'Khơi thông sông Cổ Cò là khát vọng rất lớn của nhân dân và mong mỏi của các nhà đầu tư'

Nhàđầutư
Hội thảo "Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam và Đà Nẵng" do Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức diễn ra chiều nay, ngày 8/1/2021 tại Quảng Nam với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng cùng các chuyên gia kinh tế.
NHÓM PHÓNG VIÊN
08, Tháng 01, 2021 | 13:45

Nhàđầutư
Hội thảo "Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam và Đà Nẵng" do Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức diễn ra chiều nay, ngày 8/1/2021 tại Quảng Nam với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng cùng các chuyên gia kinh tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn – Trưởng ban tổ chức hội thảo cho biết: Từ cuối thế kỷ XIX, sông Cổ Cò (xưa gọi là Lộ Cảnh Giang) - con sông nổi tiếng trong lịch sử giao thương kết nối Đà Nẵng với Hội An trong giai đoạn thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII bị bồi lấp, gây nên những thiệt hại lớn về nhiều mặt cho Quảng Nam - Đà Nẵng.

Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá tầm quan trọng của con sông này đối với quá trình phát triển, từ năm 2012 tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đã bàn việc hợp tác khơi thông trở lại con sông này. Việc khơi thông dòng sông Cổ Cò dài 25km chảy qua địa phận tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận và cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

nguyen-anh-tuan

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hội An.

Nhiều chuyên gia nhận định, khơi thông sông Cổ Cò không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa sâu sắc mà còn tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội nhất là ngành du lịch, phát triển đô thị và bất động sản không chỉ tại hai địa phương này mà còn tác động lớn đến sự phát triển của cả miền Trung.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự vui mừng trước việc tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng cùng Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức hội thảo “Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam và Đà Nẵng”.

"Khơi thông sông Cổ Cò là niềm mong mỏi rất lớn không chỉ của đảng bộ, chính quyền nhân dân của hai tỉnh, thành Quảng Nam và Đà Nẵng mà còn là khát vọng của các nhà đầu tư, của những người con xa quê", ông Lê Trí Thanh nói.

LTThanh

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hội An

Vẫn theo ông Lê Trí Thanh, bất cứ động thái nào của dòng sông này đều tạo cảm hứng cho mọi người, dòng sông Cổ Cò tuy ngắn nhưng nó mang trong mình rất nhiều ý nghĩa về lịch sử - văn hoá, tự nhiên và môi trường.

Khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ đặt vấn đề nghiên cứu khôi phục lại dòng sông Cổ Cò vào năm 1994, vào thời điểm đó, ý nghĩ chỉ là khơi thông một dòng sông, chứ không nghĩ rằng dòng sông này có tác dụng vô cùng to lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, môi trường, lịch sử như ngày hôm nay.

"Nhưng hôm nay, chúng ta mới có một hội thảo toàn diện, mang tính đa chiều, giải quyết tất cả bài toán đặt ra đối với việc khơi thông sông Cổ Cò và bàn cách làm sao khai thác tốt nhất giá trị gia tăng của dòng sông này", Chủ tịch Quảng Nam nói.

"Đối với hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, cho đến nay chưa có một cái hội thảo nào tạo được sự gạch nối giữa hai địa phương. Và tôi tin rằng, hội thảo ngày hôm nay sẽ đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của địa phương và cũng là một dấu gạch nối hữu hiệu giữa các nhà đầu tư với chính quyền, nhân dân hai tỉnh thành Quảng Nam và Đà Nẵng", ông Thanh nói.

Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng khi Sông Cổ Cò được khơi thông, ông tin tưởng sẽ có sự kết nối về đô thị giữa Quảng Nam và Đà Nẵng, nhất là với khu đô thị Điện Nam, Điện Ngọc. Khơi thông dòng sông sẽ giúp mở rộng đô thị của Hội An về phía Bắc và phát triển khu vực đô thị của Đà Nẵng về phía Nam.

"Tôi tin chắc rằng sông Cổ Cò sẽ là con sông đẹp nhất của Việt Nam. Hôm nay tại hội thảo này, tôi cũng muốn truyền tải khát vọng của lãnh đạo Đà Nẵng và Quảng Nam về một câu chuyện sông Cổ Cò, bắt đầu từ hôm nay", ông Thanh xúc động nói.

Đồng tình với ý kiến của ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: “Việc làm thế nào để chúng ta có những ý tưởng để giải bài toán về một dự án tại một vùng kinh tế trọng điểm theo hướng vừa hiện đại, vừa dân tộc và chúng ta có thể khắc phục các vấn đề như biến đổi khí hậu cũng như môi trường để làm cho sông Cổ Cò trở thành một con sông đẹp nhất Việt Nam là rất quan trọng, đây không chỉ là ước vọng của lãnh đạo Quảng Nam, Đà Nẵng mà là ước vọng của tất cả mọi người”.

NMai

GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh: Hội An

Theo Giáo sư Nguyễn Mại, tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng gắn kết với nhau về địa lý, lịch sử và văn hóa, bổ sung và tạo điều kiện cùng nhau phát triển theo hướng đổi mới, sáng tạo.

Trong đó, Quảng Nam có Dự án khu đô thị, dịch vụ Nam Hội An, Khu Kinh tế mở Chu Lai gắn kết, thúc đẩy cả một vùng kinh tế duyên hải miền Trung với công nghiệp ô tô của Công ty cổ phần Trường Hải, doanh nghiệp thành công nhất, công nghiệp dệt may phát triển đô thị Tam Kỳ, Dự án chương trình phát triển công nghiệp sạch và dịch vụ gắn sân bay Chu Lai, Dự án khí- điện và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, sản phẩm sau khí, Dự án hệ thống cảng cá và khu neo đậu, tránh bão.

Còn Đà Nẵng có tiềm năng phát triển du lịch đẳng cấp quốc tế do du khách có thể tiếp cận được bằng cả bốn loại phương tiện giao thông gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Đà Nẵng đang xây dựng nhiều khu công nghiệp trong đó có Khu công nghệ cao, xây dựng đô thị thông minh, tiến tới một thành phố đáng sống.

"Việc hai tỉnh thành Quảng Nam và Đà Nẵng cùng bắt tay, khơi thông dòng sông Cổ Cò dài 25km không chỉ sẽ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu sắc", Giáo sư Nguyễn Mại nhận định.

Giáo sư Mại cũng cho rằng, dự án nạo vét sông Cổ Cò sẽ rút ngắn được thời gian di chuyển từ Đà Nẵng vào Hội An bằng đường thủy, tạo lợi thế lớn về cơ sở hạ tầng, thu hút vốn đầu tư trong nước và quốc tế.

"Tôi đánh giá đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia trong giai đoạn 2021- 2025, cần được Chính phủ, các bộ đưa vào kế hoạch 5 năm sắp đến để có chính sách, cơ chế ưu đãi, tạo thuận lợi cho Quảng Nam, Đà Nẵng thực hiện dự án được nhanh chóng và hiệu quả. Do vậy, tôi kiến nghị với lãnh đạo hai địa phương nên coi cuộc hội thảo này là hội thảo mở đầu cho chuỗi các sự kiện khoa học để nghiên cứu sâu hơn về dự án này”, Giáo sư Nguyễn Mại nói.

Trong tham luận tại hội thảo, ông Phùng Phú Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, khu vực ven biển, ven sông Cổ Cò từ TP. Đà Nẵng qua thị xã Điện Bàn đến thành phố Hội An là vùng trọng điểm phát triển thu hút đầu tư.

Hung soXD

Ông Phùng Phú Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng. Ảnh Hội An

"Sau khi có các quy hoạch, để thực hiện xây dựng theo quy hoạch cần có những công cụ quản lý hữu hiệu, đặc biệt là về vấn đề không gian kiến trúc cảnh quan", ông Phong nói.

Khu vực nghiên cứu là khu vực ven biển, ven sông chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng...vv, khu vực kế cận di sản văn hóa thế giới dược UNESCO công nhận là phố cổ Hội An, không gian khu vực chứa đựng những các yếu tố đặc trưng về kiến trúc cảnh quan cần được bảo vệ và đảm bảo phát triển bền vững.

Trong tuyến ven biển, ven sông Cổ Cò hiện nay về công trình kiến trúc, trong khu vực có nhiều kiến trúc đặc trưng của vùng, việc bảo vệ nét đặc trưng riêng có này thông qua các quy định về kiểm soát không gian kiến trúc từng công trình là cần thiết.

Bên cạnh đó, là vùng ven biển có tài nguyên du lịch, khu vực cũng thu hút nhiều loại hình đầu tư xây dựng cao tầng, như các công trình dịch vụ, khách sạn, công trình biểu tượng, điểm nhấn không gian ..., do vậy việc điều phối, kiểm soát sự hài hòa cảnh quan chung tuân thủ định hướng quy hoạch là việc cần làm ngay.

Là tuyến không gian cảnh quan gắn với tuyến du lịch với lưu lượng lớn, bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương xây dựng khơi thông tuyến sông Cổ Cò, bổ sung một số giải pháp về giao thông và hình thành các du lịch ven sông kết nối Đà Nẵng - Hội An.

"Bởi vậy ngoài những yêu cầu về quy định thẩm mỹ không gian cảnh quan kiến trúc và bền vững nêu trên, cần thiết phải nghiên cứu những giải pháp thiết kế đảm bảo yếu tố an toàn giao thông", ông Phong nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng cho biết, định hình toàn bộ tuyến ven sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến thành phố Hội An là “Chuỗi công viên văn hóa - lịch sử - sinh thái Quảng Nam” được giới hạn bởi tuyến giao thông ven sông thành 5 khu công viên với tổng diện tích khoảng 408 ha, gồm: Công viên di sản, làng nghề; Công viên thiên đường xanh; Công viên làng rau Trà Quế; Công viên hoa; Công viên rừng dừa nước 7 mẫu.

Tuyến ven biển Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến thành phố Hội An tổ chức 12 không gian công viên cây xanh hướng biển với tổng diện tích khoảng 128 ha, trong đó có: Bãi tắm Viêm Đông; Bãi tắm Hà My; Cụm công viên biển Hội An.

Trước khi kết thúc bài tham luận của mình, ông Phong nhấn mạnh: "Tuyến ven biển, ven sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến thành phố Hội An-tỉnh Quảng Nam, là trục không gian trọng tâm, là lá phổi của tỉnh Quảng Nam, xây dựng hình ảnh tương lai ‘‘mở ra dòng sông’’ và ‘‘tràn đầy sức sống’’; đảm bảo được tính: Kết nối không gian Đà Nẵng - Quảng Nam; Kết nối không gian hai bờ sông;- Tạo cảnh quan hai bờ sông; đảm bảo không gian công cộng phục vụ đô thị và trực tiếp cho cộng đồng dân cư, du khách; Thu hút và định hướng quản lý không gian cảnh quan các dự án đầu tư phát triển hai bên bờ.

Phát biểu tại hội thảo, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường quan tâm về các giá trị đất đai gia tăng sau khi sông Cổ Cò được khơi thông.

DHVo

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hội An

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, ở nhiều quốc gia khác, giá trị đất đai tăng thêm không do đầu tư của người sử dụng đất tạo ra được thu bằng các sắc thuế phù hợp.

"Rất tiếc là Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013 đều có quy định mang tính nguyên tắc là “Nhà nước thu lại giá trị đất đai tăng thêm không do đầu tư của người sử dụng đất tạo ra”, nhưng quy định này hoàn toàn không có biện pháp để thực hiện", GS. Võ nói.

Vậy, giải pháp hiện có thể sử dụng chỉ là động viên sự đóng góp tự nguyện. Phần kinh phí còn thiếu để thực hiện dự án, các địa phương có thể vay của Quỹ phát triển đất và từ Kho bạc nhà nước. Các khoản thu từ đất với giá trị đất đai cao hơn sau khi dự án hoàn thành sẽ trả lại các khoản đã vay.

"Về nguyên tắc, kinh phí thực hiện dự án khơi thông sông Cổ Cò hoàn toàn có thể lấy từ giá trị đất đai tăng thêm trong tương lai", Giáo sư Võ nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Đức Long, Chủ tịch Tập đoàn Vicoland/Nhà sáng lập thương hiệu bất động sản nghỉ dưỡng Risemount cho biết, một đô thị muốn phát triển cần kết hợp bởi 2 yếu tố là đại đô thị hiện đại kết hợp với văn hóa. Từ đó, địa phương mới tạo ra được sự phát triển bền vững.

Long

Ông Bùi Đức Long, Chủ tịch Tập đoàn Vicoland/nhà sáng lập thương hiệu bất động sản nghỉ dưỡng Risemount. Ảnh: Hội An.

Theo ông Long, điểm thuận lợi của dự án này nằm ở chỗ Quảng Nam – Đà Nẵng trước đây là một. Do đó, đây là một điểm sáng cho dự án, nếu dòng sông Cổ Cò được khai thông. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tạo được sức mạnh, nhờ vào kết nối văn hóa, để phát triển kinh - tế xã hội một cách bền vững.

“Việc UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP. Đà Nẵng quyết liệt thực hiện việc khơi sông sông Cổ Cò vào năm 2021, tôi nghĩ đây sẽ là một dòng sông có 1 không 2 tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tạo sức cho các nhà đầu tư bất động sản đầu tư và tìm cách đầu tư vào các dự án trên dòng sông này. Tôi kêu gọi các nhà đầu tư, mạnh dạn đầu tư vào khu vực này. Việc đầu tư tại khu vực sẽ tạo ra được một giá trị gia tăng mới”, ông Long nói.

Theo ông Long, với những bước đi chiến lược định trước, các dự án của tập đoàn Vicoland mang thương hiệu Risemount tạo nên sự kết nối liên kết chuỗi du lịch đường sông độc đáo chỉ có tại Quảng Nam – Đà Nẵng với kết nối từ điểm đầu là sông Hàn (dự án Risemount Apartment & Movenpick Hotel and Residences Han River Danang và dự án Risemount Green Island villa) đến sông Cổ Cò (dự án Risemount X2 Hoian Resort & Khu Du Lịch Nam Cổ Cò) và điểm dừng cuối cùng là sông Thu Bồn (dự án Risemount Thuận Tình – Hội An).

Ngoài ra, Risemount X2 Hoian Resort & Khu Du Lịch Nam Cổ Cò là điểm sáng kết nối giao thoa giữa sự sôi động phát triển của TP. Đà Nẵng và nền văn hóa truyền thống của đô thị cổ Hội An – nơi từng là một thương cảng lớn, sầm uất. Theo đó, kết hợp cùng các dự án “Làng đại học” , kéo dài đường giao thông huyết mạch đường Võ Chí Công nối sân bay quốc tế, sân golf quốc tế BRG Đà Nẵng, các dự án FPT Complex, Cocobay… đã đưa khu vực phía Nam thành phố trở thành trung tâm hội tụ của trí thức, giải trí và văn hóa.

Chia sẻ ý kiến này, ông Lê Minh Phúc, Phó Chủ Tịch Công ty TNHH Khu Du Lịch Biển VinaCapital Đà Nẵng cho rằng sau khi dòng sông Cổ Cò dài khoảng 28km ở Đà Nẵng và Quảng Nam được khơi thông sẽ tạo động lực và gia tăng giá trị đột phá xung quanh 2 bên bờ sông thuộc khu vực sông – biển, kết nối đến quốc lộ 1A , tạo ra cơ hội vô cùng tiềm năng phát triển phong phú thêm các dự án du lịch ven sông và các khu đô thị sinh thái mới.

Theo ông Phúc, khơi thông Cổ Cò trước tiên sẽ tạo cơ hội phát triển nhiều hơn giao thông du lịch đường sông, tạo ra những điểm du lịch hấp dẫn/mới mẻ kết nối giữa Đà Nẵng-Hội An và ngược lại.

Bên cạnh đó, du khách có thể dừng chân nhiều điểm ven sông Cổ Cò để tham quan nhờ các tour du lịch sinh thái mới, giúp phong phú thêm các tour du lịch khu vực Đà Nẵng – Quảng Nam, kéo dài thêm ít nhất 1 ngày đêm lưu trú với du khách đến Đà Nẵng – Quảng Nam.

Cùng với đó, khơi thông dòng sông sẽ thúc đẩy cơ hội phát triển nhanh các khu đô thị, bất động sản xung quanh hai bờ sông, nâng cao chất lượng nghỉ dưỡng của du khách và cư dân sinh sống bên sông, kết nối với các công viên dọc hai bên bờ sông, nhiều mảng cây xanh sông nước mát mẻ thanh bình.

Thúc đẩy tính khả thi của khu đô thị mới, các dự án bất động sản mới có thể phát triển nhanh hơn và hình thành, thu hút cộng đồng dân cư mới, di dân cơ học để cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ để phát triển các dự án du lịch khu vực sông Cổ Cò – Biển từ Nam Đà Nẵng đến Hội An.

Theo ông Phúc, các khu đô thị cần phải cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ để phát triển các dự án thân thiện với môi trường phát triển: các trường đại học – cao đẳng – công nghệ cao/ IT, các Trung tâm IT parks, trung tâm công nghệ cao, không gian tích hợp đổi mới sáng tạo, các vườn ươm khởi nghiệp, các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D centers) kết nối với các phòng labs nghiên cứu cơ bản ….

Bên cạnh đó, các khu đô thị mới cũng cần có các kết nối với các giáo sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, sinh viên (nguồn nhân lực tài năng tại chỗ), cũng như thúc đẩy hình thành đầy đủ các hạ tầng của khu đô thị mới (giữa Đà Nẵng và Hội An), trong đó tính đến các trường học các cấp, các bệnh viện cho cư dân và du khách, du khách nghỉ dưỡng chữa bệnh - phục hồi chức năng, chăm sóc y tế cho các viện dưỡng lão trung - cao cấp…

Tại hội thảo, ông Lê Minh Phúc đề xuất chính quyền các địa phương 2 tỉnh thành Quảng Nam và Đà Nẵng cần kết nối/ khớp nối quy hoạch tổng thể chung, bao gồm cả khu vực 28km sông Cổ Cò để tạo sự đồng bộ và thuận lợi cho phát triển dự án khơi thông sông Cổ Cò.

Vẫn theo ông Phúc, khu vực đô thị ven sông Cổ Cò cần nghiên cứu sâu thêm quy hoạch kết nối của thành phố giáo dục Boston (Mỹ), nơi có các trung tâm đào tạo tiếng như Harvard, MIT và rất nhiều trường đại học - cao đẳng… để áp dụng một phần mô hình này, tạo ra một đô thị mới sầm uất trong tương lai nhờ các dự án phù hợp, thúc đẩy di dân cơ học, kết hợp với thu hút khách du lịch, và tạo công ăn việc làm tại chỗ, gia tăng chất lượng sống cho dân cư địa phương…

Sau buổi giải lao, hội thảo đã chuyển sang phẩn thảo luận. TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn điều hành phiên thảo luận.

mo1

 

thao-luan-mo

Phần thảo luận mở của hội thảo với nhiều ý kiến chất lượng góp ý khơi thông sông Cổ Cỏ. Ảnh: Hội An.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn: Phát biểu của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng đã thể hiện rất rõ quyết tâm chính trị của hai địa phương trong việc khơi thông sông Cổ Cò. Và phần trình bày của các Sở Xây dựng cũng đã cung cấp cho chúng ta những thông tin rất cụ thể về quy hoạch và tiến độ triển khai dự án…

Tham luận của hai doanh nghiệp cũng đã đưa ra những ý kiến, khuyến nghị với các cơ quan chức năng nhằm hoàn thiện quy hoạch. Tại phiên thảo luận này, với sự có mặt của các chuyên gia trung ương và địa phương, chúng tôi muốn bàn sâu một số vấn đề mà báo chí nói riêng và dư luận xã hội nói chung đang rất quan tâm.

Trước hết, thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, phải nói là khát vọng của nhân dân hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng rất rõ và dự án đang được tích cực triển khai. Nhưng dự án nằm trên địa bàn của 2 địa phương, cả Quảng Nam và Đà Nẵng, có ranh giới hành chính riêng, liệu quy hoạch của Quảng Nam và Đà Nẵng đưa ra có khớp nối được với nhau không?

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch tỉnh UBND Quảng Nam: Trong tất cả các công trình thể hiện tính liên kết vùng giữa Đà Nẵng và Quảng Nam, chưa có công trình nào thể hiện tư duy xuyên suốt của lãnh đạo 2 tỉnh, thành phố như dự án sông Cổ Cò. Đó là sự đau đáu làm sao để khởi thông lại sông Cổ Cò, thể hiện trong tất cả các cuộc làm việc của hai địa phương nhằm đáp ứng mong muốn của nhân dân.

le-tri-thanh

Ông Lê Trí Thanh. Ảnh: Hội An.

Tuy nhiên, qua dự án sông Cổ Cò có thể thấy bất cấp trong tư duy hành chính, quy hoạch trước đây. Chúng ta không nghĩ quy hoạch sông Cổ Cò theo một thể thống nhất, không phân theo địa giới hành chính, lập quy hoạch tổng thể ngay từ đầu. Dẫn tới hơn 20 năm triển khai độc lập, chia nhỏ, cơ bản đã được lấp đầy.

Về phía Đà Nẵng gần như đã thành hình, Quảng Nam thì cũng đã có 1 vài dự án triển khai. Đây là lỗi trong hoạch địch liên kết vùng cần phải được khắc phục càng nhanh càng tốt.

Quảng Nam – Đà Nẵng đã thống nhất thành lập ban điều phối quy hoạch sông Cổ Cò để sửa đổi những bất cập về không gian 2 bên sông, saau này đi vào khai tách trong tương lai để lại giá trị bền vững, là tài sản vô giá cho tương lai.

Hai địa phương đang bàn làm sao để đồng bộ hoá lại quy hoạch theo kiến trúc cảnh quan chung. Về phía Quản Nam đang rất cố gắng làm xong quy hoạch này trước tết.

Thời gian tới sẽ cần có sự điều chỉnh cục bộ các công trình mà tính điểm nhấn kiến trúc dọc sông Cổ Cò. Những điểm chưa đầu tư sẽ đầu tư từ nguồn lực của cả nhà nước và những doanh nghiệp tư nhân hưởng lợi từ dự án.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn: Ông có đồng tình với ý kiến của GS. Đặng Hùng Võ tại hội thảo vào chiều hôm nay, về việc Đà Nẵng đã đưa ra bài học về câu chuyện biết khai thác giá trị đất đai cho phát triển nói chung và phát triển cơ sở hạ tầng nói riêng, khi mà hệ thống luật pháp liên quan chưa thiện hoàn thiện như hiện nay?

nguyen-anh-tuan1

TS. Nguyễn Anh Tuấn điều hành phiên thảo luận mở. Ảnh: Hội An.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam: Tỉnh Quảng Nam muốn khai thông từ lâu rồi nhưng có gặp trở ngại trong thu xếp vốn. Tuy nhiên với sự quan tâm của Chính phủ, hiện nay Quảng Nam cũng đã chủ động thu xếp được 2 nguồn vốn chính là 850 tỷ từ dự án biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh và vay ADB 381 tỷ được coi là những nguồn vốn tạo sự kích thích ban đầu khá lớn cho dự án.

Về trung hạn tỉnh sẽ từng bước đầu tư hạ tầng công trình cầu, công trình công cộng 2 bên sông. Tỉnh sẽ có buổi làm việc với các nhà đầu tư muốn tham gia để biết nếu tham gia vào thì làm cái gì, cùng góp vốn đầu tư. Một số các hạng mục nhà đầu tư có thể tham gia như cầu qua sông 1 vài vị trí, các công trình công cộng, các bến cảng dọc theo du thuyền. Vấn đề tư duy tích hợp, hợp nhất các nguồn lực mang lại giá trị cao nhất cho dự án sông Cổ Cò.

Nguồn lực của đất là vô biên nhưng mang lại giá trị thế nào phải là vấn đề tư duy của cấp lãnh đạo và sự tham gia của cộng đồng nhà đầu tư, nhân dân. Nếu biết làm thì giá trị rất cao, nhưng không làm tốt tốt thì giá trị cũng không bao nhiêu. Nguồn thu từ đó lại điều tiết vào hạ tầng, công trình giao thông lại mang thêm giá trị cho đất. Đây là vấn đề không chỉ Đà Nẵng, Quảng Nam cũng xác định sắp tới nguồn thu từ đất sẽ là nguồn thu mang lại giá trị cao cho Quảng Nam.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn: Vâng, xin cảm ơn ông ! Có lẽ tôi cũng có câu hỏi tương tự với đại diện lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về chuyện kết nối quy hoạch của hai địa phương trong dự án khơi thông sông Cổ Cò. Đà Nẵng đã làm trước, Quảng Nam làm sau thì liệu có câu chuyện 'cầu cao, cầu thấp', không đồng bộ cho tàu thuyền du lịch?

Ông Phùng Phú Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng: Thực ra ý nghĩa của việc khơi thông sông Cổ Cò thì các diễn giả đã nói rất nhiều rồi, còn về những tiềm năng cũng như thách thức của hai địa phương trong qúa trình triển khai dự án thì anh Lê Trí Thanh đã nói khá rõ rồi.

hung

Ông Phùng Phú Phong (cầm micro). Ảnh: Hội An.

Riêng với TP. Đà Nẵng, do tính chất của thành phố là qúa trình đô thị hóa rất nhanh, hiện nay các dự án ven sông Cổ Cò hầu như đã kín, như GS Đặng Hùng Võ có nói khi khai thác quỹ đất trong quá trình phát triển thì nếu tăng giá trị thì cơ hội của Đà Nẵng đến giai đoạn này vẫn còn, và để nâng giá trị lên thì việc khơi thông là quan trọng, nếu việc khơi thông này liên tục từ Hội An vê Đà Nẵng thì tạo động lực phát triển cho Quảng Nam.

Bên cạnh đó, đây cũng là động lực, cộng hưởng hỗ trợ cho sự phát triển của Đà Nẵng. Vấn đề ở đây là, có thể quỹ đất tại TP. Đà Nẵng đã hết rồi, các dự án cũng đã được triển khai gần hết, tuy nhiên để triển khai cácloại hình phục vụ du lịch, đô thị và cho cuộc sống hiện đại thì vẫn còn, tại đây nhà đầu tư sẽ tái đầu tư hoặc sử dụng các quỹ đất này phù hợp hơn.

Đối với một số dịch vụ phục vụ cho cuộc sống đô thị như y tế, du lịch, vấn đề khơi thông và kết nối sông Cổ Cò rất quan trọng. Việc khơi thông sông Cổ Cò ở Đà Nẵng hiện nay đã được rà soát và bổ sung thêm một số kết nối từ trục đường bộ hoặc những điểm kết nối giao thương, tạo ra khu vực để khi thuyền cập bến thì du khách có thể vừa mua sắm và vừa hưởng thụ đặc trưng của địa phương, cũng như các loại hình khác như đô thị hóa các nước triển, hoặc các không gian trữ tình.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn: Xin cảm ơn ông Phong. Qua các tham luận chiều nay, có thể thấy ngoài những yếu tố thuận lợi cũng có một lo ngại như về vấn đề nhiễm mặn. Thưa GS. Trần Đình Hoà, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, có đáng lo ngại về vấn đề này không và có giải pháp gì để khắc phục?

GS-TS. Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam: “Trước hết, tôi muốn khẳng định và bày tỏ quan điểm khởi thông dòng sông Cổ Cò sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương Đà Nẵng - Quảng Nam.

Theo đó, lịch sử đã cho thấy sự phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương đều phải dựa vào nguồn nước, dòng sông”. Việc hai địa phương khơi thông sông Cổ Cò, để phát triển kinh tế là đúng và phù hợp với xu thế chung.

hoa-lo

GS-TS. Trần Đình Hòa. Ảnh: Hội An.

Tuy nhiên, việc khơi thông sông Cổ Có cũng có sự bất cập. Theo đó, sông Cổ Cò chạy dọc ven biển từ Đà Nẵng đến Quảng Nam, nối cửa Hàn (hạ lưu sông Vu Gia - Đà Nẵng) với cửa Đại (hạ lưu sông Thu Bồn - Quảng Nam). Chính vì vậy, chế độ thủy văn, dòng chảy mùa lũ, mùa kiệt, xâm nhập mặn, bùn cát, xói lở, bồi lắng cửa sông Cổ Cò có sự tương đồng nhất định với lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Sông Cổ Cỏ chịu tác động của 3 yếu tố đến dòng chảy của sông Vu Gia, tác động của dòng chảy của sông Vu Gia, tác động chế độ dòng chảy của sông Thu Bồn và tác động của thủy triều.

Việc nạo vét sông Cổ Cò sẽ không đạt hiệu quả nhiều trong việc giúp thoát lũ và xả lũ cho sông Cổ Cò, bởi nơi này gần với vùng lũ, giữ lũ, không có khả năng thoát lũ. Do đặc điểm địa lý, việc bồi lấp tại dòng sông này sẽ tiếp diễn.

Ngoài ra, vấn đề môi trường cũng là vấn đề đáng lo ngại, do dân sinh tạo ra. Bên cạnh đó, khi khơi thông, dòng sông sẽ không được trong sanh và đẹp như hiện nay. Do đó, địa phương phải đặt ra các vấn đề, để xử lý các vấn đề này.

Do vậy, địa phương phải sớm xử lý các vấn đề phát sinh, nhất là vấn đề xử lý môi trường. Bên cạnh đó, hai địa phương phải thống nhất cùng một quan điểm về xử lý các vấn đề.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn: Hôm nay có một đại biểu rất đặc biệt là ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành uỷ Hội An (Quảng Nam), chúng tôi rất muốn nghe ý kiến của ông. Ông có thể bình luận thêm về một nội dung của các tham luận chiều nay?

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An: Lịch sử dòng sông Cổ Cò ai cũng biết, từng là trục giao thông chính, hình thành thương cảng Hội An. Chính các dòng sông đã tạo thương cảng Hội An sầm uất như vậy.

Việc bồi lấp dòng sông Cổ Cò có từ thời vua Tự Đức, mùa nước cạn thuyền không đi được và đến thời vua Đồng Khánh thì thuyền to không đi được nữa. Chính chế độ thuỷ chiều đã tạo nên sự bồi lấp của sông Cổ Cò.

nguyen-su

Ông Nguyên Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam). Ảnh: Hội An.

Ý định khơi thông sông Cổ Cò bắt đầu từ khá lâu từ năm 1994-1995 giống như nhu cầu khai thông mạch máu. Nhưng do điều kiện lịch sử tách tỉnh, chia tình thì đến năm 2012 mới bàn nhiều hơn về vấn đề này.

Với một số vấn đề đặt ra khi khơi thông sông Cổ Cò như nhiễm mặn, lũ, thực tế không thông sông Cổ Cò thì cứ tới mùa khô là Hội An, Đà Nẵng đã bị nhiễm mặn ở một số vùng. Vì vậy dù có khơi thông dòng chảy sông Cổ Cò không thì vẫn nhiệm mặn. Đó là tất yếu phải xảy ra do tự nhiên.

Về vấn đề lo ngại nhiều lũ hơn. Thực tế, lũ không phải do dòng sông mà do thuỷ điện, do cửa biển. Mùa khô không có nước chảy do nhiều yếu tố và như thế dứt khoát bị bồi lấp. Việc khơi thông dòng chảy được Cửa Đại sẽ được mở thông lại ít bị bồi lấp hơn.

Về giá trị của đất tăng lên sau khi khơi thông dòng chảy sông Cổ Cò và việc đổi đất lấy cơ sở hạ tầng. Thực tế, việc khơi thông dòng chảy không chỉ mang lại giá trị đất tăng giá mà còn có giá trị về mặt lâu dài là giá trị dịch vụ, xã hội, kinh tế tăng thêm từ hoạt động kinh doanh.

1.300 tỷ dự kiến dùng để đầu tư, khai thông sông Cổ Cò không phải là nhiều để dồn lực cho dự án mang tính chiến lược cho tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng – 2 vùng vốn chỉ khác nhau về địa giới hành chính còn đa phần là giống nhau. Không thể ngăn chặn các dòng sông, dòng nước bằng địa giới hành chính, đó còn là giá trị xã hội, kinh tế.

Việc dòng sông bị bồi lấp càng xảy ra tắc nghẽn dòng chảy chất thải càng làm ảnh hưởng tới môi trường. Việc khởi thông dòng chảy sông Cổ Cò sẽ có tác động tích cực rất cho môi trường Hội An. Tuy nhiên về quy hoạch phải nghiên cứu kỹ, khơi thông để bán đất thì không khó mà phải mang lại nhiều giá trị hơn cho xã hội, con người, kinh tế mới là ý nghĩa.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn: Xin cảm ơn ông Nguyễn Sự đã có những ý kiến rất tâm huyết với tư cách là một người rất am hiểu về địa phương, nhất là về sông Cổ Cò.

Có thể ý kiến của ông Nguyễn Sự khác với ý kiến GS. Đặng Hùng Võ về khai thác giá trị đất đai. Nhưng cá nhân tôi thì lại đồng tình với cả hai ý kiến, cần coi trọng giá trị văn hoá, giá trị gia tăng từ sản xuất kinh doanh nhưng cũng cần biết tận dụng giá trị đất đai để tạo nguồn vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng. Vì thời gian có hạn, tôi xin phép chuyển sang chủ đề khác.

Thưa anh Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban kinh tế Trung ương, gần đây Ban Kinh tế Trung ương đã xây dựng nhiều nghị quyết trình Bộ Chính trị ban hành như năm 2017 có Nghị quyết phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, sau đó có Nghị quyết 50 về FDI, Nghị quyết 52 về công nghệ số…

Với tư cách là đại diện cho cơ quan tham mưu hoạch định chiến lược phát triển, ông có đánh giá gì về dự án này, đặc biệt là về yếu tố quy hoạch vùng và vai trò của dự án khơi thông sông Cổ Cò đối với phát triển du lịch khu vực miền Trung?

IMG_4885

 

Ông Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương: Hôm nay tôi thấy rất tâm đắc với nhiều ý kiến trong đó của anh Lê Trí Thanh, từng câu từng chữ đã thể hiện tư duy kinh tế phát triển địa phương rất cao, tạo nên niềm tin trong việc phát triển kinh tế xã hội.

Tôi cũng thấy rằng nhà đầu tư đã dành cho Quảng Nam, Đà Nẵng một niềm tin rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội nói chung trong đó có dự án Khơi thông dòng sông Cổ Cò.Vê tư duy kinh tế vùng, kinh tế địa phương, tư duy kinh tế nói chung, thì một trong những điều trăn trở là dư địa phát triển.

Có thể nói các địa phương gần đây đều đã có những tìm tòi, cũng như các giải pháp. Gần đây Quảng Nam có những phát triển rất lớn, 63 tỉnh thành đều có những tư duy mới, tuy nhiên nút thắt hiện nay là có nhiều nội dung chúng ta phải tháo gỡ, trong đó có thể chế, mà cụ thể là khơi thông chuỗi giá trị, gắn với sư hình thành các chuỗi giá trị là vùng, tiểu vùng, không chỉ quốc gia mà còn quốc tế.

Có thể nói rằng, phát triển của Đà Nẵng và Quảng Nam xuất phát từ việc chúng ta có chủ trương mở cửa du lịch, và ảnh hưởng của covid-19 vừa qua chính là câu trả lời cho ảnh hưởng của du lịch cũng như tầm quan trọng của ngành này.

Để hình thành các tư duy cũng như giải pháp phát triển, theo tôi, khi nói đến địa phương thì mỗi địa phương đều có nhiệm vụ kinh tế chính trị khác nhau, do vậy, bây giờ việc hy sinh lợi ích địa phương này cho địa phương khác là khó, do vậy chúng ta cần bàn với nhau để tạo nên chuỗi giá trị và điều này trước hết phải xuất phát từ đóng góp tổng thể.

Bởi việc hai địa phương cùng nhau quyết tâm, liên kết lại thì rất bền vững, từ đó giá trị mạng lại sẽ mang lại hiệu ứng tổng thể.

Tôi nghĩ có hai vấn đề cần suy nghĩ. Một là Nghị quyết 08 liên quan đến quỹ phát triển du lịch, đối với địa phương, theo tôi có thể hình thành các quỹ phát triển sau này đó là tạo nên nguồn lực tài chính ổn định trên cơ sở nguyên tắc là ai được hưởng thì sẽ đóng góp là doanh nghiệp đóng góp là người dân đóng góp. Từ đó tạo nên một nguồn lực lâu dài.

Hai là điều phối, tất nhiên 2 địa phương thì sẽ có 2 cơ chế khác nhau. Do vậy để ngồi lại với nhau thì rất cần vai trò của Chính phủ. Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền để hoạch định, quy hoạch, cơ chế thì lúc đó chúng ta mới phát triển bền vững sau này.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn: Cảm ơn ý kiến của ông Đoàn Ngọc Xuân.

Trong các phát biểu chiều nay đã chỉ ra các cơ hội, tiềm năng phát triển du lịch, bất động sản sau khi dòng sông Cổ Cò được khơi thông. Các ý kiến đều cho rằng, việc khơi thông sông Cổ Cò tạo cơ hội rất lớn cho phát triển các dự án du lịch, đô thị, bất động sản. 

Thưa ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D của DKRA, ông có đồng tình với các ý kiến của các diễn giả chiều nay về cơ hội phát triển các dự án du lịch, đô thị, bất động sản?

Ông Nguyễn Hoàng, đại diện của DKRA: Bao giờ nhà nước đầu tư hạ tầng - 1 con đường, 1 dòng sông thì bất động sản là lĩnh vực đầu tiên phát triển, đi trước, làm nên sự sôi động của thị trường. Bất động sản phát triển khi dòng sông Cổ Cò được khơi thông là dễ dang nhìn thấy. Nhưng một vấn đề cần quan tâm là chúng ta mới nhìn thấy viễn cảnh mà chưa nhìn thực tế rằng khi phát triển dự án hai bên dòng sông lúc chủ đầu tư bán xong có lấp đầy được dân cư?

Như dự án phía nam Đà Nẵng hiện nay đã phân lô bán nền xong bao giờ dân cư mới lấp đầy? Đây cũng là vấn đề gặp ở nhiều nơi. Vì vậy, khi làm dự án bất động sản cần phải tìm được các chủ đầu tư có năng lực, uy tín mới làm nên dự án, họ đi tới đâu thì dân cư theo tới đó, tạo nên khu đô thị đúng nghĩa và làm nên giá trị bất động sản.

Quan sát thị trường 20 năm qua thấy cho thấy vấn đề các chủ đầu tư phát triển dự án rất cần phải xem xét tới năng lực, uy tín của chủ đầu tư, làm nên linh hồn, sức sống cho khu đô thị trong tương lai. Có thể sắp tới đây sẽ là khu đô thị mới tạo nên sức sống cho Đà Nẵng, vì vậy cơ chế của cơ quan quản lý phải làm sao nhanh nhất, tìm đúng đơn vị có uy tín để giao dự án.

Một vấn đề của thị trường bất động sản, đặc biệt là dự án bất động sản ven sống là giá đất rất cao, nên chỉ dành cho người nhiều tiền và rất nhiều tiền. Vì thế vấn đề những người dân sống xung quanh dự án đó sẽ như thế nào, ở đâu cũng là vấn đề cần quan tâm.

Dự án giá cao vậy làm sao thu hút cư dân? Bình Dương phát triển rất nhanh cho thấy bài học nhu cầu nhà ở, bất động sản tăng nhanh do là do có nhà máy, điện đường, trường trạm, tạo ra công ăn việc làm cho người dân.

Ông Bùi Đức Long, Chủ tịch Tập đoàn Vicoland/Nhà sáng lập thương hiệu bất động sản nghỉ dưỡng Risemount: Chúng tôi kỳ vọng địa phương phải thực hiện tiến độ đề án nhanh, để các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư, đồng thời đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án.

Với kinh nghiệm, tôi góp ý địa phương cần tổ chức một hội thảo để giải quyết các dự án manh nha trên sông Cổ Cò. Bên cạnh đó, địa phương nên chọn những nhà đầu tư lớn, để thỏa thuận với các nhà đầu tư nhỏ, không đủ năng lực, mua lại các dự án này, nhằm quy hoạch các dự án tốt hơn.

Ngoài ra, TP. Đà Nẵng cần tạo các dịch vụ trên sông, đặc biệt là các bến du thuyền kết nối các dòng sông với nhau, nhằm kết hợp khu kinh tế đêm. Đồng thời, thành phố cần quy hoạch một vùng kinh tế đêm hoạt động đến khoảng 3h sáng hôm sau.

long

Bùi Đức Long, Chủ tịch Tập đoàn Vicoland/Nhà sáng lập thương hiệu bất động sản nghỉ dưỡng Risemount. Ảnh: Hội An.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam: Sự manh mún trong quy hoạch tạo hệ luỵ lớn. Do đó trước hết phải có một quy hoạch tổng thể. Quan điểm của cơ quan quản lý là khuyến khích nhà đầu tư năng lực yếu không làm được thì chuyển nhượng cho nhà đầu tư có năng lực làm dự án, để đầu tư bài bản, ra tấm ra món, khai thác dịch vụ song song.

Vấn đề khai thác sau này là vấn đề quan trọng mới làm sống động được khu vực này. Tuy nhiên, việc này sẽ được bàn tới sau để làm sao khai thác tối đa các dịch vụ trên sông.

Như tôi đã kỳ vọng từ trước, hội thảo hôm nay đã mang lại những cảm xúc cho chúng ta, đồng thời cũng gợi mở ra nhiều vấn đề để hiện thực hóa những khát vọng mà chúng ta đang hướng đến.

Với tư cách là người đứng đầu địa phương, tôi đã lắng nghe rất nhiều ý kiến tại hội thảo, ước mơ, viễn cảnh rất đẹp nhưng để hiện thực hóa với chi phí phải trả thấp nhất là điều lãnh đạo một chính quyền trăn trở và suy nghĩ.

Mặc dù thời gian hạn chế, tuy nhiên hội thảo hôm nay đã đi sâu vào được những vấn đề căn cốt việc phát triển dòng sông này, từ khâu kết nối, tổ chức đến giá trị đem lại, đây cũng là điều chúng tôi rất trăn trở.

Dẫu vậy, những vấn đề tồn tại đặt ra tại hội thảo chúng tôi cũng đã có nghiên cứu và tôi nghĩ rằng với khoa học kỹ thuật hiện nay thì những vấn đề tồn tại tại sông Cổ Cò hoàn toàn có thể giải quyết được.

***

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các tham luận: “Báo cáo rà soát, khớp nối, định hướng quy hoạch cảnh quan ven sông Cổ Cò” do ông Ngô Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam trình bày; “Khơi thông sông Cổ Cò - Gặt hái từ giá trị đất đai tăng thêm”, do GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày; “Cơ hội phát triển các dự án du lịch và đô thị sinh thái mới tại khu vực sông Cổ Cò sau khi dòng sông này được khơi thông; Cơ hội và tiềm năng phát triển “Khu đô thị mới sông Cổ Cò thời đại”” do ông Lê Minh Phúc, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Khu Du lịch biển VinaCapital Đà Nẵng trình bày; Bất động sản ven sông - Điểm sáng trên thị trường bất động sản 2021 do ông Bùi Đức Long – Chủ tịch Tập đoàn Vicoland trình bày.

Tại phần thảo luận mở, đại diện lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng cùng các chuyên gia sẽ “giải mã” nhiều câu hỏi được đặt ra tại hội thảo như: Việc khơi thông sông Cổ Cò có ý nghĩa như thế nào về mặt tự nhiên cũng như phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương này? Đây có phải là cơ hội cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, bất động sản và du lịch đầu tư phát triển các dự án ven sông, ven biển, kết nối Đà Nẵng - Quảng Nam? Làm gì và làm thế nào để Dự án khơi thông sông Cổ Cò đáp ứng được kỳ vọng cả về bảo vệ môi trường, cảnh quan, thực sự mở ra không gian phát triển mới cho Quảng Nam - Đà Nẵng? Đâu là những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là về cơ chế huy động vốn, quy hoạch - kiến trúc,… để đẩy mạnh tiến độ dự án khơi thông sông Cổ Cò và giải pháp tháo gỡ, những khó khăn, vướng mắc đó? Từ thực tiễn Dự án khơi thông sông Cổ Cò, cần phải làm gì để tăng cường liên kết vùng, vai trò của bộ, ngành trong việc hoàn thiện quy hoạch phát triển các vùng kinh tế? Việc xử lý nhiễm mặn tại sông Cổ Cò sẽ được xử lý như thế nào?...

cac-dai-bieu

 

dai-bieu

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Hội An.

Theo đánh giá của TS. Đoàn Ngọc Xuân - Vụ trưởng Vụ xã hội, Ban Kinh tế Trung ương, việc khơi thông sông Cổ Cò đang được chính quyền TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam triển khai nhằm tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho hai địa phương mà còn có ý nghĩa góp phần phát triển kinh tế vùng duyên hải miền Trung và cả nước.

Ông Phùng Phú Phong - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng khẳng định: Nếu cần lựa chọn đâu là dự án tiêu biểu nhất mang tính biểu tượng cho sự hợp tác phát triển giữa hai tỉnh thành Quảng Nam và Đà Nẵng, đó chính là dự án khơi thông sông Cổ Cò.

Về quy hoạch 2 bên sông Cổ Cò, ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cho rằng không gian kiến trúc cảnh quan khu vực này là đặc biệt quan trọng, nhằm tạo dựng hình ảnh đặc trưng cho khu vực, hoàn thiện cơ sở khoa học và pháp lý trong việc quản lý quy hoạch kiến trúc, kiểm soát phát triển theo đúng định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt. Tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thết kế cảnh quan,... Với những lý do trên thì việc lập Thiết kế đô thị khu vực tuyến ven biển, ven sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến TP. Hội An là thực sự cần thiết.

Còn ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Bộ phận R&D Công ty DKRA Vietnam phân tích, sông Cổ Cò là sự kết nối các khu dân cư hiện hữu, các dự án đã và đang hình thành sẽ tạo nên vùng đệm giữa 2 thành phố Đà Nẵng và Hội An. Khi các dự án bất động sản khu vực này có sự sôi động phát triển sẽ kích thích thị trường bất động sản của cả Đà Nẵng - Quảng Nam hồi phục trở lại sau giai đoạn ngủ đông 2019-2020.

Về du lịch, ông Nguyễn Hoàng cho rằng khơi thông sông Cổ Cò sẽ phát triển đa dạng các hình thức du lịch trong đó có du lịch trên sông, kết nối văn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống…của các địa phương dọc theo dòng sông từ đó kéo theo sự phát triển của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Ban tổ chức hội thảo cho biết Hội thảo: "Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam và Đà Nẵng" là sự kiện đầu tiên trong năm 2021 do Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức. Trong năm 2021, Tạp chí Nhà đầu tư, tạp chí điện tử Nhadautu.vn dự kiến tổ chức 6-8 hội thảo, tọa đàm về những vấn đề chính yếu nổi lên trong lĩnh vực kinh tế, hoạt động đầu tư kinh doanh.

anh7

Hội thảo “Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam và Đà Nẵng” diễn ra vào chiều 8/1/2021, tại Quảng Nam. 

Dự án khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò bắt đầu chuyển động từ năm 2003, khi Công ty Tư vấn giao thông đường thủy (thuộc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế, Bộ GTVT) tổ chức khảo sát và lập dự án sau khi chính quyền 2 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng ngồi lại tìm giải pháp tháo gỡ cho con sông nhiều thăng trầm này. Tuy nhiên, đến tận năm 2019, 2 địa phương này mới chính thức "bắt tay" nhau triển khai dự án khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò. 

Khi hai tỉnh, thành Quảng Nam và TP. Đà Nẵng cùng nhau khơi thông dòng sông Cổ Cò dài 25 km (trong đó đoạn chảy qua tỉnh Quảng Nam dài 19,7 km) không chỉ sẽ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu sắc. Nhiều chuyên gia nhận định khơi thông sông Cổ Cò sẽ mang lại nhiều tiềm năng về tự nhiên, kinh tế - xã hội cho 2 địa phương.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ