng ứng dụng cao trên phạm vi toàn cầu. Ngoài việc được hỗ trợ về tài chính, các đối tác của Vingroup sẽ được sử dụng hệ sinh thái của Tập đoàn để tổ chức thực nghiệm và thương mại hóa các sản phẩm. VinTech lập Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Khoa học – Công nghệ với mục tiêu tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, robotic, tự động hóa, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, nguyên liệu thế hệ mới… với định hướng đưa ra các sản phẩm, các giải pháp công nghệ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Quỹ cũng sẽ tài trợ học bổng cho các sinh viên tài năng của Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ để nuôi dưỡng nhân tài.

Nhiều tập đoàn kinh tế như Viettel, FPT, Công ty cổ phần MISA, Công ty CMC, Công ty cổ phần VNG quan tâm đầu tư xây dựng năng lực công nghệ mới và tham gia vào quá trình chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản phẩm và dịch vụ.  FPT phát triển phần mềm cho xe tự hành và bắt đầu hợp tác cung cấp dịch vụ cho một số hàng xe lớn tại Nhật Bản và châu Âu. Viettel đưa các công nghệ mới vào phát triển các sản phẩm – giải pháp cho các dự án  Chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh. VNG thành lập trung tâm nghiên cứu thử nghiệm ứng dụng IoT, AI.

Tín hiệu tích cực về việc chuyển đổi kinh doanh của nhiều tập đoàn để phù hợp hợp với kỷ nguyên nền kinh tế số đang đối mặt với sự thiếu trầm trọng nguồn nhân sự cho cách mạng công nghiệp 4.0, trong bối cảnh các Bộ, Ngành, cơ quan Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy các công nghệ mới (như AI, IoT, Robotic, AR, VRR, Blockchain, Big Data) đòi hỏi đẩy nhanh cuộc cải cách nền giao dục quốc gia để thích ững với giai đoạn phát triển mới.

III. Doanh nghiệp với thời đại kỷ thuật số

Doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động trực tiếp của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong tương lai gần có ngành phải thu hẹp kinh doanh, nhiều lao động của con người được thay thế bằng robot; đồng thời có ngành mới ra đời tạo ra nhiều việc làm đòi hỏi kỷ năng cao. Nhiệt điện than, thủy điện, điện tử, công nghiệp chế tạo, dệt may, giày dép phải điều chỉnh trong ngắn hạn và trung hạn để thay đổi kịp với xu thế của thế giới. Du lịch, thương mại, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, xây dựng được hưởng lợi từ nền tảng số hóa, kết nối dữ liệu lớn (Big Data).

Doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội, đổi mới nhanh công nghệ và mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường thì tăng trưởng nhanh và có hiệu quả cao. Ngược lại nếu “lạc nhip” sẽ kinh doanh thua lỗ, thậm chi phá sản.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyên Tổng giám đốc Viettel cho rằng, Cách mạng 4.0  quan trọng là có dám làm, dám thay đổi không.

“Từ tổng quát nhất để mô tả cách mạng 4.0 là làm ngược. Công cụ 4.0 chủ yếu hỗ trợ cho việc làm khác đi. Còn nếu cứ làm giống những người đi trước, mãi mãi sẽ không có cơ hội bứt phá... Đối với việc đào tạo nguồn nhân lực cần đề ra  mục tiêu cao hơn, khó hơn mà nhiều người nghĩ là không thể thì mới tạo ra được sự khác biệt”.

DNVVN có vượt qua được thách thức do hạn hẹp về nguồn lực để tranh thủ cơ hội mới của cách mạng 4.0 (?).

Theo nhiều nghiên cứu của thế giới thì để thay đổi bắt nhịp với cách mạng 4.0 quan trọng là đổi mới tư duy theo hướng sáng tạo, cũng cần vốn đầu tư nhưng không phải vượt quá khả năng của đại bộ phân DN, bởi vì ứng dụng công nghệ AI, IoT, Robotic, AR, VRR, Blockchain, Big Data đòi hỏi chi phí không nhiều.

Ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng giám đốc Công ty Hóa mỹ phẩm quốc tế ICC cho biết, trước đây nhà máy sản xuất của ICC có hơn 150 công nhân nhưng sau khi thay đổi công nghệ chỉ còn 50 công nhân, mà sản lượng gấp ba lần. Không chỉ chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất, các doanh nghiệp cũng phải thay đổi công nghệ quản trị. Với hệ thống quản trị doanh nghiệp mới, lãnh đạo doanh nghiệp có thể nắm được tình hình sản xuất hằng ngày từ khâu nguyên liệu đầu vào đến khi đưa sản phẩm ra thị trường,  giải quyết kịp thời nếu xảy ra sự cố. 

Ông Huỳnh Dũng Sáng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp và Thiết bị chiếu sáng Duhal cho biết, từ năm 2010 đã ứng dụng công nghệ cao; hiện là đối tác chiến lược của Tập đoàn Samsung, luôn đầu tư về công nghệ, sẽ tiếp tục đầu tư R&D để tối ưu quy trình sản xuất. Nhờ đó đã tăng trưởng liên tục, doanh thu năm 2017 đạt trên 1.000 tỉ đồng, trong đó xuất khẩu chiếm 30%; mục tiêu  năm 2020 tăng năng lực sản xuất gấp 5 lần hiện nay, đạt doanh thu 250 triệu USD.

Ông Phạm Hoàng Thái Dương, nhà sáng lập Công ty CP Color Life cho biết,  đã dành 3 năm để nghiên cứu về công nghệ ứng dụng cho ngành hoa, sau khi đã xây dựng được hạ tầng cơ bản rồi mới mở shop hoa và kinh doanh hoa; sắp mở chi nhánh ở Hà Nội trong năm nay và ở Campuchia trong năm 2019. Công ty ứng dụng công nghệ thông tin từ đặt hàng, giao hàng, quản lý sản xuất, kế toán tài chính, nhân sự và chăm sóc sau bán hàng; do đó các nhà đầu tư dễ dàng quan sát, đánh giá tình hình kinh doanh của công ty, từ đó có quyết định đầu tư chính xác hơn.

Những ví dụ điển hình trên đây đã minh chứng năng lực sáng tạo trong kinh doanh của người Việt Nam từ Tống giám đốc tập đoàn lớn Viettel, đến lãnh đạo doanh nghiệp quy mô vừa như  Công ty CP Công nghiệp và Thiết bị chiếu sáng Duhal, Công ty Hóa mỹ phẩm quốc tế ICC cho đến doanh nghiệp nhỏ bán hoa, Công ty CP Color Life; vấn đề quan trọng nhất là ý tưởng mới, tính sáng tạo “làm khác trước, khác mọi người” mang lại thành công của doanh nghiệp.

IV. Chính phủ diện tử

Để phát triển kinh tế tư nhân thì xây dựng Chính phủ điện tử là đòi hỏi của đổi mới quản lý nhà nước trong thời đại kỷ thuật số. Ngày 14/10/2015 Chính phủ ban hành Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử (CPĐT) công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Văn phòng Chính phủ cho biết, đến cuối năm 2017, nhiều bộ, ngành, địa phương đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến, kết nối dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia; nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4  đã được người dân và doanh nghiệp thực hiện với số lượng hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết rất lớn như Bộ Công an hơn 8,8 triệu hồ sơ (cấp hộ chiếu và khai báo tạm trú), Bộ Công Thương gần 772.000 hồ sơ, Bộ GD&ĐT 270.000 hồ sơ, Bộ Giao thông Vận tải 144.1189 hồ sơ; Hà Nội 225.173 hồ sơ; Lâm Đồng 110.625 hồ sơ; Cà Mau trên 95.000 hồ sơ; Thái Nguyên 91.201 hồ sơ; Hà Nam gần 82.000 hồ sơ.

Trong 71 nhiệm vụ Chính phủ giao cho các bộ, ngành mới có 44 nhiệm vụ cơ bản hoàn thành, đạt tỷ lệ 61,9%. Một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như  cơ chế tài chính phù hợp cho đầu tư, ứng dụng CNTT, thiết lập các hệ thống thông tin nền tảng như đất đai, xây dựng, việc cấp phép qua mạng điện tử mới được triển khai.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, tình trạng chậm trễ trong xây dựng CPĐT không phải là thiếu nguồn lực mà là các bộ, ngành và địa phương còn né tránh nhiệm vụ này, chưa coi đây là nhiệm vụ của cấp trưởng. Thủ tướng yêu cầu thành viên Chính phủ, các tỉnh thành thay đổi nhận thức và hành động, thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”; xây dựng CPĐT gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, lấy công nghệ thông tin làm công cụ để thực hiện mục tiêu cải cách.

Doanh nghiệp đánh giá cao việc thực hiện CPĐT ở tất cả các cấp chính quyền từ xã phường, quận huyện, tỉnh thành phố và các cơ quan trung ương đã giảm bớt nhiều chi phí và thời gian khi thực hiện các dịch vụ công; đồng thời hy vọng sẽ có đột phá theo hướng CPĐT ứng dụng các công nghệ và nguyên tắc dựa trên nguồn mở và hợp tác; thông tin minh bạch công khai được truy cập rộng rãi,  quyền doanh nghiệp có thể sử dụng lại, tài bản, thay đổi mục đích và thêm giá trị đối với thông tin khu vực công.

Để đáp ứng đòi hỏi của quy mô từng loại DN, cùng với việc hoàn thiện luật pháp như sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật DN năm 2014 dang được tiến hành, cần có quy định riêng cho DNVVN và Tập đoàn kinh tế, bởi vì không thể dùng một chiếc áo cho nhiều người có kích cỡ khác nhau.

Đối với DNVVN đã có Luật hổ trợ DNVVN, tuy vậy gần hai năm kể từ khi có hiệu lực thi hành đầu 2017 đại bộ phận DN chưa được thụ hưởng các ưu đãi, hổ trợ đã được quy định; sô DN tiếp cận với tín dụng của ngân hàng thương mại còn ít và khá khó khăn, các quỹ hổ trợ của nhà nước chưa được triển khai có kết quả. Do vậy, cần từ thực tiễn để đánh giá việc thực hiện luật này, sửa đổi bổ sung để hoàn thiện, coi trọng hơn chỉ đạo thực hiện để phát huy hiệu lực của pháp luật.

Chính phủ cần coi trọng việc xây dựng hệ sinh thái đủ khuyến khích thành lập DN khởi nghiệp, DN mới trong đó có DNVVN, khắc phục nhanh và có hiệu  quả các điểm nghẽn như cơ chế hổ trợ vốn từ các quỹ hổ trợ DNVVN, quỹ đổi mới công nghệ; khuyến khích bằng cơ chế ưu đãi để thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn kinh tế trong nước; tăng tỷ lệ tín dụng ngân hàng đối với DNVVN (hiện chưa đến 30%) bằng thay đổi cơ bản điều kiện vay và thế chấp.

Để hổ trợ DNVVN, chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp cùng với chính sách và cơ chế ưu đãi, Chính phủ cần khuyến khích mạnh mẽ việc hình thành các công ty tư vấn về luật pháp, đăng ký kinh doanh, kế toán thuế với các cán bộ có trình độ chuyên môn cao với chi phí hợp lý để hổ trợ DNVVN trong quá trình từ khi thành lập cho đến sản xuất và kinh doanh, hạch toán lỗ lãi và thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước.

Đối với tập đoàn kinh tế mặc dù số lượng không nhiều nhưng đã chứng minh được tiềm năng và sự thích ứng với thời đại kỷ thuật số, cần có hệ sinh thái riêng được bảo đảm bằng hành lang pháp lý thuận lợi để mỗi năm có thêm nhiều tập đoàn mới thành lập, những tập đoàn hiện có được định hướng vào ngành và lĩnh vực ưu tiên, được khuyến khích vươn ra thị trường thế giới để Việt Nam có chổ đứng vững chắc trên bản đồ các tập đoàn kinh tế hàng đầu khu vực và từng bước trên thế giới. Kinh nghiệm của Viettel, FPT, True Milk trong đầu tư ở nước ngoài là bài học để các tập đoàn kinh tế khác nghiên cứu để vươn ra thị trường thế giới. Thành công của Vingroup, Sungroup trong đầu tư vào nhiều ngành, lĩnh vực đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường nội địa đã khẳng định năng lực của DN Việt Nam; sự chuyển đối của Vingroup sang công nghiệp công nghệ cao rất cần được Chính phủ hổ trợ để nhanh chóng gặt hái được những thành quả lớn.

Kết luận

Kinh tế tư nhân đang trên đà tăng trưởng, số DN mới thành lập năm sau nhiều hơn năm trước, số vốn của người dân đưa vào kinh doanh hàng triệu tỷ đồng mỗi năm. DN khởi nghiệp đang là trào lưu sôi động thu hút hàng vạn lớp người trẻ tuổi có ý chí, có hoài bão, có sức sáng tạo dám nghĩ, dám làm; mặc dù tỷ lệ thất bại không nhỏ, nhưng số người trẻ thành đạt ngày càng nhiều, báo hiệu xu thế mới của kinh tế tư nhân nước ta. DNVVN có quy mô ngày càng lớn hơn,kinh doanh đa dạng hơn, đa số coi trọng kinh doanh gắn với sáng tạo, năng động đang và sẽ là bộ phận đông đảo và quan trong nhất của đội ngũ doanh nghiệp.  Các DN lớn, bao gầm hàng nghìn tập đoàn kinh tế đã khẳng định vị thế trên thương trường, một số đã được xếp hạng cao trong khu vực và trên thế giới, là lực lượng tiên phong trong kinh doanh thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Tiềm năng lớn của kinh tế tư nhân cần được khai thác có hiệu quả bằng hệ sinh thái thuận lợi với hành lang pháp lý thông thoáng.  Cơ hội mới sẽ được tận dụng đối với những DN lấy đổi mới, sáng tạo, làm khác trước, khác với mọi người; nếu “lạc nhịp” sẽ không thể thành công được./.

Giáo sư - TSKH Nguyễn Mại

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ