Huy động nguồn lực tài chính phát triển kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp Việt Nam
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp quan trọng của Việt Nam, hướng tới phát triển kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp.
Sáng 7/9, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadatu.vn tổ chức Hội thảo "Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn". Ban tổ chức xin giới thiệu toàn văn tham luận của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và nhóm nghiên cứu:
Huy động nguồn lực tài chính phát triển kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp Việt Nam
Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển của kinh tế tuần hoàn đồng thời là đối tượng thụ hưởng lợi ích thiết thực từ các mô hình kinh tế sáng tạo và văn minh này, tuy nhiên, nguồn tài chính cho doanh nghiệp để phát triển kinh tế tuần hoàn vẫn là thách thức lớn cần sự đồng hành, nỗ lực của Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp với các giải pháp thiết thực hiệu quả.
Bài viết sẽ tập trung vào 4 nội dung chính: (1) Lợi ích của kinh tế tuần hoàn đối với doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam; (2) Kinh nghiệm quốc tế và khu vực ASEAN về huy động nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp; (3) Thực trạng huy động nguồn lực tài chính cho kinh tế tuần hoàn Việt Nam; (4) Một số kiến nghị.
Lợi ích của kinh tế tuần hoàn với doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam
Kinh tế tuần hoàn (circular economy) (Pearce & Turner, 1990) là mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản "mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác". Theo Ellen MacArthur Foundation (2021), kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân doanh nghiệp. Để phát triển kinh tế xanh (green economy - nền kinh tế dựa trên 3 thành tố "kinh tế-xã hội-môi trường"); kinh tế tuần hoàn là sự lựa chọn tất yếu, là bước trung gian để khắc phục những nhược điểm của mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống (linear economy - dựa trên nguyên lý khai thác - sử dụng và thải bỏ), giải quyết những thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên thiên nhiên. Nguyên lý "phục hồi và tái tạo" của kinh tế tuần hoàn là sự lựa chọn tất yếu góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng "0", phát triển kinh tế xanh bền vững, lâu dài.
Kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, nền kinh tế và xã hội: (i) Tận dụng được nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng, giảm thiểu khai thác tài nguyên vốn đang cạn kiệt và không thể phục hồi; (ii) Giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên thông qua vận hành các mô hình kinh doanh tuần hoàn, sử dụng công nghệ sạch, công nghệ phát thải carbon thấp, góp phần hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường, giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (tổn thất do biến đổi khí hậu có thể lên tới 11% GDP Việt Nam vào năm 2100, theo WB); (iii) Giảm rủi ro thừa sản phẩm cho doanh nghiệp trong khi thiếu hụt nguyên liệu đầu vào;
(iv) Phát huy tính năng động, sáng tạo trong đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; (v) Là cầu nối giữa khoa học và kinh tế (đưa các sáng kiến, phát minh sáng chế vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp); (vi) Nâng cao tính tự lực, tự chủ của doanh nghiệp, góp phần phát triển nền kinh tế tự cường, bền vững; (v) Bắt kịp với xu thế của toàn cầu theo con đường “xanh”, hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045; (vi) Tăng hiệu quả và sự gắn kết giữa kinh tế - xã hội – môi trường (cứ 1 triệu USD đầu tư vào năng lượng tái tạo giúp tăng thêm ít nhất 5 việc làm so với đầu tư năng lượng hóa thạch).
Kinh nghiệm quốc tế và khu vực ASEAN về huy động tài chính cho phát triển kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp
2.1. Kinh nghiệm quốc tế
Nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp khá đa dạng, bao gồm: (i) Nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế (UNDP, IMF, WB, ADB…); (ii) Nguồn vốn ngân sách, vốn đầu tư phát triển của Chính phủ, địa phương; (iii) Nguồn vốn của doanh nghiệp (vốn tự có, huy động từ thị trường chứng khoán, thông qua M&A); (iv) Nguồn vốn từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp (vốn FDI, vốn FII…); (v) Nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Trong đó, nguồn vốn từ trái phiếu và quỹ đầu tư bền vững chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các nguồn vốn phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; vốn tín dụng xanh còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị thị trường tài chính bền vững và chưa được thống kê đầy đủ.
- Nguồn vốn trái phiếu bền vững: theo Climate Bonds, năm 2021, quy mô thị trường vốn nợ bền vững toàn cầu đạt mức kỷ lục 2,8 nghìn tỷ USD năm 2021, trong đó trái phiếu xanh (green bonds) chiếm 57% và tăng mạnh nhất 75% so với năm 2020; trái phiếu xã hội (Social bonds) chiếm 19,2%, tăng mạnh 941% so với năm 2020; trái phiếu bền vững (sustainability bonds) chiếm 18,5%, tăng 23% so với năm 2020; trái phiếu chuyển đổi (transition bonds) chiếm 0,34% và tăng 33% so với năm 2020.
Xét theo khu vực, 73% trái phiếu xanh là của các nước phát triển và 21% từ các khu vực đang phát triển. Khu vực Châu Á – TBD là khu vực lớn thứ hai toàn cầu (sau Châu Âu) về trái phiếu xanh, với tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh chiếm 13,3% toàn cầu; trong đó Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore chiếm 70% giá trị phát hành trái phiếu xanh của khu vực Châu Á – TBD.
Theo lĩnh vực, lĩnh vực tài chính chiếm 44% và lĩnh vực phi tài chính chiếm 56% tổng giá trị trái phiếu xanh toàn cầu, tốc độ tăng trưởng lần lượt đạt 143% và 111% so với năm 2020; các ngành nghề cũng khá đa dạng: ICT, năng lượng, xây dựng; giao thông (phát triển đô thị và phương thức vận tải bền vững); điện nước; bất động sản; nông nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn…
- Nguồn vốn từ thị trường cổ phiếu
+ Quỹ đầu tư bền vững: Theo Morning Star, tổng giá trị tài sản của các quỹ đầu tư bền vững toàn cầu cuối năm 2021 đạt 2,7 nghìn tỷ và quý II/2022 đạt 2,47 nghìn tỷ USD, mặc dù giảm 9,3% so với cuối năm 2021 song vẫn là mức cao trên 2 nghìn tỷ USD, gấp 2,6 lần mức trước dịch Covid-19, đồng thời mức giảm thấp hơn các quỹ đầu tư thông thường (14,6%) trong bối cảnh lạm phát tăng cao và suy thoái kinh tế cục bộ ở một số quốc gia. Châu Âu, Hoa Kỳ và Châu Á (trừ Nhật Bản) là các thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất về tài sản quỹ đầu tư bền vững toàn cầu.
+ Thị trường chứng khoán bền vững (SSE): tính đến đầu tháng 9/2022, Sáng kiến thị trường chứng khoán (TTCK) bền vững toàn cầu đã thu hút 120 TTCK toàn cầu với 62.279 doanh nghiệp niêm yết và vốn hóa đạt 127 nghìn tỷ USD, tăng 43,6% so với năm 2020, trong đó có nhiều TTCK của các nước mới nổi và đang phát triển.
- Vốn tín dụng xanh:
Theo Climate bonds, vốn tín dụng xanh chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn 3-5% tổng giá trị thị trường tài chính bền vững năm 2021 (khoảng 84 tỷ USD), tăng 18% so với năm 2020; trong đó, Châu Á – TBD chiếm 60% tổng quy mô tín dụng xanh toàn cầu. Tuy nhiên, đây là số liệu chưa đầy đủ, hầu hết là các khoản vay song phương thông qua các chương trình hợp tác quốc tế giữa các tổ chức quốc tế và các tổ chức tài chính của các nước; trong đó 3 lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất là năng lượng (40%), xây dựng hạ tầng (37,5%) và giao thông (27%).
2.2. Kinh nghiệm của ASEAN
Theo Climate bonds, thị trường vốn nợ bền vững của ASEAN có sự tăng trưởng mạnh mẽ và lập kỷ lục năm 2021. Trong đó, trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và bền vững đạt 24 tỷ USD, tăng 76,5% so với năm 2020 (riêng trái phiếu xanh và tín dụng xanh là 15,4 tỷ USD) và tài chính liên kết bền vững (bao gồm trái phiếu liên kết bền vững và tín dụng liên kết bền vững đạt 27,5 tỷ USD, gấp 3,2 lần năm 2020, gấp 1,8 lần tài chính xanh. Lũy kế đến hết năm 2021, tổng giá trị thị trường tài chính xanh của ASEAN-6 đạt 39,4 tỷ USD và tài chính liên kết bền vững đạt 39 tỷ USD.
Có bốn đặc trưng nổi bật về thị trường công cụ nợ bền vững của ASEAN-6:
- Thứ nhất, quy mô phát hành trái phiếu xanh của doanh nghiệp phi tài chính của khu vực ASEAN chiếm tỷ trọng lớn (79%), trái phiếu Chính phủ, chính quyền địa phương, tổ chức tài chính chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (8-12%); trong đó hơn 65% giá trị trái phiếu xanh trong lĩnh vực xây dựng và năng lượng. Singapore là quốc gia chiếm tỷ trọng cao nhất về trái phiếu xanh của ASEAN-6 và trái phiếu liên kết bền vững và tín dụng liên kết bền vững (lần lượt chiếm 77,9% và 84,5%), tập trung chủ yếu ở năng lượng tái tạo, lĩnh vực xây dựng hạ tầng, tái chế gia dụng, chất thải công nghiệp và xử lý nước thải…v.v. Thái Lan chiếm tỷ trọng lớn nhất về trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững (38%) và trái phiếu thích ứng với biến đổi khí hậu (96%) của khu vực.
- Thứ hai, tỷ trọng thị trường công cụ nợ xanh và công cụ nợ liên kết bền vững của ASEAN khá khác biệt giữa các quốc gia ASEAN-6 tùy thuộc vào chính sách phát triển và nhu cầu của các doanh nghiệp.
- Thứ ba, thị trường công cụ nợ xanh và công cụ nợ liên kết bền vững của ASEAN bao gồm cả tín dụng xanh và tín dụng liên kết bền vững (không tách biệt giữa trái phiếu xanh và tín dụng xanh; trái phiếu liên kết bền vững và tín dụng bền vững theo cách tính của Climate bonds); tuy nhiên chưa bao gồm tài chính cho “kinh tế nâu” và chuyển từ nâu sang xanh.
- Thứ tư, chưa ước tính được công cụ nợ liên kết bền vững, trái phiếu xã hội, trái phiếu thích ứng với biến đổi khí hậu của một số nước như Việt Nam, Campuchia do đây là lĩnh vực mới, quy mô còn quá nhỏ hoặc hầu như không có; các khoản tín dụng xanh, tín dụng liên kết bền vững hầu như được thống kê thông qua các chương trình hợp tác quốc tế giữa các tổ chức quốc tế và các tổ chức tài chính khu vực hơn là các thống kê của quốc gia.
Thực trạng huy động nguồn lực tài chính cho kinh tế tuần hoàn Việt Nam
Việt Nam đang bắt đầu bước vào kỷ nguyên kinh tế tuần hoàn với Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 về "Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam" là bước ngoặt quan trọng góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về "0" vào năm 2050; đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế.
Để hỗ trợ thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các nguồn lực tài chính đã và đang được huy động một cách tích cực, hiệu quả cho các doanh nghiệp và các hoạt động sản xuất, kinh doanh "xanh" (chủ yếu hiện nay vẫn là các nguồn lực cho tài chính "xanh").
- Về trái phiếu bền vững:
Theo Climate bonds và HSBC (2021), quy mô thị trường nợ bền vững, quy mô trái phiếu xanh, xã hội và bền vững của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD năm 2021, gấp 5 lần năm 2020, trong đó riêng quy mô trái phiếu xanh Việt Nam đạt 1 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng giá trị trái phiếu bền vững, đứng thứ hai ASEAN (sau Singapore). Công cụ nợ xanh ở Việt Nam được phát hành bởi Chính phủ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp tài chính và phi tài chính (đặc biệt là ngành vận tải và năng lượng). Một số đợt phát hành nổi bật là 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn của Vingroup trên thị trường quốc tế; 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh trong nước của EVNFinance.
Tuy nhiên, quy mô trái phiếu xanh Việt Nam còn nhỏ (chỉ chiếm 2,2% tổng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam năm 2021; thấp hơn 8 lần quy mô trái phiếu xanh của Singapore dù đứng thứ hai về quy mô phát hành trong ASEAN-6 năm 2021); chưa đáp ứng yêu cầu về ESG; chưa tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về phát hành trái phiếu xanh.
- Về huy động vốn trên thị trường chứng khoán
Chỉ số bền vững (VNSI) bắt đầu từ năm 2017 với sự tham gia của 20 Doanh nghiệp niêm yết bền vững hàng đầu Việt Nam (được lựa chọn trong số 100 công ty lớn nhất trên sàn HSX), các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này bao gồm các DN trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, xanh và ứng dụng công nghệ cao; năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…); chuyển đổi năng lượng sạch; giao thông, cung cấp điện nước, công nghệ thông tin và truyền thông. Đồng thời, TTCK Việt Nam đã tham gia sáng kiến TTCK bền vững (SSE) từ năm 2016, tuy nhiên, việc tuân thủ khung quản trị ESG chưa phổ biến; bộ Chỉ số bền vững (VNSI) còn hạn chế số lượng DN và nhiều tiêu chí đã lạc hậu.
- Về vốn tín dụng ngân hàng
Triển khai Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (Quyết định 1604/QĐ-NHNN ngày 07/08/2018), theo NHNN, tính đến tháng 8/2022, có khoảng 70 tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng được sản phẩm tín dụng ngân hàng xanh; 9 TCTD có thiết lập các hỗ trợ, ưu đãi cho các khoản tín dụng xanh; gần 20 TCTD xây dựng được sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 10 ngành kinh tế. Dư nợ tín dụng xanh với các dự án xanh 451 nghìn tỷ đồng (chiếm 4,2% tổng dư nợ), gấp gần 6 lần mức 70,8 nghìn tỷ đồng năm 2015. Tính đến hết quý I/2022, tổng dư nợ đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội là 1,31 triệu tỷ đồng, chiếm 14,5% tổng dư nợ nền kinh tế. Nhiều NHTM đã tăng cường hợp tác, thu hút vốn ODA từ các tổ chức quốc tế như ADB, IFC, ADF, IDFC…để tài trợ cho các dư án xanh, sản phẩm xanh như BIDV, VCB, Vietinbank, Agribank, SHB, HDBank, OCB…v.v.
Mặc dù dư nợ tín dụng xanh đã tăng trưởng tích cực trong giai đoạn 2016-2021 song quy mô dư nợ tín dụng xanh còn khá nhỏ so với tổng dư nợ nền kinh tế, hơn nữa chỉ tập trung vào một số NHTM lớn (nhiều NHTM chưa có hướng dẫn, vận hành cơ chế tài chính xanh từ các tổ chức quốc tế); nguồn tài chính cho tín dụng xanh còn phụ thuộc vào các dự án, chương trình có tài trợ quốc tế (thường quy mô nhỏ và điều kiện khắt khe).
Một số kiến nghị
Theo đánh giá của WB (2021), Việt Nam sẽ cần đầu tư khoảng gần 370 tỷ USD (tương đương 6,8% GDP/năm) trong giai đoạn 2022-2040 để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, với lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và thích ứng biến đổi khí hậu trong đó 35% từ ngân sách, 65% từ nguồn tư nhân (trong và ngoài nước). Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu để phát triển kinh tế xanh, bền vững, tuy nhiên, khái niệm và nội hàm vẫn có sự khác biệt nhất định so với kinh tế xanh. Vì vậy, cần xây dựng và thực thi các cơ chế chính sách huy động nguồn lực tài chính cho kinh tế tuần hoàn gắn với kinh tế xanh là yêu cầu quan trọng trong thời gian tới.
Chúng tôi có sáu (6) kiến nghị như sau:
- Thứ nhất, xây dựng và thực thi “văn hóa kinh tế tuần hoàn, văn hóa xanh” trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp: (i) Ban Chỉ đạo thực hiện COP26 và “Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam (CE Hub)” phối hợp xây dựng “Bộ quy tắc thay đổi hành vi” và tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh (phân biệt rõ kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh), từ đó thực hành các hành vi chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn; (ii) Đưa tiêu chí về phát triển xanh thành tiêu chí quan trọng trong thu hút đầu tư FDI, đầu tư trong nước tại các địa phương; (iii) Khuyến khích các hoạt động thu hồi, tái chế, đổi mới sáng tạo (xử lý rác thải công nghiệp; xe điện, xe tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu đầu vào từ thiên nhiên…); (iv) Nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến phát triển kinh tế tuần hoàn của các DN, địa phương, vùng, liên vùng.
- Thứ hai, hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh: (i) Ban hành và áp dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó qui định cụ thể tiêu chuẩn về môi trường, xác định lượng phát thải khí CO2 đối với từng ngành nghề lĩnh vực; (ii) Ban hành “Quy định về tài chính cho phát triển kinh tế tuần hoàn” (bao gồm các quy định, hướng dẫn về việc phát triển các công cụ nợ xanh, công cụ nợ bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế; phát triển hệ thống tổ chức định hạng tín nhiệm, chính sách hỗ trợ đối với DN vừa và nhỏ phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững);
(iv) NHNN sớm ban hành Thông tư hướng dẫn các TCTD quản lý rủi ro về môi trường (rộng hơn so với nội dung về tín dụng xanh) nhằm tăng cường quản trị tín dụng với các lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế ít carbon …theo các yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; (v) Ban hành "Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045" và kế hoạch phát triển 5 năm theo hướng phát triển chiều sâu, gia tăng hiệu quả, nâng cao vai trò kênh dẫn vốn dài hạn quan trọng cho nền kinh tế cũng như các DN phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; (vi) Nghiên cứu sửa đổi các tiêu chí của chỉ số bền vững (VNSI) trên TTCK Việt Nam, xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí bền vững theo chuẩn của SSE (các tiêu chí còn thiếu, chưa đáp ứng).
- Thứ ba, phát triển đa dạng các loại hình tài chính bền vững: (i) Xây dựng Quy trình thẩm định riêng hoặc sổ tay hướng dẫn về tín dụng đối với "kinh tế tuần hoàn" và sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho các ngành kinh tế; (ii) Tích cực tham gia đàm phán, thu hút nguồn vốn quốc tế đa dạng, vốn ODA để tài trợ cho các dự án tín dụng "kinh tế tuần hoàn", dự án xanh; (iii) Xây dựng lộ trình hỗ trợ với các DN phát triển kinh tế tuần hoàn (có thể chọn lọc một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát trển đang được ưu đãi như năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), nông nghiệp sạch, công nghệ cao; DN công nghệ thông tin, DN vừa và nhỏ…; (iv) Đánh giá nhu cầu đầu tư ESG của các quỹ đầu tư ESG khu vực và thế giới vào các DN, lĩnh vực có tiềm năng của Việt Nam; (v) Xây dựng các Quỹ tái cấp vốn, cơ chế liên kết tài trợ kinh tế tuần hoàn với lãi suất ưu đãi.
- Thứ tư, đối với doanh nghiệp: (i) Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến và tái chế sản phẩm đã qua sử dụng (nhựa, thủy tinh, bao bì nhựa, bao bì nilông…); tăng cường nguyên liệu sạch, nguyên liệu tại chỗ; (ii) Các DN niêm yết, công ty đại chúng chú trọng áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS); tăng cường các thông tin/báo cáo bằng Tiếng Anh; tích hợp các yếu tố ESG, tiêu chí xanh vào hoạt động kinh doanh nhằm nâng giá trị DN khi niêm yết, phát hành trái phiếu, trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững, được tiếp cận các khoản vay ưu đãi, bảo lãnh tín dụng của các tổ chức quốc tế; (iii) Xây dựng phương án huy động các nguồn lực tài chính khả thi cho phát triển dự án kinh tế tuần hoàn, (phương thức, quy mô, thời điểm, lãi suất, tiêu chuẩn phát hành, nhà đầu tư trong nước/quốc tế…).
- Thứ năm, hoàn thiện hệ thống cơ sở thông tin, dữ liệu về nguồn lực tài chính cho kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh: (i) Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về quy mô; các nguồn lực tài chính cho kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; tích hợp trên cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn); (ii) Tăng cường phối hợp quốc tế (ADB, IFC, Climate bonds…) và các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương trong nước trong thống kê theo chuẩn mực quốc tế với các các khoản tài chính bền vững (trái phiếu/tín dụng xanh/kinh tế tuần hoàn, trái phiếu/tín dụng liên kết bền vững, trái phiếu xã hội…).
- Cuối cùng, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực tài chính cho kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là từ các quỹ đầu tư, các thị trường tài chính quốc tế, nguồn vốn tài trợ song và đa phương, cả ưu đãi và thương mại, mới có thể huy động đủ nguồn lực cho 3 mục tiêu chính là: tăng trưởng xanh, đạt mục tiêu lượng phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và thích ứng biến đổi khí hậu như nêu trên.
- Cùng chuyên mục
340 doanh nghiệp Quảng Ninh cùng tham gia kích cầu du lịch
Chương trình kích cầu du lịch với chủ đề “Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa” sẽ được triển khai từ nay đến hết quý I năm 2025 với hàng loạt sản phẩm, dịch vụ dành cho khách du lịch được ưu đãi sâu lên đến 50%.
Sự kiện - 22/11/2024 08:00
Hà Nội hoàn thành 19 nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06
Theo Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội, đối với 19 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 tổ công tác Chính phủ giao, TP. Hà Nội hiện đã cơ bản hoàn thành 19/19 nhiệm vụ.
Sự kiện - 22/11/2024 07:30
TS. Nguyễn Đình Cung: Bốn điểm nghẽn thể chế cần tháo gỡ để thúc đẩy phát triển
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chỉ ra bốn điểm nghẽn thể chế cần khắc phục để thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.
Sự kiện - 22/11/2024 06:26
Nhiều tiện ích mới khi kết hợp VNeID và iHanoi
Một điểm nhấn rất mới, có thể coi là đột phá là việc tích hợp VNeID lên iHanoi, đó là có thể sử dụng tài khoản VNeID đăng nhập trên ứng dụng iHanoi.
Sự kiện - 21/11/2024 23:28
Đại biểu Hà Nội: Thí điểm nghị quyết, liệu có tạo ra một mặt bằng giá đất mới
Đại biểu đoàn TP. Hà Nội bày tỏ băn khoăn khi thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Sự kiện - 21/11/2024 23:25
'Một công chức nhịn ăn vài trăm năm mới mua được nhà'
Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho biết, cử tri rất quan tâm đến tình trạng giá bất động sản phi mã, người nghèo, người lao động, người thu nhập thấp, cán bộ, công chức khó có thể mua được. Người ta tính rằng, một công chức nếu không ăn gì, vài trăm năm mới mua được nhà.
Sự kiện - 21/11/2024 17:22
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ
Bộ Chính trị quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ; chưa xem xét xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.
Sự kiện - 21/11/2024 17:06
BHXH Việt Nam tổ chức nhiều hội nghị đối thoại và tôn vinh doanh nghiệp FDI
Theo Tổng Giám BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại và tôn vinh doanh nghiệp FDI nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền và kiến nghị cơ chế, chính sách tạo sự đồng thuận và gắn kết của các doanh nghiệp FDI với cơ quan BHXH trong việc thực hiện các chính sách BHXH, BHTN, BHYT của Việt Nam.
Sự kiện - 21/11/2024 16:21
Hà Nội duyệt chi hơn 48.600 tỷ phát triển xe buýt điện, năng lượng xanh
UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt kinh phí thực hiện "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố" là hơn 48.600 tỷ đồng.
Sự kiện - 21/11/2024 12:09
VAFIE tổ chức Hội thảo Góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 06
Ngày 28/11, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)/ Tạp chí Nhà đầu tư sẽ tổ chức Hội thảo "Góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 06 /2017/NĐ-CP Về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế".
Sự kiện - 21/11/2024 10:59
Đại biểu Hà Nội: Đường sắt tốc độ cao phải vận tải cả hành khách và hàng hóa
Theo đại biểu đoàn TP. Hà Nội, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải đảm nhận chức năng vận tải lưỡng dụng cả hành khách và hàng hóa, không phải chỉ vận tải hàng hóa trong trường hợp cần thiết.
Sự kiện - 21/11/2024 10:42
Bộ trưởng GTVT giải trình nội dung liên quan đến sân bay Long Thành
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã nêu rõ về tính khả thi của nguồn vốn, giao thông kết nối giữa TP.HCM và cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Sự kiện - 20/11/2024 22:56
'Làm đường sắt tốc độ cao phải làm chủ công nghệ'
Nhìn từ bài học 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM chậm tiến độ nhiều năm, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, để làm đường sắt tốc độ cao, chúng ta cần làm chủ, tránh phục thuộc vào công nghệ từ thời điểm đầu tư cho đến khi vận hành, khai thác.
Sự kiện - 20/11/2024 20:07
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu hoàn thành Công viên hồ Phùng Khoang trước Tết
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu, đến Tết Nguyên đán 2025, dự án Công viên hồ Phùng Khoang phải hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Sự kiện - 20/11/2024 17:49
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh làm Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống lãng phí
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh làm Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống lãng phí của UBND TP. Hà Nội. Ban ban chỉ đạo có nhiệm vụ ban hành, thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của TP. Hà Nội năm 2025 và các năm tiếp theo theo từng ngành, lĩnh vực của thành phố.
Sự kiện - 20/11/2024 11:11
[Gặp gỡ thứ Tư] Chính sách đãi ngộ là giải pháp đột phá thu hút người giỏi vào ngành giáo dục
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng những chính sách đãi ngộ là giải pháp đột phá để thu hút người giỏi vào ngành giáo dục, gắn bó lâu dài với sự nghiệp trồng người, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục bền vững.
Sự kiện - 20/11/2024 10:12
- Đọc nhiều
-
1
Bóng nhà chủ VNDirect đằng sau các đợt tăng vốn của CIENCO4
-
2
Tỷ phú muốn 'rót' tiền vào dự án của bà Trương Mỹ Lan là ai?
-
3
Doanh nghiệp địa ốc toan tính gì dịp cuối năm?
-
4
Khí đốt Nga ngưng bán cho Áo ngay lập tức được châu Âu mua lại
-
5
Dự án điện khí 5,4 tỷ USD ở Huế được bổ sung vào quy hoạch lưới điện 220kV
Đáng đọc
- Đáng đọc
Bộ Tài chính Mỹ: Việt Nam không thao túng tiền tệ
Thị trường - Update 6 day ago
Tỷ phú muốn 'rót' tiền vào dự án của bà Trương Mỹ Lan là ai?
Đầu tư - Update 2 day ago
Đại gia Rolls Royce Ninh Bình vừa bị khởi tố là ai?
Tài chính - Update 2 week ago
Đại gia Nguyễn Cao Trí 'thao túng' cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ ra sao?
Pháp luật - Update 2 week ago