Khoản nợ xấu 471 tỷ đồng hé mở nhân tố bí ẩn tại dự án Trũng Kênh

Nhàđầutư
Sau khi Licogi 16 và HANHUD rút lui, nhiều khả năng Vertical Synergy Viet Nam đã thế chân và hợp tác với Indecotech – pháp nhân còn lại trong liên danh ban đầu, để thực hiện dự án Trũng Kênh.
HỮU BẬT
01, Tháng 07, 2022 | 11:12

Nhàđầutư
Sau khi Licogi 16 và HANHUD rút lui, nhiều khả năng Vertical Synergy Viet Nam đã thế chân và hợp tác với Indecotech – pháp nhân còn lại trong liên danh ban đầu, để thực hiện dự án Trũng Kênh.

NDT - du an trung kenh

 Dự án Trũng Kênh. Ảnh: Vietnamfinance

Ngày 28/6, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo tổ chức bán đấu giá khoản nợ của CTCP Vertical Synergy Viet Nam (VSV). Thương vụ đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 13/7/2022.

Giá khởi điểm cho khoản nợ này là 471 tỷ đồng, bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi, phí phát sinh (tính đến ngày 21/6/2022 là 471 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 347,1 tỷ đồng; dư nợ lãi là 123,9 tỷ đồng).

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại TP.HCM, gồm tầng 1 căn hộ 63 Pasteur, phường Bến Nghé, Quận 1; 12 khu đất tại phường An Phú Đông, quận 12; khu đất tại số 102 Trần Quốc Toản, phường 7, quận 3. Chủ tài sản là ông Trần Văn Thông.

Ít ai biết, VSV còn tham gia phát triển dự án Khu chức năng đô thị Trũng Kênh kết hợp cải tạo, chỉnh trang lại làng xóm cũ (dự án Trũng Kênh), nằm đối diện trụ sở UBND quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, quy mô khoảng 214.883m2, tổng mức đầu tư khoảng 3.234,9 tỷ đồng.

Dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 3/2016, liên danh thực hiện dự án là CTCP Đầu tư và Phát triển công nghệ Hà Thành (Indecotech) - CTCP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội (HANHUD) - CTCP Licogi 16 (hiện đã đổi tên thành Công ty CP LIZEN).

Tuy vậy, cả Licogi 16 và HANHUD được cho là đã rút lui khỏi dự án. Nhiều khả năng Vertical Synergy Viet Nam đã thế chân 2 nhà đầu tư này. Theo đó, vào tháng 1/2017, Vertical Synergy Viet Nam và INDECOTECH đã ký Hợp đồng về việc hợp tác kinh doanh thực hiện dự án Khu chức năng đô thị Trũng Kênh kết hợp cải tạo, chỉnh trang làng xóm cũ tại phường Thịnh Liệt và phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội và các phụ lục/văn bản sửa đổi bổ sung.

Đầu năm 2018, VSV đã thế chấp toàn bộ các quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác nêu trên tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội để đảm bảo cho khoản vay. Tài sản bảo đảm được định giá hơn 490 tỷ đồng.

VSV và Indecotech của ai?

VSV thành lập vào năm 2011, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu (trừ khí dầu mỏ hóa lỏng LPG).

Giai đoạn 2016-2018 cho thấy cơ cấu cổ đông VSV có nhiều biến động. Tính đến tháng 1/2018, vốn điều lệ công ty đạt 100 tỷ đồng, các cổ đông gồm: Ông Trương Hoàng Vũ (85%), Võ Ngọc Huy (5%) và Nguyễn Tiến Đức (10%).

Trong đó, các ông Trương Hoàng Vũ, Võ Ngọc Huy từng có thời gian là Thành viên HĐQT tại CTCP Landmark Holding. Được biết, VSV cũng là một đối tác làm ăn lớn của Landmark Holding.

Tháng 11/2018, vốn điều lệ VSV tăng mạnh lên 300 tỷ đồng. Các vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Phạm Thành Trung (SN 1998) nắm.

Về phía Indecotech, đơn vị này được thành lập từ tháng 7/2005, hiện đóng trụ sở chính tại số 110 Trần Phú, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Tính đến tháng 5/2016, Indecotech có quy mô vốn điều lệ đạt 350 tỷ đồng, trong đó bà Nguyễn Thị Thúy Huyền (SN 1979) vừa là Tổng giám đốc, vừa sở hữu 51,3% vốn công ty. cổ đông còn lại là ông Phạm Xuân Tùng nắm 5% vốn.

Đến tháng 5/2016, ông Phạm Xuân Tùng thoái hết vốn khỏi Indecotech, trong khi tỉ lệ sở hữu của cá nhân bà Nguyễn Thị Thúy Huyền tăng mạnh lên mức 56,3% vốn điều lệ.

4 tháng sau, Indecotech tiếp tục tăng vốn lên mức 612,7 tỷ đồng. Đồng thời, vị trí người đại diện theo pháp luật của công ty này cũng được thay đổi từ bà Nguyễn Thị Thúy Huyền thành ông Nguyễn Tiến Trung (SN 1971) – Chủ tịch HĐQT.

Theo tìm hiểu, ông Trung hiện đừng tên cho một số doanh nghiệp như: CTCP Việt Kim Yên Bái, CTCP Việt Kim – Lai Châu, CTCP Tư vấn – Đầu tư Xây dựng Ba Đình, Công ty TNHH MTV Dệt công nghiệp Hà Nội – Hưng Yên.

Trong đó, CTCP Tư vấn – Đầu tư Xây dựng Ba Đình là chủ đầu tư dự án Hattoco tại 110 Trần Phú, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, và liên danh với Tổng Công ty Thành An triển khai dự án Thành An Tower tại 21 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội, mà nay được biết đến với cái tên Manhattan Tower. 

Cả 2 dự án của Xây dựng Ba Đình đều bị đình trệ nhiều năm, bị khách hàng khiếu kiện, đòi nhà rất phức tạp thời gian qua. 

Ngoài ông Nguyễn Tiến Trung, HĐQT của Indecotech còn 2 thành viên khác là các ông Vũ Đức Tiến (SN 1973) và ông Nguyễn Anh Tuấn (SN 1971). Trong đó, ông Vũ Đức Tiến là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) - thành viên trong hệ sinh thái Ngân hàng SHB của doanh nhân Đỗ Quang Hiển.

Như đã biết, SHB cũng là đối tác tín dụng cho liên danh VSV -  Indecotech tại dự án Trũng Kênh và Xây dựng Ba Đình trong dự án Thành An Tower, hay trong hợp đồng hợp tác với CTCP HBI ở dự án 203 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

Ở một chi tiết đáng chú ý khác, Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Indecotech hiện nay là ông Uông Huy Giang (SN 1978). Ông là nhà đầu tư nổi danh và từng là cổ đông lớn tại nhiều đơn vị như SHS, Tổng Công ty Cơ điện Xây dựng – CTCP (Agrimeco)….

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25455.00
EUR 26817.00 26925.00 28131.00
GBP 31233.00 31422.00 32408.00
HKD 3182.00 3195.00 3301.00
CHF 27483.00 27593.00 28463.00
JPY 160.99 161.64 169.14
AUD 16546.00 16612.00 17123.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18239.00 18312.00 18860.00
NZD   15039.00 15548.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3601.00 3736.00
SEK   2307.00 2397.00
NOK   2302.00 2394.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ