Hoàn thiện pháp luật để tạo thuận lợi cho phát triển năng lượng quốc gia

Nhàđầutư
Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55 – NQ/TW về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
ANH TRUNG
30, Tháng 04, 2020 | 07:30

Nhàđầutư
Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55 – NQ/TW về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

1G6A1267

TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Để hiểu rõ hơn về Nghị quyết quan trọng này, Tạp chí Nhà Đầu tư đã có  cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cơ quan chủ trì xây dựng Nghị quyết. 

Xin ông cho biết vì sao Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 55 vào thời điểm hiện nay?

Trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Chính trị đã ban hành hành một số nghị quyết, kết luận quan trọng, trong đó có Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khoá X về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050” và Kết luận số 26-KL/TW, ngày 24/10/2003 của Bộ Chính trị khoá IX về “Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam”.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 18 và 15 năm thực hiện Kết luận 26, phát triển năng lượng quốc gia đòi hỏi phải có tư duy và các chủ trương, chính sách mới để phù hợp với xu thế và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, vì vậy Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các cơ quan xây dựng Đề án tổng kết các nghị quyết và kết luận trên; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương là Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án. Trên cơ sở Đề án này, ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55-NQ/TW về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Mục tiêu quan trọng nhất của việc ban hành Nghị quyết này là gì?

Là đề ra các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và các giải pháp lớn cho phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở Nghị quyết này, Đảng đoàn Quốc hội sẽ lãnh đạo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật để tạo thuận lợi cho phát triển năng lượng quốc gia; Ban cán sự đảng Chính phủ sẽ lãnh đạo xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và các chiến lược phát triển các phân ngành năng lượng, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện VIII) cho giai đoạn tới.

Nghị quyết 55 đã khẳng định cần phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng, trong đó ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Xin ông cho biết, để thực hiện định hướng chiến lược này, cần thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách nào?

Để thực hiện định hướng chiến lược này, Nghị quyết đã nêu rõ cần phải xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Theo tôi, cần thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách khuyến khích về đầu tư, về giá mua điện, tham gia đầu tư hệ thống truyền tải điện, chính sách khuyến khích các hộ tiêu thụ sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, nhất là trong công nghiệp và giao thông, chính sách khuyến khích và thúc đẩy phát triển các phương tiện giao thông sử dụng điện năng phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Bên cạnh đó, để bảo đảm nguồn lực thực hiện, cũng cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý để có thể hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ về phát triển năng lượng bền vững, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hoá. Về dài hạn, cần nghiên cứu để ban hành luật về năng lượng tái tạo.

Trước mắt, theo ông những rào cản nào cần sớm được tháo gỡ để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch?

Trước mắt, theo tôi có 2 rào cản quan trọng nhất cần được tháo gỡ là về giá mua điện mặt trời, điện gió cũng như giá các nguồn điện tái tạo khác và về sự tham gia của tư nhân trong đầu tư hệ thống truyền tải điện. Tôi được biết, sau khi Nghị quyết 55 được ban hành, ngày 6/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 13/2020QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, đây là việc làm thiết thực để cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng nhưng nhìn chung, cũng còn rất nhiều cơ chế, chính sách tiếp tục phải được thể chế hóa hoặc hoàn thiện theo tinh thần của Nghị quyết 55.

Nghị quyết 55 nhấn mạnh cần khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Vậy tới đây cần có chính sách và giải pháp gì để doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài tham gia nhiều hơn vào đầu tư phát triển năng lượng?

Một trong những điểm mới của Nghị quyết 55 là quan điểm mạnh mẽ hơn, cụ thể và toàn diện hơn về việc thu hút và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Nếu như tại Nghị quyết 18 trước đây mới đề cập quan điểm “Thúc đẩy nhanh việc xoá bao cấp, xoá độc quyền, tiến đến xoá bỏ hoàn toàn việc thực hiện chính sách xã hội thông qua giá năng lượng” thì đến Nghị quyết 55, Bộ Chính trị đã nêu rõ “Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng”. Đây là những quan điểm mới, phù hợp với tình hình thực tiễn, đánh giá đúng vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế.

Theo tôi, trong thời gian tới để doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài tham gia nhiều hơn vào đầu tư phát triển năng lượng, trước hết cần phải có chính sách mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn để đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, có cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng, minh bạch giá mua bán điện. Đồng thời, cần phải khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia, không để doanh nghiệp Nhà nước độc quyền như hiện nay. Cần thiết cho thí điểm bán có thời hạn hoặc cho thuê dài hạn đối với các nhà máy điện, kho nhiên liệu, nhà máy lọc dầu... thuộc sở hữu của doanh nghiệp năng lượng nhà nước. Bên cạnh đó, cần rà soát, hoàn thiện chính sách tài chính theo hướng khuyến khích, thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước; khuyến khích các dự án đầu tư năng lượng theo hình thức đối tác công tư (PPP); có chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp năng lượng tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án năng lượng xanh; hoàn thiện các chính sách về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, sử dụng mặt nước để khuyến khích và tạo điều kiện cho phát triển năng lượng.

Nghị quyết xác định, cần “xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”. Xin ông cắt nghĩa cụ thể về nội dung này, đối chiếu với thực tiễn hiện nay, chúng ta phải làm gì để giá năng lượng thực sự do thị trường quyết định?

Thực tế trong thời gian qua giá năng lượng chưa thực sự do thị trường quyết định do việc hình thành thị trường điện triển khai còn chậm, còn nhiều vướng mắc, chưa thực sự cung cấp tín hiệu khách quan cho các nhà đầu tư cũng như người sử dụng. Chính sách giá năng lượng còn một số bất cập, còn trợ giá than cho sản xuất điện, giá khí cho sản xuất đạm, giá điện cho một số hộ tiêu thụ. Vì vậy, để thực hiện chủ trương đã nêu trong Nghị quyết 55 “xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”, chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành xây dựng thị trường điện cạnh tranh; chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế về cơ chế mua bán điện, cơ chế đấu thầu, đấu giá năng lượng; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp.

Xin ông cho biết đâu là những việc cấp bách cần triển khai ngay trong năm 2020 để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống?

Trong năm 2020, việc cấp bách cần triển khai ngay là xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai thực hiện Nghị quyết 55, trong đó cần phân công cụ thể nhiệm vụ của các ngành, các cấp kèm theo các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện. Trong năm nay, cần ưu tiên tập trung chỉ đạo xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia cho giai đoạn tới (Quy hoạch Điện VIII); đẩy nhanh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực sự là đột phá cho phát triển năng lượng tái tạo và LNG; xử lý kịp thời các dự án điện chậm tiến độ hoặc đang khó khăn do hệ thống truyền tải điện; ban hành chính sách thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển năng lượng, kể cả trong đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện. Năm 2020 cũng là năm đất nước nói chung và ngành năng lượng chịu tác động kép của đại dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu, do đó yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết 55 để khơi thông nguồn lực cho phát triển ngành năng lượng nhanh và bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ