Ì ạch dời ga ra ngoại thành

Ga Nha Trang và Đà Nẵng đã lên kế hoạch di dời ra ngoại thành từ lâu, song nhiều năm qua vẫn ì ạch một chỗ. Một lối mở mới liệu có là giải pháp: kêu gọi tư nhân đầu tư?
DUY THANH - HỮU KHÁ
22, Tháng 11, 2019 | 15:32

Ga Nha Trang và Đà Nẵng đã lên kế hoạch di dời ra ngoại thành từ lâu, song nhiều năm qua vẫn ì ạch một chỗ. Một lối mở mới liệu có là giải pháp: kêu gọi tư nhân đầu tư?

20191119ga-nha-trang-4-4read-only-15743835242251715123821

Ga Nha Trang vẫn giữ được nét kiến trúc độc đáo từ khi được người Pháp xây dựng xong năm 1936 - Ảnh: DUY THANH

Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung (trụ sở ở Hà Nội) sẽ lập dự án tiền khả thi dời ga Nha Trang ở P.Phước Tân (TP Nha Trang) ra ngoại thành theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT).

Quyết định mới đây của Bộ Giao thông vận tải đã gây sự chú ý của dư luận: doanh nghiệp đề xuất bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ga Nha Trang mới tại xã Vĩnh Trung (TP Nha Trang) và được thanh toán bằng diện tích đất hiện nay của nhà ga.

Kế hoạch đã lâu nhưng chưa biết khi nào

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 28-2-2017, ông Lê Đức Vinh - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - nói rằng ga Nha Trang nằm trong khu vực trung tâm TP, với số lượng tàu ra vào ga có tần suất lớn nên thường xuyên gây ùn tắc và mất an toàn giao thông.

Do đó, UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đường sắt và tổ chức di dời ga Nha Trang ra khỏi nội thành theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 19-11, ông Huỳnh Ngọc Bông - chánh văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Khánh Hòa - cho hay tại cuộc làm việc đầu năm 2017 đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về vấn đề di dời ga Nha Trang.

Còn ông Nguyễn Văn Dần - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa - cho hay việc di dời ga Nha Trang là thuộc kế hoạch chung, lâu dài của Bộ Giao thông vận tải.

"Hiện nay lại có dự án đường sắt tốc độ cao, chỉ vận tải hành khách, ga kết nối tại tỉnh Khánh Hòa là ở Diên Khánh. Như vậy đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động thì ga hành khách Nha Trang cũng phải di dời. Nhưng hiện nay bộ chưa có kinh phí nên việc di dời phải chậm lại.

Theo tôi biết, đến giờ cũng chưa có kế hoạch thời điểm di dời ga Nha Trang" - ông Dần xác nhận.

Đà Nẵng cũng đề xuất đổi đất lấy công trình

Tại Đà Nẵng, dự án di dời ga đường sắt được công bố quy hoạch từ năm 2004, tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn nên dự án này "treo" đến nay đã 15 năm. Quy hoạch không triển khai được khiến đời sống của người dân 2 phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam (khu vực quy hoạch nhà ga mới) vô cùng khổ sở.

Mọi hoạt động xây dựng, tách thửa đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đều không được phép... Các công trình hạ tầng đường sá, thiết chế xã hội xuống cấp không được đầu tư.

Tương tự, việc tái thiết đô thị ở khu vực các quận Thanh Khê, Cẩm Lệ quanh khu vực đường sắt hiện hữu cũng không thể thực hiện được do phải chờ di dời nhà ga khiến bộ mặt đô thị lộn xộn, nhếch nhác.

Ông Trần Phước Sơn, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Đà Nẵng, cho biết dự án di dời ga Đà Nẵng và tái thiết đô thị đã được xác định là công trình trọng điểm, động lực và đã có chỉ đạo, chủ trương triển khai thực hiện từ rất lâu nhưng do không có tiền nên dự án bị kéo dài chậm trễ.

Theo ông Sơn, hiện Chính phủ đã ban hành nghị định số 69/NĐ-CP quy định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

Ông Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết việc triển khai dự án di dời ga đường sắt đã có từ lâu và lãnh đạo Đà Nẵng cũng như người dân ai cũng mong muốn sớm triển khai dự án để tháo gỡ nhiều ách tắc mà hiện nay TP đang đối mặt như giao thông, cảnh quan đô thị.

Tuy nhiên, dự án thuộc quản lý của ngành đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) nên gặp khó khăn về vốn, do đó đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Theo ông Thơ, trước thực trạng đó, Đà Nẵng có đề xuất phương án BT, cho thực hiện phương thức đổi đất lấy công trình và được quản lý nghiêm ngặt.

"Sắp tới nếu sau khi có chủ trương Chính phủ đồng ý cho thực hiện, TP sẽ bắt tay vào làm. Chúng tôi đề xuất hình thức vừa có sự tham gia của TP, vừa có ngân sách của trung ương. Bây giờ mới hé mở ra khả năng để làm" - ông Thơ nói.

2111-di-roi-ga-da-nang-1-15743835242221456700062

Đồ họa: Tuấn Anh

Quỹ "đất vàng" làm gì?

Theo báo cáo của Cục Đường sắt VN, ga Nha Trang hiện hữu là ga kỹ thuật hỗn hợp khách - hàng với tổng diện tích đất 14,8ha. Theo quy hoạch đã được các cấp phê duyệt, ga Nha Trang sẽ được cải tạo, chỉ còn chức năng tác nghiệp hành khách trong diện tích 4,8ha. Quỹ đất dư ra là 10ha.

Theo ông Phạm Văn Chi - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nếu phải dời ga Nha Trang ra ngoại thành, nhà ga hiện hữu cần được giữ nguyên và bảo vệ để làm bảo tàng đường sắt, vì nó là một di tích lịch sử - kiến trúc, góp phần phục vụ du lịch.

Về khu "đất vàng" 10ha ở ga Nha Trang, ông Chi đề nghị: "Phải giao cho tỉnh, tỉnh làm cho đúng quy hoạch, chứ không phải giao cho doanh nghiệp rồi làm "loạn" hết. Có thể làm các khu dân cư không có nhà cao tầng, mở rộng hạ tầng đường sá bên trong, có công viên...".

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Đà - một kiến trúc sư ở Nha Trang, Nhà nước cần phải tính toán nếu cho thực hiện dự án BT thì chỉ nên thanh toán một phần quỹ đất của ga Nha Trang cho nhà đầu tư, phần còn lại Nhà nước quản lý và tính toán thực hiện quy hoạch cho hợp lý, hài hòa.

"Nếu giao hết cho doanh nghiệp thì họ làm nhà cao tầng, trung tâm thương mại ở đây, sẽ phá vỡ kiến trúc của cả khu vực" - ông Đà dự báo.

Trong khi đó, kiến trúc sư Phan Văn Đáng nói rằng vì Nha Trang không có nhiều khu đất dành cho công cộng, nên quỹ đất cần dành lại để phục vụ cộng đồng càng nhiều càng tốt và các hạ tầng cần thiết cho TP.

* Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Cần đấu thầu "đất vàng"

Hiện tại những khu đất sau khi di dời các nhà ga đã được quy hoạch. Vấn đề quan trọng là cơ quan chức năng cần thực hiện đúng quy hoạch để đảm bảo phát triển đô thị bền vững, hài hòa. Trong đó, các cơ quan dân cử phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát đảm bảo chính quyền địa phương thực hiện đúng quy hoạch.

Riêng về việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án trên các khu "đất vàng" cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về đấu giá, đấu thầu. Tránh trường hợp chỉ định chủ đầu tư gây thất thoát cho ngân sách như một số vụ việc vừa qua.

* Ông Nguyễn Đăng Sơn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam):

Nên để xây công trình công cộng

Quan điểm của tôi là các đô thị nên có lộ trình di dời các nhà ga ra khỏi nội thành. Vấn đề ở đây là khi di dời ga sẽ để lại những khu "đất vàng", thậm chí "kim cương". Nhiều doanh nghiệp rất mong muốn có được những khu đất này để phát triển dự án địa ốc, khu đô thị.

Tuy nhiên, theo tôi, cơ quan chức năng nên suy nghĩ đến việc sử dụng các khu đất này để xây dựng công viên, công trình phúc lợi công cộng cho người dân.

Việc này sẽ đặt chính quyền địa phương nơi có nhà ga trước bài toán nên chọn lợi ích trước mắt là giao cho doanh nghiệp làm dự án để thu về một lượng tiền hay xây dựng công trình công cộng vì lợi ích lâu dài của người dân.

Nhưng trong điều kiện người dân các đô thị thiếu một cách nghiêm trọng những không gian công cộng như công viên, khu vui chơi... thì nên mạnh dạn lựa chọn lợi ích cho cộng đồng.

TIẾN LONG ghi

(Theo Tuổi trẻ)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24625.00 24945.00
EUR 26301.00 26407.00 27573.00
GBP 30639.00 30824.00 31774.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26849.00 26957.00 27794.00
JPY 159.52 160.16 167.58
AUD 15876.00 15940.00 16426
SGD 18054.00 18127.00 18664.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17893.00 17965.00 18495.00
NZD 0000000 14638.00 15128.00
KRW 0000000 17.58 19.18
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ