Kinh tế Trung Quốc lao đao vì chiến lược Zero-COVID

Trong quý II, kinh tế Trung Quốc lao dốc 2,8% so với 3 tháng đầu năm. Nền kinh tế lao đao vì làn sóng COVID-19 và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.
THẢO PHƯƠNG
17, Tháng 07, 2022 | 06:45

Trong quý II, kinh tế Trung Quốc lao dốc 2,8% so với 3 tháng đầu năm. Nền kinh tế lao đao vì làn sóng COVID-19 và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.

Theo CNN, quý II vừa qua, kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 2 năm. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố hôm 15/7, GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,8% trong quý I và dự báo của giới quan sát.

So với quý trước, nền kinh tế Trung Quốc lao dốc 2,6%. Đây là kết quả tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2020, khi Trung Quốc chật vật đối phó với làn sóng COVID-19. 

Screen Shot 2022-07-17 at 06.24.54

Kinh tế Trung Quốc vừa ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 2 năm. Ảnh: Reuters.

Kiên quyết theo đuổi Zero-COVID

Trong nửa đầu năm nay, nền kinh tế tăng trưởng 2,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% của Bắc Kinh trong năm 2022. Hôm 15/7, giới chức Trung Quốc thừa nhận việc đạt các mục tiêu GDP sẽ rất khó khăn.

Giới chức Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức ngày càng lớn để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Các hoạt động kinh tế suy giảm mạnh vì chiến lược Zero-COVID (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Bắc Kinh.

Cùng với đó là cuộc trấn áp đối với lĩnh vực tư nhân, khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, những rắc rối của ngành ngân hàng và các cuộc biểu tình gia tăng.

 
Các con số đáng báo động trong quý II phơi bày những cú sốc lớn do đợt bùng phát Omicron và các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt tại những thành phố lớn

Ông Chaoping Zhu - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JP Morgan Asset Management

Kể từ tháng 3, chiến lược Zero-COVID của Bắc Kinh đã khiến hàng chục thành phố trên khắp đất nước bị phong tỏa trong nhiều tháng. Hàng triệu cư dân mắc kẹt trong nhà. Các nhà hàng, cửa hiệu và nhà máy phải đóng cửa, tác động nghiêm trọng tới hoạt động của người tiêu dùng và chuỗi cung ứng.

Giới chức Trung Quốc đã mở cửa trở lại nền kinh tế vào đầu tháng trước và dỡ bỏ các hạn chế ở một số thành phố lớn. Những tuần qua, các ngành sản xuất và dịch vụ có những dấu hiệu phục hồi.

Tuy nhiên, việc Bắc Kinh kiên quyết theo đuổi chiến lược Zero-COVID khiến các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư, người tiêu dùng không dám chi tiêu.

Chi tiêu của người tiêu dùng vẫn yếu, trong khi thị trường việc làm đang chịu áp lực lớn. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc đã lập kỷ lục mới 19,3% trong tháng 6. Giá hàng hóa toàn cầu tăng cao, nhất là giá thực phẩm và năng lượng, cũng làm gia tăng áp lực nhập khẩu.

Theo ông Chaoping Zhu - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JP Morgan Asset Management, các con số đáng báo động trong quý II phơi bày những cú sốc lớn do đợt bùng phát Omicron và các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt tại những thành phố lớn.

Ngoài ra, theo ông, nếu Bắc Kinh nới lỏng các lệnh hạn chế chống dịch hơn nữa, niềm tin của người tiêu dùng có thể trở lại.

Một số điểm sáng

Theo ông Larry Hu - nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie Group, các dữ liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm phải lên tới 7%, tăng trưởng cả năm của Trung Quốc mới đạt mục tiêu 5%.

Kinh tế Trung Quốc vẫn có một số điểm sáng. Lĩnh vực khai thác và chế tạo ghi nhận mức tăng trưởng 0,9% so với quý II/2021. Doanh số bán lẻ tháng 6 tăng 3,1% so với năm trước nhờ doanh số bán xe tăng vọt. Nguyên nhân chính là nhu cầu bùng nổ sau khi bị dồn nén và các chính sách hỗ trợ xe điện.

Sản xuất công nghiệp cũng phục hồi trong tháng 6 với mức tăng 3,9% sau một năm.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp bất động sản khổng lồ vẫn là lực cản lớn với nền kinh tế. Trong tháng 6, đầu tư bất động sản đã lao dốc 9,4% so với cùng kỳ năm trước, sau khi sụt giảm 7,8% vào tháng 5.

Screen Shot 2022-07-17 at 06.26.58

Cuộc khủng hoảng trong ngành địa ốc là lực cản lớn với kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Doanh số bán bất động sản (tính theo diện tích) lao dốc 18% trong tháng 6, sau khi sụt giảm 32% vào tháng 5. "Doanh số bán hàng sụt giảm đồng nghĩa với việc các tập đoàn địa ốc đang đối mặt với tình trạng suy giảm thanh khoản", ông Hu bình luận.

Theo China Real Estate Information Corp, người mua của 100 dự án ở 50 thành phố của Trung Quốc đã quyết định ngừng thanh toán các khoản vay thế chấp kể từ ngày 13/7, tăng từ 58 dự án hôm 12/7 và 28 dự án ngày 11/7. Nguyên nhân là những dự án nhà ở bị chậm tiến độ và giá nhà lao dốc.

Theo ông Zhu, sự gia tăng của số dự án nhà ở dở dang đang gây ra rủi ro lớn cho sức khỏe tài chính của các ngân hàng.

Theo ước tính của Nomura Holdings Inc., các tập đoàn địa ốc Trung Quốc mới chỉ giao được khoảng 60% số nhà mà họ đã bán trong giai đoạn năm 2013-2022. Vào khoảng thời gian này, các khoản vay thế chấp của Trung Quốc đã tăng 26.300 tỷ nhân dân tệ.

Theo dự báo của GF Securities Co., làn sóng dừng trả nợ có thể ảnh hưởng tới 2.000 tỷ nhân dân tệ khoản vay thế chấp. 

(Theo Zing)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ